Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Quận 11, ngày 09 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH GIA SÚC, GIA CẦM VÀ KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỐC THÚ Y TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN NĂM 2018

Căn cứ:

- Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/01/2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố về đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố;

- Công văn số 583/UBND-KT ngày 09/02/2017 của UBND/TP về tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn Thành phố;

- Công văn 926/UBND-KT ngày 24/02/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố;

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tiếp tục ngăn chặn tình trạng vận chuyển, chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật không đúng quy định trên địa bàn quận; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội,

Ủy ban nhân dân quận 11 xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn quận năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; sản xuất kinh doanh thuốc thú y và chế phẩm sinh học về thú y.

- Đảm bảo an toàn dịch tễ đối với gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

2. Yêu cầu

- Qua thực hiện kiểm tra, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ và tự giác chấp hành đúng các quy định của nhà nước liên quan phòng chống, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kinh doanh thuốc thú y và chế phẩm sinh học về thú y.

- Cộng đồng dân cư tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm giảm thiểu dần tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN:

1. Công tác tuyên truyền:

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để người dân nhận thức đầy đủ về tác hại của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nhằm chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Treo băng-rôn, phát tờ bướm phát cho người kinh doanh và người tiêu dùng tại khu vực tập trung dân cư, chợ truyền thống và các điểm tập trung kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

- Thường xuyên đăng tải thông tin trên Bản tin, website của quận 11.

2. Công tác kiểm tra, xử lý:

- Kiểm tra vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm tại các chợ, chú trọng tại các điểm kinh doanh tự phát về điều kiện hoạt động, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn 16 phường. Tăng cường phối hợp với UBND các phường kiểm tra xử lý các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phát sinh.

- Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và chế phẩm sinh học về thú y, các cơ sở hoạt động điều trị động vật.

- Xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch gia súc, gia cầm đạt hiệu quả; các phòng ban, đơn vị, Ủy ban nhân dân 16 phường cần thực hiện các nội dung sau :

1. Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận 3, 10, 11:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận ban hành Quyết định kiện toàn Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra trong công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và thuốc thú y trên địa bàn quận năm 2018.

Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các thành phần sau:

- Đại diện lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y - Trưởng đoàn.

- Đại diện lãnh đạo Đội Quản lý thị trường quận - Phó Trưởng đoàn.

- Đại diện Phòng Y tế - Thành viên.

- Đại diện Phòng Kinh tế - Thành viên.

- Đại diện Công an quận - Thành viên.

- Đại diện Đội 5- Ban Quản lý ATTP - thành viên.

- Đại diện UBND 16 Phường - Thành viên.

- Chủ trì phối hợp Ủy ban nhân dân 16 phường, Ban quản lý chợ phát tờ bướm tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và chế phẩm sinh học thú y; các cơ sở dịch vụ điều trị động vật trên địa bàn quận.

- Thực hiện tiêm phòng, kiểm soát tình hình dịch tễ trên vật nuôi.

- Thực hiện lấy mẫu giám sát virus Cúm gia cầm trên địa bàn, có biện pháp phối hợp nhanh với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế trong công tác phòng, chống dịch khi phát hiện dấu hiệu, nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

- Chủ trì xử lý các trường hợp vi phạm trong quá trình kiểm tra.

2. Đội Quản lý thị trường quận:

- Phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra, đề xuất và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm; chủ động phát hiện nơi sản xuất, tàng trữ đầu mối hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ theo thẩm quyền.

3. Phòng Y tế:

- Chủ động duy trì hoạt động của Đoàn Kiểm tra liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng tần suất kiểm tra các sản phẩm động vật nói chung, đặc biệt lưu ý sản phẩm gia cầm, thủy cầm. Tập trung kiểm tra các bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn, quán ăn, nhà hàng, quầy sạp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ; lưu ý các trường hợp vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

- Phối hợp Phòng Kinh tế, Trung tâm Y tế tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền cho cá nhân, tổ chức chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh gia súc, gia cầm về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận, Trung tâm Y tế trong công tác phòng, chống dịch khi phát hiện dấu hiệu, nguy cơ dịch bệnh xảy ra.

4. Phòng Kinh tế:

- Phối hợp cùng Đoàn Kiểm tra liên ngành của quận tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định trong địa bàn dân cư và các chợ. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về kinh doanh theo quy định.

- Tuyên truyền vận động những hộ cá thể có nhu cầu kinh doanh các sản phẩm từ gia cầm chấp hành nghiêm quy định như: giấy phép kinh doanh, trang bị tủ bảo ôn, kinh doanh sản phẩm gia cầm đã qua kiếm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng đèn có ánh sáng trắng trong kinh doanh.

5. Công an quận:

- Phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, ngăn chặn việc buôn bán, nhập lậu gia súc, gia cầm, thủy cầm...không rõ nguồn gốc trên địa bàn quận.

- Giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xử lý các vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

6. Trung tâm Y tế quận:

- Tăng cường phổ biến tuyên truyền, giáo dục vận động người dân thực hiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch trước khi ăn, sử dụng nước sạch.

- Kiểm tra giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm chế biến, kinh doanh sản phẩm động vật, kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, trường học.

- Đề cử nhân sự tham gia Đoàn kiểm tra.

7. Trung tâm Văn hóa:

- Thực hiện công tác truyền thông, đưa tin về diễn biến của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (nếu có) để nhân dân cảnh giác phòng ngừa trên tin bản quận, Website quận.

- Trung tâm văn hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân 16 phường tổ chức phát thanh tuyên truyền, thực hiện các băng-rôn treo tại khu dân cư, điểm tập trung kinh doanh.

8. Phòng Tài chính Kế hoạch:

- Có trách nhiệm theo dõi lập dự toán, hướng dẫn các đơn vị quyết toán kinh phí tổ chức công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm theo quy định.

9. Ban quản lý các chợ:

- Phối hợp Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tiểu thương và người tiêu dùng tại chợ.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm tình hình kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, sản phẩm gia cầm không nhãn mác, bao bì. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp lén lút đưa sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào các quầy sạp tại các chợ tiêu thụ.

- Bên cạnh đó, cần tuyên tuyền, vận động các hộ tiểu thương kinh doanh thịt gia súc, gia cầm nên trang bị các tủ bảo ôn để bảo quản thực phẩm, không sử dụng đèn chiếu sáng màu vàng dễ gây nhầm lẫn trong việc lựa chọn của người tiêu dùng.

10. Đề nghị Đội 5 - Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố:

- Phối hợp cùng Đoàn Kiểm tra liên ngành của quận tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không đúng quy định trong địa bàn dân cư và các chợ.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quận:

- Vận động, tuyên truyền Hội viên, Đoàn viên không nuôi và buôn bán trái phép gia súc, gia cầm trên địa bàn; đồng thời phát hiện và báo ngay với Ủy ban nhân dân phường để xử lý kiên quyết các trường hợp chăn nuôi, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không đúng quy định.

12. Ủy ban nhân dân 16 phường:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn 16 phường.

- Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm Chỉ thị số 02/2015/CT-UBND ngày 09 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân hiểu rõ tác hại của các loại dịch bệnh, kiên quyết không tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch. Đồng thời, vận động người dân không nuôi nhốt gia cầm, chim cảnh các loại trên địa bàn, kiên quyết tịch thu tiêu hủy đối với những trường hợp không chấp hành dù đã được nhắc nhở nhiều lần.

- Tập trung rà soát việc chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ và chăn nuôi gà đá trên địa bàn phường và các khu vực giáp ranh giữa các phường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường chủ động chỉ đạo Công an, Trật tự đô thị.... phối hợp chặt chẽ trong công tác xử lý dứt điểm tình trạng kinh doanh gia cầm sống, chăn nuôi gia cầm nhất là gà đá, gà kiểng trái phép.

- Tích cực phát hiện và xử lý triệt để tình hình vận chuyển, kinh doanh động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đúng quy định; tình trạng giết gia cầm trái phép; tình hình kinh doanh gia cầm sống trên địa bàn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận nếu còn để tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học, chăn nuôi gà đá, gà kiểng, chim yến, kinh doanh gia cầm sống và giết mổ trái phép gia cầm tại địa bàn của mình.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn quận năm 2018; đề nghị các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận./.

 


Nơi nhận:
- TTQU, TT.HĐND quận;
- UBND quận (CT, các PCT);
- BCĐ phòng, chống dịch bệnh quận;
- Thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành quận;
- UBMTTQ và các đoàn thể;
- Trạm Chăn nuôi và Thú y;
- BQL các chợ;
- Ủy ban nhân dân 16 phường;
- Đội 5- Ban Quản lý ATTP
- VP HĐND&UBND quận (C,PVP/th, NCTH/kt);
- Lưu.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Quốc Cương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 72/KH-UBND về triển khai công tác phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh năm 2018

  • Số hiệu: 72/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 09/04/2018
  • Nơi ban hành: Quận 11
  • Người ký: Trương Quốc Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản