Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH NINH THUẬN
BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN 939
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 673/KH-BCĐ

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN NĂM 2020

Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2025 (gọi tắt là Đề án 939) và Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 06/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2025.

Ban Chỉ đạo Đề án 939 tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 939 năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành, qua đó nâng cao nhận thức cho phụ nữ và toàn xã hội về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế; Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội chuyên trách các cấp trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Đề án; tạo môi trường cho phụ nữ vùng khó khăn, vùng sâu, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nghèo mạnh dạn, tự tin tham gia khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế cho cá nhân, gia đình và đất nước.

2. Kết nối mọi nguồn lực nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ có ý tưởng, đề án, dự án mong muốn khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Kế hoạch hoạt động cần bám sát mục tiêu, giải pháp của Đề án và nguồn lực của từng địa phương, đơn vị để triển khai có hiệu quả. Tăng cường công tác phối hợp nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Đề án; chủ động huy động các nguồn lực để triển khai Đề án.

II. CHỈ TIÊU CỤ THỂ

- Ít nhất 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.

- 35% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp.

- Hỗ trợ ít nhất 40 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.

- Tư vấn, hỗ trợ ít nhất 40 doanh nghiệp, hộ kinh doanh/Hợp tác xã/tổ hợp tác của phụ nữ mới thành lập hoặc đồng sáng lập.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ và toàn xã hội về phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên các phương tiện thông tin đại chúng như: báo, đài phát thanh truyền hình, facebook, zalo...

- Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mô hình tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ...

- Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.

2. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp:

- Tổ chức và tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương, cấp tỉnh:

+ Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ tích cực tham gia gửi các ý tưởng sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - kết nối thành công” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

+ Tổ chức Ngày phụ nữ Khởi nghiệp cấp tỉnh vào dịp 20/10.

+ Tiếp nhận, lựa chọn các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh khả thi để hỗ trợ; rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng.

+ Động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân phụ nữ có ý tưởng, công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng công nghệ cao (sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường... đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng).

+ Tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các cá nhân, nhóm cá nhân là nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới, sáng tạo, thành công trong sản xuất kinh doanh.

- Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi:

+ Giới thiệu tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý điều hành, quản trị sản xuất kinh doanh, quản trị tài chính, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ, khoa học, công nghệ...

+ Tư vấn, kết nối cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo kiến thức khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.

+ Phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác của phụ nữ tham gia các hội chợ, hội thảo, liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

+ Phối hợp tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các phát minh, sáng chế, các sản phẩm sản xuất, sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.

- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng:

+ Tư vấn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho phụ nữ; các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh do nữ làm chủ mới thành lập có nhu cầu được tiếp cận tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm... để phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp.

+ Chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục duy trì nguồn quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp để hỗ trợ vốn không hoàn lại/vốn vay không lấy lãi cho phụ nữ nghèo có nhu cầu khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

3. Nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh:

- Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổ chức tư vấn, đối thoại chính sách về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

- Giám sát việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực thi chính sách về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ theo Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

- Tham gia góp ý xây dựng văn bản đề xuất chính sách về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.

- Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch định kỳ, theo giai đoạn.

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG CẤP TỈNH

1. Xây dựng chuyên mục/chuyên trang tuyên truyền trên sóng Đài Phát thanh truyền hình tỉnh:

- Nội dung: Tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; nâng cao nhận thức, vị trí, vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế; giới thiệu các gương điển hình khởi nghiệp thành công.

- Số lượng: 03 lần, mỗi quý/lần.

- Thời gian: Phát sóng vào tuần đầu tiên của mỗi quý.

- Địa điểm: Phát trên sóng của Đài Phát thanh Truyền hình tình.

2. Hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo

- Nội dung: Tổ chức Ngày phụ nữ khởi nghiệp kết hợp hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới, sáng tạo, thành công trong sản xuất kinh doanh.

- Thành phần: Lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Hội LHPN tỉnh, huyện, xã; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ.

- Số lượng: 100 người

- Thời gian: 01 ngày (Dự kiến tháng 10/2020)

- Địa điểm: Tại Hội LHPN tỉnh.

3. Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi:

a) Tập huấn lập kế hoạch sản xuất kinh doanh

- Thành phần: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ; phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi.

- Số lượng: 30 người

- Thời gian: 02 ngày (Dự kiến tháng 6/2020)

- Địa điểm: Tại Hội LHPN tỉnh.

b) Vận hành điểm Bộ phận hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại huyện Ninh Hải

- Thành phần: Các thành viên của Tổ tư vấn Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp huyện Ninh Hải; các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, THT do nữ làm chủ.

- Thời gian: Dự kiến từ tháng 3/2020

- Địa điểm: Tại huyện Ninh Hải.

4. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng:

- Số lượng: 40 phụ nữ.

- Đối tượng: Phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ làm chủ tiếp cận các nguồn vốn vay để sản xuất kinh doanh.

5. Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh

- Nội dung: Tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia, xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với liên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ... cho cán bộ Hội LHPN các cấp.

- Thành phần: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp xã; chi hội trưởng, chi hội phó các thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh.

- Số lượng: 07 lớp, 40 người/lớp

- Thời gian: 01 ngày/lớp (Dự kiến tháng 5/2020)

- Địa điểm: Tại 7 huyện, thành phố.

V. KINH PHÍ

- Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động cấp tỉnh được trích từ ngân sách Nhà nước theo quy định, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án của các ban ngành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

- Các hoạt động cấp huyện do UBND các huyện, thành phố bố trí ngân sách địa phương để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo)

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động của Đề án năm 2020 theo kế hoạch đề ra; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội LHPN chuyên trách các cấp về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

- Chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ.

- Xây dựng dự toán kinh phí các hoạt động của đề án năm 2020 gửi Sở Tài Chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổng hợp kết quả thực hiện Đề án năm 2020 của các đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trước ngày 30/11/2020.

2. Đề nghị các sở, ngành, địa phương (Theo phân công tại Kế hoạch số 355/KH-UBND ngày 24/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xác định hoạt động, đề xuất kinh phí và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động của Đề án năm 2020.

- Giao Sở Tài chính phối hợp Hội LHPN tỉnh thẩm định, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch năm 2020 trong dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định.

- Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2020 về Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Hội LHPN tỉnh) trước ngày 10/11/2020.

Trên là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2020. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện về Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh để tổng hợp theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- TW Hội LHPN VN (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh LVB;
- Ban Tuyên giáo, Dân vận TU;
- Thành viên BCĐ;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PVP (HTMN);
- Lưu: VT, VXNV. NVT.

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Lê Văn Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 673/KH-BCĐ về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2020

  • Số hiệu: 673/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/03/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lê Văn Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản