Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 558/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 05 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐƯA SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP THẾ MẠNH VÀ CHẤT LƯỢNG CAO CỦA TỈNH VÀO TIÊU THỤ TẠI CÁC SIÊU THỊ TRONG NƯỚC

Thực hiện Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 tại Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 18/10/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại các siêu thị trong nước, cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thực trạng sản xuất

Hiện nay, các loại nông sản phẩm chất lượng cao của tỉnh được sản xuất chủ yếu bởi các hợp tác xã, trang trại và hộ nông dân. Hầu hết sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung và chưa áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (chưa có chứng nhận VietGAP, GlobalGap...). Qua kết quả khảo sát thực tế các HTX, trang trại, hộ sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh (15 đơn vị), hầu hết các đơn vị này chưa có hồ sơ đầy đủ về quy trình sản xuất sản phẩm an toàn (chưa có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm...); Quy mô sản xuất nhỏ lẻ (khoản từ 0,1 - 1 ha/đơn vị); mang tính tự phát, chưa có định hướng sản xuất theo quy hoạch vùng; năng suất sản phẩm ít và chủ yếu theo mùa vụ.

2. Về tiêu thụ sản phẩm

- Hầu hết sản phẩm nông sản của tỉnh (rau, củ quả, trái cây các loại) chủ yếu được tiêu thụ trực tiếp tại thị trường địa phương thông qua các chợ truyền thống hoặc tiêu thụ qua các trung gian bán buôn từ các tỉnh khác đến thu mua.

- Chưa hình thành kênh phân phối bền vững thông qua các hợp đồng tiêu thụ dài hạn và chưa có sản phẩm nào đưa vào tiêu thụ trong hệ thống các siêu thị (do chưa đáp ứng các yêu cầu về các quy định đối với chất lượng sản phẩm đưa vào siêu thị theo như quy định).

- Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn manh mún. Chưa có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản, cho nên gặp khó khăn trong quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối và sản phẩm tạo ra mang tính cạnh tranh thấp.

- Sức tiêu thụ của siêu thị về các sản phẩm nông sản còn thấp do thói quen tiêu dùng của người dân chủ yếu mua sản phẩm nông sản tại các chợ cóc, chợ tạm. Chưa có kênh kết nối giữa sản xuất và siêu thị.

3. Thuận lợi, khó khăn

3.1. Thuận lợi:

Điều kiện về thời tiết, khí hậu và đất đai ở địa phương khá thuận lợi để sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao.

3.2. Khó khăn:

- Quy mô sản xuất sản phẩm nông sản chưa tập trung, nguồn hàng chưa ổn định, chủ yếu theo mùa vụ.

- Điều kiện tiêu chuẩn nông sản phẩm đưa vào tiêu thụ trong siêu thị là khá chặt chẽ. Nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị phải đảm bảo các điều kiện về: Sản xuất hàng hóa; Chứng nhận (hoặc cam kết) về vệ sinh an toàn thực phẩm; Vietgap; Hồ sơ công bố chất lượng; Hồ sơ công bố hợp quy; Kết quả kiểm định chất lượng; Nguồn hàng phải ổn định. Tuy nhiên các đơn vị sản xuất nông sản phẩm (rau, củ quả, trái cây các loại) chưa quan tâm đến việc đăng ký, thực hiện các tiêu chuẩn đối với sản phẩm.

- Chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm và thực hiện hồ sơ đối với sản phẩm khá cao và cần nhiều thời gian. Đây là một trong những trở ngại lớn đối với hàng nông sản phẩm muốn đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.

- Các cơ sở sản xuất nông sản phẩm hầu hết tại các vùng xa trung tâm huyện, thị xã, do đó chi phí vận chuyển hàng hóa cũng là trở ngại.

- Tâm lý của các cơ sở sản xuất nông sản phẩm chưa thật sự muốn đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị mà vẫn duy trì kinh doanh theo lối truyền thống (bán cho thương lái, bán tại chợ).

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tăng cường quảng bá sản phẩm địa phương. Ngoài ra, đây cũng là một trong những giải pháp ổn định thị trường đầu ra một cách bền vững, giúp các cơ sở mở rộng và phát triển sản xuất, đồng thời mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối hiện đại.

- Hỗ trợ tổ chức, cá nhân gia tăng sản xuất, giúp cho doanh nghiệp, người sản xuất đưa hàng vào tiêu thụ tại các siêu thị với hợp đồng tiêu thụ dài hạn và ổn định, có khối lượng lớn, đồng thời tạo lập mối liên kết bền vững trong hoạt động sản xuất chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nhà cung cấp và nhà tiêu thụ.

- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng trong tỉnh có điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng vào hệ thống phân phối.

2. Yêu cầu: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả có sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện

III. MỤC TIÊU, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Mục tiêu

- Từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trong nước. Trước mắt là các siêu thị trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ sản xuất nông sản phẩm nâng cao năng lực sản xuất và tìm kiếm đối tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

- Đến hết năm 2016, đưa sản phẩm của 02 đến 04 đơn vị sản xuất với những mặt hàng rau, củ, quả vào tiêu thụ tại siêu thị Coopmart Đắk Nông. Phấn đấu đến năm 2020 đưa sản phẩm của 15 - 20 đơn vị sản xuất với những mặt hàng trái cây, thịt gia cầm, gia súc, trứng gà sạch, gạo,...vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên các sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: gạo Buôn Choah; khoai lang Tuy Đức; ổi Đắk Glong; cam quýt Đắk Nia; bơ; xoài; thanh long; sầu riêng; thịt gia cầm, gia súc; trứng gà sạch; các loại rau củ, quả,... vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên toàn quốc.

2. Thời gian thực hiện

- Sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh Đắk Nông.

- Các doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2016 - 2020.

IV. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Nội dung

1.1. Hoạt động sản xuất:

- Thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản chất lượng cao, tạo ra lượng sản phẩm đủ lớn để cung cấp ổn định, dài hạn. Tổ chức sản xuất mang tính tập thể và liên kết sản xuất với hình thức Hợp tác xã, Hiệp hội, trang trại.

- Tổ chức Hội thảo, tập huấn phổ biến hướng dẫn áp dụng quy trình kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

- Hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm đặc trưng để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm và dễ dàng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, tình trạng cũng như địa điểm cung ứng sản phẩm.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về việc tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP.

- Hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chi phí cho các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao trong việc đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ... và chi phí kiểm định, công bố chất lượng sản phẩm.

1.2. Hoạt động Xúc tiến thương mại

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ thông qua các hoạt động tổ chức các chương trình kết nối giao thương giữa các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh với các siêu thị trên toàn quốc.

- Cung cấp thông tin các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao của tỉnh đến hệ thống siêu thị trên toàn quốc để quảng bá, giới thiệu và kêu gọi hợp tác kinh doanh.

- Cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong siêu thị.

- Thực hiện các bản tin chuyên đề, chuyên mục phóng sự về nông sản chất lượng cao của tỉnh để quảng bá, giới thiệu trên các kênh truyền hình.

- Hướng dẫn các trình tự, thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.

2. Phân công trách nhiệm

2.1. Trách nhiệm Sở Công Thương:

- Phối hợp với cơ quan truyền thông, truyền hình của địa phương thực hiện các bản tin, cẩm nang, phóng sự, chuyên đề để quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh trên Đài phát thanh truyền hình, báo và các trang thông tin điện tử.

- Tổ chức các chương trình kết nối giao thương, cung cầu giữa các tổ chức sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao của tỉnh với các siêu thị trên toàn quốc. Đưa nông sản phẩm của tỉnh đi tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối kinh doanh.

- Lập danh sách các tổ chức sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao của tỉnh để cung cấp đến các siêu thị trên toàn quốc nhằm giới thiệu và kêu gọi hợp tác kinh doanh.

- Cung cấp thông tin về quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của siêu thị đối với nông sản phẩm khi đưa vào tiêu thụ trong siêu thị. Hướng dẫn trình tự, thủ tục để đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.

2.2. Trách nhiệm Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

- Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông sản chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Tổ chức sản xuất mang tính tập thể và liên kết sản xuất với hình thức Hợp tác xã, Hiệp hội, trang trại.

- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng quy trình kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh.

- Hỗ trợ thủ tục, chi phí cho các tổ chức sản xuất nông sản chất lượng cao trong việc đăng ký chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ... và chi phí kiểm định, công bố chất lượng sản phẩm.

2.3. Trách nhiệm của Sở Khoa học và công nghệ:

Hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đặc trưng để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm và dễ dàng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, tình trạng cũng như địa điểm cung ứng sản phẩm.

2.4. Trách nhiệm của Sở Y tế:

Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản đăng ký công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có liên quan.

2.5. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông;

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các phóng sự chuyên đề, chuyên mục, bản tin quảng bá về sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP, HACCP.

2.6. Trách nhiệm của Sở Tài Chính

Hàng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách tỉnh, chủ trì phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí ngân sách triển khai Kế hoạch này.

2.7. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã

- Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông sản, vật nuôi chất lượng cao và tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tại địa phương.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn sản phẩm VietGAP, GlobalGAP,... Cung cấp thông tin về sản phẩm để tham gia thị trường, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm.

- Khảo sát, lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh của địa phương để tổ chức sản xuất.

- Tổ chức kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện việc ký cam kết sản xuất an toàn và kiểm tra nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

2.8. Trách nhiệm của Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội nông dân tỉnh.

Hỗ trợ và vận động các hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân tham gia thực hiện tổ chức sản xuất nông sản phẩm theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành lập các liên kết sản xuất nông sản phẩm chất lượng cao.

2.9. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông sản

- Tổ chức sản xuất nông sản phẩm theo các quy trình kỹ thuật đảm bảo phù hợp các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm về VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng các quy định chất lượng hàng hóa đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị.

- Cung cấp đầy đủ các thông tin về các sản phẩm nông sản hàng hóa an toàn cho các cơ quan, đơn vị và các hệ thống phân phối.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở nội dung Kế hoạch và trách nhiệm được phân công, các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã Gia Nghĩa và các đơn vị có liên quan cụ thể hóa nhiệm vụ thuộc Sở, ngành đơn vị mình theo từng nhiệm vụ từng năm về nội dung, kinh phí thực hiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện.

2. Giao Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Các Sở, ngành;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN, KTKH-VB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Thanh Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 558/KH-UBND năm 2016 về đưa sản phẩm nông nghiệp thế mạnh và chất lượng cao của tỉnh vào tiêu thụ tại siêu thị trong nước do tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 558/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Trương Thanh Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản