Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4277/KH-UBND

Bình Dương, ngày 01 tháng 9 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA NGÀNH Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021-2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Thực hiện Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 7562/QĐ-BYT ngày 24/12/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Y tế giai đoạn 2019 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của Ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, phát triển, kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng trên toàn thế giới, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu, kéo theo là thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan (tăng tần suất và cường độ bão, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và nước biển dâng...) đang trở thành mối đe dọa toàn cầu trong thế kỷ 21 và tác động tới tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Vấn đề BĐKH đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại, y tế. Theo Tổ chức Y tế thế giới ước tính hàng năm BĐKH góp phần gia tăng gánh nặng một số bệnh tật như suy dinh dưỡng với 3,5 triệu người tử vong, tiêu chảy với khoảng 2,2 triệu người tử vong, sốt rét với khoảng 900 ngàn người tử vong và khoảng 60 ngàn người tử vong do các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, sốc nhiệt. Dự báo từ năm 2030 đến năm 2050, ước tính tác động của BĐKH sẽ làm tăng thêm khoảng 250 ngàn trường hợp tử vong mỗi năm1.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu2. Trong thời gian qua, biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với sự phát triển kinh tế đã tạo ra những tác động kép đến nhiều vùng, nhiều địa phương trên cả nước, gây tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, thiếu nước sinh hoạt... ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống y tế và sức khỏe người dân. Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật năm 2016, nhiệt độ ở các vùng phía Bắc tăng nhanh hơn các vùng phía Nam, nhiệt độ ở các vùng ven biển tăng chậm hơn các vùng sâu trong lục địa. Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng thêm từ 4,0°C đến 4,5°C theo kịch bản phát thải cao nhất và 2,0°C đến 2,2°C theo kịch bản phát thải thấp nhất3. Các nghiên cứu ở Việt Nam được công bố trên các tạp chí quốc tế cho thấy nhiệt độ tăng góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện nhất là ở người già và trẻ em. Khi nhiệt độ tăng 1°C thì tăng 3,4-4,6% số trẻ em nhập viện, tăng 7-11% nguy cơ mắc SXH, tăng 5,6% nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng và tăng 1,5% số ca tiêu chảy. Vào những ngày có sóng nhiệt, tỷ lệ người già nhập viện do bệnh tim mạch tăng 13%. Thay đổi các điều kiện khí hậu như độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm và các bệnh mới nổi như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể có thêm nhiều bệnh mới do tác động BĐKH tại Việt Nam.

Để ứng phó với BĐKH, bảo vệ sức khỏe người dân, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó giao nhiệm vụ cho ngành y tế xây dựng kế hoạch thích ứng với BĐKH giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, BĐKH tới sức khoẻ con người. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020).

II. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ ban hành Chương hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu;

- Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020;

- Quyết định số 1052/QĐ-TTg ngày 21/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân bổ vốn sự nghiệp năm 2018 của Hợp phần ứng phó với biến đổi khí hậu trong Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

- Văn bản số 4138/BTNMT-BĐKH ngày 03/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 7562/QĐ-BYT ngày 24/12/2018 của Bộ Y tế về Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hệ thống y tế, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

2. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu đến năm 2030

a) Mục tiêu cụ thể 1: Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của ngành y tế trong công tác ứng phó với BĐKH.

Chỉ tiêu cụ thể:

- Ít nhất 40% văn bản (bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt, văn bản chỉ đạo, điều hành) của Ngành Y tế về lĩnh vực sức khỏe môi trường và cộng đồng, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, trang thiết bị và công trình y tế, phòng chống thiên tai thảm họa, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng có lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH.

- 100% Phòng Y tế các huyện, thị, thành phố tham mưu UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch ứng phó với BĐKH của ngành y tế tuyến huyện; hoặc nội dung ứng phó với BĐKH của ngành y tế được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể 2: Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khoẻ và ứng phó với BĐKH.

Chỉ tiêu cụ thể:

- 100% cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn được truyền thông và tập huấn về ứng phó với BĐKH.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố có tổ chức hoạt động giáo dục, truyền thông về BĐKH và sức khỏe cho cộng đồng.

c) Mục tiêu cụ thể 3: Tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở.

Chỉ tiêu cụ thể:

- Ít nhất 80% cơ sở y tế xây mới có áp dụng các giải pháp nhằm ứng phó với các tác động của BĐKH.

- 70% trạm y tế xã, phường, thị trấn tại các địa bàn dễ bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH có đủ năng lực và cơ sở vật chất đảm bảo đáp ứng một cách có hiệu quả với các tình huống thiên tai và thời tiết cực đoan.

3. Tầm nhìn đến năm 2050

Đến năm 2050, công tác ứng phó với BĐKH được tích hợp vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch từng giai đoạn và hàng năm của ngành y tế. Đảm bảo hệ thống y tế có đủ năng lực, nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và hiệu quả đối với các tác động của BĐKH đến sức khỏe; năng lượng xanh, năng lượng tái tạo được sử dụng phổ biến nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tập huấn, đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật, phương pháp xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các vùng dễ bị tổn thương, nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý, cán bộ y tế dự phòng và các cơ sở khám chữa bệnh.

Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Xây dựng và nhân rộng mô hình cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu tại các vùng bão lũ, lụt, các vùng bị hạn hán.

2. Xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng phó với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan

Xây dựng và nhân rộng các mô hình nhằm ứng phó và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của BĐKH tới sức khỏe tại các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh (ưu tiên khu vực dễ bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH):

- Mô hình truyền thông để cung cấp các nội dung, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với BĐKH cho cán bộ y tế và cộng đồng.

- Mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH, các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão, lũ, lụt, hạn hán, nắng nóng.

- Mô hình tổ chức y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng trong điều kiện BĐKH.

- Mô hình cấp cứu đáp ứng với thiên tai, thảm họa như tai nạn, chấn thương, dịch bệnh.

- Mô hình quản lý, giám sát các dịch, bệnh liên quan đến sự thay đổi của các yếu tố thời tiết và khí hậu.

- Mô hình nước sạch - vệ sinh môi trường và thích ứng với BĐKH cho cộng đồng và cơ sở y tế.

- Mô hình ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ tái tạo và sử dụng năng lượng sạch tại các cơ sở y tế.

3. Tăng cường hệ thống giám sát và cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe

Tăng cường áp dụng hệ thống dự báo, giám sát, cảnh báo sớm đối với các bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Phát huy mạng lưới y tế đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và các bệnh mới có thể phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu.

4. Giải pháp về tổ chức quản lý, cơ chế chính sách và phối hợp liên ngành

Tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền các cấp đối với các hoạt động ứng phó với BĐKH của ngành y tế vào các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh;

Kiện toàn hệ thống tổ chức, rà soát và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu;

Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan để đóng góp tích cực vào quá trình triển khai các văn bản về biến đổi khí hậu.

5. Kiểm tra giám sát và đánh giá

Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ, đột xuất, về việc triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng, hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tăng cường công tác báo cáo, phối hợp giữa các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ và nội dung hoạt động về kết quả triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng hợp kết quả, báo cáo việc tổ chức thực hiện kế hoạch hành động trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hàng năm theo Quyết định số 7562/QĐ-BYT ngày 24/12/2018 của Bộ Y tế.

V. LỘ TRÌNH TRIỂN KHAI VÀ NGUỒN LỰC

1. Giai đoạn 2021 - 2025

a) Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

b) Xây dựng và thí điểm các mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH.

c) Xây dựng và thí điểm hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát, dự báo, cảnh báo sớm các tác động của BĐKH đến sức khoẻ.

d) Xây dựng và thí điểm các mô hình ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.

đ) Kiểm tra, giám sát và tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động.

2. Giai đoạn 2025 - 2030

a) Quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở y tế, trang thiết bị đáp ứng công tác khám chữa bệnh đảm bảo thích ứng với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

b) Áp dụng rộng rãi việc sử dụng cơ sở dữ liệu, dự báo, cảnh báo sớm các tác động của BĐKH đến sức khoẻ.

c) Nhân rộng các mô hình hệ thống y tế và cộng đồng ứng phó hiệu quả với BĐKH.

d) Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng sạch để giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.

đ) Đẩy mạnh xã hội hóa trong việc ứng phó với BĐKH của ngành y tế.

e) Kiểm tra giám sát, tổng kết đánh giá thực hiện Kế hoạch.

VI. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN

1. Các hoạt động triển khai tại địa phương: Chủ yếu dựa vào mạng lưới của ngành Y tế, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội:

- Tại tuyến tỉnh là Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện tuyến tỉnh.

- Tại tuyến huyện, thị xã, thành phố là Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.

- Tại tuyến xã là trạm y tế các xã, phường, thị trấn và nhân viên y tế ấp/khu phố.

2. Nguồn kinh phí thực hiện:

- Ngân sách Trung ương.

- Ngân sách địa phương.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Là đầu mối chủ trì xây dựng và triển khai Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu ngành y tế, chỉ đạo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành.

Đào tạo, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế.

Đánh giá tính dễ bị tổn thương và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế. Đề xuất các giải pháp ứng phó để bảo vệ sức khỏe người dân trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tăng cường lồng ghép các hoạt động đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân ứng phó với biến đổi khí hậu trong Phong trào Vệ sinh yêu nước, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và các chương trình, dự án có liên quan. Phát triển, thí điểm và nhân rộng các mô hình quản lý nước sạch, vệ sinh quản lý chất thải giảm phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.

Hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm; giám sát dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; trong đó chú trọng tới các bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm liên quan đến các yếu tố khí hậu và biến đổi khí hậu.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành y tế theo giai đoạn và hằng năm.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc quản lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, phòng ngừa khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm do các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu.

Lồng ghép các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án có liên quan.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Tài chính và Sở Y tế cân đối ngân sách trong kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm để bố trí kinh phí đầu tư thực hiện Kế hoạch.

Vận động, huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách hàng năm, chủ động, phối hợp với Sở Y tế để bố trí vốn thực hiện các chương trình về ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Y tế lập bản đồ các khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đến sức khỏe;

Tăng cường quản lý chất thải, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong các cơ sở y tế; triển khai các giải pháp giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe cộng đồng.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025, trong đó có nội dung đảm bảo cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đặc biệt đối với các vùng bị ảnh hưởng do BĐKH.

Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có nội dung về các can thiệp dinh dưỡng giảm thấp còi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Y tế theo dõi, giám sát tình trạng dinh dưỡng, các can thiệp dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học đối với vùng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Các tổ chức chính trị - xã hội

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Dương; Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ,... căn cứ vào định hướng chuyên môn, nội dung tuyên truyền của Sở Y tế để phối hợp tổ chức phổ biến đến các cấp, các ngành về những kiến thức liên quan biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khỏe.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế và các chương trình liên quan tại địa phương, bố trí đủ ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương nhằm giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao, dễ bị tổn thương.

Trên đây là Kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của Ngành Y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Y tế) trước ngày 31/12 hàng năm./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như mục VII;
- Các Sở, Ngành;
- LĐVP, TH;
- Lưu: VT, H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Liêm

 

 



1 WHO (1 February 2018). WHO fact sheet on Climate change and health.

2 Ngân hàng thế giới (2010)

3 Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016). Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4277/KH-UBND năm 2020 về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050

  • Số hiệu: 4277/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/09/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản