Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6577/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 03 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHÔI PHỤC CHUỖI CUNG ỨNG XUẤT KHẨU VÀ ĐẨY MẠNH XÚC TIẾN XUẤT KHẨU NÔNG, THỦY SẢN SAU COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Công văn số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản giai đoạn sau Covid-19, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường, khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19, ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản giai đoạn sau dịch COVID-19.

2. Yêu cầu:

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Công văn số 6802/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19; Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Các Sở, ngành và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai tổ chức sản xuất, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, khai thác cơ hội thị trường xuất khẩu giai đoạn sau COVID-19, trong đó ưu tiên nhóm hàng nông sản và thủy sản.

II. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG XUẤT, NHẬP KHẨU:

1. Kết quả kim ngạch xuất, nhập khẩu trong năm 2021:

Thời gian qua, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, đã không ngừng khắc phục, thích ứng với khó khăn để tiếp tục duy trì sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường, duy trì hoạt động xuất khẩu để mang lại những kết quả tích cực:

Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện năm 2021 ước đạt 120 triệu USD; trong đó, thủy sản đạt: 66 triệu USD; nhân điều đạt: 31 triệu USD; hàng hóa khác (hàng dệt và may mặc, trái cây sấy, …): 23 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ lực là: Mỹ, Trung Quốc (hạt điều nhân); Nhật, Mỹ (tôm) trong đó Mỹ chiếm 59%; Mỹ và Nhật (khăn bông, may mặc). Thị trường xuất khẩu chủ lực là: Mỹ với tổng giá trị kim ngạch ước đạt 45 triệu USD mặt hàng chủ lực là Tôm đông lạnh, Trung Quốc (hạt điều nhân) kim ngạch ước đạt 21 triệu USD; Nhật (khăn bông và tôm đông lạnh) kim ngạch ước đạt 22 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2021 ước đạt: 500 triệu USD, năm 2020 đạt 549,2 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu máy móc thiết bị, phụ tùng phục vụ thi công các công trình, dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh (chiếm 92,66% kim ngạch nhập khẩu).

2. Tình hình hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản và nông sản trên địa bàn tỉnh:

Trên địa bàn tỉnh, hiện có 12 cơ sở/doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm nông thủy sản, cụ thể như sau:

Về chế biến thủy sản: Có 04 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu là Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cà Ná, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi và Công ty TNHH Tân Quang chế biến, xuất khẩu thủy sản với sản phẩm cụ thể như: chả cá xay, tôm chiên bột và chế biến tôm thương phẩm, thu mua sơ chế cá khô các loại. Nguồn nguyên liệu tôm thương phẩm được cung cấp từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản và nguyên liệu làm chả cá xay, cá khô được cung cấp từ nguồn khai thác đánh bắt trong, ngoài tỉnh. Số lượng lao động, công nhân tham gia lao động sản xuất hơn 1.528 người đã được hướng dẫn và đào tạo tay nghề chuyên môn. Sản lượng hàng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 11.072 tấn. Áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất như: HACCP, IFS, HALA. Máy móc, trang thiết bị được dùng để sơ chế, chế biến là các thiết bị tự động và bán tự động như: máy tiếp nhận sản phẩm, máy phân cỡ sơ bộ, máy phân size, băng chuyền IQF, băng chuyền hấp, tủ đông gió, máy lặt đầu cá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Về chế biến nông sản: Toàn tỉnh có 08 cơ sở/doanh nghiệp có quy mô hoạt động xuất khẩu: Công ty TNHH Phú Thủy, Công ty TNHH Trường Lợi Ninh Thuận - Cơ sở Thuận Hòa, Công ty TNHH Long Sơn- BLB và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hưng Phát - Ninh Thuận, Công ty TNHH Hoàng Bảo Tường, Công ty TNHH Quốc Bảo Ninh Thuận, Công ty TNHH Global Cashew Links và Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu như: Chế biến nhân điều và sản phẩm nha đam. Các cơ sở này đều có diện tích nhà xưởng rộng, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, thường xuyên được tập huấn nâng cao tay nghề sản xuất; máy móc được bảo trì thường xuyên. Áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như: ISO 22000, HACCP. Hằng năm, lượng sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 90.000 tấn.

3. Những vướng mắc, khó khăn sau dịch COVID-19:

Sau khi tỉnh ta cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, các doanh nghiệp xuất khẩu trên toàn tỉnh bước đầu đi vào ổn định sản xuất, tỷ lệ tiêm vacxin đủ 2 mũi cho công nhân chiếm 80%. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nông thủy sản của tỉnh. Nguồn nguyên liệu thủy sản từ nuôi trồng thiếu hụt. Một số doanh nghiệp có người nhiễm COVID-19 nên phải nghỉ gián đoạn ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp phải một số khó khăn như sản phẩm bán chậm, nợ đọng, khó thu hồi vốn; vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu nguyên nhiên, vật liệu, sản phẩm bị hạn chế, tình trạng quá tải hàng hóa tại các bến cảng, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cao. Nguy cơ, rủi ro dịch bệnh vẫn còn khó lường, khó biết trước.

Đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh qui mô vừa và nhỏ, công nghệ chế biến còn thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng; chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn an toàn HACCP, ISO 22000 hiện nay còn cao đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong tỉnh; sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp so với mặt bằng cả nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÚC TIẾN XUẤT KHẨU NÔNG, LÂM, THỦY SẢN.

1. Phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin thị trường các nước:

Tăng cường việc hướng dẫn, phổ biến cho các hợp tác xã, doanh nghiệp về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tận dụng các ưu đãi thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác.

Hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu Trung Quốc triển khai thực hiện đáp ứng các quy định tại Lệnh số 248, Lệnh số 249 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa các nước từ nguồn thông tin của Bộ, ngành chức năng thuộc Trung ương.

Tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính nhất là giai đoạn sắp tới Tết Nguyên đán, tránh xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu.

2. Hỗ trợ ổn định sản xuất, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng:

Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh và các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa, không làm tăng chi phí của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ của doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến trong lĩnh vực nông, thủy sản; cập nhật các khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, xuất khẩu.

Cung cấp kịp thời thông tin, tình hình thông quan tại các cửa khẩu, biên giới giúp các doanh nghiệp có kế hoạch vận chuyển, xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế, tránh xảy ra tình trạng ách tắc, ùn ứ gây tổn thất cho doanh nghiệp.

Tập trung công tác kêu gọi đầu tư, xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng Trung tâm Logistics Cà Ná của tỉnh.

3. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu:

Chủ động phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước vừa ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA, UKVFTA); hỗ trợ tỉnh tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới và cung cấp các thông tin về các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu nông, thủy sản của một số thị trường trên thế giới. Tận dụng chính sách tài khóa của quốc gia để có phương án khoanh nợ đối với các doanh nghiệp nợ tín dụng và tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất.

Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp tiềm năng xuất khẩu thực hiện, hoàn thiện hồ sơ thủ tục tham gia các sàn thương mại điện tử xuất khẩu (như Alibaba, Amazon); tham gia các hoạt động phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, trưng bày các sản phẩm tiềm năng của tỉnh tại thị trường các nước như Trung Quốc; các nước thuộc các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP,…)

4. Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu:

Phát triển sản xuất nông, thủy sản tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, ổn định và an toàn phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu nhu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay.

Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, thủy sản.

Lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu của tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản qua chế biến.

Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, thủy sản.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương:

Đầu mối theo dõi, tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau Covid-19. Giám sát đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tập trung vào hiệu quả trong đầu tư nguồn vốn hỗ trợ phát triển xuất khẩu

Chủ trì, phối hợp các sở, ngành triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đảm bảo phù hợp và hiệu quả. Triển khai các hoạt động phát triển thương hiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước

Triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ Đề án “Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2035” đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do FTA. Tận dụng các ưu đãi về thuế của FTA để tìm kiếm thị trường và đối tác; thường xuyên cập nhật, triển khai thực hiện thông tin và dự báo về thị trường nông, thủy sản đến các doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thúc đẩy sớm triển khai dự án trung tâm Logistics hạng 2 tại khu cảng tổng hợp Cà Ná.

2. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Chủ trì, tham mưu xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng phục vụ các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản.

Triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa nông, thủy sản phục vụ xuất khẩu.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư:

Chủ trì, tham mưu hướng dẫn, đề xuất hướng giải quyết tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện thủ tục đầu tư dự án sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với mã số, mã vạch; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trong nước và thị trường quốc tế đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản..

Hỗ trợ hoạt động xuất khẩu tại địa phương, thông tin đến các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh về các cam kết Hàng rào kỹ thuật trong thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do khi các doanh nghiệp cần xuất khẩu sản phẩm.

Tổ chức triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.

5. Sở Y tế:

Phân bổ hợp lý nguồn vaccin, ưu tiên vaccin cho người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã tại các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến nông, thủy sản trong chuỗi cung ứng xuất khẩu.

Hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh đảm bảo điều kiện, quy định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo phương án phòng chống dịch bệnh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh không để dịch bùng phát, lây lan từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

6. Ban quản lý các Khu công nghiệp hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại Khu công nghiệp thực hiện duy trì sản xuất an toàn, đảm bảo phương án phòng chống dịch Covid-19.

7. Sở Tài chính tham mưu bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản giai đoạn sau Covid-19 trong khả năng cân đối ngân sách và theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Phối hợp các sở, ngành chức năng triển khai thực hiện nội dung nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh nông, thủy sản trên địa bàn.

Triển khai thực hiện các quy hoạch về vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện thành phố, đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.

9. Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp:

Các Hiệp hội phối hợp các ngành chức năng triển khai các nội dung nhiệm vụ khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu hoạt động

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đẩy mạnh liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu; ứng dụng các công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông, thủy sản.

Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, các Sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan kịp thời đề xuất, gửi Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp; Hội DN trẻ tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- VPUB: LĐ, VXNV, BTCDNC;
- Lưu: VT, KTTH. Nam

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Tấn Cảnh

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6577/KH-UBND năm 2021 về khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 6577/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phan Tấn Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản