Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Thái Bình, ngày 22 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP ỨNG PHÓ TAI NẠN TÀU, THUYỀN TRÊN BIỂN.

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự;

Thực hiện Văn bản số 137/UB-VP ngày 13/3/2019 của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về xây dựng Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển và Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn hàng không dân dụng; Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch phối hợp ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển, như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Tình hình liên quan đến tai nạn trên biển

a) Vùng ven bờ:

- Số lượng tàu, thuyền: Tổng có 259 phương tiện có công suất máy 08 cv đến máy dưới 20 cv. Chủ yếu chất liệu làm bằng gỗ và nan tre.

- Số lượng tổ đội (nhóm) đánh bắt hải sản và lao động: Các phương tiện khai thác thủy, hải sản thường xuyên đi về trong ngày có 675 lao động và không tổ chức thành lập theo tổ, nhóm.

- Ngư trường hoạt động: Chủ yếu hoạt động trong khu vực cửa sông Hồng, cửa sông Lân, cửa sông Trà Lý, cửa sông Diêm Hộ, cửa sông Hóa và vùng bãi bồi ven biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải.

- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Có thể do giông lốc bất ngờ, gió mùa Đông Bắc, phát gió Nam sóng to gió mạnh, sương mù dầy đặc, hoặc do dòng chảy thay đổi, bồi lắng dẫn đến tai nạn.

- Khu vực có thể xảy ra tai nạn cửa sông Hồng, cửa sông Lân, cửa sông Trà Lý, cửa sông Diêm Hộ, cửa sông Hóa và vùng bãi bồi, cồn nổi ven biển huyện Thái Thụy và huyện Tiền Hải.

b) Vùng lộng:

- Số lượng tàu, thuyền: Tổng có 680 phương tiện, có công suất máy từ 20 cv đến 90 cv. Phương tiện chủ yếu chất liệu làm bằng gỗ và một số phương tiện làm bằng nan tre.

- Số lượng tổ đội (nhóm) đánh bắt hải sản và lao động: Có 24 tổ tàu thuyền tự quản an toàn/1.715 lao động.

- Ngư trường hoạt động: Chủ yếu khai thác thủy sản tại vùng lộng biển Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định.

- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Giông lốc bất ngờ, sương mù, sét đánh, sự cố kỹ thuật máy móc trôi dạt.

- Khu vực có thể xảy ra tai nạn: Vùng biển các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định.

c) Vùng khơi:

- Số lượng tàu, thuyền, phân loại (theo công suất): Tổng có 287 phương tiện, công suất máy từ 90 cv trở lên.

- Số lượng tổ đội (nhóm) đánh bắt hải sản và lao động: Có 25 nhóm khai thác hải sản/1.101 lao động (huyện Thái Thụy 14 nhóm, huyện Tiền Hải 11 nhóm).

- Ngư trường hoạt động: Thường hoạt động ở khu vực vùng biển các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định.

- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Do thiên tai, bão gió, sương mù, sự cố kỹ thuật máy, trôi dạt, sét đánh, cháy nổ các trang thiết bị trên phương tiện.

- Khu vực có thể xảy ra tai nạn: Tại các vùng biển có phương tiện vận tải hàng hóa và phương tiện tham gia đánh bắt thủy, hải sản.

d) Vùng nước cảng biển:

- Số lượng tàu, thuyền ra vào: Hàng tháng có khoảng trên 100 lượt phương tiện ra vào vùng nước cảng, với công suất máy từ 500 cv trở lên chủ yếu chuyển tải xăng, dầu và các trang, thiết bị phục vụ khai thác khí.

- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Luồng lạch thay đổi dẫn đến mắc cạn, đêm tối, sương mù dẫn đến đâm va.

- Khu vực có thể xảy ra tai nạn: Cảng Thương mại, cửa sông Hồng, cửa sông Diêm Hộ, cửa sông Hóa.

2. Lực lượng ứng phó với tai nạn tàu, thuyền trên biển

- Tàu thuyền của các tổ đội đánh bắt thủy, hải sản tại nơi xảy ra tai nạn.

- Tàu thuyền của các tổ đội đánh bắt thủy, hải sản gần nơi xảy ra tai nạn.

- Kiểm ngư, Biên phòng tỉnh, vùng 1 Hải Quân, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực 1.

- Các doanh nghiệp vận tải biển trên địa bàn.

II. NHIỆM VỤ

1. Công tác phòng ngừa tai nạn tàu, thuyền trên biển

- Công tác tuyên truyền, giáo dục: Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục cho ngư dân có trách nhiệm trong tham gia khai thác thủy, hải sản, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn trong khai thác.

- Công tác huấn luyện, diễn tập: Chủ động xây dựng các kế hoạch phối hợp ứng phó với sự cố tai nạn tàu, thuyền trên biển, tổ chức luyện tập, tham gia các cuộc diễn tập, tập huấn của cấp trên, địa phương tổ chức để khi có sự cố xảy ra không bị động, bất ngờ.

- Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tuân thủ pháp luật hàng hải: Thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện, thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, pháp luật của các phương tiện tham gia khai thác thủy, hải sản.

- Công tác đầu tư trang thiết bị ứng phó: Nghiên cứu, đề xuất cấp trên, địa phương trang bị các tàu có công suất lớn cho Bộ đội Biên phòng để công tác cứu hộ cứu nạn đạt kết quả tốt nhất. Nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc giữa các tàu, thuyền và các lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn.

2. Khi xảy ra tai nạn tàu, thuyền trên biển

- Công tác tiếp nhận, xử lý, xác minh thông tin: Khi tiếp nhận thông tin từ các nguồn về tai nạn tàu, thuyền trên biển, nhanh chóng xác minh thông tin xem có sự việc xảy ra hay không thông qua các phương tiện đang khai thác trên khu vực đó, qua chính quyền địa phương và các lực lượng khác, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để chỉ đạo.

- Công tác triển khai lực lượng, phương tiện: Triển khai ngay lực lượng, phương tiện của đơn vị, huy động lực lượng tàu, thuyền của ngư dân, doanh nghiệp tham gia ứng cứu phương tiện bị nạn. Nếu vượt quá khả năng ứng cứu tại chỗ, kịp thời báo cáo cấp trên xin hỗ trợ phương tiện ứng cứu.

- Công tác phối hợp, hiệp đồng: Thông báo các phương tiện gần nơi xảy ra vụ việc đến để kịp thời ứng cứu. Đồng thời, thông báo cho các đơn vị hiệp đồng phối hợp ứng cứu.

- Công tác khắc phục hậu quả, tổng kết, báo cáo: Sau khi đã ứng cứu phương tiện bị nạn, tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo kết quả theo quy định.

III. Ý ĐỊNH ỨNG PHÓ TAI NẠN TÀU, THUYỀN TRÊN BIỂN

1. Phương châm

- Quán triệt và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” và 3 sẵn sàng “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”.

- Nguyên tắc xử lý tình huống: Tích cực, chủ động, liên tục, kịp thời an toàn và hiệu quả.

- Ưu tiên cứu người trước, cứu phương tiện và hàng hóa sau.

2. Khu vực, đối tượng tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển

a) Khu vực:

- Khu vực vùng ven bờ: Các tàu, thuyền khai thác thủy sản và phương tiện qua lại vùng ven bờ.

- Khu vực vùng khơi: Các tàu, thuyền khai thác thủy sản và phương tiện qua lại vùng khơi.

- Khu vực vùng lộng: Các tàu, thuyền khai thác thủy sản và phương tiện qua lại vùng lộng.

- Khu vực vùng nước cảng biển: Các tàu, thuyền ra, vào vùng nước cảng.

b) Đối tượng tìm kiếm cứu nạn:

- Tàu, thuyền của tỉnh (huyện, thành phố): Tàu thuyền của các huyện Tiền Hải, Thái Thụy và Kiến Xương.

- Tàu, thuyền của tỉnh (huyện, thành phố) bạn: Tàu, thuyền của Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh khác đến địa bàn đánh bắt thủy sản.

- Tàu vận tải của các doanh nghiệp trong tỉnh, phương tiện vận tải trong nước và nước ngoài.

3. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Lực lượng tìm kiếm:

+ Bộ đội Biên phòng: Sử dụng tàu, xuồng hiện có của các đơn vị, đủ kíp tàu của Hải đội 2, các đồn Biên phòng tham gia cứu hộ cứu nạn mỗi đơn vị 10 đồng chí.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Sử dụng tàu, xuồng của Chi cục Thủy sản.

+ Các huyện có phương tiện và ngư dân khai thác trên biển.

- Lực lượng cứu hộ và cứu nạn:

+ Bộ đội Biên phòng: Sử dụng tàu, xuồng hiện có của các đơn vị, đủ kíp tàu của Hải đội 2, các đồn Biên phòng tham gia cứu hộ cứu nạn mỗi đơn vị 10 đồng chí.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Sử dụng lực lượng, phương tiện tàu, xuồng của Chi cục Thủy sản (theo biên chế).

+ Các huyện có phương tiện và ngư dân khai thác trên biển.

- Lực lượng cứu thương:

+ Các đồng chí quân y thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh (01 xe cứu thương và 05 đồng chí).

+ Các huyện ven biển: Trung tâm Y tế của 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (mỗi huyện 01 xe cứu thương, quân số theo biên chế).

- Lực lượng chữa cháy: Tại các đơn vị, địa phương nơi xảy ra cháy (huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện, trang bị tham gia chữa cháy).

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG

1. Công tác phòng ngừa

a) Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:

- Tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra vào hoạt động trên khu vực, địa bàn đơn vị quản lý. Duy trì nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là quy định về bảo đảm an toàn cho người, phương tiện ra vào hoạt động trên sông, trên biển; hướng dẫn, giám sát việc neo đậu của tàu, thuyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, từng bước nâng cao ý thức chấp hành an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường của các chủ phương tiện và thuyền viên.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện, chủ phương tiện ra khơi, kiểm soát chặt chẽ các thủ tục theo quy định của pháp luật, thấy đủ điều kiện mới cho xuất bến (Chú ý: Kiểm tra, giám sát chặt chẽ những phương tiện đánh bắt dài ngày trên biển, phương tiện có dấu hiệu sang các nước bạn khai thác trộm hải sản, tránh bị bắt giữ và không bị EC rút thẻ vàng đối với hải sản không rõ nguồn gốc xuất xứ với ngư dân tỉnh Thái Bình).

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Kiểm tra thực hiện các quy định về trang thiết bị thông tin liên lạc cho các tàu cá hoạt động xa bờ; tổ chức trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá của ngư dân, lập quy hoạch, xây dựng khu tránh trú bão; quản lý tốt các khu nuôi trồng thủy, hải sản trên địa bàn.

c) Sở Giao thông vận tải: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và các chủ phương tiện hoạt động trên biển, trong vùng nước cảng biển và số phương tiện nội địa về những quy định của pháp luật có liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.

d) Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình: Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh để phát thông tin cảnh báo cho tổ chức, cá nhân sở hữu và người điều khiển phương tiện hoạt động trên biển được biết để chủ động phòng tránh không đi vào vùng nguy hiểm, giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân.

e) Sở Lao động Thương binh và Xã Hội: Phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác an toàn lao động, khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động hàng hải để chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thảm họa tàu, thuyền trên biển. Phối hợp đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ đột xuất đối với chủ phương tiện tàu, thuyền và người dân, người lao động khi gặp thảm họa theo quy định của pháp luật.

f) Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, đề nghị cấp và sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện; hướng dẫn theo dõi các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền pháp luật và các nội dung có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện khi hoạt động trên biển.

g) Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán của các sở, ngành, Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí chi cho các tổ chức, cá nhân được huy động hoặc tự nguyện tham gia tìm kiếm, cứu nạn theo đúng quy định của nhà nước.

h) Ủy ban nhân dân các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và các chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.

2. Khi xảy ra tai nạn tàu, thuyền trên biển

a) Đối với tai nạn xảy ra trên biển:

- Khi nhận được tin xảy ra tai nạn tàu, thuyền: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng nơi xảy ra tai nạn tàu, thuyền nhanh chóng xác minh thông tin vụ việc, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm khu vực được phân công và điều kiện, khả năng cho phép, tham mưu cấp trên phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh điều động, huy động lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Thông báo cho các lực lượng hiệp đồng phối hợp cứu hộ, cứu nạn.

- Sau khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với địa phương nơi xảy ra tai nạn tổ chức rút kinh nghiệm, báo cáo cấp trên theo quy định.

b) Đối với tai nạn trên vùng nước cảng biển (gồm cả vùng nước cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão nếu thuộc vùng nước cảng biển).

- Tổ chức, cá nhân: Nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ Hàng hải; chỉ đạo các phương tiện tham gia phối hợp triển khai phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn dưới sự điều hành của Cảng vụ Hàng hải.

- Các sở, ban, ngành:

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng: Triển khai lực lượng, phương tiện đến nơi xảy ra vụ việc để tổ chức cứu hộ, cứu nạn; đồng thời, huy động phương tiện hoạt động gần đó kịp thời xử lý tình huống; thông báo lực lượng hiệp đồng để phối hợp ứng cứu. Báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm định, lập biên bản xác định hư hỏng; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả theo khoản 2, khoản 3 Điều 2 và Điều 7, Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12/5/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa.

+ Sở Tài chính: Phối hợp kiểm định, lập biên bản xác định hư hỏng; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả cho tập thể, cá nhân liên quan.

+ Các sở, ngành, đơn vị: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương; Nghiệp đoàn nghề cá của các địa phương: Theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tham mưu và chịu sự điều động, sử dụng lực lượng của Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự tỉnh.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó thì Trưởng ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Bảo đảm thông tin liên lạc

- Số điện thoại thường trực:

+ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình: 0227 3731 863.

+ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: 0227 3838 589.

- Kênh (tần số) trực canh, thông tin liên lạc, cấp cứu: 9339 và 6973.

2. Bảo đảm ngân sách

- Nguồn ngân sách: Sử dụng ngân sách địa phương (theo Điều 2, Thông tư số 92/2009/TT-BTC ngày 12/5/2009 của Bộ Tài chính).

- Đối tượng, trách nhiệm, định mức, thủ tục thanh toán theo Thông tư số 92/2009/TT-BTC.

VI. TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO

1. Ban Chỉ huy Ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển:

- Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, phụ trách Tiểu ban Tiền phương: Trưởng ban;

- Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, phụ trách công tác Phòng, chống thiên tai: Phó ban Thường trực;

- Đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển: Phó ban;

- Đồng chí Giám đốc Sở Tài chính: Ủy viên;

- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy: Ủy viên;

- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải: Ủy viên;

- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiến Xương: Ủy viên.

2. Cơ quan thường trực:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

- Ủy ban nhân dân các huyện: Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương.

VII. MỐC THỜI GIAN CHÍNH

1. Thời gian giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, các huyện xong trước ngày 25/4/2019.

2. Thời gian thông qua và phê duyệt Kế hoạch của các sở, ban, ngành và các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương: Xong trước ngày 30/4/2019.

3. Thời gian triển khai, thực hiện từ tháng 5/2019.

Căn cứ Kế hoạch này các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương: Theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; xây dựng Kế hoạch Ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển và vùng nước cảng biển, phê duyệt và triển khai thực hiện đúng thời gian quy định; hàng tuần, tháng, năm tổng hợp tình hình tai nạn tàu thuyền trên biển, vùng nước cảng biển báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, yêu cầu các cơ quan chủ động phối hợp giải quyết; trường hợp cấp bách, vượt thẩm quyền, báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- UBQG UPSCTT&TKCN;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- Các sở, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Lao động Thương binh và Xã Hội, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình;
- Ủy ban nhân dân các huyện: Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu VP, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Xuyên

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 51/KH-UBND năm 2019 về phối hợp ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển do tỉnh Thái Bình ban hành

  • Số hiệu: 51/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Phạm Văn Xuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản