Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6142/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 17 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

SỬ DỤNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 2227/QĐ-BYT ngày 19/5/2023 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 năm 2023 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Các đối tượng có nguy cơ cao được tiêm chủng đủ số liều vắc xin phòng bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

II. NGUYÊN TẮC

- Vắc xin phòng COVID-19 được tiêm miễn phí.

- Trẻ em và người lớn có chỉ định tiêm chủng sẽ được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã đăng ký với Bộ Y tế.

- Trong trường hợp cần thiết, huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành Y tế, lực lượng công an, quân đội, các ban, ngành, đoàn thể.

- Đảm bảo việc sử dụng vắc xin an toàn và hiệu quả.

III. PHẠM VI

Tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên phạm vi toàn tỉnh.

IV. HÌNH THỨC TRIỂN KHAI

Tiêm chủng chiến dịch hoặc lồng ghép với hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại địa phương, tiêm chủng miễn phí.

V. NGUỒN VẮC XIN

Vắc xin viện trợ, tài trợ, mua.

VI. LOẠI VẮC XIN

Vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, có chỉ định tiêm theo lứa tuổi.

VII. ĐỐI TƯỢNG TIÊM CHỦNG

1. Người từ 18 tuổi trở lên

a) Đối tượng:

- Người thuộc đối tượng, chưa tiêm đầy đủ các mũi nhắc lại.

- Người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 17 lên 18 tuổi).

2. Người từ 12 đến dưới 18 tuổi

- Người chưa tiêm đủ 3 mũi.

- Người đến lịch tiêm trong năm 2023 (người từ 11 lên 12 tuổi).

3. Người từ 5 đến dưới 12 tuổi

Người có nhu cầu tiêm mũi cơ bản

4. Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên

Việc triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản cho trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp cho các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên được Bộ Y tế khuyến cáo và hướng dẫn cụ thể khi có đủ căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.

VIII. NHU CẦU VẮC XIN ĐẾN HẾT NĂM 2023

Ước tính đến hết năm 2023, nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 của các địa phương cần bổ sung là 9.790 liều, nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của huyện, thành phố (chi tiết tại Phụ lục).

TT

Đối tượng

Nhu cầu vắc xin (liều)

Số vắc xin đã được cấp đến 15/6/2023 (liều)

Số vắc xin hiện còn (liều)

Nhu cầu cần bổ sung (liều)

1

Người từ 18 tuổi trở lên

15.620

12.860

10

2.750

2

Người từ 12 đến dưới 18 tuổi

3.270

0

0

3.270

3

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

11.770

8.000

0

3.770

Tổng

30.660

20.860

10

9.790

IX. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cung ứng vắc xin

- Nguồn viện trợ của các Tổ chức quốc tế, Chính phủ một số quốc gia và các tổ chức phi chính phủ.

- Nguồn kinh phí của các doanh nghiệp tài trợ để mua (trong và ngoài nước) và tiêm miễn phí cho người dân.

- Nguồn kinh phí Trung ương từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 cấp cho Bộ Y tế mua.

2. Tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng

Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng tại các tuyến để tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin ở nhiệt độ phù hợp.

3. Tổ chức tiêm chủng

- Tổ chức tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng; Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2022 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

- Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng để triển khai tiêm chủng cho cộng đồng.

- Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng thì bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa,... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm và bố trí tổ tiêm lưu động để tiêm chủng tại nhà.

4. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn tại Quyết định số 5785/QĐ-BYT ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 dành cho người từ 18 tuổi trở lên, Quyết định số 1575/QĐ-BYT ngày 27/3/2023 của Bộ Y tế về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em và theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế, Công văn số 3886/BYT-DP ngày 11/5/2021 của Bộ Y tế và các hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

- Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng, đặc biệt là các xã ở vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.

- Các cơ sở tiêm chủng khác (trạm y tế, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, ...) phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

- Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đơn vị, địa phương, cơ sở tiêm chủng tiếp tục sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai tiêm chủng.

- Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình triển khai.

6. Truyền thông

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành Y tế.

- Truyền thông về công tác cung ứng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; sự phối hợp giữa các ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... trong triển khai tiêm chủng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao năng lực truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các cơ quan báo chí, các cán bộ y tế và các lực lượng tham gia tiêm chủng: tổ chức đào tạo, tập huấn; xây dựng và cung cấp các tài liệu truyền thông, các hướng dẫn chuyên môn dành cho cán bộ y tế, cán bộ tiêm chủng.

- Tuyên truyền về hiệu quả và lợi ích của việc tiêm vắc xin để khuyến khích người dân tích cực tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân và cộng đồng; thực hiện quản trị thông tin, theo dõi thông tin dư luận, mạng xã hội, cung cấp thông tin khoa học, kịp thời để phối hợp với các cơ quan chức năng phản bác, xử lý tin giả, tin đồn sai trái xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

- Xây dựng các câu chuyện, các sự kiện liên quan đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền thông đến các nhóm đối tượng đích.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong thực hiện tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao.

7. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Việc quản lý chất thải y tế phát sinh từ hoạt động tiêm chủng COVID-19 được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Các cơ sở tiêm chủng có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo theo quy định.

- Vắc xin phòng COVID-19 phải hủy do không đảm bảo điều kiện bao gồm vắc xin hết hạn dùng thực hiện theo quy định thuốc bị thu hồi phải tiêu hủy tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ Y tế và Thông tư số 03/2020/TT-BYT ngày 22/01/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2018/TT-BYT ngày 04/5/2018 của Bộ Y tế.

8. Báo cáo hoạt động tiêm chủng

- Sở Y tế chỉ đạo, thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng hằng ngày về Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan theo quy định.

- Báo cáo kết quả tiêm chủng định kỳ và báo cáo sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19; chỉ đạo đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng và đảm bảo chất lượng vắc xin.

X. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Trung ương

- Vắc xin và một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, dung môi pha vắc xin và hộp an toàn.

- Vận chuyển vắc xin đến kho của địa phương và chi phí giám sát hỗ trợ về cách thức bảo quản, quản lý và sử dụng vắc xin theo đúng quy định.

- Các hoạt động tập huấn về tiêm chủng cho tuyến tỉnh.

- Chi phí bồi thường cho một số trường hợp tử vong theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ hoặc theo quy định của cơ quan, tổ chức viện trợ vắc xin (nếu có).

2. Ngân sách địa phương

- Chi phí vận chuyển vắc xin từ kho của tỉnh đến các điểm tiêm; trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định.

- Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: chi phụ cấp đặc thù đối với cán bộ y tế thuộc kíp tiêm vắc xin và cán bộ hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19 khi tổ chức tiêm chủng, tổ cấp cứu lưu động, các vật tư tiêu hao (ngoài vật tư do Bộ Y tế bảo đảm), chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải y tế và vệ sinh môi trường trực tiếp cho việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng… đối với số lượng vắc xin tiêm tại các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý; chi phí cho các hoạt động tập huấn, truyền thông.

3. Nguồn kinh phí

- Ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương).

- Quỹ vắc xin phòng COVID-19.

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

XI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định.

- Chủ động liên hệ với Bộ Y tế để đề xuất nhu cầu vắc xin, vật tư… liên quan tiêm chủng.

- Lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo, huy động các đơn vị y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các hoạt động chuyên môn trong tiếp nhận, cấp phát, bảo quản, tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng tiến độ.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn vướng mắc, sự cố trong quá trình tổ chức hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh biện pháp xử lý (nếu có).

- Báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế theo tiến độ triển khai hoặc khi có yêu cầu; báo cáo ngay các vấn đề bất lợi phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chịu trách nhiệm rà soát học sinh trong độ tuổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hướng dẫn của ngành Y tế, không phân biệt công lập và ngoài công lập; chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường học phối hợp với trung tâm y tế trên địa bàn tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các trường học.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ đến đội ngũ nhân viên, giáo viên tại các trường, đơn vị thuộc Sở quản lý.

- Chịu trách nhiệm rà soát học sinh trong độ tuổi quy định theo lộ trình tiêm chủng của ngành Y tế thuộc Sở quản lý.

4. Công an tỉnh: chỉ đạo công an các cấp phối hợp với ngành Y tế trong việc thực hiện quy trình xác định mã định danh cho các đối tượng trước khi tiêm chủng và làm sạch dữ liệu tiêm chủng, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với dữ liệu quốc gia.

5. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Y tế tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn ngân sách đảm bảo đáp ứng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Hướng dẫn các đơn vị liên quan về thủ tục, quy trình để sử dụng kinh phí thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 thuận lợi, nhanh chóng và đúng quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng: phối hợp ngành Y tế tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân; tuyên truyền, vận động người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng để đảm bảo tỷ lệ bao phủ trong cộng đồng.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại các điểm tiêm theo đúng quy định.

8. Các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể: phối hợp, hỗ trợ ngành Y tế thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với ngành Y tế rà soát trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, những người chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 theo quy định trên địa bàn và tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

- Chỉ đạo, huy động nhân lực, trang thiết bị, phương tiện của các đơn vị có liên quan phối hợp với trung tâm y tế triển khai thực hiện tốt các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19, thông tin đến người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời, đúng lịch, đủ mũi.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc triển khai tiêm chủng trên địa bàn, không để tình trạng vắc xin hết hạn, gây lãng phí./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

PHỤ LỤC

NHU CẦU VẮC XIN PHÒNG COVID-19 NĂM 2023
(Kèm theo Kế hoạch số 6142/KH-UBND ngày 17/7/2023 của UBND tỉnh)

STT

Huyện/TP

Nhu cầu vắc xin phòng COVID-19 năm 2023

Nhóm từ 18 tuổi trở lên

Nhóm từ 12-17 tuổi

Nhóm từ 5-11 tuổi

1

Đà Lạt

50

450

350

2

Đức Trọng

530

540

720

3

Lâm Hà

330

210

270

4

Đơn Dương

530

430

380

5

Di Linh

140

220

470

6

Bảo Lộc

80

330

100

7

Đạ Huoai

50

40

50

8

Đạ Tẻh

250

190

210

9

Cát Tiên

20

230

190

10

Lạc Dương

120

90

260

11

Bảo Lâm

350

340

270

12

Đam Rông

300

200

500

Toàn tỉnh

2.750

3.270

3.770

* Ghi chú: Nhu cầu vắc xin sẽ được cập nhật, điều chỉnh theo đề xuất của các địa phương, đơn vị (nếu có).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 6142/KH-UBND sử dụng vắc xin phòng COVID-19 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 6142/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 17/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản