Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 41/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 17 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về việc định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND ngày 03/8/2016 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Kết luận số 23-KL/TU ngày 15/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững; Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 10/10/2016 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020. Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NĂM 2019

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình1: 203.203 triệu đồng

Trong đó: (không tính vốn tín dụng)

- Ngân sách trung ương: 122.816 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 21.428 triệu đồng.

- Huy động cộng đồng: 58.959 triệu đồng.

1. Thực hiện nhóm chính sách hỗ trợ hộ nghèo về dân sinh và tiếp cận với các dịch vụ xã hội

Tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên, doanh số cho vay đạt 413.559 triệu đồng, với 14.359 hộ vay; cấp 161.209 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 41.956 học sinh; hỗ trợ xây mới 1.198 căn nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 8.060 lượt người nghèo, cận nghèo2

2. Thực hiện các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Kinh phí thực hiện: 18.234 triệu đồng3, trong đó:

- Ngân sách trung ương: 14.167 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 1.824 triệu đồng.

- Huy động cộng đồng: 2.243 triệu đồng.

a) Dự án 2 - Chương trình 135

- Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã biên giới: Tổ chức triển khai thực hiện 09 công trình, duy tu bảo dưỡng 08 công trình, các công trình triển khai chủ yếu là đường nội bộ, nâng cấp mặt đường, lát đá4.

- Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế các xã Chương trình 135: Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho 117 hộ gia đình, tham gia mô hình chăn nuôi bò, vịt, nuôi ong lấy mật, máy phun thuốc trừ sâu, trồng hoa màu; triển khai xây dựng 01 dự án mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản với 16 hộ nghèo tham gia5.

- Tiểu dự án 3: Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ cơ sở các xã Chương trình 135: Phối hợp với Trường Đại học Lao động xã hội (Cơ sở II) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 02 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 184 cán bộ cơ sở xã Chương trình 135, kinh phí thực hiện là 309 triệu đồng (kinh phí trung ương 279 triệu đồng, kinh phí địa phương là 30 triệu đồng)6.

b) Dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135

Triển khai xây dựng 04 dự án, hỗ trợ cho hơn 64 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho hơn 81 hộ tham gia7.

c) Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin8: Tổng kinh phí bố trí thực hiện 937 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 852 triệu đồng, ngân sách địa phương 85 triệu đồng.

d) Dự án 5 - Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá9

- Tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo: Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho 1.001 cán bộ giảm nghèo các cấp.

- Hoạt động kiểm tra và giám sát đánh giá: đã tổ chức 104 lượt giám sát cấp tỉnh và cấp huyện tại cơ sở10.

3. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2019

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,55% (từ 4,28% giảm xuống còn 2,73%), vượt so với kế hoạch là 103% (kế hoạch giảm 1,50%/năm).

Thu nhập bình quân hộ nghèo tăng 1,88 lần so với thu nhập bình quân hộ nghèo đầu giai đoạn 2016-2020 (thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2015 là 711.795 đồng, cuối năm 2019 là 1.336.638 đồng).

Kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu các chính sách, dự án giảm nghèo năm 2019 cơ bản đều đạt và vượt: Chính sách hỗ trợ về y tế đạt 109,35%, hỗ trợ giáo dục đạt 81,33%, hỗ trợ nhà ở đạt 128,32%, tín dụng ưu đãi đạt 78,03% so với kế hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng các xã Chương trình 135 đạt 100%, hỗ trợ PTSX và nhân rộng mô hình giảm nghèo đạt 103%, truyền thông và giảm nghèo về thông tin đạt 100%, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá đạt 100% so với kế hoạch.

II. KẾ HOẠCH GIẢM NGHÈO NĂM 2020

1. Mục tiêu chung

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; gắn các mục tiêu giảm nghèo bền vững với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội; chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu thực hiện năm 2020

- Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn 1,28%.

- Tín dụng ưu đãi: đảm bảo cho 17.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

- Y tế: đảm bảo cho 88.570 người nghèo, người cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Giáo dục: thực hiện miễn, giảm học phí cho 20.623 học sinh. Hỗ trợ chi phí học tập cho 22.490 học sinh.

- Cải thiện nhà ở cho 1.600 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở (bao gồm nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg).

- Hỗ trợ cho 1.200 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo được học nghề.

- Xây dựng 05 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế.

- Xây dựng 05 dự án mô hình giảm nghèo bền vững.

- Tập huấn nâng cao năng lực: 1.001 cán bộ giảm nghèo các cấp về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương.

3. Các dự án thành phần của chương trình

a) Dự án 2 - Chương trình 135

- Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã Chương trình 135 thực hiện 06 công trình hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; duy tu, bảo dưỡng 06 công trình hạ tầng cơ sở.

Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng.

- Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, dự án mô hình giảm nghèo các xã Chương trình 135, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, dụng cụ sản xuất; xây dựng mô hình phát triển sản xuất, mô hình tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo.

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững.

- Tiểu dự án 3: Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã Chương trình 135 gồm: Tập huấn Ban giám sát cộng đồng xã; cán bộ ấp, cán bộ chi hội đoàn thể; cán bộ giảm nghèo, cán bộ khuyến nông, thú y cấp xã và ấp.

Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Dự án 3 - Hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn (các xã ngoài Chương trình 30a, 135)

Đơn vị thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững.

c) Dự án 4 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin

Truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo. Xây dựng cụm thông tin cơ sở, củng cố hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội; nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đối thoại chính sách giảm nghèo.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện hoạt động giảm nghèo về thông tin; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hoạt động truyền thông về giảm nghèo.

d) Dự án 5 - Nâng cao năng lực giảm nghèo và giám sát, đánh giá

Tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trong toàn tỉnh; thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình.

Đơn vị thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

III. KINH PHÍ (kèm theo phụ lục)

Kinh phí thực hiện: 179.106 triệu đồng (không tính vốn tín dụng), Trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 109.927 triệu đồng.

- Ngân sách địa phương: 23.502 triệu đồng.

- Huy động cộng đồng: 45.677 triệu đồng.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

- Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...xây dựng các dự án, mô hình hỗ trợ thoát nghèo theo hướng nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn, giảm dần chính sách cho không, mở rộng chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Tập trung nguồn lực theo hướng ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao, lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, phát huy và nhân rộng mô hình Tổ tiết kiệm, Tổ hùn vốn sản xuất, Tổ liên kết sản xuất của các tổ chức chính trị - xã hội. Tổ chức các cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tranh thủ sự quan tâm và giúp đỡ của những cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong và ngoài Tỉnh thông qua các sự kiện lớn hàng năm nhằm vận động kinh phí cho Quỹ “Vì người nghèo”, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh.

- Đa dạng về hình thức và nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin điện tử về chủ trương, chính sách giảm nghèo, những mô hình hay, cách làm hiệu quả, giới thiệu những gương sáng thoát nghèo tiêu biểu trong cộng đồng, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy trách nhiệm bản thân để chủ động vươn lên thoát nghèo.

- Thường xuyên tổ chức các Đoàn kiểm tra, giám sát các cấp, hằng năm tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người dân, người nghèo, cận nghèo trao đổi trực tiếp với các cấp chính quyền, nêu lên chính kiến, những nguyện vọng, khó khăn của hộ gia đình và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

V. PHÂN CÔNG VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo có liên quan, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Mục VII, Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 10/10/2016 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tổ chức thực hiện.

Ủy ban nhân dân Tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh có liên quan và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị triển khai thực hiện. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện 06 tháng, cuối năm (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo 06 tháng gửi trước ngày 15/6 và báo cáo năm gửi trước ngày 15/11) để báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH (VP Quốc gia về GN);
- CT và các PCT UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Thành viên BCĐ giảm nghèo Tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, PTH-VX(QM).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

 



1 Tổng nguồn vốn thực hiện đạt 83,79% so với kế hoạch (242.510 trđ/ 203.203 trđ), trong đó: Kinh phí Trung ương đạt 72,99%; kinh phí địa phương đạt 83,83%, nguồn vận động đạt 121,11%.

2 Trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo là 337.070 triệu đồng, hộ cận nghèo là 284.873 triệu đồng, hộ thoát nghèo là 670.446 triệu đồng, học sinh, sinh viên là 451.619 triệu đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo là 59.191 thẻ, người thuộc hộ cận nghèo là 95.719 thẻ, người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình 6.299 thẻ, tổng kinh phí thực hiện 108.752 triệu đồng; miễn, giảm học phí cho 19.924 học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho 22.032 học sinh, tổng kinh phí thực hiện 17.964 triệu đồng; Tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 900 người nghèo, cận nghèo, kinh phí 2.580 triệu đồng; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo kinh phí thực hiện 51.445 triệu đồng, trong đó: nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ-TTg là 133 căn, kinh phí 3.325 triệu đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động thực hiện 1.065 căn, kinh phí 48.120 triệu đồng.

3 Kinh phí CTMTQG giảm nghèo thực hiện 18.234 triệu đồng, đạt 100,50% so với kế hoạch (Kế hoạch 18.144 triệu đồng).

4 Tổng kinh phí thực hiện đầu tư CSHT là 9.750 triệu đồng (kinh phí trung ương 7.410 triệu đồng, kinh phí địa phương là 847 triệu đồng, huy động 1.493 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch).

5 Tổng kinh phí thực hiện (PTSX & NRMHGN) là 2.304 triệu đồng (kinh phí trung ương 1.777 triệu đồng, kinh phí địa phương là 287 triệu đồng, nguồn vận động 240 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch).

6 Cán bộ được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chủ yếu là cán bộ làm công tác giảm nghèo xã, cán bộ quản lý các dự án, các Trưởng ấp, các Chi hội trưởng đoàn thể (Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên), Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, Ban Thanh tra nhân dân ấp.

7 tại: xã Long Thắng, huyện Lai Vung; xã Phú Thọ, huyện Tam Nông; xã Bình Tấn, huyện Thanh Bình và xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự. Tổng kinh phí thực hiện (PTSX & NRMHGN) là 3.711 triệu đồng (kinh phí trung ương 2.730, địa phương 471 triệu đồng, nguồn huy động 510 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch)

8 - Hoạt động truyền thông về giảm nghèo: Tổ chức xây dựng và thực hiện các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo, xây dựng chuyên trang về giảm nghèo trên Báo Đồng Tháp, nội dung giới thiệu mô hình giảm nghèo, các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, gương phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo năm 2019, có trên 4.532 người tham dự; phát hành 3.564 cuốn sổ tay giảm nghèo; thiết kế và đặt panô tuyên truyền, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau” tại 05 đơn vị trên địa bàn gồm: huyện Lai Vung, huyện Tháp Mười, huyện Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự và thành phố Sa Đéc.

- Hoạt động giảm nghèo về thông tin: hợp đồng sản xuất 12 Chương trình phát thanh trên phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về giảm nghèo; mô hình, kinh nghiệm, gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, xã hội và bản thân hộ nghèo đối với công tác giảm nghèo; giới thiệu các cơ sở đào tạo nghề, định hướng cơ hội tìm việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và 13 chương trình truyền hình, thực hiện phóng sự “Toàn cảnh nông nghiệp”, thời sự, xây dựng chuyên trang “Đồng Tháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững” trên Cổng Thông tin điện tử, đăng tải trên 199 tin, bài, ảnh tuyên truyền.

9 Kinh phí bố trí thực hiện 1.223 triệu đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1.119 triệu đồng, ngân sách địa phương 104 triệu đồng.

10 Nội dung kiểm tra, giám sát gồm: công tác chỉ đạo điều hành của các cấp trong tổ chức thực hiện Chương trình; công tác triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương; chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã Chương trình 135, dự án mô hình giảm nghèo, dự án phát triển sản xuất, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn,..