Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 682/KH-UBND

Lai Châu, ngày 22 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục thực hiện Đề án “Đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu” đến năm 2025, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động góp phần nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

2. Yêu cầu

Đổi mới và phát triển đào tạo cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế yêu cầu hội nhập, từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của quốc gia và khu vực.

Cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều kiện, hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không tổ chức đào tạo nghề khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học.

Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt quan tâm đến giải quyết việc làm sau đào tạo.

Sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo đúng mục đích, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, không để thất thoát.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo; đào tạo theo hướng ứng dụng, thực hành; bảo đảm đáp ứng nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động; góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động.

2. Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho 37.500 lao động nông thôn (bình quân mỗi năm đào tạo 7.500 người), trong đó: lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp chiếm 30 - 40%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,75% vào cuối năm 2025 (bình quân mỗi năm tăng 2,4%). Sau đào tạo, ít nhất có 85% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

 (Chi tiết theo phụ biểu số 01 đính kèm)

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền; tư vấn đào tạo và việc làm đối với lao động nông thôn

2. Điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo cho lao động nông thôn

3. Nhân rộng các mô hình đào tạo cho lao động nông thôn có hiệu quả

4. Tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

5. Phát triển chương trình, giáo trình đào tạo; xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo

6. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

7. Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Ngân sách Trung ương; ngân sách tỉnh; ngân sách huyện tự cân đối và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc thanh toán, quyết toán kinh phí đào tạo cho lao động nông thôn thực hiện theo quy định hiện hành.

Mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh Lai Châu quy định mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định số 1145/QĐ-UBND ngày 24/9/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về mức chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn kèm theo Quyết định sô 674/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh, nhưng tối đa không quá mức đối tượng được hưởng theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

V. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về công tác đào tạo cho lao động nông thôn.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn; nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, các sở, ban ngành và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn đối với việc phát triển nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, xây dựng kế hoạch thực hiện thiết thực, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển đào tạo cho lao động nông thôn.

Các cơ quan thông tin truyền thông đổi mới nội dung, hình thức, cơ chế phối hợp để có sự thống nhất và đạt hiệu quả trong hoạt động thông tin truyền thông. Tổ chức thực hiện các chuyên đề, phóng sự tuyên truyền về tính thiết thực, hiệu quả của công tác đào tạo cho lao động nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống người lao động qua đó giúp người lao động nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, tích cực tham gia học nghề.

2. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững

Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu làm việc và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động.

Xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đào tạo cho lao động nông thôn. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trung tâm Dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Ngoài việc đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần dành thời lượng (chính khóa hoặc ngoại khóa) phù hợp để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng “mềm” cho người học như: kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng quản trị kinh doanh, quản lý tài chính, cách thức và kỹ năng tìm kiếm việc làm, ... chú trọng phát triển tinh thần khởi nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp.

3. Đổi mới, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình đào tạo cho lao động nông thôn theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học, thường xuyên cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới; bảo đảm các yêu cầu về kiến thức nghề, kỹ năng nghề và kiến thức bổ trợ.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy tại các doanh nghiệp; phấn đấu 100% đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn theo quy định.

Tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo thiết yếu, tiên tiến cho hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn.

4. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy xã hội hóa trong công tác đào tạo cho lao động nông thôn

Phát huy vai trò của cấp ủy Đảng và Chính quyền, hệ thống chính trị trong việc định hướng nghề nghiệp, xác định nhu cầu đào tạo; xây dựng kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn từ cơ sở đảm bảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng chỉ tiêu đào tạo cho lao động nông thôn từ ngân sách Nhà nước. Tạo mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hướng tới đào tạo theo nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động; doanh nghiệp trực tiếp hợp đồng đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kinh phí đào tạo do doanh nghiệp và người học đóng góp, ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ đối với các đối tượng thuộc diện chính sách theo quy định chung của Nhà nước.

Tăng cường xã hội hóa đào tạo cho lao động nông thôn từ các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, các chương trình, dự án khác để thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn, có cơ chế huy động đóng góp theo quy định của pháp luật.

Chuyển mạnh đào tạo cho lao động nông thôn từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động và xã hội; gắn đào tạo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của từng lĩnh vực, của từng địa phương, của các doanh nghiệp và với nhu cầu việc làm của người lao động.

Tăng cường thực hiện quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện kế hoạch; hướng dẫn các sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn theo quy định hiện hành, để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan xây dựng phương án phân bổ kinh phí; điều phối và hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp và hoạt động đào tạo cho lao động nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình đào tạo nghề phi nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng; tổ chức kiểm tra năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về điều kiện tham gia đào tạo cho lao động nông thôn theo quy định;

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện tham gia đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn hàng năm;

Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh;

Định kỳ 6 tháng, hàng năm, 5 năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo cho lao động nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm theo phân cấp quản lý, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh; trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn;

Đề xuất các cơ sở có đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn hàng năm;

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; các cơ quan có liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung các chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng theo quy định và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn;

Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình thực hiện gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan thực hiện việc phân bổ, hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo cho lao động nông thôn cho các huyện, thành phố trên cơ sở nguồn lực Trung ương hỗ trợ và nguồn lực kinh phí địa phương tự cân đối;

Phối hợp kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch, thanh quyết toán theo quy định;

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, dự toán nhu cầu kinh phí, thẩm định phương án phân bổ dự toán kinh phí để thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

Phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện khảo sát, xác định nhu cầu lao động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn, tổng hợp gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xây dựng kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn hàng năm;

Chủ trì, phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thông để cung cấp thông tin thị trường hàng hóa; hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện chuyên mục tuyên truyền về đào tạo cho lao động nông thôn; cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia đào tạo cho lao động nông thôn, các nghề đào tạo, các mô hình đào tạo gắn với việc làm hiệu quả để lao động nông thôn biết và lựa chọn.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm tốt công tác phân luồng, định hướng cho học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cấp, các ngành và toàn xã hội nâng cao nhận thức về trách nhiệm và tầm quan trọng của việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học nghề; đồng thời giúp các bậc cha, mẹ học sinh và học sinh nhận thức rõ, đúng đắn hơn việc học nghề, đảm bảo cơ cấu hợp lý nguồn nhân lực xã hội.

8. Ngân hàng Chính sách xã hội

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện cho vay vốn đối với lao động nông thôn học nghề có nhu cầu vay vốn từ chương trình ứng dụng học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành; thực hiện cho vay vốn ưu đãi đối với lao động nông thôn sau đào tạo để giải quyết việc làm hoặc vay vốn để khởi nghiệp từ Quỹ quốc gia về việc làm theo cơ chế cho vay giải quyết việc làm hiện hành.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện

Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn của huyện, thành phố giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để tổ chức thực hiện; quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn;

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn; đề xuất danh mục nghề nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp; nhu cầu học nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và các cơ sở có đủ điều tham gia đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

Hàng năm, tổng hợp kế hoạch, dự toán kinh phí đào tạo cho lao động nông thôn, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn theo quy định và thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo cho lao động nông thôn;

Chỉ đạo trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp kết hợp với học văn hóa trung học phổ thông theo quy định.

Định kỳ 6 tháng, hàng năm, 05 năm báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo cho lao động nông thôn, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (b/c);
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- U;
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH);
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các cơ sở Giáo dục nghiệp;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Thanh Hải

 

PHỤ BIỂU

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 682/KH-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2021 của UBND tỉnh Lai Châu)

Đơn vị tính: người

Stt

Huyện, thành phố

Tổng số

KẾ HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Ghi chú

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Thành phố Lai Châu

2.000

400

400

400

400

400

 

2

Than Uyên

5.500

1.100

1.100

1.100

1.100

1.100

 

3

Tân Uyên

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

 

4

Tam Đường

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

 

5

Sìn Hồ

6.000

1.200

1.200

1.200

1.200

1.200

 

6

Phong Thổ

6.000

1.200

1.200

1.200

1.200

1.200

 

7

Nậm Nhùn

3.000

600

600

600

600

600

 

8

Mường Tè

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

 

Tổng cộng

37.500

7.500

7.500

7.500

7.500

7.500

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 682/KH-UBND năm 2021 về nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 682/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Tống Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản