Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 65/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 19 tháng 03 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG CÁC BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA NĂM 2019

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2017-2020, nhằm phấn đấu đạt mục tiêu phòng, chống bệnh không lây nhiễm từ nay đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm năm 2019, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1.1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, làm giảm thiểu các hành vi nguy cơ và hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh không lây nhiễm; đồng thời tăng cường năng lực quản lý, phát hiện, dự phòng, kiểm soát và điều trị bệnh không lây nhiễm (BKLN) của y tế cơ sở.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Năm 2019, tập trung phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm phổ biến như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư....

- 100% cơ quan truyền thông và hệ thống truyền thanh trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền về bệnh không lây nhiễm, ít nhất 1 tháng 1 lần.

- 100% xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

- Tăng tỷ lệ hiểu biết ở người trưởng thành về tác hại của rượu, bia và thuốc lá; đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành giảm 30% so với năm 2016 và nhóm vị thành niên xuống 3,6%; tỷ lệ uống rượu, bia ở người trưởng thành giảm 10% và nhóm vị thành niên còn 20% so với năm 2016.

- 70% người bệnh mắc bệnh tăng huyết áp, hen phế quản và đái tháo đường, chưa có biến chứng được quản lý, điều trị tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn.

- 85% học sinh mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn được tư vấn, tuyên truyền và khám sàng lọc các bệnh tim mạch, hen phế quản, thừa cân béo phì.

- Tổ chức khám phát hiện, điều trị, quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và hen phế quản cho ít nhất 02 xã/huyện, tại 27 huyện, thị xã, thành phố.

- Tổ chức quản lý, tư vấn và khám, điều trị các bệnh không lây nhiễm từ nguồn kinh phí của quỹ bảo hiểm y tế ở các Trạm y tế xã, phường, thị trấn có đủ điều kiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

- Triển khai Thông tư 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế về quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở.

- Triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân và quản lý bệnh không lây nhiễm trên địa bàn toàn tỉnh.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

2.1. Giải pháp về truyền thông và vận động xã hội

- Ngành Y tế chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, cán bộ truyền thông và nhân dân trên địa bàn về tính cấp thiết và lợi ích của việc chủ động phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng; nội dung tuyên truyền phải thiết thực, hiệu quả, đa dạng hình thức, dễ hiểu, dễ nhớ.

- Triển khai in ấn và cung cấp các chương trình, tài liệu truyền thông về phòng, chống bệnh không lây nhiễm phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng.

- Vận động các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực cộng đồng cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm.

2.2. Giải pháp tăng cường hệ thống cung cấp dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế

a) Tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm các cấp:

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm; phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm theo phân tuyến kỹ thuật tại các cơ sở y tế;

- Các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh (công lập và ngoài công lập) từ tỉnh đến cấp xã tổ chức các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh không lây nhiễm phù hợp chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

- Lồng ghép khám phát hiện bệnh không lây nhiễm trong hoạt động khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp.

b) Tăng cường phát hiện, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm theo quy định tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và cộng đồng; bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý, theo dõi và chăm sóc liên tục cho người bệnh:

- Tổ chức phát hiện, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn; trước mắt triển khai phát hiện, điều trị dự phòng và điều trị duy trì một số bệnh không lây nhiễm chưa có biến chứng theo chỉ định của y tế tuyến trên.

- Cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở.

c) Tăng cường hiệu quả hoạt động của lĩnh vực y tế dự phòng trong kiểm soát các yếu tố nguy cơ và phát hiện sớm tiên triệu một số bệnh lý không lây nhiễm để chủ động dự phòng:

- Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn và triển khai các can thiệp phòng, chống: tác hại của thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn muối, tăng cường hoạt động thể lực tại các cơ sở giáo dục, nơi làm việc và tại cộng đồng; phát hiện sớm, tư vấn, quản lý và điều trị dự phòng đối với người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn mỡ máu, có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả và chất lượng Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh về tăng cường hoạt động thể lực phòng, chống các bệnh không lây nhiễm.

- Triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng bệnh, đẩy mạnh việc cung ứng các dịch vụ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh viêm gan B, cúm mùa, phế cầu khuẩn, vắc xin phòng HPV gây ung thư cổ tử cung... nhằm làm biến chứng của các bệnh không lây nhiễm phổ biến như ung thư, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, quản lý và tự quản lý các bệnh không lây nhiễm tại các Trạm y tế xã, phường, thị trấn, tại cộng đồng; nâng cao năng lực cho Trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện tốt việc quản lý, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã.

- Tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các hoạt động liên ngành có liên quan trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

d) Củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm, đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, bảo đảm việc phát hiện bệnh sớm, điều trị và quản lý bệnh nhân liên tục, hiệu quả:

- Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Triển khai các biện pháp sàng lọc hiệu quả, tăng cường phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Tăng cường kết nối giữa các tuyến (tỉnh, huyện, xã) bảo đảm công tác quản lý và điều trị người bệnh mắc bệnh không lây nhiễm liên tục.

2.3. Giải pháp về nguồn lực

a) Phát triển nguồn nhân lực:

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019 - 2020, theo Quyết định số 4992/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tăng cường đảm bảo nguồn nhân lực phù hợp cho các tuyến, nhất là tuyến y tế cơ sở theo hình thức luân phiên cử bác sĩ của tuyến trên về làm việc có thời hạn tại tuyến dưới và bác sĩ tuyến dưới có thời hạn học tập kinh nghiệm, làm việc ở tuyến trên; cập nhật thông tin, nâng cao năng lực chuyên môn trong thực hành khám, chữa bệnh nói chung và quản lý, điều trị, phòng chống các bệnh không lây nhiễm nói riêng.

- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho đội ngũ cán bộ y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Ưu tiên cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn, y tế trường học, y tế cơ quan, xí nghiệp và y tế thôn bản, nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ trong dự phòng, quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn và cộng đồng theo nguyên lý y học gia đình và quản lý sức khỏe toàn dân.

b) Nguồn lực tài chính

- Nguồn ngân sách tỉnh bố trí cho hoạt động kiểm soát yếu tố nguy cơ, dự phòng, giám sát và phát hiện sớm bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Nguồn bảo hiểm y tế.

- Nguồn xã hội hóa.

- Các nguồn hợp pháp khác.

c) Thuốc và trang thiết bị

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và sử dụng hiệu quả phục vụ cho hoạt động giám sát, dự phòng, phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị, quản lý các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

- Bảo đảm cung ứng thuốc và vật tư thiết yếu cho chẩn đoán, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế theo Thông tư số 39/2017/TT-BYT.

- Bảo đảm cung ứng đủ vắc xin Viêm gan B trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ tiêm phòng vắc xin cúm mùa, phế cầu khuẩn, phòng HPV gây ung thư cổ tử cung...

2.4. Theo dõi, giám sát và đánh giá

- Tăng cường tổ chức giám sát, đánh giá các hoạt động trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm, tiến độ thực hiện Kế hoạch phê duyệt.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng và triển khai phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm, kết nối giữa các tuyến để hỗ trợ chăm sóc, điều trị, quản lý và theo dõi bệnh nhân được hiệu quả, liên tục và lâu dài.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Các đơn vị lồng ghép, cân đối nguồn kinh phí thường xuyên được giao, kinh phí chương trình mục tiêu y tế, dân số và các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Kế hoạch tăng cường công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2019 và Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 05/10/2017 của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và định kỳ báo cáo kết quả về Sở Y tế, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

l. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tăng cường phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ trong phòng chống các bệnh không lây nhiễm; tập trung một số bệnh không lây nhiễm phổ biến như: tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và ung thư.

- Phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động Chương trình sức khỏe Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2019 và các năm tiếp theo.

- Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác khám, chữa bệnh BHYT cho người mắc các bệnh không lây nhiễm ở các Trạm y tế; tích cực chỉ đạo, hỗ trợ các Trạm y tế đảm bảo đủ các điều kiện khám chữa bệnh BHYT đối với các bệnh không lây nhiễm; triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến y tế cơ sở theo Thông tư 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, giám sát và tổng hợp báo cáo theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai thực hiện kế hoạch.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch đúng quy định.

4. Sở Công Thương

- Tăng cường quản lý về kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn nhằm hạn chế tối đa yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm từ các sản phẩm này.

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước liên quan đến việc dán nhãn minh bạch sản phẩm, thông tin cảnh báo sức khỏe trên các sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác có yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu các yếu tố có hại của môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người, trong đó có bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Sở y tế, các đơn vị liên quan tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi về dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi, đồng thời tăng cường hoạt động thể lực phù hợp cho trẻ em, học sinh, sinh viên để dự phòng các bệnh không lây nhiễm; lồng ghép nội dung phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm trong hoạt động ở các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Phối hợp với Sở Y tế thực hiện quản lý sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngấy 12/5/2016 của liên Bộ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo; tổ chức khám, sàng lọc phát hiện các dị tật, dị dạng và bệnh không lây nhiễm cho tất cả các cấp học.

7. Sở Giao thông vận tải

- Tăng cường quản lý, kiểm soát, giảm thiểu việc thải ra môi trường các chất có nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm từ các phương tiện giao thông;

- Tích cực triển khai các biện pháp giảm ô nhiễm bụi, tiếng ồn trong các hoạt động giao thông vận tải.

8. Sở Xây dựng

- Không ngừng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng các khu dân cư, tăng cường diện tích cho khuôn viên, cây xanh trong các khu đô thị, khu dân cư, tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp, đồng thời đảm bảo không gian sống và cơ sở vật chất cho các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tích cực tham mưu các cơ chế chính sách khuyến khích việc sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường trong các công trình xây dựng;

- Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra quy hoạch, phát triển đô thị và các khu dân cư trong việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan, không gian cây xanh, cơ sở vật chất cho các hoạt động cộng đồng, hoạt động thể dục, thể thao theo quy định.

9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh về tăng cường các hoạt động thể lực phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh các phong trào thể dục thể thao quần chúng, phong trào toàn dân tập thể dục, rèn luyện sức khỏe.

10. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nhất là các bệnh phổ biến như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng hợp lý, chế độ ăn ít đường, ít muối, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn, tăng cường các hoạt động thể lực, rèn luyện sức khỏe..., để phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo phân công quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường, khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động bảo vệ rừng, tích cực trồng cây, gây rừng, tăng diện tích che phủ rừng cải thiện môi trường sống.

12. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường lao động an toàn, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khỏe cho người lao động.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp, khám sàng lọc, nhằm phát hiện sớm, quản lý điều trị và phục hồi chức năng, bố trí vị trí công việc phù hợp cho người lao động mắc bệnh không lây nhiễm.

13. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Thực hiện thanh toán đầy đủ, kịp thời các chi phí thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả mà các cơ sở khám, chữa bệnh đã cung cấp cho người bệnh theo quy định tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT và các quy định của pháp luật có liên quan;

Phối hợp với Sở Y tế hỗ trợ các Trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm bảo đủ các điều kiện khám chữa bệnh BHYT đối với các bệnh không lây nhiễm; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và triển khai các giải pháp hiệu quả tăng cường công tác khám chữa bệnh BHYT đối với các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở;

- Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các Trạm y tế xã, phường, thị trấn trong khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở, nhằm tăng tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm được khám, điều trị, theo dõi, quản lý sức khỏe ngay tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn,

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn; triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm năm 2019 tại địa phương đạt hiệu quả;

- Hàng năm có kế hoạch, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm.

15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh

- Chỉ đạo và vận động các đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh không lây nhiễm;

- Tăng cường các hoạt động giám sát và khuyến nghị các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND tỉnh(báo cáo);
- Các Sở, cơ quan ngang Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị, thành phố;
- Lưu: VT, VXsln.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 65/KH-UBND về tăng cường công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2019

  • Số hiệu: 65/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/03/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản