Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 482/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 29 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA VIỆC XÂY DỰNG, ÁP DỤNG, DUY TRÌ VÀ CẢI TIẾN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN ISO 9001 TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH QUẢNG BÌNH, NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Thông tư số 26/2014/TT-BKHCN ngày 10/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết thi hành Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND tỉnh về Kế hoạch áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 về việc sửa đổi bổ sung một số nội dung Quyết định 956/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 của UBND tỉnh, UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Bình năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đảm bảo việc thực hiện xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh theo đúng các quy định, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc, những bất cập trong quá trình thực hiện xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.

2. Yêu cầu

Thực hiện kiểm tra đảm bảo tính khách quan, khoa học và hiệu quả nhằm đánh giá phản ánh đúng thực tế về việc áp dụng duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng.

Qua kiểm tra rút ra được những vấn đề cần quan tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như những vấn đề nảy sinh, bất cập trong quá trình áp dụng, duy trì Hệ thống quản lý chất lượng và những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001

a) Phạm vi áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng, số lượng thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đã được đưa vào Hệ thống quản lý chất lượng.

b) Hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu, quy trình giải quyết công việc cho toàn bộ cán bộ, công chức và người lao động trong phạm vi xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.

c) Sự tuân thủ của cơ quan đối với yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 như: Chính sách, mục tiêu, quy trình, thủ tục, các quy định khác và các yêu cầu pháp luật liên quan.

d) Việc thực hiện các quá trình giải quyết công việc và các quá trình được xác định trong Hệ thống quản lý chất lượng.

đ) Hoạt động xem xét của Lãnh đạo và hoạt động đánh giá nội bộ, thực hiện hành động khắc phục các điểm không phù hợp.

e) Hoạt động xử lý các khiếu nại có liên quan đến lĩnh vực áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (nếu có).

g) Hoạt động cải tiến trong Hệ thống quản lý chất lượng.

h) Việc áp dụng vận hành hệ thống ISO điện tử.

2. Kiểm tra việc tuân thủ theo quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg

a) Việc đảm bảo sự tham gia của Lãnh đạo, các đơn vị và cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng.

b) Việc người đứng đầu cơ quan xác nhận hiệu lực của Hệ thống quản lý chất lượng (ban hành các quy định, quyết định về áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng).

c) Việc công bố Hệ thống quản lý chất lượng phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 và công bố lại khi có sự điều chỉnh, mở rộng, thu hẹp phạm vi áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (Quyết định công bố phù hợp, gửi bản công bố phù hợp đến Sở Khoa học và Công nghệ để theo dõi, tổng hợp; niêm yết bản công bố tại trụ sở cơ quan và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan).

d) Việc cập nhật các thay đổi của văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào Hệ thống quản lý chất lượng.

đ) Việc đảm bảo 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cơ quan đã được đưa vào Hệ thống quản lý chất lượng.

e) Việc lựa chọn tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn (nếu có).

III. HÌNH THỨC TỔ CHỨC KIỂM TRA

1. Kiểm tra qua hồ sơ, báo cáo

a) Các cơ quan đơn vị thuộc đối tượng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo quy định tại Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 21/4/2014 và Quyết định số 2161/QĐ-UBND ngày 04/7/2018 của UBND tỉnh tự tổ chức kiểm tra và báo cáo tình hình thực hiện việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 theo các nội dung tại mục II của Kế hoạch này và kèm theo các tài liệu liên quan (nếu có) gửi về Sở Khoa học Công nghệ trước ngày 15/12/2022.

b) Căn cứ báo cáo tình hình thực hiện, các tài liệu liên quan, Sở Khoa học Công nghệ xem xét, đánh giá kết quả thực hiện; có văn bản đề nghị cơ quan thực hiện hoặc khắc phục các nội dung chưa đáp ứng yêu cầu (nếu có); tổng hợp kết quả tự kiểm tra của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, báo cáo UBND tỉnh.

Kết quả kiểm tra qua hồ sơ, báo cáo là căn cứ để Sở Khoa học Công nghệ đề xuất UBND tỉnh có kế hoạch kiểm tra trực tiếp tại cơ quan, đơn vị, địa phương trong các năm tiếp theo.

2. Tổ chức Đoàn kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị

a) Giao Sở Khoa học Công nghệ thành lập Đoàn kiểm tra trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị theo danh sách và thời gian kiểm tra tại Phụ lục ban hành kèm theo Kế hoạch này.

b) Đoàn kiểm tra có trách nhiệm tiến hành kiểm tra tình hình xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo các nội dung tại Mục II của Kế hoạch này qua tài liệu, hồ sơ, phỏng vấn lãnh đạo, cán bộ, công chức của cơ quan và quan sát đánh giá hoạt động thực tế.

c) Cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm cung cấp kịp thời đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp; giải trình về vấn đề có liên quan theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hành chính thuộc UBND tỉnh và đơn vị liên quan có tránh nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan hành chính cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NCVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ An Phong

 

PHỤ LỤC:

DANH SÁCH CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KIỂM TRA TẠI TRỤ SỞ CƠ QUAN.
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 482/KH-UBND ngày 29/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình)

TT

Tên cơ quan, đơn vị

Thời gian kiểm tra
(Dự kiến)

1

Sở Văn hóa và Thể thao

Quý III

2

Sở Tài nguyên và Môi trường

Quý III

3

Sở Y tế

Quý III

4

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Quý III

5

Thanh tra tỉnh

Quý III

6

Ban quản lý Khu kinh tế

Quý III

7

Chi cục Kiểm lâm

Quý III

8

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Quý III

9

UBND huyện Bố Trạch

Quý III

10

UBND huyện Tuyên Hóa

Quý III

11

UBND huyện Quảng Trạch

Quý III

12

UBND Thành phố Đồng Hới

Quý III

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 482/KH-UBND về kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Quảng Bình, năm 2022

  • Số hiệu: 482/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Hồ An Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản