Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6412/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 12 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Để tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ; Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 24/6/2009 của UBND tỉnh và Quyết định số 1424/QĐ-UBND ngày 09/9/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức pháp lý, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, ngừa rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.

2. Xây dựng mối quan hệ giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giúp cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp được bồi dưỡng, nắm vững các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh để quản lý, điều hành doanh nghiệp đạt hiệu quả.

3. Xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xác định trách nhiệm và nâng cao năng lực của các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

4. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, đóng góp ý kiến và sử dụng thông tin pháp luật đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhà nước (không thuộc danh mục văn bản bí mật Nhà nước) và giải đáp những vấn đề pháp luật mà doanh nghiệp quan tâm nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Chủ động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thường xuyên theo yêu cầu quản lý nhà nước và theo đề xuất của doanh nghiệp, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, hình thức sở hữu, tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động; bảo đảm đúng nguyên tắc, nội dung, hình thức và phương pháp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ; đồng thời, kết hợp hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thực hiện các chương trình, đề án khác có liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6. Đề ra các phương thức hoạt động hỗ trợ pháp lý phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu và đối tượng phục vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý trên địa bàn tỉnh.

7. Nghiên cứu xây dựng tài liệu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và quan hệ lao động để cấp phát cho các doanh nghiệp và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các quy định của pháp luật có liên quan đến người lao động và cán bộ quản lý, làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp.

8. Không thực hiện hỗ trợ để giải quyết các vụ việc cụ thể của các doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ việc khai thác, tiếp cận thông tin của doanh nghiệp

a) Cập nhật 100% cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các văn bản có liên quan về thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Website của các sở, ban, ngành (trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật).

b) UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về Sở Tư pháp để đăng tải trên Website của các sở mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

- Đơn vị chủ trì: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: UBND các huyện, thành phố.

2. Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật

Biên soạn, phát hành và tổ chức phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp bằng các hình thức như: Tổ chức hội nghị giới thiệu các văn bản pháp luật để nâng cao kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành, kinh doanh của doanh nghiệp và văn bản thực hiện các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN, TPP, các thỏa thuận thương mại - đầu tư song phương, hội nhập kinh tế quốc tế với các nước... cho cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cấp, phát miễn phí tài liệu hỏi - đáp pháp luật, đề cương giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật, bản tin hỗ trợ doanh nghiệp, tờ gấp pháp luật và xử lý tình huống...

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành có liên quan.

- Đơn vị phối hợp: Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi; Báo Quảng Ngãi; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp; UBND các huyện, thành phố.

3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp

Xây dựng kế hoạch thực hiện bồi dưỡng theo chuyên đề kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

- Đơn vị chủ trì: Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Cục Hải quan, Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan.

- Đơn vị phối hợp: Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp: Liên minh hợp tác xã; Hội Luật gia; Đoàn Luật sư tỉnh.

4. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

Giải đáp pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; trong đó, xây dựng chuyên mục giải đáp và tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua mạng điện tử trên Trang chuyên ngành của các sở, ban, ngành và chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Sở Tư pháp; đồng thời, thường xuyên liên hệ với Trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Trung ương cập nhật thông tin về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để kịp thời phổ biến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành.

5. Đối thoại, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật

Thông qua hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các phương tiện thông tin đại chúng; các cơ quan, đơn vị tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định của pháp luật, thủ tục hành chính, tham mưu UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc kiến nghị các cơ quan cấp trên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.

6. Tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Biên soạn, in ấn và phát hành tài liệu các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để cấp phát cho các doanh nghiệp, thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các quy định của pháp luật để trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tiến tới xây dựng mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành.

7. Điều tra, khảo sát, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp

Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có biện pháp hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp được kịp thời và phù hợp.

- Thời gian thực hiện: Từ quý I/2016 và liên tục thực hiện đến năm 2020.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.

8. Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020:

- Thời gian thực hiện: Quý IV/2020.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Tư pháp.

- Đơn vị phối hợp: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

- Làm đầu mối tham mưu, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành giúp UBND tỉnh triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

- Định kỳ 06 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ Tư pháp và UBND tỉnh để kịp thời theo dõi, chỉ đạo.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận thông tin và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, qua đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

3. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh giải quyết kinh phí đảm bảo cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 12/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Chỉ thị số 10/2009/CT-UBND ngày 24/6/2009 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

4. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này.

5. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này đạt hiệu quả, chất lượng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (báo cáo);
- Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp);
- Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh;
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh;
- Hội nữ doanh nhân tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT - TH tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP(NC), CBTH;
- Lưu: VT, NClmc902

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Thích

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6412/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2020

  • Số hiệu: 6412/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Lê Quang Thích
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản