Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 602/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 02 tháng 3 năm 2020 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ BỨT PHÁ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 08/01/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và văn bản số 351/UBND-KTTH ngày 12/02/2020 về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 các lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và bứt phá trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2020 như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức, cá nhân về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản và quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép nhằm ngăn chặn kịp thời và từng bước chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là khoáng sản cát, vật liệu san lấp, đá chẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tạo sự bứt phá thật sự rõ nét đối với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ chung
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản, công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, quy chế phối hợp và quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương.
- Triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng; thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật, đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng công trình, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục duy trì công tác phối hợp giữa cơ quan liên quan và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhất là sự giám sát của các cấp ủy đảng, tổ chức mặt trận, đoàn thể và Nhân dân để kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác và sử dụng khoáng sản tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các địa phương, trong đó quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện, không để tái diễn, kéo dài, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản nhất là tại các địa phương có tuyến đường bộ cao tốc đi qua và địa phương có các dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai thi công.
2. Nhiệm vụ cụ thể
a) Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Phối hợp cơ quan, đơn vị có liên quan quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, ngăn chặn, giải tỏa kịp thời và xử lý nghiêm, dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản (cát, vật liệu san lấp, đá chẻ) trái phép tại địa phương ngay sau khi phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép tại các công trình xây dựng (điện gió, điện mặt trời, đường cao tốc...), các trường hợp đào ao, hạ cốt cải tạo đất nông nghiệp không đúng quy định và lợi dụng việc đào ao, hạ cốt, thi công các công trình xây dựng để khai thác cát, đất san lấp trái phép. Từng bước chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương, cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân huyện Bác Ái: Tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện phối hợp rà soát, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, vật liệu san lấp, đá chẻ) sử dụng trong các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện, thống kê khối lượng vật liệu từng công trình xây dựng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt và không quyết toán đối với các trường hợp không chứng minh được nguồn gốc vật liệu khai thác từ mỏ hợp pháp, kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.
- Ủy ban nhân dân huyện Thuận Bắc: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với, cơ quan chuyên môn, Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý, giải tỏa dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép tại địa phương, nhất là tại khu vực suối Đồng Nha, suối Vang và sông Bà Râu; lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật và từng bước chấm dứt hoạt động khai thác cát trái phép tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải:
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn, Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác vật liệu san lấp trái phép trên địa bàn, nhất là tại các khu vực giáp ranh với xã Phước Trung, huyện Bác Ái; kiên quyết xử lý, giải tỏa dứt điểm và lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật.
+ Chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Thanh tra giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển khoáng sản trên tuyến đường tỉnh 705, xử lý nghiêm các trường hợp không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc khoáng sản khai thác từ mỏ hợp pháp, các trường hợp chở vượt tải trọng cho phép.
- Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm: Tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế phối hợp với cơ quan quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, tiêu thụ cát xây dựng và việc kê khai, nộp thuế tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố. Lập hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp không có hóa đơn, chứng từ đối với khối lượng cát mua vào và không xuất hóa đơn, chứng từ khối lượng cát bán ra; không quyết toán thuế, không khấu trừ doanh thu chịu thuế và truy thu, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật về thuế.
- Ủy ban nhân dân huyện Thuận Nam: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện rà soát các vị trí, khu vực có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; Công an huyện trinh sát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (cát, vật liệu san lấp), nhất là tại các khu vực thi công dự án điện gió, điện mặt trời; kiểm soát chặt chẽ việc đào ao, hạ cốt kết hợp thu hồi khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan liên quan kịp thời kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn sau khi phát hiện; lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý, giải tỏa dứt điểm, buộc đưa máy móc, thiết bị phương tiện ra khỏi khu vực, nhất là tại các khu vực đào ao, hạ cốt đã hết thời hạn tại khu vực xã Phước Dinh, không để xảy ra tình trạng tái diễn hoặc kéo dài; từng bước chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương.
- Ủy ban nhân dân các huyện Ninh Sơn và Ninh Phước: Tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm và từng bước chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản đá chẻ trái phép tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Mỹ Sơn huyện Ninh Sơn và Phước Vinh, huyện Ninh Phước, cụ thể là: Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã Mỹ Sơn và Phước Vinh phối hợp với Công an hai huyện tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, tịch thu dụng cụ, thiết bị khai thác và cương quyết xử lý nghiêm, dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản đá chẻ trái phép tại khu vực giáp ranh giữa hai xã Mỹ Sơn huyện Ninh Sơn và Phước Vinh, huyện Ninh Phước.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật về khoáng sản, đối thoại doanh nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản và công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
- Triển khai thực hiện hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng; tham mưu thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản đúng quy định pháp luật, đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng công trình, nhất là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác hậu kiểm; duy trì công tác phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật, tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kịp thời ngăn chặn các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Kịp thời phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác kiểm tra, lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu xử lý vi phạm đối với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép theo quy định pháp luật.
c) Công an tỉnh
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tích cực trinh sát và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương; hỗ trợ trong việc dừng phương tiện, tạm giữ giấy tờ, đưa tang vật, phương tiện, thiết bị vi phạm về nơi tạm giữ và phối hợp xử lý vi phạm theo quy định pháp luật.
- Có kế hoạch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trái phép.
- Tổ chức lực lượng để giải tỏa các điểm nóng gây mất an ninh trật tự do vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
d) Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Thanh tra giao thông chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vận chuyển khoáng sản vi phạm trật tự an toàn giao thông; tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương; hỗ trợ trong việc dừng phương tiện, kiểm tra tải trọng, công tác đăng ký, quản lý, kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và xử lý theo quy định pháp luật.
e) Cục Thuế: Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; không bán hóa đơn lẻ, không quyết toán thuế, không khấu trừ doanh thu chịu thuế... đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát, vật liệu san lấp, đá chẻ) của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh mà không chứng minh được nguồn gốc khai thác từ mỏ hợp pháp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này và định kỳ trước ngày 20 của tháng cuối quý báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).
2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 của tháng cuối quý.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để được xem xét, giải quyết./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2Quyết định 07/2013/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 2934/QĐ-UBND năm 2019 công bố Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình
- 4Quyết định 10/2020/QĐ-UBND sửa đổi Mục V Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 1 Quyết định 44/2019/QĐ-UBND về tỷ lệ quy đổi số lượng khoáng sản đã qua sàng tuyển ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 5Quyết định 85/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 6Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 7Kế hoạch 122/KH-UBND thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021
- 8Kế hoạch 1747/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và bứt phá trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2022
- 1Chỉ thị 33/CT-UBND năm 2011 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành
- 2Quyết định 07/2013/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 3Quyết định 2934/QĐ-UBND năm 2019 công bố Danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình
- 4Quyết định 10/2020/QĐ-UBND sửa đổi Mục V Điểm 2.1 Khoản 2 Điều 1 Quyết định 44/2019/QĐ-UBND về tỷ lệ quy đổi số lượng khoáng sản đã qua sàng tuyển ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 5Quyết định 85/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 6Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 7Kế hoạch 122/KH-UBND thực hiện Đề án Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2021
- 8Kế hoạch 1747/KH-UBND thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và bứt phá trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2022
Kế hoạch 602/KH-UBND về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm và bứt phá trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2020
- Số hiệu: 602/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 02/03/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
- Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra