Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC AN TOÀN THỰC PHẨM THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2024

Căn cứ Kế hoạch số 319/KH-UBND ngày 26/12/2023 của UBND Thành phố về công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2024; nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch tuyên truyền công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2024, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP đối với việc bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố.

- Huy động sự tham gia phối hợp các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn Thành phố trong tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia vào các hoạt động bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP.

2. Yêu cầu

- Tuyên truyền kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Chú trọng tuyên truyền trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…

- Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, sáng tạo, linh hoạt, căn cứ đặc điểm, tình hình thực tế trên địa bàn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

- Tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác an toàn thực phẩm; nội dung Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; nội dung Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành uỷ Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội” và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố.

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng Thành phố nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP.

- Tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP và công tác triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn Thành phố. Kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây mất ATTP; thông tin công khai và đấu tranh với các hành vi vi phạm ATTP. Tập trung tuyên truyền trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…

- Tuyên truyền các tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm bảo ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; đồng thời, có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

2. Hình thức tuyên truyền

2.1. Tuyên truyền trên báo chí

- Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí thông qua: Thông tin báo chí, báo cáo, văn bản phối hợp tuyên truyền, thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế; họp báo (trong trường hợp cần thiết)…

- Các cơ quan báo chí chủ động thông tin công tác quản lý và triển khai đảm bảo ATTP; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền (tin, bài, phóng sự, megastory, video clip…) về việc đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố.

2.2. Tuyên truyền trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã

Đăng tin, bài thông tin đầy đủ, kịp thời trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội; Cổng/Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã về các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, các hoạt động triển khai trên địa bàn; thông tin, giới thiệu các mô hình, điển hình triển khai tốt công tác đảm bảo ATTP.

2.3. Tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở

Tuyên truyền thông qua các loại hình thông tin cơ sở (đài truyền thanh, tuyên truyền viên và báo cáo viên thông tin cơ sở, bảng tin công cộng, bảng tin điện tử, tờ rời, tài liệu thông tin cơ sở...) về công tác an toàn thực phẩm của địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong quá trình triển khai thực hiện.

2.4. Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

Đăng tải thông tin kịp thời về hoạt động triển khai của các cấp, ngành Thành phố; lan toả những thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác đảm bảo ATTP của Thành phố trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội Zalo, Facebook, Lotus…

2.5. Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền cổ động trực quan

- Tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm… về các quy định, kiến thức và kỹ năng thực hành về ATTP.

- Tuyên truyền cổ động trực quan bằng các hình thức pa nô, tranh cổ động, băng rôn… truyền tải các thông điệp ATTP tại các lễ hội, điểm tập trung đông người, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai tuyên truyền về công tác đảm bảo ATTP trên báo chí Thành phố, báo chí Trung ương và địa phương phối hợp, hệ thống thông tin cơ sở. Chú trọng thông tin, tuyên truyền trong Tháng hành động về ATTP, dịp Tết và mùa lễ hội năm 2024 trên các ấn phẩm, phương tiện truyền thông của các cơ quan báo chí có số lượng độc giả, khán giả, thính giả lớn, hiệu ứng truyền thông cao.

- Đăng tải thông tin kịp thời về hoạt động triển khai của các cấp, ngành Thành phố; lan toả những thông tin tích cực, gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác đảm bảo ATTP của Thành phố trên trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội Zalo, Facebook, Lotus…

2. Sở Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP Thành phố)

- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan cung cấp thông tin cho báo chí về các hoạt động triển khai, kết quả trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố. Định kỳ theo quý, đột xuất hoặc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Thành phố, Sở Y tế có báo cáo tình hình công tác triển khai để gửi Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền; đồng thời chủ động, kịp thời cập nhật thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của đơn vị.

- Chủ trì cung cấp nội dung tuyên truyền (theo mục II.1), gửi Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, các sở, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã để đăng tải, cập nhật trên các kênh thông tin (theo mục II.2).

- Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí và các hội đoàn thể trong Ban chỉ đạo công tác ATTP Thành phố nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật về ATTP, đưa tin bài ảnh phóng sự về thực trạng ATTP trên địa bàn Thành phố.

3. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy

Chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí; chỉ đạo thông tin kịp thời, phù hợp trong hệ thống Tuyên giáo, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố; đăng tải tin, bài trên Trang Thông tin điện tử Đảng bộ Thành phố, Bản tin “Thông tin nội bộ”, “Sổ tay đảng viên điện tử” thông tin, tuyên truyền công tác triển khai đảm bảo ATTP trên địa bàn Thành phố.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các Hội, đoàn thể Thành phố

Phối hợp các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ATTP; phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhằm thúc đẩy việc hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trong cộng đồng.

5. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã, các cơ quan báo chí và các hội đoàn thể trong Ban chỉ đạo công tác ATTP Thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật về ATTP, đưa tin bài ảnh phóng sự về thực trạng ATTP trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho cán bộ quản lý ATTP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách về chất lượng, ATTP, quảng bá sản phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn trên địa bàn Thành phố. Biên tập, phát hành ấn phẩm Bản tin quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp.

- Tăng cường phối hợp các cơ quan báo chí và các hội đoàn thể trong Ban chỉ đạo công tác ATTP Thành phố nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, chính sách, các quy định pháp luật về ATTP, đưa tin bài ảnh phóng sự về thực trạng ATTP trên địa bàn Thành phố.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP trong trường học, huy động giáo viên và phụ huynh, học sinh tham gia tích cực vào công tác bảo đảm ATTP.

8. Sở Văn hóa và Thể thao

Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền cổ động trực quan nhằm truyền tải các thông điệp ATTP tại các lễ hội, các hoạt động văn hóa tập trung đông người, tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

9. Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch. Chủ động cung cấp thông tin về công tác triển khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.

- UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền công tác triển khai đảm bảo ATTP trong các nhóm dân cư, phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố (mạng xã hội, loa nội bộ, bảng tin công cộng...); vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ATTP; thông tin gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn mình quản lý.

10. Các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội

Các cơ quan báo chí chủ động thông tin công tác quản lý, triển khai đảm bảo ATTP; về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm; ghi nhận, phản ánh công tác xử lý các hành vi vi phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm. Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền (tin, bài, phóng sự, megastory, video clip…) về việc đảm bảo ATTP, đặc biệt trong Tháng hành động về ATTP, dịp Tết và mùa lễ hội năm 2024.

UBND Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch này và báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- Sở Y tế (cơ quan thường trực BCĐ ATTP TP);
- Các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố;
- Các cơ quan báo chí Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng: KGVX, KT, KTN, TH;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Thu Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 71/KH-UBND tuyên truyền công tác An toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2024

  • Số hiệu: 71/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 28/02/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Thu Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản