Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 498/KH-UBND | Hà Tĩnh, ngày 21 tháng 11 năm 2014 |
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 1373/QĐ-UBND ngày 19/5/2014 của UBND tỉnh; để tổ chức, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao và phát triển bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) như sau:
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI QUY MÔ VỪA VÀ NHỎ LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP THÔNG QUA HTX, THT
Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành chăn nuôi, toàn tỉnh có trên 200 ngàn hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, tồn tại dưới 2 hình thức: Chăn nuôi tự chủ và chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT.
1. Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức tự chủ
Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ tự chủ là hình thức phổ biến hiện nay, cụ thể:
a) Chăn nuôi lợn: Tổng đàn 473.270 con, trong đó quy mô vừa và nhỏ 340.754 con, chiếm 72% tổng đàn lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 46 ngàn tấn; hiện đang có xu thế giảm dần về tỷ trọng chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, giai đoạn 2011-2014 giảm bình quân 5,4%/năm.
b) Chăn nuôi bò: Tổng đàn 192.850 con, trong đó quy mô vừa và nhỏ 183.207 con, chiếm 95% tổng đàn bò, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 7.012 tấn, tỷ trọng chăn nuôi bò quy mô vừa và nhỏ giai đoạn 2011 - 2014 giảm bình quân 1,4%/năm.
c) Chăn nuôi hươu: Tổng đàn 39.800 con, tăng bình quân 12,4%/năm, sản lượng nhung 14,3 tấn, giai đoạn 2011 - 2014 tăng bình quân 24,6%/năm.
d) Chăn nuôi gà: Tổng đàn 4,71 triệu con, trong đó quy mô vừa và nhỏ 4,28 triệu con chiếm 91% tổng đàn gà, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 8,2 ngàn tấn, tỷ trọng chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, giai đoạn 2011 - 2014 giảm bình quân 1,4%/năm.
Nhìn chung, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức tự chủ chậm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật: Sử dụng con giống năng suất, chất lượng thấp như lợn lai F1 (nuôi nái, thịt), bò vàng địa phương,…; chuồng trại tận dụng, xử lý chất thải chăn nuôi chưa đảm bảo yêu cầu; quy trình chăn nuôi chậm đổi mới; tỷ lệ tiêm các loại vắc xin phòng bệnh thấp, dịch bệnh nguy hiểm như LMLM gia súc, Tai xanh ở lợn, Cúm gia cầm,... thường xảy ra.
Tiêu thụ sản phẩm bò, lợn, gia cầm chủ yếu qua thương lái thu mua, giết mổ, bán ở các chợ trong tỉnh và xuất bán ra ngoại tỉnh, người chăn nuôi thường bị ép giá nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, phát triển kém bền vững.
2. Chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT
a) Chăn nuôi lợn:
- Mô hình quy mô vừa: Hiện có 26 mô hình liên kết theo chuỗi với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, quy mô từ 300 đến dưới 500 con, tập trung ở các huyện: Thạch Hà 08 mô hình, Cẩm Xuyên 06 mô hình, Hương Khê 03 mô hình, Can Lộc 02 mô hình, Vũ Quang 02 mô hình, Đức Thọ 02 mô hình, Kỳ Anh 01 mô hình, Hương Sơn 01 mô hình, Lộc Hà 01 mô hình; các mô hình hiện nay phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người chăn nuôi, lợi nhuận khoảng 20 - 50 triệu đồng/lứa nuôi, 60 - 150 triệu đồng/năm.
- Mô hình quy mô nhỏ: Thành lập được 129 THT và 02 HTX, 1.594 hộ tham gia; trong đó có 42 THT chăn nuôi quy mô nhỏ liên kết với các doanh nghiệp đã đưa giống vào sản xuất hoặc đang tiến hành xây dựng chuồng trại, cụ thể:
+ 30 THT chăn nuôi liên kết với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh; trong đó 20 THT liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco, 10 THT liên kết với Công ty Cổ phần Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh. Hiện nay, có 23 THT đã đưa giống vào sản xuất lứa 01 và lứa 02, với số lượng 4.002 con (huyện Vũ Quang 07 THT, huyện Can Lộc 08 THT, huyện Cẩm Xuyên 02 THT, Đức Thọ 01 THT, huyện Kỳ Anh 01 THT, huyện Lộc Hà 01 THT, huyện Hương Khê 01 THT, huyện Thạch Hà 01 THT và huyện Hương Sơn 01 THT) và 07 THT đang xây dựng chuồng trại, lắp đặt thiết bị trong chuồng nuôi (huyện Vũ Quang 05 THT, huyện Hương Sơn 01 THT, huyện Đức Thọ 01 THT).
Với hình thức liên kết: Công ty bán con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm lợn thịt thương phẩm theo giá thị trường thông qua ký kết hợp đồng với HTX, THT.
+ 12 THT chăn nuôi liên kết với các Công ty khác, đã đưa giống vào sản xuất lứa 01 và lứa 02, với số lượng 3.976 con; với hình thức liên kết: Các Công ty bán con giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm lợn thịt thương phẩm theo giá thị trường thông qua ký kết hợp đồng với HTX, THT.
Hiệu quả kinh tế theo hình thức liên kết: Đã có 08 THT xuất bán lứa 01, lứa 02, với số lượng 1.485 con, khối lượng bình quân 95 kg/con. Qua tính toán, lợi nhuận bình quân là 400 - 700 ngàn đồng/con/lứa.
Như vậy, qua kết quả bước đầu đã khẳng định được hiệu quả và tiềm năng lớn của chăn nuôi quy mô nhỏ theo hướng có đầu tư, kiểm soát, góp phần nâng cao đời sống người dân, an sinh xã hội.
b) Chăn nuôi bò: Năm 2013, triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise (công nghệ Thái Lan) tại 03 huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân liên kết tiêu thụ sản phẩm với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Trung tâm Khuyến nông tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn cho người dân tham gia mô hình về kỹ thuật nuôi bò có chửa, nuôi bê đến 06 tháng tuổi; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh thu mua bê 06 tháng tuổi và nuôi đến xuất bán (trên 02 năm tuổi). Đến nay, mô hình đã đạt được kết quả như sau: Phối chửa được 74 con cái, đã có 61 con bê lai ra đời, khối lượng sơ sinh đạt 25 - 30 kg/con, tăng trọng bình quân 0,6 - 0,8 kg/con/ngày, cao hơn 20 - 25% so với nhóm bò lai Zêbu; Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã hoàn thành việc xây dựng chuồng trại, trồng 08 ha cỏ, thu mua được 47 con bê lai Charolais về nuôi tập trung tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc.
c) Chăn nuôi hươu: Hình thức liên kết mới thực hiện ở khâu thu mua sản phẩm nhung hươu. Hàng năm, Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh thu mua từ 0,6 - 0,8 tấn nhung hươu của các hộ dân để chế biến các sản phẩm thực phẩm chức năng; năm 2013, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Công nghệ thể thao Y sinh Hà Nội thu mua 36 kg nhung để sản xuất thử sản phẩm thực phẩm chức năng Cuhamin.
d) Chăn nuôi gà: Trong năm 2013, xây dựng được 14 mô hình chăn nuôi gà thịt H’Mông thương phẩm liên kết giữa hộ dân với Công ty TNHH Hoàng Long, quy mô 500 - 1.500 con/hộ/lứa tại các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Khê, Can Lộc, Vũ Quang,... theo hình thức Công ty bán con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm gà thịt thương phẩm cho người dân.
3. Đánh giá chung về chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp
3.1. Kết quả đạt được
- Bước đầu đã xây dựng được một số mô hình chăn nuôi liên kết có hiệu quả kinh tế cao, phát triển khá bền vững, đã đánh giá, tổng kết, tổ chức nhân ra diện rộng.
- Người chăn nuôi tiếp cận được công nghệ chăn nuôi theo hướng công nghiệp, có kiểm soát như công nghệ chuồng trại, thức ăn, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, hình thành được một số HTX, THT tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, đồng nhất về công nghệ, kỹ thuật, sản xuất khép kín, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn đồng nhất về chất lượng kết nối với thị trường, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
3.2. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân
a) Khó khăn, tồn tại:
- Phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ còn ít, chỉ mới hình thành được một số mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô vừa và nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương.
- Hoạt động của HTX, THT trong tổ chức sản xuất chưa rõ nét, lúng túng, có nơi còn hình thức, chưa thực sự là “cầu nối” gắn kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong sản xuất; khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học, công nghệ của các thành viên trong HTX, THT không đều dẫn đến tình trạng hiệu quả chăn nuôi của các thành viên trong HTX, THT chênh lệch nhau khá lớn.
- Chưa cung ứng đủ giống có năng suất, chất lượng cao cho sản xuất quy mô nhỏ liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là đối với chăn nuôi lợn liên kết quy mô nhỏ.
- Người chăn nuôi trong chuỗi liên kết chưa được doanh nghiệp cung ứng giống như đã ký kết, cụ thể: thời điểm thả giống không thuận lợi, chưa được chủ động trong việc lựa chọn con giống, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh còn ít, dịch vụ sau cung ứng giống chưa được đảm bảo,...
- Chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chỉ mới dừng lại ở các Công ty trên địa bàn tỉnh như Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh; mặt khác, người dân chưa chủ động tham gia vào chuỗi liên kết, đang có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước.
b) Nguyên nhân:
- Một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm, tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa người dân và doanh nghiệp; nhất là, chưa tập trung chỉ đạo, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giống lợn theo kế hoạch 4111/KH-UBND ngày 01/12/2011 của UBND tỉnh.
- Doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư phát triển liên kết với người sản xuất quy mô nhỏ; chưa thực sự chia sẻ khó khăn với người nông dân.
- Năng lực điều hành của một số Giám đốc HTX, tổ trưởng THT còn lúng túng, chưa phát huy hết được vai trò của từng thành viên trong HTX, THT. Các thành viên trong HTX, THT không nhiều nhưng phân bố trên địa bàn rộng nên rất khó khăn trong công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, thu mua sản phẩm.
- Tập quán của người dân là chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong nông hộ; thiếu kiến thức về kỹ thuật, quy trình chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh; chưa cập nhật được các thông tin về thị trường, thiếu vốn, thiếu đất đai để xây dựng chuồng trại, đầu tư phát triển sản xuất.
- Chính sách khuyến khích sản xuất đang chủ yếu tập trung phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn; chính sách đối với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ chưa nhiều, chưa đủ mạnh để kích thích phát triển, thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Mục tiêu
Khai thác tiềm năng, phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh như lợn, bò, hươu; từng bước tổ chức lại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị; tạo bước chuyển đổi nhanh và bền vững trong chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
2. Chỉ tiêu cụ thể
2.1. Chăn nuôi lợn
a) Đến năm 2015: Xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng liên kết với doanh nghiệp: 142 mô hình, 90.600 con; trong đó, quy mô vừa 64 mô hình, 57.600 con, quy mô nhỏ 78 mô hình (THT, HTX, tương đương với 550 hộ), 33.000 con.
Xây dựng mới 24 cơ sở giống quy mô 300 con trở lên, đạt 8.310 con lợn nái cấp bố mẹ cung cấp giống thương phẩm cho quy mô vừa và nhỏ, nâng tổng số lên 34 cơ sở lợn nái ngoại có quy mô tối thiểu 300 con.
b) Đến năm 2020: Xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hướng liên kết với doanh nghiệp: 321 mô hình, 198.000 con; trong đó, quy mô vừa 131 mô hình, 118.000 con, quy mô nhỏ 190 mô hình, (THT, HTX, tương đương với 1.333 hộ tham gia), 80.000 con.
Xây dựng mới 19 cơ sở giống quy mô 300 con trở lên, đạt 14.100 con lợn nái sinh sản cấp bố mẹ, cung cấp giống thương phẩm cho quy mô vừa và nhỏ, nâng tổng số lên 53 cơ sở lợn nái ngoại có quy mô tối thiểu 300 con.
(Chi tiết có Phụ lục 01 kèm theo)
2.2. Chăn nuôi bò
a) Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao: Đến năm 2015, tổng đàn đạt 6.000 con, hình thành liên kết tiêu thụ sản phẩm (bê thịt chất lượng cao lúc 6 tháng tuổi) giữa hộ dân với doanh nghiệp; triển khai xây các trại chăn nuôi bò giống tại Kỳ Anh, Nghi Xuân.
Đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 29.000 con; duy trì liên kết tiêu thụ sản phẩm (bê thịt chất lượng cao lúc 6 tháng tuổi) giữa hộ dân với doanh nghiệp. Xây dựng được 750 mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao quy mô từ 10 - 30 con/hộ liên kết theo chuỗi giá trị.
(Chi tiết có Phụ lục 02 kèm theo)
b) Chăn nuôi bò sữa: Đến năm 2015, hoàn thành Dự án Chăn nuôi bò sữa của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk tại Sơn Lễ, Hương Sơn, với quy mô 2.000 con; bước đầu triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô nông hộ liên kết với doanh nghiệp.
Đến năm 2020, nhập giống và xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô từ 03 - 05 con/hộ liên kết giữa hộ dân, THT, HTX với doanh nghiệp (ở khâu cung cấp con giống, tiêu thụ sản phẩm sữa), đạt quy mô 5.000 con.
2.3. Chăn nuôi hươu
Đến năm 2015, tiếp tục duy trì và phát triển liên kết thu mua sản phẩm nhung hươu; hình thành Trung tâm Hươu giống, phát triển được 300 mô hình chăn nuôi hươu giống quy mô 10 con/hộ trở lên liên kết theo chuỗi khép kín từ giống đến tiêu thụ sản phẩm vào năm 2020.
2.4. Chăn nuôi gà
Đến năm 2015, có 210 mô hình đạt 147.000 con; trong đó quy mô vừa 50 mô hình, đạt 75.000 con, quy mô nhỏ 160 mô hình, đạt 72.000 con. Đến năm 2020, có 1.600 mô hình, đạt 1,5 triệu con; trong đó quy mô vừa 600 mô hình, đạt 01 triệu con, quy mô nhỏ 1.000 mô hình, đạt 0,5 triệu con, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
1. Công tác thông tin tuyên truyền
- Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chủ trương, cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi đến mỗi tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người nông dân về sự cần thiết phải tổ chức lại chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, hình thành các HTX, THT chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo phát triển bền vững.
- Tuyên truyền, phổ biến quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi, một số tiêu chí mô hình chăn nuôi lợn, phương thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm,...
- Tổ chức tuyên truyền, nhân rộng các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT đã triển khai thành công trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức sản xuất
2.1. Chăn nuôi lợn
a) Đối với chăn nuôi quy mô vừa (số gia súc có thường xuyên từ 100 đến dưới 500 con/hộ): Phát triển, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín. Doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi thông qua HTX, THT hoặc trực tiếp với người chăn nuôi; người chăn nuôi tổ chức thực hiện quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và nhận tiền công theo hợp đồng đã ký. Xây dựng chuồng trại tách khỏi khu dân cư, phù hợp với quy hoạch, đảm bảo môi trường.
b) Đối với chăn nuôi quy mô nhỏ (số gia súc có thường xuyên từ 20 đến dưới 100 con/hộ): Phát triển, tổ chức sản xuất theo hình thức hình thành các mô hình chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp một số khâu chủ yếu trong chuỗi sản phẩm. Doanh nghiệp ký hợp đồng với người chăn nuôi thông qua HTX, THT về cung ứng con giống, thu mua sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm; HTX, THT mua thức ăn và hướng dẫn thực hiện quy trình chăn nuôi cho các tổ viên trong tổ hợp; lực lượng chăn nuôi, thú y các cấp hỗ trợ, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.
Một số tiêu chí mô hình quy mô nhỏ, gồm:
- Hình thức tổ chức HTX hoặc THT, có từ 10 hộ thành viên trở lên tham gia; các thành viên trong cùng HTX, THT phân bố trên cùng địa bàn xã, khoảng cách giữa các hộ thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, quản lý và thu mua sản phẩm.
- Chuồng trại có diện tích từ 1,2 - 1,5 m2/con; kiểu chuồng hở, chuồng kín (1 mái hoặc 2 mái) đảm bảo độ thông thoáng trong chuồng nuôi (nên thống nhất cùng một mẫu thiết kế đối với các hộ chăn nuôi trong cùng HTX, THT); chuồng nuôi được bố trí ở vị trí cách xa nguồn nước (giếng khơi), khu sinh hoạt gia đình và các hộ dân xung quanh từ 10 m trở lên, có tường rào ngăn cách giữa các khu vực; không bố trí chuồng trại gần đường giao thông, trước khu vực nhà ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan.
- Sử dụng giống lợn siêu nạc của các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp chuyển giao công nghệ (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam...), các hộ chăn nuôi trong HTX, THT sử dụng cùng một loại giống. Áp dụng quy trình chăn nuôi “cùng vào - cùng ra” (nhập con giống và xuất bán lợn thịt thương phẩm cùng thời gian cho cả tổ hợp). Sử dụng thức ăn công nghiệp, khuyến khích sử dụng cùng một loại thức ăn trong cùng HTX, THT.
- Công tác thú y: Thực hiện quy trình tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kỳ, báo cáo kịp thời cho thú y viên về diễn biến tình hình dịch bệnh.
- Xử lý chất thải: Sử dụng biogas hoặc đệm lót sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi, định mức 01 con/01m3 biogas.
c) Tiếp tục triển khai các mô hình chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo chuỗi liên kết sản xuất với 02 Công ty Cổ phần Chăn nuôi Mitraco, Cổ phần Phát triển Nông lâm Hà Tĩnh, thuộc Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, tại huyện Vũ Quang, huyện Can Lộc, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo sản xuất được 100 đến 110 ngàn con lợn thương phẩm/năm theo Hợp đồng nguyên tắc đã ký giữa Sở Nông nghiệp và PTNT với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khác đầu tư phát triển chăn nuôi liên kết với các hộ dân thông qua HTX, THT, trở thành “đầu kéo” trong chuỗi sản xuất chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
2.2. Chăn nuôi bò
a) Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao
- Doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi có bò cái nền từ 50% máu ngoại trở lên để sản xuất bò thịt chất lượng cao với hình thức Công ty cung ứng tinh bò, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò chửa và bê, thu mua bê thịt 6 tháng tuổi cho người dân theo giá thị trường tại thời điểm; người dân chăm sóc, nuôi dưỡng bò chửa, bê thịt dưới 6 tháng tuổi, được hỗ trợ tiền tinh, một phần tiền công phối giống.
- Doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi nuôi bò thịt theo hình thức doanh nghiệp cung ứng bê lai chất lượng cao 6 tháng tuổi, thu mua bò (12 tháng tuổi) để nuôi vỗ béo và giết thịt, người dân xây dựng chuồng trại với quy mô 10 - 30 con/hộ, thực hiện quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và nhận tiền công theo hợp đồng đã ký.
- Tiếp tục triển khai tốt mô hình nuôi thử nghiệm bò thịt chất lượng cao, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Trước mắt, hàng năm Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh nhập khoảng 10.000 liều tinh bò chất lượng cao cung ứng cho các địa phương phối giống tạo ra khoảng 6.000 bê lai chất lượng cao; doanh nghiệp ký hợp đồng với người dân thu mua bê 6 tháng tuổi, xây dựng các mô hình liên kết nuôi bò thịt liên kết với người dân theo chuỗi giá trị đảm bảo thực hiện có hiệu quả Hợp đồng nguyên tắc đã ký giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh.
b) Chăn nuôi bò sữa
Doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi theo chuỗi giá trị hoặc một số khâu trong quá trình sản xuất: Cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật, trồng cỏ và thu mua sản phẩm sữa theo hợp đồng đã ký hoặc chỉ liên kết thu mua sản phẩm sữa với người dân.
2.3. Chăn nuôi hươu
- Doanh nghiệp liên kết với người chăn nuôi theo chuỗi giá trị hoặc một số khâu trong quá trình sản xuất: Cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nhung hươu theo hợp đồng đã ký hoặc chỉ liên kết thu mua sản phẩm nhung hươu với người dân.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư xây dựng Trung tâm Giống hươu và Nhà máy chế biến sâu nhung hươu để sản xuất hươu giống phát triển chăn nuôi liên kết với người dân thông qua HTX, THT theo chuỗi giá trị.
- Trước mắt, khuyến khích các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh...) mở rộng quy mô sản xuất, ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm nhung hươu cho người chăn nuôi để chế biến các sản phẩm thực phẩm chức năng.
2.4. Chăn nuôi gà
- Đối với chăn nuôi quy mô vừa (từ 500 đến dưới 2.000 con/hộ): Xúc tiến thu hút đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín. Doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi thông qua HTX, THT hoặc trực tiếp với người chăn nuôi; người chăn nuôi tổ chức thực hiện quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp và nhận tiền công theo hợp đồng đã ký.
- Đối với chăn nuôi quy mô nhỏ (từ 300 đến dưới 500 con/hộ): Phát triển sản xuất theo hình thức doanh nghiệp liên kết một số khâu chủ yếu trong chuỗi sản phẩm: Doanh nghiệp ký hợp đồng với người chăn nuôi thông qua HTX, THT về thu mua sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm.
- Hỗ trợ, chỉ đạo mở rộng và phát triển bền vững mô hình chăn nuôi gà liên kết theo chuỗi với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Hoàng Long; đánh giá những khó khăn, tồn tại đối với các mô hình, có chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
3. Về kỹ thuật
3.1. Giống
a) Đối với giống lợn:
- Trên cơ sở Kế hoạch 4111/KH-UBND ngày 01/12/2011 của UBND tỉnh, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh và các đơn vị mở rộng, đầu tư xây mới các cơ sở giống lợn để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu giống lợn thương phẩm năng suất, chất lượng cao cho phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh; đáp ứng đủ nhu cầu giống cấp bố mẹ cho phát triển các cơ sở giống lợn.
- Các địa phương cần có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư xây dựng cơ sở nuôi lợn nái ngoại cấp bố mẹ quy mô 300 con trở lên, tổ chức sản xuất theo hình thức nuôi gia công hoặc mua giống cấp bố mẹ và tiếp nhận công nghệ từ Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh và các đơn vị nhằm chủ động cung ứng đủ con giống đối với chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp từ tháng 6/2015; để sản xuất được từ 100 đến 110 ngàn con lợn thương phẩm/năm, phục vụ nhà máy súc sản Mitraco, cần có 8.310 con lợn nái cấp bố mẹ, tương ứng với 24 cơ sở có quy mô 300 nái trở lên. Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất khoảng 110 đến 198 ngàn con lợn thương phẩm/năm, cần xây dựng 19 cơ sở giống quy mô 300 con trở lên, nâng lên 43 cơ sở giống, tổng đàn nái 14.100 con vào năm 2020, cung ứng giống cho chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. (Tiến độ xây dựng các cơ sở giống chi tiết tại Phụ lục 01 kèm theo).
b) Đối với giống bò:
Đẩy mạnh chương trình Zêbu hóa đàn bò, tạo đàn nái nền đủ điều kiện lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao (phối tinh với giống bò thịt chất lượng cao như Charolais, Droughtmaster, Red Angus, Brahman, Limousin, 3B, ...); Thực hiện tốt công tác bình tuyển, chọn lọc đàn nái lai Zêbu (khối lượng 250 kg trở lên), tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo với tinh bò chất lượng cao nhằm tạo ra khoảng 5.000 - 6.000 bê lai/năm. Đồng thời, lựa chọn bê cái lai (Brahman, Charolaise, Red Angus, ...) làm nái nền cho công tác lai tạo đàn bò thịt chất lượng cao.
c) Đối với giống hươu:
Ưu tiên đầu tư xây dựng Trung tâm Hươu giống tại huyện Hương Sơn; tăng cường công tác chọn lọc, bình tuyển đàn hươu trong nông hộ, luân chuyển con đực giữa các địa phương, hạn chế hiện tượng đồng huyết làm giảm năng suất, chất lượng đàn hươu.
d) Đối với giống gà:
Khai thác có hiệu quả các cơ sở chăn nuôi gà sinh sản tại Cẩm Xuyên, Thạch Hà, đồng thời nâng cấp các cơ sở ấp nở gia cầm để tạo ra con giống tốt, sạch bệnh, chất lượng cung cấp cho người dân.
3.2. Công nghệ nuôi
- Áp dụng công nghệ nuôi lợn siêu nạc, bò thịt chất lượng cao, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín, cùng vào - cùng ra; từng bước sử dụng các yếu tố chăn nuôi công nghiệp vào chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
- Về chuồng trại: Áp dụng kiểu chuồng kín đối với mô hình chăn nuôi lợn quy mô vừa; kiểu chuồng hở hoặc chuồng kín gắn với xây dựng bể biogas, đệm lót sinh học đối với các quy mô nhỏ.
3.3. Thức ăn
- Phát triển vùng nguyên liệu ngô, sắn, cây thức ăn xanh,... theo quy hoạch; áp dụng kỹ thuật bảo quản, chế biến nâng cao giá trị sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
- Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc tăng cường năng lực quản lý, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, tận dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, khai thác hết công suất, nâng cao chất lượng thức ăn và giảm giá thành sản phẩm; nhân rộng mô hình liên kết cung ứng thức ăn của Công ty với các HTX, THT chăn nuôi quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai mô hình liên kết cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các HTX, THT thông qua việc đảm bảo tiền vay ở ngân hàng; trước mắt, xây dựng thí điểm mô hình tại huyện Cẩm Xuyên, Vũ Quang liên kết với Công ty Cổ phần đầu tư phát triển công thương Miền Trung.
3.4. Công tác thú y
- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung theo “Đề án Phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trong chăn nuôi và nuôi tôm đến 2020”. Trong đó, các HTX, THT phải chấp hành nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn đưa vào chăn nuôi; thực hiện tốt việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng trong suốt quá trình chăn nuôi; tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi; theo dõi giám sát dịch bệnh đến tận chuồng, trại chăn nuôi nhằm phát hiện, báo cáo và xử lý kịp thời gia súc, gia cầm ốm, chết không để lây ra diện rộng.
- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; hoạt động kinh doanh, giết mổ; phối hợp với các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát để xử lý các cơ sở, điểm giết mổ không đúng quy hoạch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.
- Kiện toàn, củng cố mạng lưới thú y cơ sở đủ năng lực theo dõi, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
4. Nâng cao năng lực cho Giám đốc HTX, Tổ trưởng THT và kỹ thuật cho người chăn nuôi
- Thực hiện có hiệu quả, thiết thực chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cho người dân phù hợp với nhu cầu phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ.
- Có cơ chế, chính sách đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho Giám đốc HTX và Tổ trưởng THT nhằm nâng cao công tác chỉ đạo, quản lý phát triển sản xuất của các tổ hợp.
5. Chính sách
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, THT.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện Kế hoạch kịp thời có hiệu quả.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc sở: Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyển giao công nghệ về chăn nuôi, chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải bảo vệ môi trường.
- Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm và từng giai đoạn, báo cáo UBND tỉnh.
2. Các sở, ngành liên quan
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, ưu tiên bố trí và cân đối vốn đầu tư thực hiện Kế hoạch.
- Sở Tài chính: Tham mưu bố trí nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện Kế hoạch.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao và ưu tiên nguồn lực về khoa học, công nghệ thực hiện Kế hoạch; thực hiện có hiệu quả Đề án Bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức cá nhân, phát triển chăn nuôi, hướng dẫn việc đánh giá tác động môi trường. Chỉ đạo các địa phương, cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng chương trình truyền thông, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách phát triển chăn nuôi.
- Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh: Tham mưu lồng ghép nguồn kinh phí, gắn các nội dung Kế hoạch vào quá trình chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
- Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.
3. Các Ngân hàng
- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Tĩnh: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên vốn, triển khai các chương trình tín dụng thực hiện Kế hoạch; chủ trì tổ chức đánh giá, tham mưu điều chỉnh chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất.
- Các Ngân hàng: Chính sách xã hội, Nông nghiệp và PTNT, Phát triển và các ngân hàng thương mại, cổ phần khác trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển chăn nuôi.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt Kế hoạch này.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Căn cứ Kế hoạch của tỉnh, xây dựng kế hoạch của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các cơ sở giống, đặc biệt là cơ sở giống lợn 100% máu ngoại để đảm bảo cung ứng đủ giống cho phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị thuộc huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ chỉ tiêu phát triển chăn nuôi lợn, bò thịt chất lượng cao thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, ký hợp đồng liên kết với Doanh nghiệp (trước mắt là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) để sản xuất lợn thương phẩm, bê lai chuyên thịt và nuôi bò thịt chất lượng cao.
- Chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện bám sát cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích phát triển sản xuất của Trung ương, của tỉnh; đồng thời rà soát, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ liên kết với doanh nghiệp, nhất là cơ chế chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống lợn để cung ứng giống cho các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn.
- Định kỳ sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
6. Các doanh nghiệp
Căn cứ Kế hoạch chủ động xây dựng phương án, dự án để triển khai; tập trung xây dựng mới các cơ sở giống lợn, trung tâm Hươu giống, chủ động nguồn tinh bò thịt chất lượng cao, xây dựng trung tâm giống bò 100% máu ngoại cung ứng con giống năng suất, chất lượng cao cho người chăn nuôi; ký hợp đồng liên kết với hộ dân thông qua HTX, THT, cung ứng kịp thời giống, thức ăn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và thu mua sản phẩm theo kế hoạch với giá cả đảm bảo người dân có lãi./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT LỢN THƯƠNG PHẨM QUY MÔ CHĂN NUÔI VỪA VÀ NHỎ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG LIÊN KẾT VỚI TỔNG CÔNG TY KHOÁNG SẢN VÀ THƯƠNG MẠI HÀ TĨNH VÀ CÁC ĐƠN VỊ, TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG CƠ SỞ SẢN XUẤT GIỐNG
(Kèm theo Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 21/11/2014 của UBND tỉnh)
TT | Địa phương | Lợn thương phẩm (con/năm) | Năm 2015 | Đến năm 2020 | |||||
2014 | 2015 | 2016 | Nhu cầu lợn nái (con) | Số lượng cơ sở lợn nái cần xây dựng, nâng cấp đảm bảo quy mô ≥ 300 con/cơ sở trở lên từ nay đến tháng 6/2015 | Lợn thương phẩm (con)/năm | Nhu cầu lợn nái (con) | Số lượng cơ sở lợn nái cần xây dựng, nâng cấp đảm bảo quy mô ≥ 300 con/cơ sở trở lên từ nay đến tháng 6/2020 | ||
1 | TP Hà Tĩnh | 1.000 | 1.200 | 1.500 | 100 |
| 2600 | 180 |
|
2 | TX Hồng Lĩnh | 700 | 900 | 1.100 | 80 |
| 1.900 | 140 |
|
3 | Thạch Hà | 12.000 | 13.500 | 15.500 | 1.100 | 3 | 26.100 | 1860 | 6 |
4 | Cẩm Xuyên | 10.700 | 12.200 | 15.200 | 1.100 | 3 | 26.300 | 1880 | 6 |
5 | Kỳ Anh | 8.000 | 9.500 | 11.500 | 850 | 2 | 19.900 | 1400 | 4 |
6 | Đức Thọ | 5.800 | 7.000 | 9.000 | 650 | 2 | 15.600 | 1100 | 3 |
7 | Nghi Xuân | 4.000 | 5.500 | 8.000 | 600 | 2 | 13.800 | 1000 | 3 |
8 | Hương Sơn | 7.500 | 9.000 | 13.000 | 930 | 3 | 22.500 | 1600 | 5 |
9 | Hương Khê | 9.100 | 11.000 | 14.000 | 1.000 | 3 | 24.200 | 1800 | 6 |
10 | Vũ Quang | 4.600 | 5.800 | 8.200 | 600 | 2 | 14.200 | 1000 | 3 |
11 | Can Lộc | 11.000 | 12.500 | 14.500 | 1.000 | 3 | 24.900 | 1700 | 6 |
12 | Lộc Hà | 1.600 | 2.500 | 3.500 | 300 | 1 | 6.000 | 440 | 1 |
| Tổng | 76.000 | 90.600 | 115.000 | 8.310 | 24 | 198.000 | 14.100 | 43 |
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT BÒ THỊT CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 21/11/2014 của UBND tỉnh)
TT | Địa phương | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 |
1 | TP Hà Tĩnh | 50 | 200 | 250 | 350 | 500 | 600 |
2 | TX Hồng Lĩnh | 250 | 500 | 800 | 1200 | 1500 | 1700 |
3 | Thạch Hà | 300 | 550 | 900 | 1400 | 1700 | 2000 |
4 | Cẩm Xuyên | 350 | 800 | 1400 | 1800 | 2100 | 2500 |
5 | Kỳ Anh | 350 | 1200 | 1700 | 2300 | 2700 | 3100 |
6 | Đức Thọ | 1150 | 1900 | 2200 | 2650 | 3100 | 3500 |
7 | Nghi Xuân | 900 | 1500 | 2000 | 2300 | 2800 | 3200 |
8 | Hương Sơn | 950 | 1400 | 1600 | 2200 | 2500 | 2900 |
9 | Hương Khê | 250 | 600 | 900 | 1300 | 1600 | 2000 |
10 | Vũ Quang | 250 | 850 | 1150 | 1500 | 1800 | 2200 |
11 | Can Lộc | 900 | 1650 | 2100 | 2500 | 3000 | 3300 |
12 | Lộc Hà | 300 | 850 | 1000 | 1500 | 1700 | 2000 |
| Tổng cộng | 6.000 | 12.000 | 16.000 | 21.000 | 25.000 | 29.000 |
- 1Nghị quyết 30/2011/NQ-HĐND về cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 2Quyết định 16/2012/QĐ-UBND quy định cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012-2015
- 3Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2014 về phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2015
- 4Kế hoạch 3821/KH-UBND năm 2019 về tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 1Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết 30/2011/NQ-HĐND về cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn giai đoạn 2011-2015 do tỉnh Thái Bình ban hành
- 3Quyết định 16/2012/QĐ-UBND quy định cơ chế quản lý, thực hiện quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2012-2015
- 4Quyết định 1373/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới
- 5Kế hoạch 4111/KH-UBND năm 2011 phát triển giống lợn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- 6Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2014 về phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2015
- 7Kế hoạch 3821/KH-UBND năm 2019 về tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Kế hoạch 498/KH-UBND năm 2014 về phát triển chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ theo hình thức liên kết giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2014 - 2020 do tỉnh Hà Tĩnh ban hành
- Số hiệu: 498/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 21/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
- Người ký: Lê Đình Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra