Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 03 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH VÀ UBND CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ NĂM 2018

Thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 13/CTr-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ; Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 04/7/2016 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố năm 2018 (gọi tắt là DDCI 2018) với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao trách nhiệm, hiệu quả vục vụ người dân và doanh nghiệp; nắm bắt cơ hội cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 làm cơ sở và chương trình hành động thúc đẩy cải cách chất lượng điều hành kinh tế các cấp, ngành và địa bàn trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trên cơ sở kết quả DDCI 2017 nghiên cứu giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.

- Tiếp tục tạo sự phấn đấu thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; qua đó nâng cao sự tin tưởng, quan tâm và đồng tình ủng hộ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Hình thành cơ sở dữ liệu khoa học, khách quan nhiều năm về chất lượng điều hành kinh tế cấp sở, ngành và huyện nhằm đẩy mạnh công tác chẩn đoán và cải cách cơ sở.

- Lan tỏa động lực cạnh tranh và cải cách tới cấp cơ sở để từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, phân tích kết quả DDCI 2017 và công tác chuẩn bị kỹ thuật cho DDCI 2018 là điểm nhấn quan trọng trong nỗ lực triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ và quyết tâm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh theo năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Yêu cầu

- Tổ công tác phối hợp với đơn vị tư vấn tiến hành phân tích, tập huấn hướng dẫn một số đơn vị đã tham gia thí điểm DDCI năm 2017 nhằm lập kế hoạch cải thiện các chỉ số thành phần trụ cột có ý nghĩa với chất lượng điều hành kinh tế của đơn vị và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

- Rà soát và chuẩn hóa hệ thống chỉ số, tiêu chí đánh giá DDCI 2018 dựa trên DDCI 2017 và các chỉ số thành phần chủ đạo của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ đó áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh và có sự tham vấn của chuyên gia cải cách và PCI trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.

- Việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính; phản ánh khách quan tình hình hoạt động cũng như những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch; đồng thời là căn cứ để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của nhà đầu tư, doanh nghiệp; từ đó các đơn vị chủ động đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả; tiếp tục phát huy những mặt đã làm được và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hướng tới nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.

- Kết quả khảo sát, điều tra là căn cứ quan trọng để xem xét, so sánh chất lượng điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2018 và những năm tiếp theo.

II. NỘI DUNG

1. Hoạt động tuyên truyền và tập huấn kết quả DDCI năm 2017

- Tổ công tác và nhóm chuyên gia lập kế hoạch triển khai chương trình tập huấn trình bày các kết quả phân tích DDCI 2017 và khuyến nghị cải cách với các đơn vị trọng điểm của tỉnh (dự kiến tập trung nhóm đơn vị xếp đầu và xếp cuối bảng xếp hạng cũng như một số đơn vị chịu trách nhiệm về các chỉ số thành phần PCI).

- Tập huấn và chuyển giao cơ sở dữ liệu phân tích cho các đơn vị theo kế hoạch do Sở Kế hoạch và Đầu tư điều phối với mục tiêu làm rõ những chỉ tiêu cần cải cách, lượng hóa các mục tiêu phấn đấu của các đơn vị trong năm 2018.

2. Phạm vi khảo sát DDCI 2018

- Các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.

- Số lượng dự kiến: Khoảng 1.100 đến 1.500 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Lựa chọn thêm phân nhóm các doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2018.

3. Đối tượng khảo sát DDCI 2018

Gồm 32 đơn vị (21 đơn vị sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thành phố) trong tỉnh:

- Sở, ban, ngành: (1)Kế hoạch và Đầu tư, (2)Xây dựng, (3)Công Thương, (4)Tài nguyên và Môi trường, (5)Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (6)Giao thông vận tải, (7)Lao động - Thương binh và Xã hội, (8)Thông tin và Truyền thông, (9)Tư pháp, (10)Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, (11)Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, (12)Cục Thuế, (13)Cục Hải quan, (14)Công an tỉnh, (15)Thanh tra tỉnh, (16)Tài chính, (17)Văn hóa, thể thao và Du lịch, (18)Giáo dục và đào tạo, (19) Y tế, (20) Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn, (21)Khoa học và Công nghệ.

- UBND huyện, thành phố: (1)Thành phố Lạng Sơn, (2)Hữu Lũng, (3)Chi Lăng, (4)Cao Lộc, (5)Lộc Bình, (6)Văn Lãng, (7)Bình Gia, (8)Đình Lập, (9)Tràng Định, (10)Văn Quan, (11)Bắc Sơn.

4. Nội dung khảo sát, điều tra lấy ý kiến và phương án tính điểm xếp hạng

a) Các chỉ số thành phần của DDCI 2018 gồm: 8 chỉ số thành phần

- Tính minh bạch và tiếp cận thông tin;

- Chi phí thời gian;

- Chi phí không chính thức;

- Cạnh tranh bình đẳng;

- Hỗ trợ doanh nghiệp;

- Thiết chế pháp lý;

- Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố;

- Tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất.

b) Sử dụng câu hỏi mở để tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể từ đó có thêm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách của tỉnh, cải thiện quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tinh thần, thái độ của các cấp chính quyền thuộc tỉnh nhằm nâng cao chất lượng điều hành, góp phần xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

c) Phương án tính điểm xếp hạng DDCI

Nhằm đảm bảo tính so sánh giữa DDCI 2017 và DDCI 2018, phương án tính điểm xếp hạng DDCI 2018 cơ bản tương tự cách tiếp cận của 2017, có nghiên cứu cân nhắc đưa thêm tiêu chí dữ liệu cứng của các huyện, thành phố vào tính điểm xếp hạng nhằm cân đối quy mô và tính phức tạp của công tác điều hành kinh tế của các huyện, thành phố.

5. Phương pháp khảo sát

Điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp hiệu quả, bao gồm:

- Khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện;

- Khảo sát trực tuyến trên hòm thư trực tuyến của nhóm nghiên cứu độc lập;

- Khảo sát trực tiếp tại các Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, các huyện, thị, thành phố và thực tế tại một số doanh nghiệp nhằm xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng.

6. Thời gian, tiến độ thực hiện

- Từ tháng 04- 05/2018: Lựa chọn và thuê đơn vị tư vấn; tập huấn, phân tích kết quả DDCI Lạng Sơn 2017 và công tác lập kế hoạch cho sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.

- Từ tháng 05 - 06/2018: Hiệu chỉnh bộ công cụ, cập nhật cơ sở dữ liệu doanh nghiệp Lạng Sơn và rút mẫu.

- Từ tháng 8-10/2018: Thực hiện khảo sát.

- Từ tháng 11-12/2018: Hoàn tất thu phiếu khảo sát, phân tích số liệu.

- Tháng 12/2018, tháng 01/2019: Tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI 2018.

7. Kinh phí thực hiện: Từ nguồn ngân sách nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan giúp việc Tổ Công tác PCI/DDCI tỉnh Lạng Sơn)

- Xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định để trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Hợp đồng trọn gói với đơn vị tư vấn để xây dựng phương án đánh giá, bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá; mẫu phiếu khảo sát, phương án khảo sát, phương án tính điểm từ các nguồn dữ liệu để đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án cụ thể để đưa các nội dung khảo sát vào bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá cho phù hợp theo từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan thông qua kết quả và báo cáo kết quả cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và tham mưu UBND tỉnh công bố kết quả khảo sát DDCI 2018. Thông qua kết quả khảo sát, phân tích, đánh giá, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, địa phương và đề xuất những giải pháp khắc phục để UBND tỉnh chỉ đạo.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục cập nhật và đăng tải bộ câu hỏi về DDCI, cẩm nang DDCI trên trang chuyên mục của các cơ quan trong tỉnh và triển khai các nội dung truyền thông khác liên quan.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể... trong quá trình tham gia đánh giá phiếu khảo sát nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp khi đánh giá điền phiếu khảo sát.

- Chủ động phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các công việc của Tổ công tác (tập huấn, chuyển giao dữ liệu...) đảm bảo hiệu quả.

2. Cơ quan phối hợp

a) Sở Tài chính phối hợp trong công tác thẩm định lựa chọn đơn vị tư vấn; Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định, trình UBND tỉnh kinh phí, đảm bảo tiến độ triển khai Kế hoạch khảo sát đánh giá DDCI năm 2018.

b) Cục Thuế tỉnh chủ trì cung cấp thông tin, danh sách và địa chỉ liên hệ của các doanh nghiệp, danh sách hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (theo lĩnh vực quản lý).

c) Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phối hợp cùng đơn vị tư vấn và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và hoàn thiện phiếu khảo sát và các nội dung liên quan đảm bảo triển khai hiệu quả quá trình đánh giá DDCI 2018.

d) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố

- Đối với các đơn vị đã tham gia DDCI Lạng Sơn 2017: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch và triển khai các buổi tập huấn kỹ thuật DDCI 2017 nhằm chẩn đoán và lập kế hoạch hành động 2018. Triển khai, phổ biến, quán triệt việc thực hiện Kế hoạch này đến các phòng, ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc. Đề ra các giải pháp thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2018.

- Đối với các sở, ngành và UBND các huyện mới tham gia đánh giá DDCI Lạng Sơn năm 2018 cần chủ động phối hợp với cơ quan tư vấn khảo sát DDCI để xây dựng, lựa chọn tiêu chí đảm bảo phù hợp với từng phòng ban, đơn vị trực thuộc và các phường, xã. Chủ động nghiên cứu và triển khai khảo sát đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể về môi trường đầu tư kinh doanh tại các đơn vị trực thuộc dựa trên bộ chỉ số DDCI của tỉnh, từ đó tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa trong các phòng, ban, phường, xã.Tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân và hộ kinh doanh.

Chủ động đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về nỗ lực cải thiện Bộ chỉ số DDCI của đơn vị trên các phương tiện truyền thông (website của đơn vị, đài báo, tạp chí) tạo niềm tin cho doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

đ) Sở Thông tin và Truyền thông

Tích cực hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và trung ương đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền về PCI, DDCI và các nội dung liên quan đến Kế hoạch này; xây dựng kế hoạch truyền thông về PCI, DDCI và hướng dẫn, đôn đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh duy trì tuyên truyền và phát huy hiệu quả các chuyên mục trước và trong quá trình triển khai DDCI nhằm thu hút sự quan tâm thực chất của cộng đồng doanh nghiệp; chủ trì lập báo cáo theo dõi tổng hợp các nguồn thông tin phản ánh từ báo chí và các cơ quan truyền thông về PCI, DDCI từ các sở, ngành địa phương và phối hợp cung cấp thường xuyên về thường trực Tổ Công tác PCI/DDCI để tổng hợp.

e) Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện thường xuyên các phóng sự, bài viết, chuyên đề về DDCI 2018 nhằm tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tác động của DDCI đối với công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Lạng Sơn;

3. Đơn vị tư vấn

- Thực hiện các nội dung công việc theo hợp đồng. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, xây dựng phương án cụ thể để đưa các nội dung khảo sát vào bộ chỉ số và tiêu chí đánh giá; mẫu phiếu khảo sát, phương án khảo sát, phương án tính điểm từ các nguồn dữ liệu cho phù hợp theo từng giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh.

- Chuyển giao toàn bộ dữ liệu có liên quan theo hợp đồng cho cơ quan thường trực.

- Tổ chức công tác khảo sát, tổng hợp, phân tích, đánh giá các cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương.

- Tổng hợp dữ liệu và thực hiện chấm điểm độc lập; chuyển bảng điểm chấm độc lập trên về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp kết quả. Tham mưu với cơ thường trực thực hiện công bố kết quả khảo sát DDCI 2018. Khuyến nghị với UBND tỉnh về những tồn tại, hạn chế của các cơ quan, địa phương và đề xuất những giải pháp khắc phục để UBND tỉnh chỉ đạo.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Huyện ủy, Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các Hội, Hiệp hội DN tỉnh;
- Báo Lạng Sơn, Đài PT-TH tỉnh;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CM, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KTTH (VTD).

CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Thưởng