Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 04 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TRONG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP

Vật tư nông nghiệp bao gồm giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nông nghiệp, thủy sản. Đây là các yếu tố đầu vào, có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để bảo đảm phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm lợi ích của nông dân và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng; hàng giả; không ghi rõ thành phần, hàm lượng, công dụng, nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì; tình trạng quảng cáo không đúng công dụng của vật tư nông nghiệp còn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại cho người sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường và bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng chống tội phạm và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có nơi buông lỏng quản lý; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để ngăn ngừa vi phạm; công tác tuyên truyền mới tập trung phản ánh vi phạm, chưa chú trọng biểu dương, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp làm tốt, bảo đảm chất lượng; chưa phát huy được vai trò giám sát, phát hiện và tham gia tố giác vi phạm của các tổ chức, cộng đồng và người dân.

Để tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quán triệt, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý vật tư nông nghiệp theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và pháp luật liên quan; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành.

b) Rà soát, kiểm tra việc đăng ký điều kiện kinh doanh dịch vụ của tổ chức đánh giá sự phù hợp lĩnh vực nông nghiệp; tập trung chấn chỉnh, kiên quyết thu hồi chỉ định tổ chức kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp khi có sai phạm theo quy định của pháp luật.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; Giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý dứt điểm các điểm nóng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng Salbutamol, Aurmine, Cysteamine và các hóa chất, kháng sinh khác trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng vật tư nông nghiệp; xử lý các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vật tư nông nghiệp.

2. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp là hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường công tác tuần tra các tuyến, địa bàn trọng điểm trên bộ và trên biển để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

4. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật; chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo quản hàng hóa.

5. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước cho công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp trên thị trường. Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

6. Bộ thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm; nêu gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống, tố giác, lên án các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, không bảo đảm chất lượng.

7. Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo lực lượng 389 của các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thành viên phối hợp tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn, xử lý nghiêm nhập lậu, kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch chuyên đề về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.

8. Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý vật tư nông nghiệp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn; xác định việc quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cần tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn; ưu tiên phân bổ kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp lưu thông và sử dụng trên địa bàn.

10. Các Bộ, ngành Trung ương và địa phương có hình thức tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin vi phạm về sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư nông nghiệp.

11. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 15/CT-TTg năm 2017 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 15/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 24/04/2017
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 28/04/2017
  • Số công báo: Từ số 299 đến số 300
  • Ngày hiệu lực: 24/04/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản