Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4865/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 04 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ, THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC, CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ BỆNH VIỆN, CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Công văn số 781/BTTTT-QLDN ngày 04/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế;

Xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 16/TTr-STTTT ngày 22/4/2022; văn bản số 531/STTTT-CNTT ngày 26/5/2022 và số 591/STTTT-CNTT ngày 10/6/2022.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Tiếp tục duy trì, thúc đẩy các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo tiên phòng áp dụng công nghệ số, nền tảng số, triển khai chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và doanh nhân số cho tương lai.

b) Các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng hiệu quả, đảm bảo duy trì các ứng dụng công nghệ thông tin đã triển khai, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân.

c) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn. Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, có sự tham gia của toàn xã hội nhằm đạt được các mục tiêu Kế hoạch đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể đến hết năm 2022

a) 100% trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng số để chuyển đổi số.

b) 50% trường học, cơ sở giáo dục lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác.

c) 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thanh toán viện phí, phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

d) Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt tỷ lệ 50%.

II. CÁC NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

a) Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, cơ sở giáo dục

- Các trường học, cơ sở giáo dục lựa chọn, ứng dụng các giải pháp, nền tảng số phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy và học, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

- Ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, tăng cường kết nối liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh qua các ứng dụng, nền tảng số.

- Triển khai áp dụng nền tảng dạy, học trực tuyến tại các cấp học, hình thành, phát triển giáo dục số.

b) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

- Các trường học, cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán học phí, phí, lệ phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Các trường học, cơ sở giáo dục bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán học phí, phí, lệ phí và các dịch vụ theo quy định.

2. Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế

a) Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong bệnh viện, cơ sở y tế

- Các bệnh viện, cơ sở y tế đẩy mạnh việc lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số phù hợp, hiệu quả để phục vụ triển khai công tác chuyển đổi số y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao kịp thời, tiện lợi và an toàn.

- Các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường sử dụng các nền tảng y tế số như: nền tảng số quản lý bệnh viện, cơ sở y tế; nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử; nền tảng quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến; các công cụ hỗ trợ khám chữa bệnh và nghiệp vụ y tế.

- Hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số; ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành các bệnh viện thông minh.

- Đảm bảo hạ tầng, lưu trữ, đường truyền, kết nối mạng và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong quản trị và hoạt động nghiệp vụ về y tế.

b) Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế

- Các bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo các điều kiện và chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Các bệnh viện, cơ sở y tế bố trí đầu mối, nhân lực để hướng dẫn, hỗ trợ việc thực hiện thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định.

3. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và các bệnh viện, cơ sở y tế đến mọi người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể như cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, đặc biệt là nhóm đối tượng ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ... qua đó giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

b) Tổ chức đánh giá, khen thưởng, vinh danh các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt thiết thực, hiệu quả.

4. Công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

a) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng số, sử dụng các nền tảng số giáo dục, lập tài khoản thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đội ngũ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh triển khai mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (STEM/STEAM), phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp; tổ chức các cuộc thi về kỹ năng số, lập trình điều khiển tự động (robotic), giáo dục STEM/STEAM trong các trường học, cơ sở giáo dục.

c) Tổ chức hội thảo, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

d) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số, kỹ năng số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

5. Công tác đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế

a) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng số, sử dụng các nền tảng số y tế, lập tài khoản thanh toán và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho đội ngũ quản lý, y bác sĩ, người lao động trong các bệnh viện, cơ sở y tế và người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Tổ chức các hội thảo, hướng dẫn về chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số, dịch vụ y tế điện tử, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, cơ sở y tế.

6. Bảo đảm an toàn, bảo mật trong chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt

a) Triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin trong sử dụng các nền tảng số, dịch vụ thanh toán điện tử và cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong các hoạt động sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ huynh, học sinh, sinh viên và các trường học, cơ sở giáo dục cũng như của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các bệnh viện, cơ sở y tế.

b) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức để phòng, tránh các hành vi lừa đảo, nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành; các nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án liên quan đã được phê duyệt.

2. Nguồn xã hội hóa, nguồn kinh phí tự cân đối, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng tham gia Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch này; chủ trì hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành.

b) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nội dung tại các mục 1, 3, 4 phần II của Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp). Thời hạn báo cáo trước ngày 20/12/2022.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022.

2. Sở Y tế

a) Tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch này; chủ trì hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất trong toàn ngành.

b) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện nội dung tại mục 2, 3, 5 phần II của Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện (qua Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp). Thời hạn báo cáo trước ngày 20/12/2022.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ tại mục 6 phần II của Kế hoạch này.

b) Hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế triển khai lựa chọn, ứng dụng các nền tảng số phù hợp và thực hiện nhiệm vụ tại mục 4, 5 phần II của Kế hoạch.

c) Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo hạ tầng số, an toàn thông tin, an ninh mạng phục vụ công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ quan, đơn vị.

d) Tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng

a) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường kết nối liên thông, tích hợp với các hệ thống khác để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các đơn vị liên quan hướng dẫn, cung ứng, triển khai các giải pháp đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt cho các cơ sở giáo dục, trường học và các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

5. UBND các huyện, thành phố

a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch trên địa bàn; chủ trì tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại các trường học, cơ sở y tế theo phân cấp.

b) Chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở, các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của người dân.

6. Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh

a) Tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng của người dân.

b) Tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- TV BCĐ Chuyển đổi số tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- NH NN VN chi nhánh Lâm Đồng;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lâm Đồng, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Trí Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4865/KH-UBND năm 2022 về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 4865/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đặng Trí Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản