Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 18 tháng 11 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH THAM GIA GIỮ GÌN TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2013 - 2017

Thực hiện Quyết định số 2051/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2012 – 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội, đoàn viên thanh thiếu nhi đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đồng thời nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của đoàn viên, thanh niên tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục của Đoàn và các tổ chức của thanh niên do Đoàn làm nòng cốt.

- Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông. Phát huy vai trò xung kích của tổ chức Đoàn và thanh niên trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông.

2. Yêu cầu:

- Hoạt động của Đoàn và tuổi trẻ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tổ chức ở tất cả các cán bộ Đoàn, thường xuyên và liên tục, có mô hình, giải pháp, công trình, phần việc cụ thể.

- Các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ và phối hợp với các cấp bộ Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam trong toàn tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Nâng cao hiểu biết, tạo ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng nét văn hóa trong thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông. Phát huy vai trò xung kích của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm góp phần giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông, nhất là đối với đoàn viên, thanh thiếu nhi.

2. Mục tiêu cụ thể: Đề án được triển khai từ năm 2013 đến hết năm 2017, phấn đấu đạt:

- 100% cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông vào chương trình công tác năm, các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm. Xác định nội dung Đoàn tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn; hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm. Đoàn xã, phường, thị trấn có giải pháp để quản lý, giáo dục đối với thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông khi nhận được thông báo vi phạm của cơ quan Công an.

- 100% Đoàn cấp huyện xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông trong thanh niên; ký cam kết 100% đơn vị không có đoàn viên, thanh niên chưa đủ tuổi (dưới 18 tuổi) hoặc không có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và có 100% đoàn viên thanh niên đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng, thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

- 100% cơ sở Đoàn ký cam kết không có đoàn viên tham gia cổ vũ đua xe, đua xe trái phép gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; không sử dụng rượu, bia, ma túy và những chất kích thích khác mà pháp luật cấm trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

- 100% Đoàn xã, phường, thị trấn có mô hình, đội hình thanh niên, công trình, phần việc tham gia bảo đảm an toàn giao thông.

- 100% Liên đội có các hoạt động tuyên truyền về văn hóa giao thông; thành lập ít nhất 01 Câu lạc bộ măng non tuyên truyền về an toàn giao thông.

- 100% Đoàn các trường Trung học phổ thông, Trung cấp chuyên nghiệp, Dạy nghề, Cao đẳng, Đại học xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; thành lập ít nhất 01 đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường vào các giờ cao điểm.

- Thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích phối hợp với lực lượng CSGT tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các nút giao thông có tín hiệu đèn chỉ huy giao thông trên địa bàn tỉnh.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục

1.1. Xây dựng, chiến dịch tuyên truyền ATGT theo chủ đề cho đối tượng học sinh, sinh viên; thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh niên lao động trong các khu – cụm công nghiệp.

- Nội dung và hình thức: Tổ chức “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông”; phát tờ rơi, áp phích tuyên truyền; hội thi lái xe an toàn; kịch tương tác về an toàn giao thông; ra quân tuyên truyền về an toàn giao thông với chủ đề “Văn hóa giao thông, vì sự an toàn của thanh thiếu nhi và cộng đồng”, “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, “Rượu, bia với giao thông”, tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông; không sử dụng rượu, bia, ma túy và những chất kích thích khác mà pháp luật cấm trước khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông; vận động 100% đoàn viên, thanh thiếu nhi đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng và thực hiện quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

- Địa bàn triển khai:

+ Lựa chọn 04 khu vực có tập trung các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, Trung học phổ thông.

+ Lựa chọn 03 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ tai nạn giao thông cao

+ Lựa chọn 03 khu vực có khu công nghiệp: Khánh Phú huyện Yên Khánh; Gián Khẩu huyện Gia Viễn; 1 + 2 thị xã Tam Điệp

- Thời gian thực hiện: Trước và sau Tết Nguyên đán, Tháng Thanh niên (tháng 3), trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tháng 6-8), Tháng An toàn giao thông (tháng 9).

1.2. Xây dựng chiến dịch tuyên truyền về ATGT trên các tuyến đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo nhiều chủ đề khác nhau

- Nội dung và hình thức: Tuyên truyền chủ yếu qua phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, áp phích, xe và tàu, thuyền lưu động; tuyên truyền và nâng cao nhận thức về ATGT cho các lái tàu thủy trẻ (<25 tuổi); tổ chức hội thi tuyên truyền Luật giao thông đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ.

- Địa bàn triển khai: Thực hiện trên một số đoạn tuyến QL1A, QL10, đường sắt Bắc – Nam và trên sông Đáy.

- Thời gian triển khai: Trước và sau Tết Nguyên đán, Tháng Thanh niên (tháng 3), trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tháng 6-8), Tháng an toàn giao thông (tháng 9).

1.3. Xây dựng chiến dịch truyền thông về ATGT bằng các chương trình văn hóa nghệ thuật để nâng cao nhận thức của người dân và Thanh thiếu nhi

- Nội dung, hình thức: Tổ chức các đội kịch tương tác tuyên truyền về an toàn giao thông; tổ chức các Hội thi tuyên truyền về an toàn giao thông và tham gia các cuộc thi sáng tác ca khúc và tranh cổ động về an toàn giao thông.

- Địa bàn triển khai: Tại một số địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông, một số khu vực nông thôn miền núi và các hội thi và cuộc thi cấp tỉnh, cấp huyện.

- Thời gian triển khai:

+ Tổ chức các đội kịch tương tác tuyên truyền về an toàn giao thông: Trong 5 năm (2013 – 2017).

+ Các hội thi và cuộc thi: Mỗi năm tổ chức 01 Hội thi tuyên truyền viên về an toàn giao thông theo chủ đề hưởng ứng việc triển khai của Trung ương, như: Năm 2013 tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi; năm 2014 tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động về an toàn giao thông; năm 2015 tổ chức cuộc thi Thiếu nhi vẽ tranh về an toàn giao thông; năm 2016 tổ chức cuộc thi sinh viên với ý tưởng an toàn giao thông; năm 2017 tổ chức Cuộc thi sáng tạo trẻ về an toàn giao thông trong thanh thiếu nhi.

1.4. Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên về văn hóa giao thông

- Nội dung, hình thức: Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho đội ngũ tuyên truyền viên cốt cán của các cơ sở Đoàn, Hội, Đội.

- Địa bàn triển khai: Mỗi năm tổ chức 02 lớp cho các đối tượng cán bộ Đoàn – Hội chủ chốt trong toàn tỉnh.

- Thời gian triển khai: Trong cả năm.

1.5. Xây dựng nội dung hoạt động hỗ trợ nhà thiếu nhi cấp huyện các chương trình giáo dục về giữ gìn trật tự an toàn giao thông

- Nội dung, hình thức: Đưa các nội dung về ATGT vào sinh hoạt tại Trung tâm thanh thiếu niên tỉnh và các Nhà thiếu nhi cấp huyện; xây dựng mô hình giáo dục trực quan tại sân nhà thiếu nhi; Tham gia các cuộc thi vẽ; liên hoan các đội tuyên truyền măng non về các nội dung ATGT; tham gia các sân chơi về ATGT trong toàn hệ thống nhà thiếu nhi.

- Địa bàn triển khai: Các đơn vị có nhà thiếu nhi.

- Thời gian thực hiện: Trong cả năm.

1.6. Giải pháp giáo dục đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật hành chính về bảo đảm trật tự an toàn giao thông

- Nội dung và hình thức: Các cấp bộ đoàn cơ sở tổ chức góp ý cho đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật hành chính về bảo đảm trật tự an toàn giao thông do cơ quan Công an thông báo về địa phương hoặc tổ chức Đoàn.

- Địa điểm triển khai: Toàn tỉnh.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm.

2. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”

- Nội dung, hình thức: Vận động thanh niên thực hiện các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông thông qua tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu để thanh thiếu nhi phản ánh, đề xuất những tiêu chí văn hóa của thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông; tổ chức các chương trình truyền thông thực tế, kịch tương tác về văn hóa giao thông tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về cuộc vận động trên các trang báo, tạp chí, chương trình truyền thanh, truyền hình của Đoàn, Hội; tổ chức các cuộc thi ảnh, thi sáng tác ca khúc, các tiểu phẩm về văn hóa giao thông; tổ chức các “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” ở các cấp. Các cơ sở Đoàn đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý và năm. Xác định nội dung Đoàn tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ Đoàn; hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm.

- Địa bàn triển khai: Toàn tỉnh.

- Thời gian triển khai: Trước và sau Tết Nguyên đán, Tháng Thanh niên (tháng 3), trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè (tháng 6-8), Tháng an toàn giao thông (tháng 9).

3. Nhân rộng các mô hình, công trình, phần việc của thanh thiếu nhi tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông

3.1. Nâng cao ATGT tại các cổng trường học

- Nội dung và hình thức: Xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tại các trường học trong tỉnh. Trong đó ưu tiên tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân và hậu quả các vụ tai nạn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên. Tổ chức đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong các giờ cao điểm. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông. Vận động học sinh không điều khiển xe mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định hoặc không có giấy phép lái xe; Thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông nhất là đi xe đạp điện.

- Số lượng:

+ 35 cổng trường Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên.

+ 5 cổng trường Đại học, cao đẳng trong tỉnh.

+ 20 cổng trường tiểu học, THCS trong tỉnh (tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Ninh Bình).

- Địa bàn triển khai: Các huyện, thị xã thành phố.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm.

3.2. Nâng cao ATGT tại các bến đò ngang địa phương

- Nội dung và hình thức: Xây dựng mô hình “Bến đò ngang an toàn” tại các bến đò ngang (bến khách ngang sông). Tại đó có đội thanh niên tình nguyện tham gia tổ chức các hoạt động trong giờ cao điểm có học sinh đi đò đến trường và tan trường như hướng dẫn mặc áo phao hoặc sử dụng thiết bị cứu sinh; nhắc nhở các chủ đò và người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định về bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định; ứng cứu khi tai nạn xảy ra. Tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân khu vực bến đò, nhất là các em thiếu nhi tại các trường học. Tổ chức các khóa học bơi cho thiếu nhi. Tham gia tu sửa, bảo dưỡng, bảo quản phương tiện, thiết bị và xây dựng hạ tầng khu vực bến đò.

- Số lượng: 10 bến đò ngang.

- Địa bàn triển khai: Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm

3.3. Nâng cao ATGT tại các đường ngang, dân sinh qua đường sắt

- Nội dung và hình thức: Xây dựng mô hình “Điểm giao cắt đường bộ - đường sắt an toàn” tại các đường ngang dân sinh không có rào chắn, nhất là tại các đường ngang tự phát. Tại đó có hoạt động của thanh niên tham gia cảnh báo giao thông, tuyên truyền không vi phạm hành lang an toàn đường sắt, tuyên truyền chống ném đá lên các đoàn tàu. Giải tỏa vật cản hoặc cây xanh, gây ảnh hưởng, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

- Số lượng: 4 điểm giao cắt.

- Địa bàn triển khai: Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Hoa Lư, Yên Mô.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm.

3.4. Nâng cao ATGT tại các tuyến đường bộ có khu – cụm công nghiệp

- Nội dung và hình thức: Xây dựng các đội thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Xây dựng các pano, áp phích tuyên truyền về an toàn giao thông …

- Số lượng: 05 điểm.

- Địa bàn triển khai: Thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô

- Thời gian: Trong 5 năm.

3.5. Đẩy mạnh hoạt động của các đội Thanh niên tình nguyện, Thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các khu đông dân cư.

- Nội dung và hình thức: Thành lập các đội, nhóm thanh niên tình nguyện phối hợp với Công an cấp huyện tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông; giúp lực lượng chức năng giải quyết các vụ tai nạn giao thông; giúp đỡ đưa người bị thương do tai nạn giao thông đi cấp cứu.

- Số lượng: mỗi đơn vị thành lập 01 đội Thanh niên tình nguyện, Thanh niên xung kích (Riêng thành phố Ninh Bình thành lập 03 đội, thị xã Tam Điệp thành lập 02 đội).

- Địa điểm triển khai: Các huyện, thị xã, thành phố.

- Thời gian triển khai: Trong 2 năm 2014 và 2015.

3.6. Đăng ký đảm nhận các phần việc thanh niên tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý an toàn giao thông

- Nội dung và hình thức: Thành lập các đội Thanh niên tình nguyện, Thanh niên xung kích tham gia tu sửa đường giao thông, mở đường tại các vùng nông thôn, miền núi.

- Địa điểm triển khai: Trong tỉnh.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm.

4. Đào tạo nâng cao kỹ năng cho thanh thiếu nhi khi tham gia giao thông

- Nội dung và hình thức: Tổ chức các hoạt động giúp thanh thiếu niên hoàn thiện các kỹ năng lái xe khoa học và an toàn; cách lựa chọn và sử dụng mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng quy định; cách xử lý các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn; Tham gia học, thi nhận giấy phép lái xe hạng A1; Tổ chức các khóa phổ cập bơi lội cho thanh thiếu nhi.

- Địa điểm triển khai: Trong toàn tỉnh.

- Thời gian triển khai: Trong 5 năm.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tỉnh đoàn:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Tài chính xây dựng nhiệm vụ và dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo từng năm gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

- Kịp thời đề xuất, kiến nghị các vấn đề phát sinh, cần điều chỉnh với UBND tỉnh; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện; 01 năm sơ kết 01 lần, qua đó tiếp tục cụ thể hóa đề ra các chỉ tiêu, nội dung giải pháp thực hiện và tổng kết Đề án khi kết thúc giai đoạn.

2. Sở Giao thông vận tải và Ban An toàn giao thông tỉnh Phối hợp với Tỉnh đoàn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ và lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch hàng năm để trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí nguồn vốn, kinh phí triển khai thực hiện Đề án Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định hiện hành.

4. Sở Tài chính:

- Đảm bảo kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hiện hành

- Thẩm định dự toán kinh phí do Tỉnh đoàn và Ban An toàn giao thông đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho Tỉnh đoàn triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

5. Các sở, ban, ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với Tỉnh đoàn để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch đảm bảo đạt hiệu quả.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Hàng năm chủ động bố trí nguồn kinh phí giao thông cho các huyện, thị, thành Đoàn và tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thị, thành Đoàn tổ chức thực hiện các nội dung tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2013 – 2017.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Ban Bí thư Trung ương Đoàn;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các tổ chức Chính trị - xã hội;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VP4, 6, TTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 69/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2013 - 2017

  • Số hiệu: 69/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/11/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Lê Văn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/11/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản