Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 27 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025; trên cơ sở đề xuất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 47/TTr-SLĐTBXH ngày 20/4/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Đánh giá kết quả thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 01/6/2018 thực hiện Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là CLB). Qua 03 năm triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh (tính đến tháng 12/2020) kết quả đã đạt được như sau:

- Toàn tỉnh có 10 CLB/06 huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định thành lập, trong đó có 07 CLB ra mắt đi vào hoạt động, 03 CLB có Quyết định thành lập nhưng chưa tổ chức ra mắt hoạt động. 07 CLB đã hoạt động cụ thể như sau: CLB thôn Liên Trì Tây thuộc xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn; CLB Liên thôn Cộng Hòa 1, Cộng Hòa 2, Thống nhất, Độc Lập thuộc xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi; CLB Liên khu dân cư số 8 thôn Tân An, Khu dân cư số 9 thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; CLB Thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa; CLB Tổ dân phố 1, Thị trấn Mộ Đức, huyện Mộ Đức; CLB Liên thôn Vĩnh Bình, phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ; CLB tổ dân phố 4 và tổ dân phố 5, phường Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ. 07 CLB có 413 thành viên, trong đó 70% là người cao tuổi (gọi tắt là NCT), 124 thành viên là người thấp tuổi chiếm 30%; 70% là phụ nữ - 289 thành viên; 65% là người cao tuổi nghèo, cận nghèo - 268 thành viên; người khá giả hơn trong CLB chiếm 35% - 144 thành viên. Bình quân mỗi CLB thu hút 59 thành viên tham gia, trong đó 41 thành viên là người cao tuổi. 07 Ban Chủ nhiệm được thành lập có 35 thành viên, đã xây dựng được 36 tổ thực hiện 08 mãng công việc; có 04/07 CLB huy động vốn ban đầu (huy động từ nội lực các thành viên đóng góp) với số tiền 238.500.000 đồng, trong đó thành viên tự đóng góp 218.500.000 đồng và huy động từ Quỹ chăm sóc 20.000.000 đồng.

- Đây là mô hình CLB thiết thực, hiệu quả, phù hợp với hoạt động của NCT và điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, góp phần thích ứng với già hóa dân số, là mô hình CLB chặt chẽ về tổ chức, phong phú về nội dung, là sân chơi bổ ích cho NCT, giúp NCT tăng thu nhập, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết cộng đồng, thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với NCT ở địa phương.

- Hoạt động của các CLB đã góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội NCT, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao trình độ, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ Hội NCT, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác của NCT về chăm sóc phát huy vai trò NCT.

- CLB liên thế hệ tự giúp nhau là CLB của cộng đồng dân cư các thôn, tổ, khu dân cư. Mặc dù, giao cho Hội Người cao tuổi đứng ra vận động thành lập, nhưng thành viên của CLB lại của nhiều tổ chức đoàn thể khác nhau (phụ nữ, Cựu Chiến binh, Nông dân, Đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện viên...) do đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa các tổ chức đoàn thể ở cơ sở.

Tuy nhiên việc xây dựng và nhân rộng mô hình CLB cũng còn một số khó khăn, hạn chế như:

Số lượng CLB được xây dựng và nhân rộng còn hạn chế, mới dừng lại ở thành phố, thị xã và 04 huyện đồng bằng, các CLB được thành lập chưa có nguồn hỗ trợ quỹ tăng thu nhập ban đầu từ ngân sách mà chủ yếu là vận động sự đóng góp của các thành viên trong CLB; thành viên tham gia CLB là người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn..., nhưng chưa có sự hỗ trợ của cơ quan, đoàn thể; sự chung sức của các Sở, ngành, Mặt trận, đoàn thể với NCT để xây dựng CLB; thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương, nhất là công tác tuyên truyền, tập huấn, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, giám sát, đánh giá hoạt động của CLB. Một số địa phương chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để xây dựng và nhân rông mô hình CLB. Chưa có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi trong các hoạt động kiểm tra, đánh giá và giám sát.

Từ những kết quả đạt được nêu trên, việc tiếp tục duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 07 CLB đã thành lập trong giai đoạn 2018-2020 và tiếp tục nhân rộng mô hình CLB đến năm 2025 theo Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ là thực sự cần thiết.

II. Kế hoạch thực hiện từ nay đến năm 2025

1. Mục tiêu

- Tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên cơ sở phát huy hiệu quả các Câu lạc bộ đã được thành lập giai đoạn 2018 - 2020; huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng để thực hiện hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Góp phần thực hiện Chương trình Hành động của Chính phủ theo Nghị quyết số: 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi.

2. Chỉ tiêu

a) Chỉ tiêu về số lượng:

- Đến năm 2025, phấn đấu thành lập mới ít nhất 76 CLB (bình quân mỗi năm khoảng 19 CLB), thu hút 3.800 thành viên. Cụ thể: 50% xã, phường, thị trấn thuộc huyện đồng bằng, thị xã, thành phố có ít nhất 01 CLB (khoảng 56 CLB); 30% xã, thị trấn các huyện miền núi, hải đảo có ít nhất 01 CLB (khoảng 20 CLB).

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý 100% CLB đã thành lập trong giai đoạn 2018-2020 và các CLB mới được thành lập.

b) Chỉ tiêu về chất lượng

- 100% CLB có Quỹ để tăng thu nhập và Quỹ hoạt động do CLB tự quản lý theo Quy chế do CLB ban hành.

- Có ít nhất 70% CLB thực hiện đủ 08 hoạt động chính và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn tăng thu nhập, mọi thành viên CLB được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi.

- 100% CLB được tập huấn và giám sát theo quy chế.

III. Phạm vi, đối tượng

1. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai thực hiện tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng: Người cao tuổi và gia đình của Người cao tuổi, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng. Đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

IV. Nội dung hoạt động và các giải pháp thực hiện

1. Lập kế hoạch, triển khai thực hiện

- Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cụ thể (chỉ tiêu, nội dung hoạt động, tài chính, phân công trách nhiệm...) theo từng năm, hướng dẫn thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch đến chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội người cao tuổi các cấp.

2. Tập huấn kỹ thuật, tài liệu để nâng cao nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện Đề án

- Cập nhật, xây dựng bộ tài liệu về nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động; sổ sách quản lý CLB và tài liệu tuyên truyền, tập huấn về CLB.

- Tổ chức các lớp tập huấn lần đầu cho Ban Chủ nhiệm CLB mới và cán bộ liên quan cấp xã, phường, thị trấn; tập huấn bổ sung cho Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm các CLB được bổ sung, thay thế.

- Tập huấn bổ sung 6 tháng sau khi đi vào hoạt động để đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung kỹ năng tổ chức hoạt động CLB cho Ban Chủ nhiệm CLB.

- Tập huấn giảng viên, tạo nguồn giảng viên (cán bộ phụ trách, cán bộ Hội Người cao tuổi và liên quan) để các địa phương tự tập huấn nhân rộng CLB.

- Định kỳ tổ chức giao ban để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm.

3. Xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động của CLB liên thế hệ tự giúp nhau

- Xây dựng mới CLB; duy trì, kiện toàn các CLB đã thành lập, đảm bảo chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.

- Các CLB được thành lập tự quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động: tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; tự giúp nhau hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền, lợi ích; truyền thông, thể thao, văn hóa, văn nghệ; vận động nguồn lực. Chú ý vận động nguồn lực phát triển hai loại quỹ của CLB làm cơ sở duy trì và phát triển CLB.

- Tổ chức thăm quan mô hình, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, các CLB nhằm nâng cao hiệu quả Kế hoạch.

- Tổ chức giám sát, đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật bổ sung cho CLB, đảm bảo chất lượng hoạt động và chỉ tiêu Kế hoạch.

4. Truyền thông nâng cao nhận thức

- Tăng cường các hình thức tuyên truyền về Kế hoạch; về ý nghĩa, vai trò, hiệu quả hoạt động của CLB trong việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, những lợi ích mà mô hình CLB đã mang lại cho người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng, nhất là người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, góp phần nâng cao nhận thức các cấp chính quyền và cộng đồng về già hóa dân số và ứng phó với già hóa dân số.

- Xây dựng tài liệu truyền thông về Kế hoạch, CLB hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.

5. Huy động nguồn lực tham gia nhân rộng và duy trì hoạt động của CLB

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ hàng năm để nhân rộng mô hình câu lạc bộ theo chỉ tiêu Kế hoạch, trên cơ sở đó, huy động các nguồn kinh phí khác tham gia nhân rộng mô hình CLB.

- Huy động nguồn lực từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp xây dựng và hỗ trợ hoạt động của CLB.

- Chính quyền địa phương, Hội người cao tuổi các cấp huy động nguồn lực từ các quỹ xã hội, chương trình, dự án, vận động xã hội hóa; tạo điều kiện cho CLB vận động nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động của CLB.

6. Vận động nguồn lực quốc tế

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan vận động nguồn lực về kỹ thuật và kinh phí từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thực hiện Kế hoạch.

7. Sơ kết, tổng kết đánh giá

Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm, sơ kết định kỳ 02 năm và tổng kết khi hết giai đoạn của Kế hoạch.

V. Kinh phí thực hiện

1. Ngân sách cấp tỉnh

Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện các hoạt động: Hướng dẫn thực hiện kế hoạch; tập huấn ban đầu cho các địa phương; xây dựng tài liệu hướng dẫn; tuyên truyền; kiểm tra giám sát việc xây dựng; nhân rộng mô hình; sơ kết; tổng kết kế hoạch theo quy định.

2. Huy động nguồn lực hợp pháp từ các nguồn xã hội hóa theo quy định của pháp luật

Đẩy mạnh huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa để xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ; vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ tham gia Kế hoạch thực hiện Đề án; lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án khác tại địa phương để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án và chăm sóc người cao tuổi.

3. Huy động đóng góp từ các nguồn Quỹ tại địa phương, từ Hội người cao tuổi các cấp, hội viên người cao tuổi, cộng đồng và thành viên CLB theo quy định hiện hành

- Chính quyền các cấp hướng dẫn, tạo cơ chế huy động nguồn lực từ nguồn quỹ an sinh xã hội; Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Quỹ tín dụng và các nguồn quỹ khác ở các cấp để hỗ trợ nguồn quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho các CLB.

- Huy động sự đóng góp của các thành viên CLB, Hội người cao tuổi, cá nhân và cộng đồng, hỗ trợ quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho CLB.

4. Vận động nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức quốc tế:

Huy động nguồn lực viện trợ, tài trợ hợp pháp từ các tổ chức quốc tế và nước ngoài theo quy định của pháp luật (nếu có).

VI. Tổ chức thực hiện

1. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch và kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch hàng năm;

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp các cấp tổ chức vận động nguồn lực, kết hợp sử dụng các nguồn quỹ hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch;

- Tập huấn ban đầu và tập huấn bổ sung sau 6 tháng cho thành viên Ban Chủ nhiệm CLB, biên soạn tài liệu, kế hoạch liên quan đến xây dựng Kế hoạch giúp các CLB có thể tự theo dõi, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch và chất lượng hoạt động của CLB.

- Theo dõi, giám sát đánh giá và đề xuất những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn triển khai thực hiện Kế hoạch, theo dõi giám sát đánh giá hoạt động của các CLB; tổ chức sơ, tổng kết, tổng hợp báo cáo định kỳ về Cơ quan thường trực Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện, hướng dẫn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã phối hợp với Hội người cao tuổi thực hiện Kế hoạch; triển khai lồng ghép vào các chương trình, dự án có liên quan để hỗ trợ tạo điều kiện cho các CLB hoạt động; phối hợp Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh và Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan vận động và khai thác các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài địa phương.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng, tình hình triển khai thực hiện các chính sách phát huy vai trò người cao tuổi, kết quả thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng, năm theo quy định. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh những vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Tổ chức sơ kết, đánh giá, khen thưởng việc nhân rộng mô hình CLB tại các huyện, thị xã, thành phố.

3. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán do sở, ban, ngành và Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh lập để thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch này; thẩm định dự toán, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về mô hình hoạt động CLB liên thế hệ tự giúp nhau nhằm phát huy nguồn lực để triển khai và nhân rộng mô hình.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ cho các CLB tham gia các hoạt động khuyến nông và hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt tạo việc làm thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

6. Sở Y tế: Chỉ đạo Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, truyền thông, phổ biến kiến thức về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người cao tuổi; hỗ trợ kỹ thuật thành lập đội ngũ tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ tập huấn tình nguyện viên của CLB về kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống những bệnh liên quan về tuổi già.

7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, thể thao, thể dục dưỡng sinh phù hợp với người cao tuổi tại các CLB trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành vận động các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương.

9. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan vận động các nguồn hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các nhà tài trợ nước ngoài, phối hợp hỗ trợ Ban đại diện Hội người cao tuổi tỉnh triển khai và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau khi có nguồn tài trợ của nước ngoài.

10. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Vận động nguồn lực hỗ trợ cho các CLB; đồng thời vận động các hội viên có điều kiện kinh tế tình nguyện tham gia các CLB để hỗ trợ giúp đỡ người cao tuổi nghèo, cô đơn.

11. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn về nhân rộng mô hình CLB của địa phương. Phối hợp với Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh triển khai Kế hoạch tại địa phương.

- Chỉ đạo Ban Đại diện Hội người cao tuổi cùng cấp tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thành lập mới, duy trì và kiện toàn CLB; tổ chức tập huấn; quản lý, giám sát; tuyên truyền về công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại địa phương để tạo sức lan tỏa ý nghĩa của CLB, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

- Hằng năm bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên theo phân cấp nhà nước hiện hành, chú trọng đến cấp xã trong khả năng cân đối của ngân sách huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các câu lạc bộ thành lập mới trên địa bàn để lập quỹ tăng thu nhập ban đầu cũng như kinh phí để thực hiện nhân rộng mô hình CLB hiệu quả.

- Hướng dẫn Ban Đại diện Hội người cao tuổi cấp huyện, cấp xã sử dụng: Quỹ an sinh xã hội, Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi… đồng thời huy động nguồn lực từ xã hội hóa tại địa phương để tổ chức triển khai Kế hoạch hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát việc triển khai hoạt động của các CLB tại địa phương mình, định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả về Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh tổng hợp báo cáo cơ quan thường trực Ban Công tác người cao tuổi (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi.

VII. Chế độ thông tin, báo cáo

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ 6 tháng vào ngày 15/6, hàng năm vào ngày 15/12, các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả hoạt động của mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau về Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh để tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi./.

 


Nơi nhận:
- TW Hội Người cao tuổi VN (b/cáo);
- Bộ Lao động - TB&XH (b/cáo);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh; các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP, NC, KGVX, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXbthm203

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Phước Hiền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025

  • Số hiệu: 70/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Phước Hiền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản