Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 26 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÁT TRIỂN CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TIÊN TIẾN GẮN VỚI VÙNG CHUYÊN CANH, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TIÊN TIẾN GẮN VỚI VÙNG CHUYÊN CANH, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN

I. Thực trạng tình hình hoạt động của các Hợp tác xã, tổ hợp tác

Đến thời điểm ngày 01/6/2014, toàn tỉnh có 180 hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) và 973 tổ hợp tác (THT). Trong 180 HTX có 141 được đánh giá, phân loại (tốt: 16 HTX; khá: 56 HTX; trung bình: 55 HTX; yếu 14 HTX), còn lại 39 HTX không phân loại do ngưng hoạt động, làm thủ tục giải thể, mới thành lập, riêng THT có 190/973 tổ được đánh giá hoạt động có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho các tổ viên, người lao động trong THT.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất với tiêu thụ, tỉnh chọn 14 HTX và 02 THT để xây dựng củng cố phát triển thành 16 HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản. Thực trạng hoạt động của các đơn vị này như sau:

- Tổng số thành viên tham gia HTX là 2.211 thành viên, bình quân 158 thành viên/HTX. Tổng số tổ viên tham gia THT là 90 tổ viên, bình quân 45 tổ viên/THT.

- Tổng vốn điều lệ của các HTX là 9.881 triệu đồng; trong đó vốn thực tế đã góp là 9.496 triệu đồng, chiếm 97%. Trong 02 THT chỉ có 01 THT có góp vốn (THT xoài VietGAP xã Tân Thuận Tây thành phố Cao Lãnh) với số tiền 79 triệu đồng.

- Về cơ sở vật chất: Có 05/16 HTX, THT có trụ sở làm việc với tổng diện tích là 918 m2; 03 HTX, 01 THT có nhà sơ chế (HTX Quít hồng huyện Lai Vung, HTX Rau Long Hòa huyện Hồng Ngự, HTX SX&TT Xoài Mỹ Xương huyện Cao Lãnh và HTXNN Tân Cường huyện Tam Nông). Có 4/16 HTX, THT có máy vi tính, trong đó có 03 HTX kết nối với Internet.

- Về trình độ học vấn của cán bộ quản lý: Trong 13 HTX có 13 cán bộ có trình độ Đại học, 09 cán bộ có trình độ trung cấp, 32 cán bộ trình độ học vấn phổ thông trung học, 16 cán bộ trình độ học vấn cấp trung học cơ sở; ở 02 THT có 01 cán bộ trình độ Đại học, 01 cán bộ trình độ trung cấp, 06 cán bộ trình độ học vấn phổ thông trung học.

- Về hiệu quả hoạt động, trong 14 mô hình HTX, 02 THT có:

+ 02 HTX/14 HTX xếp loại tốt, được đánh giá là hoạt động có hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho bà con thành viên, góp phần vào các hoạt động công ích địa phương là: HTX Tân Bình xã Tân Bình huyện Thanh Bình; HTXNN Tân Cường xã Phú Cường và 01 HTX xếp loại khá là HTXNN Tân Tiến xã Phú Đức huyện Tam Nông. Cụ thể, trong năm 2013 cả 03 HTX đều hoạt động kinh doanh có lãi và chia lãi cho các thành viên với tổng lãi 2.015 triệu đồng.

+ 03 HTX và 01 THT hoạt động trung bình là HTX Sản xuất tiêu thụ xoài Mỹ Xương và HTX NN Thuận Phong, HTX Rau an toàn huyện Hồng Ngự và THT Xoài VietGAP xã Tân Thuận Tây.

+ 03 HTX được đánh giá hoạt động chưa hiệu quả là HTX Hoa - kiểng Tân Quy Đông, HTX Tôm càng xanh Phú Thành và HTX Sen Gò Tháp. Loại hình hoạt động của các HTX còn đơn điệu, thiếu quan tâm mở rộng quy mô SXKD, HTX chỉ hoạt động cầm chừng, địa phương đang củng cố lại; kết quả sản xuất kinh doanh qua các năm chỉ đạt mức trung bình, yếu.

+ Còn lại 05 HTX và 01 THT mới thành lập nên chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động, (Riêng HTX Thủy sản Phú Thuận B vừa củng cố và đi vào hoạt động tháng 6/2014).

- Về xây dựng thương hiệu nông sản: Đến thời điểm hiện tại có 05/16 HTX, THT đã xây dựng được thương hiệu gồm: HTXNN Tân Cường với thương hiệu lúa VietGAP, HTX Xoài Mỹ Xương thương hiệu Xoài GlobalGap, HTX Tân Bình và HTX Thuận Phong với thương hiệu ớt và HTX Quýt hồng Lai Vung với thương hiệu Quýt hồng Lai Vung.

- Về liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa: có 5/16 HTX, THT đã có liên kết tiêu thụ gồm: HTXNN (Tân Cường, Tân tiến, Tân Bình, HTX Xoài Mỹ Xương và HTX chăn nuôi heo Phú Bình xã Phú Long- Châu Thành).

(Chi tiết kèm theo biểu 01, 02).

(Chi tiết thực trạng HTX, THT xem phụ lục 05).

II. Về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ HTX, THT

Trong thời gian qua, Trung ương cũng như tỉnh đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách, các chương trình hỗ trợ phát triển HTX, THT về đào tạo cán bộ; phát triển nguồn nhân lực; đất đai; tài chính; tín dụng; xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển HTX; áp dụng khoa học và công nghệ; tiếp thị và mở rộng thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Tỉnh, đã hỗ trợ đầu tư 1,4 tỷ đồng thực hiện 22 mô hình phát triển sản xuất, đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp các HTX, THT có thêm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Tuy nhiên việc thực hiện chính sách còn một số bất cập như sau:

Thứ nhất: Chính sách hỗ trợ thành lập mới hỗ trợ các khoản về thông tin, tư vấn kiến thức, tư vấn xây dựng điều lệ và hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục liên quan đến việc thành lập. Khoản kinh phí hỗ trợ này được chi hỗ trợ sau khi HTX được thành lập và được cấp có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh cho nên có nhiều khó khăn cho “buổi đầu” khởi nghiệp.

Thứ hai: Về chính sách đất đai, theo quy định tại Nghị định 88/2005, các HTXNN có nhu cầu sử dụng đất xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, cơ sở dịch vụ phục vụ thành viên sản xuất được giao đất không thu tiền sử dụng đất; tuy nhiên chính sách này có thêm quy định “UBND tỉnh căn cứ quỹ đất của địa phương xem xét”. Vì vậy, thực tế chính sách này khó thực hiện do quỹ đất công trên địa bàn hầu như không còn nên HTX, THT phải mua đất.

Thứ ba: Thực hiện Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đa số các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do phải chứng minh được mình có khả năng tài chính (vốn điều lệ thực); tài sản cố định (đất đai, nhà xưởng); Thiếu những tiêu chí trên thì ngân hàng không thể làm thủ tục cho các HTX vay; Trong khi đó, phần lớn các HTX đang hoạt động kém hiệu quả do thiếu vốn và không có tài sản cố định.

Thứ tư: Về hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, tập huấn nâng cao kiến thức cho các HTX, THT chủ yếu lồng ghép từ các chương trình, chưa có nguồn vốn ngân sách riêng để hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho các HTX, THT nên chưa mạnh đủ thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển.

III. Đánh giá chung

Thực trạng hoạt động của 16 HTX, THT đang chọn để phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản giai đoạn 2014 -2015 tuy đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên còn những hạn chế, khó khăn sau:

- Năng lực tài chính THT và HTX còn hạn chế: Quy mô vốn và năng lực tài chính (kể cả vốn của chủ sở hữu và tổng nguồn vốn) của các HTX, THT còn rất nhỏ bé, vừa kém hiệu quả vừa thiếu tính bền vững. Nguồn vốn chủ yếu của các HTX, THT hiện nay chủ yếu dựa vào vốn góp thành viên là chính; vốn tích lũy nhỏ, vốn vay từ ngân hàng còn nhiều khó khăn vì HTX, THT không có tài sản thế chấp.

- Trình độ quản lý còn yếu kém:

+ Trình độ tổ chức và năng lực quản lý trong hệ thống HTX, THT còn yếu kém, quy mô nhỏ, chưa hoạt động đa ngành dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

+ Đội ngũ cán bộ quản lý hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm thực tế, thiếu thông tin dự báo thị trường. Đa số các THT và HTX chưa tự chủ xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh của đơn vị mà chủ yếu nhờ các ngành chuyên môn hướng dẫn. Các phương án sản xuất kinh doanh chủ yếu chỉ xin hỗ trợ về cơ sở vật chất như: đầu tư đê bao, cống, đập, nhà kho, sân phơi, trụ sở... chưa đưa ra phương án sản xuất kinh doanh, hạch toán kế toán, chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.

- Cơ sở vật chất của HTX vừa thiếu, vừa yếu

+ Đa phần các HTX, THT chưa có trụ sở làm việc do không có đất và kinh phí để xây dựng, phải thuê hoặc mượn nên việc giao dịch HTX, THT với các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài còn nhiều hạn chế. Theo khoản 4 điều 24 Luật Hợp tác xã năm 2012 có hiệu lực từ ngày 01/7/2013: về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký HTX, liên hiệp HTX: “Có trụ sở chính theo quy định tại điều 26 của Luật này”, nên hầu hết các hợp tác xã đều chưa có điều kiện này.

+ Nhìn chung máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất của các HTX, THT còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ nên cần được đầu tư bổ sung và nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh.

+ Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như kênh mương, bờ bao, cống đập, giao thông nông thôn, phương tiện vận chuyển tuy đã được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh cần tiếp tục phải nâng cấp.

- Phần lớn các HTX và THT chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho HTX, THT nên đầu ra của sản phẩm chưa cao. Riêng các HTX, THT có thương hiệu tổ chức được các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, sơ chế và đóng gói cũng chỉ dừng lại ở mức thấp do đó khả năng cạnh tranh trên thị trường còn yếu.

Việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các HTX và THT hiện nay còn nhiều bất cập, do việc sử dụng phương tiện thông tin để phục vụ SXKD của HTX còn quá ít (Hầu hết các HTX chỉ sử dụng phương tiện thông tin như: điện thoại cố định, di động, máy fax; Có 03/16 HTX,THT sử dụng Internet, chiếm 19%) nên chưa hình thành mạng lưới cung ứng, tiêu thụ sản phẩm ổn định và đạt hiệu quả.

Nguyên nhân của những tồn tại yếu kém trên là do:

- Công tác tuyên truyền về luật HTX, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế hợp tác của các cấp chính quyền, đoàn thể các cấp chưa thường xuyên, chưa hiệu quả dẫn đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ về đường lối quan điểm kinh tế tập thể, về bản chất mô hình HTX mới chưa đầy đủ, dẫn đến trong chỉ đạo vừa có biểu hiện lúng túng, buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu vào tổ chức hoạt động HTX.

- Các chính sách về kinh tế hợp tác ban hành chậm, thiếu đồng bộ, tổ chức thực hiện chưa kịp thời nên hiệu quả chưa cao.

- Các THT, HTX được thành lập xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân nên đa số Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị, Kế toán của các HTX, THT trình độ chưa đáp ứng yêu cầu theo Luật HTX, dẫn đến HTX, THT còn lúng túng trong quản lý, điều hành, định hướng hoạt động chưa rõ ràng, lợi ích mang lại cho thành viên ít, nên thành viên chưa an tâm góp vốn, thiếu gắn bó với HTX dẫn đến gây tâm lý ỷ lại, dựa dẫm trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, không ý thức tự vươn lên.

- Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động, hỗ trợ định hướng phát triển kinh tế tập thể của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác các cấp chưa đồng bộ và thường xuyên liên tục.

PHẦN THỨ HAI

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC TIÊN TIẾN GẮN VỚI VÙNG CHUYÊN CANH, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN TỈNH ĐỒNG THÁP GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

I. Mục tiêu

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, phấn đấu xây dựng 16 HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản đến năm 2015, đi vào chiều sâu theo hướng khép kín từ sản xuất, dịch vụ đến tiêu thụ sản phẩm tập trung ở những vùng sản xuất chuyên canh các nông thủy sản như: Lúa đặc sản, xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung, ớt Thanh Bình, hoa cây kiểng Sa Đéc, rau an toàn, thủy sản, chăn nuôi làm tiền đề nhân rộng.

II. Chỉ tiêu

- Phấn đấu đến năm 2015 phát triển 02 tổ hợp tác (Xoài VietGAP Tân Thuận Tây, THT Rau sạch Lấp Vò) tiến lên thành lập hợp tác xã, đưa 14 HTX xây dựng thành công thương hiệu nông sản đặc thù và phát triển thành HTX tiên tiến;

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX: Củng cố, nâng chất 03 HTX hoạt động từ yếu lên trung bình, khá; 03 HTX, 01 THT từ trung bình lên khá, tốt và 05 HTX, 01THT mới thành lập lên hoạt động khá, tốt nhằm đạt 16 HTX/16HTX hoạt động hiệu quả, tăng 13 HTX so năm 2013.

- Bình quân số lượng thành viên HTX tăng 3%/năm, đến năm 2015 tổng số thành viên tham gia HTX là 2.370 thành viên, bình quân khoảng 148 thành viên/HTX.

- Đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị tăng năng lực phục vụ sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật cho 16/16 HTX.

- Có 16 HTX xây dựng được thương hiệu nông thủy sản, tăng 11 HTX so năm 2013;

- Nâng tổng số HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ ký kết hợp đồng với doanh nghiệp 16 HTX, tăng thêm 11 HTX so năm 2013.

III. Giải pháp thực hiện

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước về kinh tế tập thể cho các cán bộ quản lý HTX, THT; Đặc biệt là tuyên truyền về Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

- Tăng cường tuyên truyền, giới thiệu các mô hình mới, mô hình THT, HTX làm ăn có hiệu quả trong và ngoài tỉnh; nhất là ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới.

- Khuyến khích tạo điều kiện cho các HTX, THT tham gia cánh đồng liên kết; thực hiện ký kết hợp đồng tìm đầu ra nông sản hàng hóa cho bà con thành viên. Tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp vào sự phát triển của kinh tế tập thể. Tổ chức các đợt thi đua trong khu vực kinh tế tập thể; giới thiệu, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến; hàng năm tổ chức hội nghị tuyên dương các HTX, cán bộ quản lý hợp tác xã và các thành viên tiêu biểu nhân dịp ngày 11 tháng 4 ngày Hợp tác xã Việt Nam.

- Kịp thời cung cấp thông tin tuyên truyền qua việc xuất bản ấn phẩm (báo, tờ tin), tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài...

2. Đầu tư, củng cố, nâng chất các HTX

- Từng bước bổ sung nâng cao trình độ cán bộ quản lý HTX, kiện toàn đội ngũ quản lý HTX, như Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, kế toán...vận động tăng vốn điều lệ, tăng số lượng thành viên để từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết, liên doanh, làm đầu mối cung cấp nông sản phục vụ cho các cơ sở chế biến trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu;

- Đầu tư nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, chế biến vận chuyển tiêu thụ nông sản hàng hóa;

- Ưu tiên chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua công tác khuyến nông, lâm, ngư; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến nông sản, thức ăn gia súc... cho HTX;

- Tăng cường cung cấp thông tin giá cả, dự báo thị trường trong và ngoài nước để HTX kịp thời nắm bắt phục vụ phương án sản xuất kinh doanh;

- Đối với nông thủy sản đã có thương hiệu cần củng cố giữ vững thương hiệu, đối với sản phẩm chưa có thương hiệu, phấn đấu xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của HTX.

3. Tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm

- Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu đã có như Quít hồng Lai Vung, Xoài Cao Lãnh, ớt Thanh Bình,... thông qua hình thức tham gia hội chợ, nhịp cầu xúc tiến thương mại tổ chức hàng năm của tỉnh.

- Tiếp tục củng cố hoạt động của trang thông tin điện tử HTX Xoài Cao Lãnh, xây dựng Website Quýt hồng Lai Vung và ớt Thanh Bình. Hỗ trợ các HTX về kinh phí, chuyên môn kỹ thuật để cập nhật thông tin về thị trường, khoa học công nghệ, giá cả và sản phẩm nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Báo, Đài phát thanh truyền hình, Cổng thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu xoài, quýt, ớt, cá tra, rau, đồng thời hỗ trợ HTX thông tin thị trường, giá cả vật tư, để hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường liên kết sản xuất, chủ động mời gọi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết để phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho xã viên HTX.

4. Chính sách đãi ngộ cán bộ về làm phó giám đốc HTX

- Thực hiện thí điểm đưa cán bộ địa phương (tri thức trẻ đã tốt nghiệp Đại học hoặc Cao đẳng) về làm phó giám đốc HTX.

- Mức lương cán bộ địa phương về làm phó giám đốc HTX được hưởng theo quy định của nhà nước.

5. Thực hiện chính sách hỗ trợ HTX giai đoạn 2014 -2015

Thực hiện chính sách hỗ trợ các HTX theo quy định hiện hành, cụ thể:

- Tỉnh hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đào tạo 55 cán bộ đại học, 50 cán bộ trung cấp, các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn 1.283 cán bộ.

- Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng như nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng, xây dựng cống, đập,.... mua sắm máy móc, thiết bị kinh phí xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, nhà sơ chế.

- Hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại.

- Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi từ các Ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.

5. Nhu cầu vốn và nguồn vốn

5.1. Nhu cầu vốn

- Vốn đầu tư: 20.073 triệu đồng (Hai mươi tỷ, không trăm bảy mươi ba triệu đồng). Trong đó: năm 2014 là 7.293 triệu đồng, năm 2015: 12.780 triệu đồng.

- Vốn vay: 10.000 triệu đồng (Mười tỷ đồng). Trong đó: năm 2014 là 2.900 triệu đồng, năm 2015: 7.100 triệu đồng.

Cụ thể theo bảng sau:

ĐVT: Triệu đồng

TT

Nguồn vốn

Tổng

Năm 2014

Năm 2015

 

Vốn đầu tư

20.073

7.293

12.780

I

Vốn tỉnh (do các ngành quản lý)

4.165

1.297

2.868

1

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2.599

606

1.993

2

Sở Công Thương

200

0

200

3

Sở Khoa học và Công nghệ

656

356

300

4

Liên minh Hợp tác xã

20

0

20

5

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh

690

335

355

II

Huyện, thị, thành phố

10.356

5.274

5.082

III

HTX, THT

5.552

722

4.830

 

Vốn vay

 

 

 

1

Thực hiện theo NĐ 41 của Chính phủ, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã

10.000

2.900

7.100

5.2. Nguồn vốn

- Vốn đầu tư:

+ Vốn tỉnh quản lý: Từ vốn khuyến nông, vốn khuyến công, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM, vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản, vốn hỗ trợ xây dựng thương hiệu, vốn xúc tiến thương mại,...

+ Vốn huyện, thị xã, thành phố: Từ vốn ngân sách địa phương quản lý, vốn do được Tỉnh phân bổ (vốn sự nghiệp kinh tế, vốn bù thủy lợi phí, vay KCHKM, vốn hỗ trợ đất lúa theo Nghị định 42...).

- Vốn vay tín dụng ưu đãi từ các Ngân hàng và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã.

(Chi tiết kèm theo Biểu 3,4)

6. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng và sự điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp; đặc biệt là vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để hướng dẫn các HTX NN hoạt động đúng theo quy định của luật HTX; đồng thời có cơ chế phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong việc vận động đoàn viên, hội viên tham gia xây dựng HTX, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố phân công cán bộ chuyên môn theo dõi HTX để thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ kịp thời đề xuất với lãnh đạo về các giải pháp tháo gỡ những khó khăn của HTX.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật hợp tác xã, đưa công tác quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể đi vào nề nếp; hướng các đơn vị kinh tế tập thể thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thống kê và cập nhật kịp thời thông tin về kinh tế tập thể.

- Hàng năm tổ chức giao ban, gặp gỡ, đối thoại với các HTX, trên địa bàn; tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của các HTX, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp cụ thể hỗ trợ phát triển HTX.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành hỗ trợ củng cố, phát triển, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu cho các HTX.

- Phối hợp Liên minh HTX tỉnh tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và điều hành cho Hội đồng quản trị và thành viên HTX; phối hợp Hội Nông dân vận động nông dân tham gia HTX sản xuất theo quy hoạch gắn với thương hiệu địa phương.

- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh hỗ trợ các HTX trong việc xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu.

- Hướng dẫn các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hội thảo giúp HTX, THT ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật.

- Chủ động bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho Sở quản lý để hỗ trợ đầu tư lồng ghép hỗ trợ các HTX từ vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong chương trình MTQG xây dựng NTM, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng, vốn khuyến nông.

- Theo dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch theo định kỳ quý, 6 tháng, năm kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo, điều hành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Chủ trì phối hợp đề xuất nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ HTX, THT đầu tư cơ sở hạ tầng, quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc thù, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nhãn hiệu hàng hóa, hướng dẫn các đơn vị thanh quyết toán vốn hỗ trợ từ ngân sách theo quy định; đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho các HTX.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thực hiện các chính sách hỗ trợ các HTX về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gắn kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho xã viên HTX. Hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức hội nghị liên kết đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản đặc sản của tỉnh, để từng bước đưa các sản phẩm vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp bán lẻ, đẩy mạnh xuất khẩu.

- Đề xuất phân bổ nguồn vốn lồng ghép từ vốn khuyến công để hỗ trợ các HTX đầu tư trang bị, lò sấy ớt.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, THT xây dựng thương hiệu nông sản, quản lý và phát triển nhãn hiệu đã có.

- Hỗ trợ các HTX kinh phí đăng ký chứng nhận thương hiệu, kinh phí trang bị máy móc công nghệ mới.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đăng ký nhãn hiệu chứng nhận các sản phẩm đặc thù Xoài Cao Lãnh, Quýt hông Lai Vung, Nhãn Châu Thành, Sen Gò Tháp, Ớt Thanh Bình, Hoa kiểng Sa Đéc,...

5. Trung tâm xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư

- Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thương hiệu đã được chứng nhận, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cho các HTX.

- Hướng dẫn các thủ tục hỗ trợ cho HTX, THT về xúc tiến thương mại.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tnh, Quỹ Đầu tư phát triển tnh

- Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh hướng dẫn các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện để các HTX, THT được vay vốn ưu đãi mở rộng sản xuất kinh doanh.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi để các HTX, THT được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh theo quy định.

7. Liên minh Hợp tác xã tnh

- Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức bồi dưỡng, đào tạo các chức danh trong HTX, THT; đào tạo nguồn nhân lực lâu dài cho HTX, THT; tư vấn giúp các HTX lập phương án vay vốn ở Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

- Phối hợp với các địa phương củng cố hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX để xây dựng phát triển thành các HTX theo hướng tiên tiến, gắn sản xuất với tiêu thụ hiệu quả cao. Tổ chức bình chọn các HTX, THT có thành tích xuất sắc đóng góp trong phong trào phát triển kinh tế tập thể của Tỉnh.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố

- Chỉ đạo các ngành chuyên môn, các thành viên Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể cùng cấp, Ủy ban nhân dân các xã triển khai thực hiện kế hoạch này.

- Phân công cụ thể các ban ngành, các thành viên Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể trực tiếp phụ trách theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra một số HTX, chịu trách nhiệm một số nội dung cụ thể để củng cố phát triển sản xuất kinh doanh của các HTX, đặc biệt là các HTX hoạt động chưa hiệu quả.

- Chủ động phân bổ kinh phí hàng năm từ nguồn vốn lồng ghép các nguồn vốn được giao hàng năm như vốn MTQG xây dựng NTM, vốn bù thủy lợi phí, vốn vay KCHKM, vốn hỗ trợ đất lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ, vốn sự nghiệp kinh tế và các nguồn vốn khác để hỗ trợ phát triển các HTX tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản.

- Giao cho các ngành chức năng địa phương tham mưu nguồn vốn và bố trí nguồn vốn hỗ trợ HTX; chỉ đạo các ngành phối hợp hỗ trợ các HTX hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể về sản xuất kinh doanh và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tham quan học tập mô hình, tập huấn quy trình sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

- Chỉ đạo các ngành địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, HTX rà soát quy hoạch chi tiết vùng sản xuất xoài, cá, quýt, ớt, nhãn, sen, rau, tôm... gắn với thương hiệu.

- Hỗ trợ các HTX trong việc liên hệ, tìm kiếm doanh nghiệp để liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, ký kết hợp đồng đầu tư và tiêu thụ sản phẩm cho HTX.

- Giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế cử cán bộ trực tiếp theo dõi, hỗ trợ Ủy ban nhân dân các xã và HTX trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch để tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thị, thành phố chỉ đạo thực hiện. Đồng thời tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch theo định kỳ quý, 6 tháng, sơ kết năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, điều hành.

9. Các Hợp tác xã và Tổ hợp tác được chọn thực hiện Kế hoạch

- Tổ chức triển khai, quán triệt Kế hoạch cho toàn bộ các thành viên biết và thực hiện.

- Căn cứ vào Kế hoạch này, các HTX tiến hành lập Phương án sản xuất kinh doanh cụ thể hàng năm của HTX, lấy ý kiến các thành viên HTX và đề ra giải pháp, tổ chức thực hiện, có phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách.

- Có kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm riêng cho HTX; đồng thời chủ động liên hệ, tìm kiếm đối tác trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên HTX.

- Chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chủ động tổ chức thực hiện các nội dung, danh mục công trình đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Củng cố nhân sự cả về số lượng lẫn chất lượng: về trình độ, độ tuổi, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho con em HTX, có chính sách thu hút sinh viên có chuyên môn nghiệp vụ về công tác.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, sơ kết năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện; đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kiến nghị gửi báo cáo về cấp trên xem xét. Đồng thời phải tổ chức đại hội thành viên theo quy định của Luật HTX năm 2012, thực hiện chế độ thông tin báo cáo thường xuyên về Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan tham mưu cấp huyện để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

10. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên CSHCM tỉnh, Liên Hiệp hội phụ nữ tỉnh: căn cứ Kế hoạch phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2015, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; cùng với các cơ quan chuyên môn, chính quyền phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất, phát triển mô hình, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thị, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện tốt kế hoạch./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU, TT/HĐND Tỉnh (b/cáo);
- CT và các PCT/UBND Tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, KH&ĐT, Công Thương, KH&CN, TN&MT, Tài chính;
- Liên minh HTX Tỉnh;
- CN Ngân hàng NN Tỉnh;
- Quỹ ĐTPT;
- Hội Nông dân Tỉnh;
- Đoàn Thanh niên CS HCM Tỉnh;
- Hội LH Phụ nữ Tỉnh
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các HTX, THT thực hiện Kế hoạch;
- Lưu VT, NC/KTN nth.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2014 về phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2014-2015

  • Số hiệu: 126/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/08/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản