Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 27 tháng 02 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG AN TOÀN THỰC PHẨM TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP 2018

Thực hiện Quyết định số 219/QĐ-BNN-QLCL ngày 23/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018; để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản; phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến và kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018 với nội dung chính như sau:

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2017

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chọn là năm cao điểm hành động chất lượng, an toàn toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, UBND tỉnh đã xây dựng, Ban hành Kế hoạch và tổ chức Hội nghị trực tuyến đến tận cấp huyện, cấp xã để triển khai thực hiện năm cao điểm trên địa bàn tỉnh.

Qua 01 năm thực hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành cấp tỉnh và các địa phương: 13/13 huyện, thành phố, thị xã đều xây dựng Kế hoạch thực hiện năm cao điểm; tỷ lệ các cơ sở không đảm bảo điều kiện giảm nhiều so với năm 2016 (từ 9,4% xuống còn 5,3%); tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo điều kiện tăng cao 94,9% (445/469 cơ sở), số cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ tăng từ 18.448 cơ sở lên 27.731 cơ sở; bước đầu đã xây dựng một số chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận, đảm bảo truy xuất nguồn gốc (Cam Khe Mây, Bưởi Phúc Trạch) góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, HACCP...; công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao, tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đạt 65-80%. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra được chú trọng đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả người sản xuất - kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là cấp huyện, cấp xã; kịp thời phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản: Sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp chưa chủ động, quyết liệt, hiệu quả chưa cao (đặc biệt là cấp xã), tình trạng hàng hóa VTNN không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc; việc sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục để sản xuất, chế biến vẫn diễn ra và mang tính chất ngày càng tinh vi; tỷ lệ kiểm tra, giám sát ATTP chưa đáp ứng nguyên tắc theo chuỗi sản phẩm, chưa hình thành được nhiều chuỗi thực phẩm an toàn được xác nhận, truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng lựa chọn.... Kết quả cụ thể:

1. Công tác chỉ đạo, tham mưu.

- UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 23/02/2017 về năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017;

- Các sở, ngành chức năng, các địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

2. Về tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật.

- Tổ chức 87 lớp tập huấn; 09 Hội thảo, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực ATTP; hướng dẫn sản xuất áp dụng quy trình VietGAP; hướng dẫn khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hơn 8.000 lượt người tham gia. In và phát 10.000 tờ rơi, tờ dán tuyên truyền về tác hại của chất cấm, thuốc BVTV, hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến thực phẩm.

- Phối hợp với Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam xây dựng 03 đợt chương trình (với tổng số phát sóng 28 buổi trên VTV1) truyền thông, quảng bá “Nông nghiệp sạch cho người Việt Nam, cho Thế giới” đối với các sản phẩm như: Bưởi Phúc Trạch, Cam Hương Khê, Cam Thượng Lộc, chè, Nhung hươu, lợn, bò, Hến Đức Thọ, kẹo Cu đơ...; xây dựng phóng sự tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên Chương trình truyền hình VTV2; xây dựng nhiều tin, bài trên báo, phóng sự, bản tin phát trên đài truyền hình, đài phát thanh tỉnh, huyện, xã.

3. Hỗ trợ xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn:

- Triển khai 25 mô hình khuyến nông, trong đó chủ yếu là các mô hình phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ tư vấn, đánh giá và chứng nhận VietGAP, VietGAHP cho 52 cơ sở gồm: 09 vùng sản xuất rau củ quả tập trung, quy mô 12 ha và 120 tấn sản phẩm/vụ; 5 vùng trồng chè với tổng diện hơn 540 ha; 27 cơ sở chăn nuôi, quy mô 500 con/lứa trở lên hoặc hơn 300 nái/trại; 12 cơ sở nuôi trồng thủy sản, với quy mô 40 tấn sản phẩm thủy sản/vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 31 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, VietGAHP còn hiệu lực, gồm: 02 vùng trồng rau củ quả có diện tích 3,8 ha; 01 vùng trồng bưởi có diện tích 3,5 ha, 05 vùng trồng cam có tổng diện tích 33,7 ha, 05 vùng trồng chè (chè búp tươi) với tổng diện tích 543,253 ha, 16 trại chăn nuôi lợn thịt quy mô 500 con/lứa trở lên, 02 trại lợn nái có quy mô hơn 300 nái/trại.

- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp (Bưởi Phúc Trạch, Cam bù Hương Sơn, Cam Thượng Lộc, Cam Vũ Quang, Mật ong Vũ Quang,...). Triển khai xây dựng 10 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, đã xây dựng thành công 02 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn có xác nhận là Bưởi Phúc Trạch và Cam Khe Mây gắn với dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Tổ chức thành công Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017 nhằm giới thiệu quảng bá, tôn vinh thương hiệu, kích cầu tiêu dùng sản phẩm nông đặc sản của tỉnh.

- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, sản phẩm; triển khai xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”. Tổ chức lựa chọn sản phẩm tham gia Hội chợ Làng nghề Việt Nam 2017 - Craftviet 2017 và trưng bày sản phẩm, hàng hóa bên lề Hội nghị kết nối cung - cầu tại Hà Nội 2017, tại triển lãm “Việt Nam đối tác kinh doanh tin cậy và giàu tiềm năng” tại Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng.

4. Kết quả triển khai Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT.

Tính đến nay có 27.731 cơ sở sản xuất thực phẩm ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.

5. Kết quả triển khai Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT.

- Về VTNN

+ Kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN theo Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT (Thông tư 45) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thống kê lập danh sách của 1.111 cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, tiến hành kiểm tra đánh giá 1.434 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, kết quả: 560 cơ sở xếp loại A (chiếm 39,1%), 798 cơ sở xếp loại B (chiếm 55,6%), 76 cơ sở xếp loại C (chiếm 5,3%).

+ Cấp 135 Giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh, gồm: 47 cơ sở đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV (lũy kế đến nay là 486 cơ sở), 88 cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y (lũy kế đến nay là 189 cơ sở); cấp 85 Chứng chỉ hành nghề Thú y (lũy kế đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 305 người được cấp Chứng chỉ hành nghề Thú y).

- Về sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm

+ Kiểm tra, đánh giá, phân loại điều kiện cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm theo Thông tư 45: Thống kê lập danh sách 672 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, tiến hành kiểm tra đánh giá 469 cơ sở, kết quả: 177 cơ sở xếp loại A (chiếm 37,7 %), 268 cơ sở xếp loại B (chiếm 57,1%), 24 cơ sở xếp loại C (chiếm 5,1%).

+ Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản: Năm 2017, kiểm tra cấp và cấp lại được 192 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản1. Lũy kế đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có 382 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản còn hiệu lực.

6. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm

Trong năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 104 cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất về chất lượng VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn (cấp tỉnh 28 cuộc, các địa phương 76 cuộc) đối với 2.316 lượt cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 358 cơ sở xử phạt 221 cơ sở với số tiền 716,88 triệu đồng, cụ thể:

- Tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 1.149 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, lấy 198 mẫu VTNN2. Phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 161 cơ sở phạt tiền 75 cơ sở với số tiền 277,7 triệu đồng.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với 1.167 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản, lấy 421 mẫu nông lâm thủy sản3, phát hiện 05 mẫu dò sử dụng phụ gia chế biến ngoài danh mục, xử lý 140 cơ sở vi phạm với số tiền 439,18 triệu đồng.

7. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 40 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động (trong đó có 01 Nhà máy giết mổ và chế biến súc sản tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, 02 cơ sở giết mổ tập trung có hệ thống giết mổ treo tại xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh và xã Gia Phố, huyện Hương Khê). Tại các cơ sở giết mổ tập trung được bố trí cán bộ chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y;

- Nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nên công tác quản lý giết mổ được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung đạt cao như Thị xã Hồng Lĩnh (100%), Thạch Hà (95%), Nghi Xuân (90%), Lộc Hà (90%), TP Hà Tĩnh (89%). Đến nay bình quân trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ gia súc được đưa vào giết mổ tập trung đạt 65% trên lợn và 80% trên trâu bò;

- Công tác kiểm dịch ra ngoài tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình: Động vật, sản phẩm động vật trước khi xuất ra ngoại tỉnh được kiểm soát tận gốc tại nơi xuất phát đảm bảo an toàn dịch bệnh. Công tác phúc kiểm tại Trạm kiểm dịch nội địa được kiểm soát chặt chẽ tại đầu mối giao thông, các lô hàng vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn Hà Tĩnh phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh. Trong năm 2017: Cấp 6.496 giấy Chứng nhận Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra ngoài tỉnh; 190 giấy Chứng nhận kiểm dịch động vật thủy sản; phúc kiểm tại Trạm kiểm dịch động vật được 6.819 xe tương đương 28.300 con trâu bò, 294.000 con lợn, 3.000.000 con gia cầm, 125.000 con chó.

8. Một số tồn tại khó khăn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế trong công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản:

- Sản xuất nông nghiệp Hà Tĩnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa. Sản phẩm đầu ra chưa có sự liên kết chặt chẽ với thị trường, như lợn, tôm, rau quả; số vùng sản xuất áp dụng VietGAP, chưa tạo được nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có xác nhận gắn với truy xuất nguồn gốc để người tiêu dùng yên tâm tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà.

- Lực lượng sản xuất chủ yếu là người dân nông thôn nên có nhận thức không đồng đều, một số nơi còn thiếu hiểu biết về pháp luật. Trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ chưa thường xuyên, còn thiếu chiều sâu.

- Một số chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, còn lúng túng, thiếu chủ động, có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm: Thống kê các cơ sở chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản thực phẩm theo phân cấp quản lý trên địa bàn chưa đầy đủ; chưa tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở mà chỉ mới thụ động kiểm tra đánh giá khi có nhu cầu cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; còn 28 xã chưa triển khai thực hiện Thông tư 514; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm còn hạn chế, gần như không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở, không đủ sức răn đe như Vũ Quang, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh.

- Tình trạng vi phạm pháp luật về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP thuộc lĩnh vực nông nghiệp quản lý vẫn còn cao. Việc sử dụng phụ gia, hóa chất ngoài danh mục để sản xuất, chế biến vẫn diễn ra và mang tính chất ngày càng tinh vi.

- Nhiều loại VTNN được đưa trực tiếp thông qua nhiều kênh phân phối xuống tận người sản xuất không qua các đại lý kinh doanh nên khó khăn trong công tác kiểm tra kiểm soát về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Còn có hiện tượng một số đại lý kinh doanh giống lúa ngoài cơ cấu, giống đang sản xuất thử, kinh doanh giống lạc không hợp pháp. Cá biệt, có xã còn đưa giống lúa chưa được công nhận vào cơ cấu trong Đề án sản xuất của xã.

- Công tác chỉ đạo quản lý giết mổ tại các địa phương trong thời gian qua có chiều hướng chùng xuống; việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác giết mổ tại địa phương chưa triệt để, mức độ xử lý còn nhẹ; chính quyền cấp xã còn để buông lỏng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra và xử lý. Đặc biệt 03 cơ sở giết mổ tại huyện Hương Khê đã ngừng hoạt động, tại các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang và Thị xã Kỳ Anh tỷ lệ gia súc đưa vào giết mổ tập trung đạt thấp cụ thể Hương Khê (0%), Vũ Quang (36%), Đức Thọ (28%), Cẩm Xuyên (54%) đặc biệt thấp tại các cơ sở như: Đức Nhân (5 lợn), Đức Đồng (5 lợn), Đức Dũng (10 lợn) huyện Đức Thọ; Cẩm Bình (7 lợn), Cẩm Lĩnh (6 lợn), Cẩm Nam (5 lợn) huyện Cẩm Xuyên và thị trấn Vũ Quang (9 con); tình trạng giết mổ tại hộ gia đình, không đưa vào cơ sở giết mổ tập trung có xu hướng gia tăng.

- Tại các cơ sở giết mổ tập trung còn tình trạng giết mổ trên nền xi măng, ghi chép theo dõi chưa đầy đủ thông tin gia súc đưa vào giết mổ; gia súc đưa vào giết mổ chưa xuất trình được giấy chứng nhận tiêm phòng và giấy xác nhận của Thú y cơ sở để truy xuất nguồn gốc; một số cơ sở giết mổ có dấu hiệu xuống cấp, chưa được sửa chữa kịp thời (lò Sông Trí thị xã Kỳ Anh, lò phường Tân Giang thành phố Hà Tĩnh, lò Thạch Tân huyện Thạch Hà...)

- Việc quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ yếu còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; tỷ lệ các cơ sở được kiểm tra sau khi ký cam kết còn quá thấp, do đó chưa kiểm soát được các mối nguy về ATTP tại các công đoạn sản xuất ban đầu.

- Năng lực thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng, ATTP của tỉnh nói chung và của nông nghiệp nói riêng còn rất hạn chế (từ con người đến phương tiện, trang thiết bị cần thiết) do đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát ATTP.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI NĂM 2018

1. Căn cứ lập kế hoạch.

- Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

- Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý vật tư nông nghiệp;

- Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm (sau đây gọi tắt là Thông tư 45);

- Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (sau đây gọi tắt là Thông tư 51);

- Quyết định số 219/QĐ-BNN-QLCL ngày 23/01/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018;

- Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh về Quy định phân công trách nhiệm Quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

- Kế hoạch hành động số 242/KH-UBND ngày 02/8/2016 của UBND tỉnh về việc Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Kế hoạch số 20/KH-BCD389 ngày 19/01/2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

2. Mục tiêu.

2.1. Mục tiêu chung:

Đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực rõ nét trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, hạn chế tối đa các tác nhân gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, không đảm bảo ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% cán bộ làm công tác quản lý chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông lâm thủy sản được đào tạo, nâng cao kiến thức về quản lý chất lượng VTNN, ATTP.

- 100% các đối tượng tham gia chuỗi giá trị ngành hàng từ người sản xuất, chế biến, lưu thông, buôn bán đến người tiêu dùng được phổ biến, hướng dẫn, vận động tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản.

- 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông sản và thủy sản thực phẩm được kiểm tra, đánh giá, phân loại theo Thông tư 45; trong đó 95% cơ sở được đánh giá xếp loại B trở lên.

- Các cơ sở bị xếp loại C được quản lý chặt chẽ để khắc phục các sai lỗi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Xử lý các vi phạm nghiêm minh, bao gồm cả việc đình chỉ, chấm dứt kinh doanh nếu khắc phục chậm hoặc không khắc phục các điều kiện vi phạm theo quy định.

- 100% các địa phương triển khai, thực hiện có hiệu quả việc ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ theo Thông tư 51.

- Tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc Bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm hơn 10% so với năm 2017.

- Phấn đấu 80% các huyện, thành phố, thị xã triển khai có ít nhất một chuỗi cung ứng được cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn.

3. Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm

3.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng hàng hóa VTNN, tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh không đúng quy trình, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP cũng như các quy định về xử phạt hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP theo quy định của pháp luật.

3.2. Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ quan kiểm tra cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách tại các địa phương.

3.3. Xây dựng chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, gắn với tiêu thụ sản phẩm và gắn với phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách của tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp áp dụng qui trình sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo ATTP; hỗ trợ áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, VietGAHP...), thực hành sản xuất tốt (GMP), HACCP trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

3.4. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản:

- Tiếp tục rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn; tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở theo quy định tại Thông tư 45; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp. Thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách các cơ đủ điều kiên và cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh để khuyến khích các cơ sở làm tốt, đồng thời răn đe và xử lý các cơ sở vi phạm về điều kiện sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định.

- Đẩy mạnh công tác giám sát ATTP tại các cơ sở ban đầu: Rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ có đưa sản phẩm ra thị trường để tiếp tục ký cam kết ATTP (đối với những cơ sở chưa ký) và tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư 51, gắn với Tiêu chí 17.8 trong nội dung xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra phù hợp với Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở. Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi sản xuất: Từ hàng hóa VTNN đầu vào (chú trọng đến hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, nằm ngoài danh mục...) đến suốt quá trình sản xuất: Sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản thủy sản nhỏ lẻ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời cơ sở vi phạm; công khai rộng rãi danh sách các cơ sở vi phạm.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm soát, lưu thông gia súc gia cầm trên địa bàn tỉnh; kiểm soát giết mổ. Kiểm tra, lấy mẫu giám sát về ATTP tại cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất ATTP, đặc biệt là hành vi giết mổ gia súc có sử dụng chất cấm, bị bơm nước, tiêm thuốc an thần trước giết mổ; kiểm tra, xử lý thường xuyên, quyết liệt đối với hoạt động kinh doanh, giết mổ, xóa bỏ việc giết mổ trái quy định tại các hộ gia đình.

3.5. Tăng cường truyền thông, quảng bá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN chất lượng cao, thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn.

3.6. Tổ chức thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về hàng hóa VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản; xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân buông lỏng công tác quản lý nhà nước theo quy định.

3.7. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện thống kê, kiểm tra, đánh giá phân loại và xử lý vi phạm điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp, định kỳ 06 tháng, 01 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

4. Thời gian, kinh phí thực hiện.

4.1. Thời gian.

- Công tác tuyên truyền, tập huấn: Hoàn thành trước 31/3/2018.

- Rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ (hoàn thành trước ngày 31/5/2018).

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở theo Thông tư 45: Theo kế hoạch cụ thể của từng đơn vị, địa phương; tái kiểm tra, xử lý các cơ sở xếp loại C, hoàn thành trước tháng 12/2018.

- Tổ chức ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư 51: Bắt đầu từ tháng 02/2018; tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các cam kết của cơ sở, tiến hành xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần 3 và các cơ sở vi phạm nghiêm trọng hoàn thành trước ngày 10/12/2018.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh: Theo kế hoạch cụ thể của từng đơn vị, địa phương (bắt đầu từ tháng 02/2018 và hoàn thành trước ngày 25/12/2018).

- Thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN và ATTP nông, lâm, thủy sản tại các địa phương: đợt 1, tháng 6/2018; đợt 2, tháng 12/2018 - 01/2019.

4.2. Kinh phí:

- Đối với cấp tỉnh: Kinh phí sự nghiệp của các ngành năm 2018 và nguồn kinh phí khác (nếu có).

- Đối với cấp huyện, cấp xã: Sử dụng nguồn kinh phí ngân sách của cấp huyện, cấp xã.

5. Tổ chức thực hiện.

5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ công tác quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế) các huyện, thành phố, thị xã; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực chất lượng VTNN, ATTP đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Sở.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các cơ sở do Cơ quan trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh (bao gồm việc cấp/thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP); chỉ đạo các Chi cục: Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi và Thú y thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hàng hóa VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai rộng rãi các cơ sở đủ điều kiện và cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cơ quan, Nhân dân biết và giám sát thực hiện.

- Chủ động, phối hợp các địa phương, đơn vị lấy mẫu các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp; sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác, sản xuất, cung ứng trên địa bàn để kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng ATTP. Xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Triển khai cấp giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”;

- Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chính sách của Trung ương, của tỉnh, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, VietHGAP và các Chương trình quản lý chất lượng tiên tiến đảm bảo điều kiện ATTP.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông, lâm, thủy, sản của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm túc đối với các hành vi buông lỏng quản lý, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

- Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh theo quy định.

5.2. Các sở, ngành liên quan.

- Sở Y tế: Chủ động tăng cường công tác quản lý ATTP theo lĩnh vực được phân công; chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong các trường hợp có yêu cầu của Bộ Y tế, UBND tỉnh hoặc khi có đề nghị của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Công thương: Chủ động tăng cường công tác quản lý ATVSTP theo lĩnh vực được phân công; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa VTNN và thực phẩm nông lâm thủy sản lưu thông trên thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm. Kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các địa phương quản lý tốt lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch; sở hữu công nghiệp và công tác kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị, phương tiện, dụng cụ đo lường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Sở Tài chính: Cân đối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Kế hoạch này; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí từ ngân sách cấp huyện, cấp xã để thực hiện nhiệm vụ.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cung cấp danh sách các doanh nghiệp có đăng ký ngành nghề liên quan đến sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản. Phối hợp với cơ quan liên quan xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh VTNN và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản; đưa tin kịp thời, chính xác hoạt động, kết quả kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các cấp, các ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Công an tỉnh: Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình về sản xuất, kinh doanh VTNN, hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các cơ sở vi phạm.

- Cục Hải quan: Chỉ đạo các Chi cục Hải quan và Đội Kiểm soát Hải quan chủ động phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát các lô hàng nhập khẩu, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn các hành vi nhập lậu VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa VTNN giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

- Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020, trọng điểm là các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.

5.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

- Xây dựng kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn; trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, UBND cấp xã về công tác quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản. Đồng thời chỉ đạo các phòng, UBND cấp xã tập trung vào thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

+ Rà soát, thống kê, lập danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản ban đầu nhỏ lẻ (theo mẫu hướng dẫn của ngành Nông nghiệp).

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng, ATTP trong sản xuất, kinh doanh VTNN, thực phẩm nông lâm thủy sản; tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã (bao gồm việc đào tạo cán bộ lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP).

+ Tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở theo quy định tại Thông tư 45; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo phân công, phân cấp; thanh tra, kiểm tra, xử lý, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện. Thông báo công khai danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện và các cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên các phương tiện thông tin, đại chúng để các tổ chức, cơ quan, mọi người dân biết và giám sát thực hiện.

+ Đẩy mạnh công tác giám sát ATTP tại các cơ sở ban đầu: Rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ có đưa sản phẩm ra thị trường để tiếp tục ký cam kết ATTP (đối với những cơ sở chưa ký) và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo Thông tư 51, gắn với Tiêu chí 17.8 trong nội dung xây dựng nông thôn mới. Tiến hành xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần 3 và các cơ sở vi phạm nghiêm trọng theo quy định.

- Hướng dẫn, củng cố, phát triển các mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGAP, HACCP, ISO... Lựa chọn, xây dựng các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn có xác nhận, đảm bảo truy xuất theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”; phối hợp với các sở, ngành liên quan kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm an toàn cho người dân.

- Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ các loại hàng hóa vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông, lâm, thủy sản cung ứng trên địa bàn; kịp thời nắm bắt thông tin, thông báo và phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành chức năng phối hợp lấy mẫu phân tích chất lượng, ATTP trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt đối với các loại phân bón, giống cây trồng... do các HTX, các hiệp hội đưa trực tiếp về tận các xã để cung ứng cho người dân (không qua các cửa hàng cung ứng trên địa bàn) thì chỉ đạo chính quyền cấp xã chủ động kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ, bao bì nhãn mác, hồ sơ chất lượng, thử tỷ lệ nẩy mầm (đối với các loại giống cây trồng nông nghiệp), phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng trước khi người dân đưa vào sản xuất.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa VTNN, ATTP nông, lâm, thủy sản của Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm túc đối với các hành vi buông lỏng quản lý, không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

- Phát động các tổ chức chính trị - xã hội đóng trên địa bàn tham gia tuyên truyền, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên đây là Kế hoạch Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2018 của tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định; định kỳ hằng quý, 6 tháng, 01 năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục QLCL Nông lâm sản và Thủy sản;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành: NNPTNT, Y tế, Công thương, Tài chính, KHĐT, TTTT, KHCN, KBNN tỉnh, Công an tỉnh, Hội Phụ nữ; HND tỉnh;
- Hội BVQL người tiêu dùng tỉnh;
- Đài PT và TH tỉnh, Báo Hà Tĩnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Chánh, các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB - TH tỉnh;
- Lưu VT, TM, VX, NL1, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Đặng Ngọc Sơn

 



1 Trong đó: Cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra cấp được 16 giấy, cấp huyện kiểm tra cấp được 176 giấy.

2 Gồm: 87 lô giống lúa, 30 lô giống ngô, 36 lô giống rau, 2 lô phân bón, 7 lô thuốc BVTV và 37 lô thức ăn chăn nuôi các loại để kiểm nghiệm chất lượng theo quy định

3 Gồm: 119 mẫu rau củ quả, 115 mẫu giò chả, 8 mẫu thịt, 44 mẫu nước tiểu lợn 135 mẫu thủy hải sản để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, các loại hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm và chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

4 Gồm: (Huyện Can Lộc còn 03/23 xã, huyện Kỳ Anh còn 16/21 xã, huyện Lộc Hà 8/13 xã, huyện Cẩm Xuyên 1/27).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 58/KH-UBND về đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2018 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 58/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/02/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Ngọc Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản