Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4001/KH-UBND

Hải Dương, ngày 30 tháng 10 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, PHÁT TRIỂN CHÍNH QUYỀN SỐ VÀ BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM 2021

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 của Quốc hội;

Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước;

Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW;

Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

Quyết định số 2323/BTTTT-THH ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Quyết định số 1843/QĐ-UBND ngày 11/6/2018 về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương, phiên bản 1.0;

Quyết định số 879/QĐ-UBND ngày 07/5/2013 của UBND tỉnh Hải Dương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến 2025;

Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 10/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;

Kế hoạch hành động số 1539/KH-UBND ngày 17/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025;

Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về việc quyết định chủ trương đầu tư “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;

Chương trình hành động số 96-CTr/TU ngày 04/6/2020 của Tỉnh ủy Hải Dương về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2021 như sau:

II. KẾT QUẢ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC NĂM 2020

1. Môi trường pháp lý

Triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, trong năm 2020, tỉnh Hải Dương đã ban hành các văn bản tạo môi trường pháp lý cho ứng dụng và phát triển CNTT như:

Chương trình hành động số 96-CTr/TU ngày 04/6/2020 của Tỉnh ủy Hải Dương về việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Quyết định số 01/2020/QĐ-UBND ngày 10/01/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hải Dương;

Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 10/01/2020 của UBND tỉnh về ban hành Quy chế quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Hệ thống Một cửa điện tử liên thông và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương.

2. Hạ tầng kỹ thuật

Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, cụ thể:

Tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử; 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã đã xây dựng mạng nội bộ (LAN) kết nối các phòng ban, đơn vị; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức đạt 100%.

Trung tâm dữ liệu đã được đầu tư nâng cấp với 50 máy chủ, các thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng và bảo mật, hệ thống phân phối điện năng, phần mềm phòng chống virus,… Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh bước đầu đã được hình thành, kết nối cáp quang đến tất cả các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố bước đầu phục vụ cho Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ tỉnh đến huyện và kết nối với Trung ương.

Trong các cơ quan hành chính nhà nước hiện có 111 máy chủ, tập trung tại Trung tâm dữ liệu của tỉnh và phân bố đều tại các cơ quan, trung bình mỗi đơn vị có từ 1 đến 2 máy chủ và khoảng 4000 máy trạm; tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức đạt 100%. Hệ thống hạ tầng mạng CNTT của các cơ quan Đảng từ tỉnh tới huyện gồm 13 mạng máy tính cục bộ, có 50 máy chủ, 768 máy trạm, 08 máy tính xách tay. Đã trang bị đồng bộ máy trạm, máy in và kết nối với mạng trong của Đảng cho 235/235 đảng ủy xã, phường, thị trấn.

“Nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh - LGSP và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương” được khai trương và đưa vào sử dụng từ 01/10/2019. Hiện tại, nền tảng LGSP đã kết nối thành công với Nền tảng kết nối, liên thông các hệ thống thông tin quốc gia (NGSP) của Bộ Thông tin và Truyền thông, bao gồm các danh mục dùng chung như danh mục địa giới hành chính, danh mục dân tộc, danh mục chức danh… nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và liên tục trong việc chia sẻ thông tin giữa các hệ thống thông tin của tỉnh Hải Dương với các hệ thống thông tin quốc gia và các hệ thống thông tin chuyên ngành khác.

3. Hạ tầng về nhân lực CNTT

Trong các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh có 74 cán bộ CNTT, phân bố tập trung chủ yếu tại Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo. Tại UBND các huyện, thị xã, thành phố, hầu hết bố trí cán bộ văn phòng làm kiêm nhiệm CNTT.

100% cơ quan ngành dọc có cán bộ CNTT phục vụ công tác chuyên ngành. Hầu hết các cơ quan đoàn thể không có cán bộ chuyên trách về CNTT.

Trong các cơ quan Đảng bố trí Phòng Cơ yếu-Công nghệ thông tin, trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy với 05 cán bộ chuyên trách về CNTT đảm bảo vận hành hệ thống ứng dụng CNTT trong khối các cơ quan Đảng, Văn phòng huyện ủy, thành ủy mỗi đơn vị bố trí 01 cán bộ chuyên trách CNTT làm công tác quản trị mạng.

Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng về CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức đã được tích cực triển khai: Tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng, vận hành hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cho các cán bộ, công chức của tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã bằng hình thức đào tạo tại từng cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng các hệ thống thông tin; tổ chức tập huấn, đào tạo sử dụng chữ ký số chuyên dùng cho lãnh đạo, cán bộ, công chức của các Sở, Ban, Ngành; UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan, đơn vị.

4. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

4.1. Trang/Cổng thông tin điện tử

Cổng thông tin điện tử của tỉnh và 52 trang thông tin điện tử thành phần của các Sở, ban, ngành và các huyện, thành phố được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh nhằm đảm bảo cung cấp, khai thác và tìm kiếm thông tin. Trong năm 2019, Sở TTTT đã tiến hành nâng cấp công nghệ đối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh và một số trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị từ sharepoint 2013 lên sharepoint 2016. Từ ngày 08/01/2020 Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần của các cơ quan, đơn vị chính thức vận hành phiên bản mới.

4.2. Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc

Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được triển khai đồng bộ đến cấp xã, đảm bảo kết nối gửi nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh và đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống do Văn phòng UBND tỉnh quản lý. Hiện nay, Văn phòng UBND tỉnh đang triển khai ứng dụng chữ ký số trên phần mềm.

4.3. Hệ thống thư điện tử công vụ

Hệ thống thư điện tử công vụ đã được đưa vào sử dụng và đáp ứng yêu cầu trao đổi thông tin , gửi nhận văn bản trong các cơ quan nhà nước . Đến nay, đã thực hiện cấp gần 7.000 tài khoản thư điện tử công vụ cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.100% các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa vào sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh trong trao đổi công việc.

4.4. Ứng dụng Chữ ký số

Được sự ủy quyền và giao nhiệm vụ của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cấp được khoảng 1.687 chữ ký số cho cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

4.5. Các phần mềm chuyên ngành

Xây dựng các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên ngành: Một số cơ quan, đơn vị đã tập trung đầu tư, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, triển khai các ứng dụng chuyên ngành thống nhất trên quy mô toàn tỉnh, cụ thể:

- Ngành Tài chính: Hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), hệ thống quản lý ngân sách, hệ thống cấp mã số quan hệ ngân sách và mã số dự án đầu tư, hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tài sản công;

- Ngành Giáo dục và Đào tạo: Cơ sở dữ liệu dùng chung trong ngành giáo dục, Hệ thống mạng xã hội học tập trực tuyến, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh đầu cấp; Ngành Y tế: Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm quản lý bảo hiểm, phần mềm quản lý y tế cơ sở;

- Ngành Tài nguyên và Môi trường: Hệ thống thông tin đất đai, hệ thống quan trắc môi trường tự động;

- Ngành Giao thông Vận tải: Hệ thống phần mềm quản lý cấp giấy phép lái xe; hệ thống quản lý xe buýt thông minh; hệ thống quản lý bảo trì, quản lý hành lang an toàn đường bộ;

- Ngành Tư pháp: Hệ thống phần mềm quản lý hộ tịch; lý lịch tư pháp; Ngành Lao động, Thương binh và Xã Hội: Hệ thống quản lý đối tượng người có công và chế độ chính sách;

- Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Hệ thống quản lý ngân sách,…Ngành Nội vụ: Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm chấm điểm CCHC của tỉnh;

- Các ngành, địa phương khác cũng đã đang khai thác, sử dụng các hệ thống phần mềm như: phần mềm quản lý kế toán, quản lý tài sản,…

Ngoài các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành nêu trên, các phần mềm như: tài chính - kế toán, quản lý tài sản, quản lý đề tài khoa học, quản lý giấy phép lái xe, giải quyết khiếu nại, tố cáo… cũng đang được ứng dụng rộng rãi tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh, phát huy hiệu quả trong hoạt động quản lý và điều hành.

5. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

Hệ thống “Một cửa điện tử” và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Hải Dương được đưa vào sử dụng (gồm: 18/18 Sở, Ban, Ngành; 12/12 huyện, thị xã, thành phố, 235/235 xã, phường, thị trấn) giúp người dân có thể đăng ký dịch vụ công, theo dõi, nhận kết quả trực tuyến, tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ cũng như áp lực giấy tờ cho cơ quan quản lý. Hiện nay, trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh đang tích hợp 1.573 dịch vụ công mức độ 3 và 343 dịch vụ công mức độ 4.

6. Đảm bảo an toàn thông tin

Triển khai các giải pháp về đảm bảo an toàn thông tin như: giải pháp chống vi rút và thư rác cho hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; ban hành các văn bản hướng dẫn gửi các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để cảnh báo về các nguy cơ tấn công gây mất an toàn thông tin để đưa ra các biện pháp khắc phục; tổ chức diễn tập về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng để có kỹ năng sẵn sàng ứng phó sự cố cho các hệ thống thông tin...

Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương đã triển khai Hệ thống phòng chống mã độc quản lý tập trung (Bkav Enpoint AI) từ tháng 12/2018. Hệ thống này có khả năng bảo vệ an toàn tối đa cho từng máy tính cũng như trên toàn hệ thống mạng trước những nguy cơ về virus, trojan, rootkit, spyware, adware...; đồng thời tích hợp chức năng thống kê, báo cáo giúp quản trị mạng sẽ luôn nắm được thông tin tổng quan cũng như chi tiết mới nhất về tình hình virus máy tính trong toàn hệ thống nhằm đưa ra các phương án xử lý chính xác và kịp thời, ngăn chặn tối đa các nguy cơ có thể ảnh hưởng tới hệ thống. Ngoài ra, hệ thống đã được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia nhằm tổng hợp báo cáo tình trạng mã độc trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

7. Đánh giá chung

Trong năm 2020, đẩy mạnh triển khai Kế hoạch số 4132/KH-UBND ngày 21/11/2019 của UBND tỉnh Hải Dương về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2020; Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Tình hình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước đã có biến chuyển. Các đơn vị đã tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước như sử dụng văn bản điện tử, thư công vụ, trang thông tin điện tử để trao đổi thông tin và thông tin cho người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá chung, các cơ quan, đơn vị đã cơ bản triển khai các nhiệm vụ theo nội dung Kế hoạch đề ra, đạt khoảng 90% nội dung Kế hoạch.

8. Những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, trong quá trình triển khai ứng dụng CNTT còn một số khó khăn, vướng mắc như:

- Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT chưa đầy đủ, đồng bộ và thường xuyên có sự thay đổi; các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đôi lúc còn chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

- Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin còn chưa được chú trọng, chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn an ninh thông tin. Chưa có giải pháp hữu hiệu để kết nối liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan đảng với cơ quan khối nhà nước.

- Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích chưa nhiều.

- Cơ sở hạ tầng của Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh còn nhiều hạn chế; nhân sự phục vụ việc quản lý, vận hành hệ thống còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa có nhiều kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống đột xuất mất an toàn, an ninh thông tin, gây nguy cơ và rủi ro cao đối với sự an toàn của các hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu dung chung.

- Chỉ số đánh giá về mức độ Chính quyền điện tử đối với UBND cấp huyện và cấp xã còn thấp do các địa phương chưa thực sự tích cực, chủ động trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương.

9. Đề xuất giải pháp khắc phục

- Các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT, báo cáo kết quả ứng dụng CNTT tại cơ quan, đơn vị.

- Rà soát, kiện toàn, sáp nhập các Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông trên địa bàn tỉnh để thống nhất chức năng, nhiệm vụ triển khai các nhiệm vụ ứng dụng CNTT xây dựng Chính quyền điện tử theo quy định tại Quyết định số 1431/QĐ-TTg 2018 ngày 26/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 và Công văn số 4425/BTTTT-TCCB ngày 28/12/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1431/QĐ-TTg ngày 26/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, thực hiện chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ để công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin được thuận lợi, hiệu quả hơn và giảm nguy cơ mất an toàn thông tin cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đã đầu tư được hoạt động liên tục, hiệu quả, đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ tốt cho công tác.

- Phải có cơ chế duy trì, bảo dưỡng hạ tầng công nghệ thông tin đã đầu tư, thường xuyên rà soát, đầu tư nâng cấp, nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin. Phải có đội ngũ cán bộ CNTT có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để quản trị hệ thống và kip thời hỗ trợ người dùng trong quá trình cập nhật, chỉnh sửa, thay đổi theo quy định mới.

- Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về các lợi ích trong việc ứng dụng CNTT.

III. MỤC TIÊU NĂM 2021

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

- Phát triển hạ tầng kỹ thuật hiện đại, xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh một cách đồng bộ đi đôi với tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

- Phấn đấu đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Thực hiện 100% văn bản đến, đi (trừ văn bản mật) được quản lý trên phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản được trao đổi trên môi trường mạng theo đúng quy định gửi, nhận văn bản trên môi trường mạng;

- 100% văn bản văn bản gửi, nhận trên phần mềm được sử dụng chữ ký số của cơ quan và chữ ký số của cá nhân lãnh đạo Sở.

- 100% văn bản chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

- 100% cán bộ, công chức sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ mail.haiduong.gov.vn trong công việc.

- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật);

- 50% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành.

- 80% các hệ thống thông tin của tỉnh từ cấp độ 3 trở lên được áp dụng phương án bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

2.2. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- 100% Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã có trang/cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin trên Cổng/trang thông tin điện tử và được kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- 100% Sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện, 100% UBND cấp xã xây dựng và thực hiện thành công hệ thống một cửa điện tử.

- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% gia dịch trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được xác thực điện tử.

- 25% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin.

- Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 30% trở lên.

- 100% (80%- NQ17) thủ tục hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tích hợp 40% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

- 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến phát sinh hồ sơ;

- 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng

2.3. Nhân lực ứng dụng CNTT

Đảm bảo 100% các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện bố trí cán bộ theo dõi, vận hành hệ thống CNTT tại cơ quan, đơn vị.

2.4. Bảo đảm an toàn thông tin

- Bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình 4 lớp; triển khai xây dựng Trung tâm giám sát an toàn an ninh mạng SOC.

- Xác định và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; giám sát an toàn thông tin; bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đào tạo, tập huấn, diễn tập; tuyên truyền nâng cao nhận thức; ứng cứu, khắc phục sự cố.

IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Hạ tầng kỹ thuật

- Xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và Trung tâm dữ liệu tỉnh đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển chính quyền điện tử và đô thị thông minh.

- Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh tỉnh Hải Dương.

- Xây dựng Trung tâm An ninh không gian mạng (SOC).

- Xây dựng các hệ thống giám sát, điều hành thông minh của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

- Xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Hải Dương và thành phố Chí Linh.

- Xây dựng hệ thống giám sát, điều hành và CSDL chuyên ngành của 5 Sở: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Văn hóa, thể thao và Du lịch;Tài nguyên và Môi trường.

- Xây dựng hệ thống camera tập trung cho giao thông, công an, trường học, bệnh viện, trung tâm hành chính công,….

- Duy trì, nâng cấp, mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh.

- Nâng cấp mạng nội bộ và hạ tầng, trang thiết bị CNTT cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đảm bảo trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh.

2. Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước

- Duy trì hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh.

- Duy trì, phát triển các cổng/trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

- Duy trì, vận hành hệ thống Thư điện tử công cụ của tỉnh.

- Triển khai ứng dụng chữ ký số trên nền tảng di động.

- Xây dựng các hệ thống y tế thông minh, giáo dục thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, tài nguyên, môi trường thông minh.

3. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

- Nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ trực tuyến tỉnh Hải Dương; Hệ thống Một cửa điện tử 3 cấp nhằm liên thông giải quyết các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng Trung tâm hành chính công đến 100% cấp huyện, thị xã, thành phố.

- Xây dựng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh .

- Duy trì, vận hành phần mềm một cửa điện tử quản lý tập trung cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.

4. Đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức CNTT

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ chuyên trách, phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện tốt việc vận hành, khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin tin và xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử

- Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan, đơn vị.

5. Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin

- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng.

- Tổ chức huấn luyện, diễn tập, phòng ngừa sự cố, bảo đảm các điều kiện sẵn sàng đối phó, ứng cứu, khắc phục sự cố máy tính.

- Triển khai mô hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp”.

V. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

1. Giải pháp về môi trường chính sách

- Tổ chức rà soát, triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực CNTT; ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT.

- Xây dựng và ban hành các quy chế quy định về quản lý, vận hành các hệ thống CNTT.

- Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về biên chế, thu hút, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ CNTT.

2. Giải pháp tài chính

- Ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án về ứng dụng và phát triển CNTT. Bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp cho sự nghiệp CNTT.

- Thu hút mọi nguồn lực cho ứng dụng CNTT; kết hợp đầu tư mới với việc chuyển giao công nghệ; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các hệ thống CNTT làm nền tảng.

- Tăng cường tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và nguồn vốn khác; Tạo cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; sử dụng hình thức đầu tư trả góp.

3. Giải pháp triển khai

- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về việc quyết định chủ trương đầu tư “Xây dựng Chính quyền điện tử và Đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

- Nâng cấp, mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã.

- Nâng cấp, mở rộng đường truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã.

- Nâng cấp mạng nội bộ và hạ tầng, trang thiết bị CNTT cho các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, đảm bảo trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hiệu quả và lợi ích khi ứng dụng CNTT.

- Tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

- Lập dự án tổng thể; triển khai từng hạng mục, từng giai đoạn tùy thuộc vào điều kiện kinh phí.

- Triển khai hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước trên cơ sở phù hợp với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương đã được phê duyệt.

- Tổ chức đánh giá, xếp hạng chỉ số ứng dụng CNTT của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Xây dựng tiêu chí thi đua về ứng dụng CNTT trong bộ tiêu chí bình xét danh hiệu thi đua hàng năm của các tập thể, cá nhân.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị với kết quả ứng dụng CNTT và cải cách hành chính của đơn vị mình.

4. Giải pháp tổ chức

- Tăng cường các hoạt động của Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT; kiện toàn Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong triển khai ứng dụng CNTT.

- Hoàn thiện cơ cấu bộ máy chuyên trách CNTT trong hệ thống cơ quan nhà nước; tăng cường số lượng cán bộ CNTT cho các sở, ban, ngành, địa phương nhằm vận hành thông suốt các ứng dụng và đảm bảo an toàn thông tin.

- Tăng cường số lượng cán bộ quản lý nhà nước về CNTT tại các phòng Văn hóa thông tin của huyện, thị xã, thành phố.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Tổng kinh phí: 225.68 tỷ đồng.

- Nguồn kinh phí:

+ Ngân sách tỉnh: 208.18 tỷ đồng (Trong đó: vốn sự nghiệp 132.18 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển 76 tỷ đồng).

+ Ngân sách Trung ương: 0,5 tỷ đồng.

+ Nguồn thu các đơn vị: 17 tỷ đồng

- Kinh phí được xác định cụ thể khi các dự án, nhiệm vụ được xây dựng và phê duyệt theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách.

(Phụ lục Danh mục các dự án, nhiệm vụ kèm theo).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2021 của cơ quan, đơn vị mình, tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực Kế hoạch; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng CNTT; kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai ứng dụng CNTT và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để b/c);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CNTT;
- Phòng HT-QT - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (10)Nam.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, NHIỆM VỤ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH HẢI DƯƠNG NĂM 2021
(Kèm theo Kế hoạch số    /KH-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh Hải Dương)

STT

Tên dự án, nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Kinh phí thực hiện (Tỷ đồng)

Nguồn kinh phí

Ghi chú

Ngân sách tỉnh

Ngân sách Trung ương

Nguồn thu tại đơn vị

Vốn sự nghiệp

Vốn đầu tư phát triển

1

Xây dựng Kiến trúc ICT đô thị thông minh

Sở Thông tin và Truyền thông

Bộ TTTT; Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

0.5

0.5

 

 

 

 

2

Nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

Bộ TTTT; Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

2

2

 

 

 

 

3

Thuê phần mềm dịch vụ Công trực tuyến

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện/ xã

5

5

 

 

 

 

4

Mở rộng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã

Sở Thông tin và Truyền thông

UBND cấp huyện/xã

23

23

 

 

 

 

5

Thuê dịch vụ wifi công cộng

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện

3

3

 

 

 

 

6

Thuê đường truyền số liệu chuyên dùng phục vụ việc dùng chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh Hải Dương

Sở Thông tin và Truyền thông

 

4

4

 

 

 

Mở rộng đến cấp xã

7

Thuê hệ thống đảm bảo an toàn thông tin

Sở Thông tin và Truyền thông

 

1.3

1.3

 

 

 

 

8

Triển khai Hệ thống Quản lý hoạt động truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông

 

2

2

 

 

 

 

9

Thuê phần mềm tổng hợp thông tin trên Internet và mạng xã hội viết về Hải Dương.

Sở Thông tin và Truyền thông

 

1

1

 

 

 

 

10

Thuê Dịch vụ hỗ trợ quản trị trang tin fanfage Trang tin Hải Dương

Sở Thông tin và Truyền thông

 

0.5

0.5

 

 

 

 

11

Duy trì, triển khai mở rộng phần mềm chống mã độc theo Chỉ thị số 14/CT-TTg

Sở Thông tin và Truyền thông

 

1

1

 

 

 

 

12

Tiếp tục phát triển hệ thống chia sẻ, tích hợp cho các ứng dụng dùng chung (LGSP) của tỉnh

Sở Thông tin và Truyền thông

 

10

 

10

 

 

 

13

Nâng cấp phần mềm chấm điểm chính quyền điện tử cấp huyện/xã

Sở Thông tin và Truyền thông

 

0.5

0.5

 

 

 

 

14

Thuê vận hành hệ thống một cửa điện tử

Sở Thông tin và Truyền thông

 

2.5

2.5

 

 

 

 

15

Đầu tư nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin - Internet phục vụ chuyển đổi IPV6

Sở Thông tin và Truyền thông

 

6

6

 

 

 

 

16

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, mạng thông tin ngành tài nguyên và môi trường và dữ liệu không gian địa chính tỉnh Hải Dương (Giai đoạn 3)

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

3

3

 

 

 

 

17

Xây dựng cơ sở dữ liệu kho lưu trữ thông tin, tư liệu tài nguyên và môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

11

11

 

 

 

 

18

Xây dựng hệ thống công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh Hải Dương.

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

3

3

 

 

 

 

19

Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu giao đất, cho thuê đất

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

1.4

1.4

 

 

 

 

20

Xây dựng ứng dụng khai thác dữ liệu đất đai trên thiết bị di động

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

0.9

0.9

 

 

 

 

21

Xây dựng Kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

0.3

0.3

 

 

 

 

22

Xây dựng hệ thống kiểm duyệt và công bố dữ liệu quan trắc môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

0.4

0.4

 

 

 

 

23

Số hóa tổng thể dữ liệu hộ tịch trước năm 2015 trên địa bàn tỉnh

Sở Tư Pháp

 

20

 

20

 

 

 

24

Xây dựng Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vi bằng trên địa bàn tỉnh

Sở Tư Pháp

 

0.5

0.5

 

 

 

 

25

Xây dựng phần mềm bốc thăm thi đấu các giải thể thao

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

0.3

0.3

 

 

 

 

26

Xây dựng phần mềm Quản lý vận động viên các đội thể thao

Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể thao

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3

3

 

 

 

 

27

Ứng dụng tương tác giới thiệu tham quan Bảo tàng thông qua Bảo tàng ảo (Bảo tàng 3D)

Bảo tàng tỉnh

 

3

3

 

 

 

 

28

Nâng cấp, tích hợp và chia sẻ thông tin giữa hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và các hệ thống khác

Văn phòng UBND tỉnh

 

1

1

 

 

 

 

29

Xây dựng Kho lưu trữ dữ liệu về thủ tục hành chính điện tử theo Nghị định 45/2020/NĐ-CP

Văn phòng UBND tỉnh

 

5

5

 

 

 

 

30

Tích hợp chữ ký số và hệ thống công báo điện tử

Văn phòng UBND tỉnh

 

0.5

0.5

 

 

 

 

31

Nâng cấp, mở rộng hệ thống số hóa và lưu trữ hiện hành tại Văn phòng UBND tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh

 

2

2

 

 

 

 

32

Mở rộng hệ thống phần mềm thông tin báo cáo thống kê tỉnh Hải Dương

Văn phòng UBND tỉnh

 

2

 

2

 

 

 

33

Xây dựng phần mềm ứng dụng, số hóa hồ sơ, dữ liệu lưu trữ của cơ quan

Ban Quản lý các Khu công nghiệp

 

2

2

 

 

 

 

34

Triển khai Hệ thống Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Ban quản lý các khu công nghiệp

 

3

3

 

 

 

 

35

Nâng cấp phần mềm quản lý học viên

Sở LĐTBXH

 

0.5

0.5

 

 

 

 

36

Số hóa hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020

Sở LĐTBXH

 

0.5

 

 

0.5

 

 

37

Thực hiện đề án số hóa kho hồ sơ Người có công và phần mềm quản lý chuyên ngành người có công

Sở LĐTBXH

 

1.8

1.8

 

 

 

 

38

Xây dựng phần mềm quản lý lĩnh vực lao động - việc làm

Sở LĐTBXH

 

3

3

 

 

 

 

39

Xây dựng hệ thống quản lý và số hóa cơ sở dữ liệu

Sở Công Thương

 

3

3

 

 

 

 

40

Xây dựng Cơ sở dữ liệu bản đồ quy hoạch xây dựng” (Thanh toán khối lượng hoàn thành)

Sở Xây dựng

 

3

3

 

 

 

 

41

Xây dựng CSDL quản lý các dự án phát triển nhà ở, phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Sở Xây dựng

 

2

2

 

 

 

 

42

Xây dựng CSDL quản lý hạ tầng kỹ thuật tỉnh Hải Dương giai đoạn 1

Sở Xây dựng

 

2

2

 

 

 

 

43

Xây dựng hệ thống quản lý và số hóa cơ sở dữ liệu hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Sở KHCN

 

3.5

3.5

 

 

 

 

44

Nâng cấp và duy trì phần mềm chấm điểm chỉ số cải cách hành chính (phục vụ chấm điểm chỉ số cải cách hành chính các sở, ngành; UBND cấp huyện, UBND cấp xã)

Sở Nội vụ

 

0.5

0.5

 

 

 

 

45

Tiếp tục triển khai phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức

Sở Nội vụ

 

5

5

 

 

 

 

46

Thuê hệ thống CNTT trạm y tế xã, phường liên thông trực tuyến 2019- 2024

Sở Y tế

 

8

 

 

 

8

Nguồn thu Khám chữa bệnh

47

Thuê hệ thống lưu trữ hình ảnh RIS/PACS 2019-2024

Sở Y tế

 

9

 

 

 

9

Nguồn thu Khám chữa bệnh

48

Giải pháp thanh toán y tế không dùng tiền mặt

Sở Y tế

 

1

1

 

 

 

Nguồn sự nghiệp y tế

49

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân

Sở Y tế

 

4

4

 

 

 

Nguồn sự nghiệp y tế

50

Hệ thống kết nối máy xét nghiệm (LIS)

Sở Y tế

 

2

2

 

 

 

Nguồn sự nghiệp y tế

51

Hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa

Sở Y tế

 

1.3

1.3

 

 

 

Nguồn sự nghiệp y tế

52

Hệ thống Hội nghị truyền hình từ Công an tỉnh đến công an các huyện, thị xã, thành phố

Công an tỉnh

 

14

 

14

 

 

 

53

Thiết bị firewall đảm bảo an toàn thông tin cho bộ phận 1 cửa Công an cấp huyện

Công an tỉnh

 

1

1

 

 

 

 

54

Hệ thống kiểm soát an ninh cho các nhà tạm giữ công an các huyện, thị xã, thành phố

Công an tỉnh

 

2.5

 

2.5

 

 

 

55

Mở rộng, nâng cấp xây dựng hệ thống tổng hợp số liệu tập trung thu chi ngân sách nhà nước cấp huyện

Sở Tài chính

Cục Tin học và TKTC; Phòng TC- KH huyện, thành phố, thị xã;

2

2

 

 

 

Thực hiện tiếp cho cấp huyện theo Kế hoạch 2020

56

Mở rộng, nâng cấp xây dựng hệ thống tổng hợp số liệu tập trung về tài sản công cấp huyện

Sở Tài chính

Cục Tin học và TKTC; Phòng TC- KH huyện, thành phố, thị xã

2

2

 

 

 

Thực hiện tiếp cho cấp huyện theo Kế hoạch 2020

57

Hệ thống thư viện điện tử

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

5.5

5.5

 

 

 

Vốn sự nghiệp Giáo dục

58

Thuê phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục

Sở Giáo dục và Đào tạo

 

5.38

5.38

 

 

 

Vốn sự nghiệp Giáo dục

59

Giải pháp số hóa kế hoạch phòng chống lụt bão; vị trí, tổ chức và lực lượng phương tiện điều hành và hệ thống báo cáo khắc phục thiên tai của các Hạt gửi lên Chi Cục

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

3

3

 

 

 

 

60

Hệ thống truyền hình hội nghị từ Bộ CHQS tỉnh đến Ban CHQS các huyện, thành phố, thị xã, e125 và các đầu mối trực thuộc

Bộ CHQS tỉnh

 

8.5

8.5

 

 

 

 

61

Nâng cấp thiết bị; mạng LAN, hệ thống Camera và Wifi hệ thống một cửa

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện/xã

 

5.5

5.5

 

 

 

 

62

Nâng cấp Cổng, Trang thông tin điện tử thành phần

Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện/ xã

 

1.1

1.1

 

 

 

 

63

Xây dựng phần mềm Quản lý di tích

UBND huyện Kinh Môn

 

0.5

0.5

 

 

 

 

Tổng cộng

225.68

158.68

49.5

0.5

17