Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5343/KH-UBND

Bình Dương, ngày 21 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP THU HÚT, ĐÓN NGƯỜI LAO ĐỘNG TỪ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ CÓ NHU CẦU TRỞ LẠI LÀM VIỆC TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương làm việc trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 được đảm bảo an toàn, hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động khi doanh nghiệp trở lại sản xuất. Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 177/TTr-SLĐTBXH ngày 15/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh Bình Dương, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tạo thuận lợi cho người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương làm việc; Đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động trở lại trong thời gian Bình Dương thực hiện khôi phục các hoạt động kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động trong tỉnh, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lao động.

- Thực hiện tốt các chính sách về lao động để đảm bảo mục tiêu “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, nhằm tránh thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, thu hút nguồn lao động từ các tỉnh, thành phố đến Bình Dương tìm việc làm. Đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.

- Việc phối hợp đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại tỉnh Bình Dương làm việc phải đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định của Trung ương, địa phương và của các tỉnh, thành phố khác.

II. NỘI DUNG

1. Đối tượng:

Người lao động ở các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương làm việc (kể cả người lao động đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19).

* Các chính sách ưu đãi cho người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại tỉnh Bình Dương làm việc

- Được ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những đối tượng chưa tiêm mũi 1 cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để đảm bảo đủ điều kiện khi trở lại các doanh nghiệp làm việc.

- Được các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông.

2. Hình thức tổ chức:

2.1 Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức đón người lao động

- Đơn vị (doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển người lao động) gửi phương án vận chuyển đến Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố (đối với các doanh nghiệp, đơn vị nằm ngoài Khu công nghiệp), Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bình Dương (đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Khu công nghiệp), Sở Công Thương (đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Cụm công nghiệp) để các đơn vị này rà soát nhu cầu gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương.

- Về phương tiện vận chuyển: xe ô tô của doanh nghiệp, đơn vị đã được Sở Giao thông Vận tải Bình Dương cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện.

- Khi vào Bình Dương, các phương tiện vận chuyển sẽ tập kết tại địa điểm đã được doanh nghiệp đăng ký trong phương án. Doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động chịu trách nhiệm về việc tổ chức xét nghiệm bang Test nhanh kháng nguyên cho người lao động cũng như đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

- Chi phí vận chuyển, chi phí Test nhanh kháng nguyên cho người lao động (nơi người lao động đi và đến) do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

2.2. Người lao động tự đăng ký nhu cầu về tỉnh Bình Dương:

- Người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại, đến tỉnh Bình Dương làm việc chủ động liên hệ với đầu mối tại các địa phương (đề xuất thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố) để đăng ký nhu cầu. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố sẽ gửi danh sách người lao động đăng ký nhu cầu đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương và thống nhất phương án hỗ trợ người lao động đến Bình Dương.

- Khi vào Bình Dương, các phương tiện vận chuyển sẽ tập kết tại Bến xe Khách Bình Dương (đường 30 tháng 4, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một). Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) tổ chức xét nghiệm bằng Test nhanh kháng nguyên cho người lao động cũng như đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, trước khi bàn giao cho các địa phương tiếp nhận người lao động (nơi có người lao động đăng ký về cư trú/lưu trú).

3. Thời gian triển khai:

- Giai đoạn 1: Từ ngày 20/10/2021 đến ngày 20/11/2021

Ưu tiên cho người lao động đang làm việc theo Hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp thực hiện tham gia sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến” và mô hình “3 xanh” trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp.

- Giai đoạn 2: Từ sau 20/11/2021

Thực hiện khi có kế hoạch, phương án hoạt động đường bộ liên tỉnh của Bộ Giao thông vận tải.

4. Yêu cầu khi tham gia:

4.1. Yêu cầu đối với doanh nghiệp, đơn vị, người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện:

- Các doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển, người phục vụ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn trong phòng, chống COVID-19 trong giao thông vận tải theo quy định.

- Người ngồi trên phương tiện phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên phương tiện và khai báo y tế theo quy định.

- Người tổ chức vận chuyển bằng xe ô tô phải quy định cụ thể danh sách xe, vị trí người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh COVID-19.

- Trong suốt quá trình di chuyển, phương tiện xe ô tô chỉ được phép dừng tại các trạm dừng nghỉ đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đồng thời, kịp thời thông tin đến các ngành chức năng đối với các trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình vận chuyển.

4.2 Yêu cầu đối với người lao động:

Người lao động lên phương tiện phải xuất trình: bản chính giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ lúc nhận kết quả). Thực hiện đeo khẩu trang trong suốt thời gian di chuyển, thực hiện khai báo y tế và cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ cư trú, số điện thoại liên hệ...) tuân thủ các quy định theo phương tiện đưa ra và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế khác theo quy định nhằm đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19.

III. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện kế hoạch này được đảm bảo từ các nguồn sau:

- Ngân sách nhà nước.

- Nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

Quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện và có văn bản chỉ đạo các Sở, Ngành địa phương có liên quan hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong việc thu hút, đón người lao động từ các địa phương có nhu cầu đến, trở lại Bình Dương làm việc.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương:

- Là cơ quan đầu mối chủ trì công tác đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc. Tổng hợp phương án, kế hoạch và danh sách của doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đón người lao động và người lao động (tự đăng ký) của các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại Bình Dương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Bình Dương kết nối, thống nhất với các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố về việc tiếp nhận, cung cấp thông tin liên quan đến việc đăng ký đến, trở lại Bình Dương làm việc của người lao động các tỉnh, thành phố.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 của Chính phủ (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021) cũng như các chính sách bổ sung của tỉnh, kịp thời, đúng và không bỏ sót đối tượng, đảm bảo để các nhóm đối tượng thật sự khó khăn, cần trợ giúp được ổn định cuộc sống, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới.

- Phối hợp các Sở, ban ngành có liên quan lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Sở Giao thông Vận tải Bình Dương:

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án, bố trí phương tiện vận chuyển và các điều kiện khác trong quá trình vận chuyển, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc nhanh chóng, an toàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

- Chủ động, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố có liên quan để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe đón người lao động của Bình Dương được thuận lợi.

- Tổ chức cấp giấy nhận diện cho các phương tiện theo đề nghị của các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu đón người lao động.

- Trường hợp đón người lao động (tự đăng ký) bằng các phương tiện khác, Sở Giao thông Vận tải chủ động làm việc với các cơ quan quản lý của các phương tiện vận tải để hợp đồng và thống nhất lịch đón người lao động.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự trù kinh phí đảm bảo công tác vận chuyển theo quy định.

4. Sở Y tế Bình Dương:

- Ưu tiên phân bổ nguồn vắc xin phòng COVID-19 cho các doanh nghiệp, đơn vị cũng như các địa phương nơi có người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến Bình Dương đăng ký về cư trú/lưu trú đối với trường hợp người lao động chưa được tiêm mũi 1 và đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 đối với các đối tượng đã được tiêm mũi 1.

- Liên hệ với Sở Y tế các tỉnh, thành phố để thống nhất về việc hỗ trợ xét nghiệm SASR -CoV-2 cho người lao động (tự đăng ký) có nhu cầu đến, trở lại Bình Dương. Đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh trong suốt quá trình người lao động từ các tỉnh, thành phố về Bình Dương.

- Chủ động trao đổi, quản lý thông tin với Sở Y tế các tỉnh để tạo cơ chế thông tin, kiểm soát, theo dõi những người từ các tỉnh trở về Bình Dương trong suốt quá trình tổ chức vận chuyển cho đến khi được tiếp nhận, cách ly tại địa phương theo quy định.

- Hướng dẫn, trang bị phương tiện, thiết bị phòng hộ để phòng, chống COVID- 19 cho thành viên đoàn và người lao động trở về địa phương.

- Tổ chức xét nghiệm cho đoàn công tác và lái xe của tỉnh Bình Dương trước và sau khi thực hiện nhiệm vụ đón người lao động tại các tỉnh, thành phố về tỉnh Bình Dương làm việc, bao gồm cả người lao động các tỉnh, thành phố được đón đến Bình Dương theo đoàn.

- Thực hiện công tác sàng lọc, phân loại các hình thức cách ly theo quy định của Bộ Y tế; quản lý, theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm, phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại khu cách ly và phương tiện vận chuyển, kiểm tra công tác vệ sinh phòng dịch, xử lý rác thải Y tế.

- Bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư, thường trực cấp cứu, xử lý các bệnh thông thường. Đối với người trong khu cách ly tập trung có người bệnh cần điều trị thì chuyển đến cơ sở y tế trên địa bàn để điều trị.

- Khi người lao động hết thời gian cách ly, bàn giao hồ sơ cá nhân có liên quan, giấy hoàn thành cách ly cho công dân và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý.

- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và xã hội dự trù kinh phí đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo quy định.

5. Sở Tài Chính Bình Dương:

- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc.

- Hướng dẫn các sở, ngành, địa phương lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch và thực hiện thanh - quyết toán theo quy định.

6. Công an tỉnh Bình Dương:

- Căn cứ vào kế hoạch, phương án vận chuyển, chủ động phối hợp, trao đối với Công an các tỉnh, thành phố khác tạo điều kiện lưu thông qua các chốt, trạm nơi mà đoàn đón người lao động từ các tỉnh, thành phố này về Bình Dương.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chuyên dùng dẫn đường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong suốt thời gian dẫn đoàn.

- Phối hợp với các ngành có liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm tập trung người lao động được đó về Bình Dương và tại các điểm cách ly tập trung.

7. UBND các huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh Bình Dương:

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu để xây dựng phương án, kế hoạch đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc; Tiếp nhận hồ sơ, phương án, danh sách người lao động của các doanh nghiệp, đơn vị thuộc quyền quản lý để rà soát và tổng hợp, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Xây dựng phương án tiếp nhận người lao động (tự đăng ký) về địa phương cư trú/lưu trú đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong công tác phòng, chông dịch COVID-19.

- Chỉ đạo thực hiện tốt việc cách ly tại nơi cư trú, lưu trú sau khi hết thời gian cách ly tập trung.

- Kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện phương án đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại làm việc của các doanh nghiệp, đơn vị thuộc quyền quản lý này.

8. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương; Sở Công thương Bình Dương:

- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu để xây dựng phương án, kế hoạch đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc; Tiếp nhận hồ sơ, phương án, danh sách người lao động của các doanh nghiệp, đơn vị thuộc quyền quản lý để rà soát và tổng hợp, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương.

- Kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện phương án đón người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại làm việc của các doanh nghiệp, đơn vị thuộc quyền quản lý.

9. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương:

Kết nối với Liên đoàn Lao động tại các tỉnh, thành phố vận động, tuyên truyền các chính sách ưu tiên của tỉnh Bình Dương đến người lao động của các tỉnh, thành phố biết. Đồng thời, có các chế độ hỗ trợ nhằm thu hút người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên:

- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong hội viên, đoàn viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ chủ trương nhằm thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu đến Bình Dương làm việc.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tuyên truyền chủ trương và cung cấp thông tin, chế độ của tỉnh nhằm thu hút, đón người lao động có nhu cầu đến Bình Dương làm việc.

11. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương:

- Tổng hợp và cung cấp thông tin về nhu cầu cần tuyển lao động, ngành nghề, điều kiện tuyển dụng lao động cho các tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các Trung tâm Dịch vụ việc làm, các Trường nghề trong tỉnh phối hợp liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh để tuyển dụng lao động và đào tạo nghề theo yêu cầu của các Doanh nghiệp.

- Làm cầu nối giữa doanh nghiệp và các Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương chủ động liên hệ với Trung của các tỉnh, thành phố có người lao động có nhu cầu quay trở lại, đến Bình Dương làm việc để phối hợp trong việc đón người lao động.

- Kết nối, thống nhất về tiếp nhận, cung cấp thông tin với các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố liên quan đến việc đăng ký trở lại Bình Dương làm việc của người lao động; tổng hợp danh sách người lao động (tự đăng ký) của các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại, đến Bình Dương từ các Trung tâm Dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố để trình Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.

12. Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động:

- Có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án, danh sách đồng thời thực hiện kết nối thông tin với người lao động của doanh nghiệp, đơn vị tại các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại doanh nghiệp, đơn vị làm việc gửi cơ quan quản lý nhà nước.

- Chủ động chuẩn bị đầy đủ phương tiện vận chuyển cũng như các trang thiết bị phục vụ việc phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định...Kịp thời phát hiện các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 khi trở lại làm việc; báo cáo ngay với cơ quan Y tế địa phương và thực hiện xử lý theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Tổ chức, bố trí các khu vực, điểm cách ly để thực hiện các quy trình về phòng, chống dịch COVID-19 đối với số lao động này đảm bảo theo quy định và chịu trách nhiệm về việc người lao động thực hiện các quy định về phòng, chống dịch theo quy định.

- Chi phí vận chuyển, chi phí Test nhanh kháng nguyên cho người lao động (nơi người lao động đi và đến) do doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

- Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, xây dựng các chính sách về tiền lương, có các chế độ đãi ngộ phù hợp nhằm giữ chân số lao động đang ở lại doanh nghiệp làm việc yên tâm ổn định sản xuất. Doanh nghiệp cần có các chính sách nhằm thu hút số lao động đã trở về quê trong thời gian vừa qua quay trở lại làm việc, góp phần tích cực vào việc đảm bảo việc làm, đời sống công nhân lao động.

13. Đối với người lao động:

- Thực hiện tuân thủ các hướng dẫn của lực lượng làm việc vụ trong quá trình tập trung, vận chuyển... Nghiêm túc, ý thức tự giác phối hợp, thực hiện đầy đủ các quy định của các ngành chức năng.

- Chấp hành nghiêm các quy định về cách ly tập trung, tại nơi ở và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Trên đây là Kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại tỉnh Bình Dương làm việc. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các ngành báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương để tổng hợp, tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, tx, tp;
- TT DV Việc làm;
- LĐVP, TH, KGVX, NC, KT;
- Lưu: VT, Tấn.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5343/KH-UBND năm 2021 về phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố có nhu cầu trở lại làm việc tại tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 5343/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Võ Văn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/10/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản