Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 397/KH-UBND

An Giang, ngày 05 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ VẬN TẢI TRONG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014 của Quốc Hội;

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 149/QĐ-UBND ngày 23/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt dự án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy tỉnh An Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Chương trình số 59/CTr - UBND ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng năm 2025;

Căn cứ hiện trạng hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh An Giang.

II. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG, VẬN TẢI TRONG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH

An Giang là tỉnh thuộc vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nằm về phía Tây Nam của Tổ quốc. Phía Tây Bắc giáp với Campuchia, có đường biên giới quốc gia dài gần 100km; phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp; Phía Đông Nam giáp thành phố Cần Thơ; Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang. Diện tích toàn tỉnh là 3.536km2, bằng 1,07 % diện tích cả nước và đứng hàng thứ 4 ở Đồng bằng sông Cửu Long; Dân số gần 2,2 triệu người, đông dân nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, du lịch An Giang đã đạt được một số thành tựu nhất định như sau:

Số lượt khách đến với An Giang năm sau cao hơn năm trước: Năm 2010 là 4,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 43.000 lượt; năm 2015 là 6,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 70.000 lượt; tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân là 6%/năm trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, giá trị đóng góp trực tiếp của ngành du lịch khoảng 2.997 tỷ, chiếm khoảng 3,6% GRDP của tỉnh.

Cơ sở dịch vụ phục vụ du khách có bước phát triển khá. Tổng số khách sạn năm 2010 là 82 khách sạn, với 2.041 phòng; năm 2015 là 96 khách sạn, với 2.609 phòng; số nhà hàng cũng tăng trưởng tốt, năm 2010 có 40 nhà hàng với sức chứa khoảng 6.120 chỗ, đến năm 2015 đã có 51 nhà hàng với sức chứa khoảng 9.260 chỗ ngồi.

Hạ tầng giao thông cũng được tỉnh tích cực đầu tư theo hướng hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông đến các khu, điểm du lịch như đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; đường tỉnh lộ 941 lộ tẻ đi Tri Tôn, 02 cầu đường tỉnh lộ 948 (cầu Bưng Tiền, cầu Tà Đéc); 07 cầu trên tuyến Quốc lộ 91 thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên. Hiện nay, An Giang có 01 cảng đón du khách được đầu tư tại thành phố Châu Đốc.

1. Hiện trạng giao thông của tỉnh

1.1. Hệ thống giao thông đường bộ

Mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh An giang bao gồm đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường chuyên dùng và đường giao thông nông thôn, có tổng chiều dài 5.581,17 Km; có 1.586 cầu các loại

1. Đường Quốc lộ: có 04 tuyến, dài 153,16 Km; có 67 cầu (Bao gồm: Quốc lộ 80, Quốc lộ 91, Quốc lộ N1 và Quốc lộ 91C).

2. Đường tỉnh: có 16 tuyến dài 480,58 Km; có 181 cầu (Bao gồm: ĐT.941, ĐT.942, ĐT.943, ĐT.944, ĐT.945, ĐT.946, ĐT.947, ĐT.948, ĐT.951, ĐT.952, ĐT.953, ĐT.954, ĐT.955A, ĐT.955B, ĐT.957, Tri Tôn - Vàm Rầy).

3. Đường Đô thị: có 1.208 tuyến dài 660,18 Km; có 130 cầu.

4. Đường chuyên dùng: có 3 tuyến dài 7,95 Km.

5. Đường giao thông nông thôn (gồm đường huyện, đường xã): có 1.156 tuyến dài 4.279,27 Km; có 1.208 cầu.

1.2. Hệ thống giao thông đường thủy

Hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn của tỉnh có trên 6.000 km, nên cần phải đầu tư một số lượng cầu rất lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Tuy nhiên, số sông, kênh phục vụ giao thông thủy có 274 tuyến dài 2.430 km. Trong đó: Đường thủy nội địa Quốc gia do Trung ương quản lý có 14 tuyến dài 372 km; Đường thủy nội địa chuyên dùng có 01 tuyến dài 2,9 km; Đường thủy nội địa địa phương có 259 tuyến dài 2.055 km.

Trên địa bàn tỉnh có 2 tuyến sông đặc biệt quan trọng là sông Tiền và sông Hậu, bắt nguồn từ biên giới Campuchia đến giáp ranh tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ với tổng chiều dài 112km.

Có 04 cửa khẩu chính: cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình và cửa khẩu Quốc gia Vĩnh Hội Đông.

Có 01 cảng biển, 06 cảng thủy nội địa, trong đó có 01 cảng thủy nội địa hành khách Châu Đốc.

2. Hệ thống bến xe, trạm dừng chân, xe buýt

2.1. Bến xe

Trên địa bàn toàn tỉnh có 12 bến xe rãi đều trên các huyện, thị, thành phố. Trong đó:

Bến xe loại 1: 1 bến.

Bến xe loại 2: 1 bến.

Bến xe loại 3: 1 bến.

Bến xe loại 4: 7 bến.

Bến xe loại 5: 2 bến.

2.2. Trạm dừng chân

Có 02 trạm dừng chân: Trạm Thần Tài nằm trên Quốc lộ 91, huyện Châu Thành và trạm Ngọc Hân nằm trên Quốc lộ 91, huyện Tịnh Biên.

2.3. Tuyến xe buýt

Có 12 tuyến xe buýt với 151 chiếc, hoạt động trên các tuyến đường tỉnh từ 5 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút; tần suất chạy xe là 50 - 60 chuyến/ngày/tuyến.

2.4. Số lượng doanh nghiệp vận tải

Có tổng số 66 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động.

3. Những thành tựu, tồn tại và nguyên nhân

3.1. Thành tựu

Thời gian qua ngành giao thông vận tải của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, cụ thể như sau:

a) Các công trình Trung ương đầu tư:

- Đã khởi động xây dựng cầu Châu Đốc bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 821 tỷ đồng, đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt 95%, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018.

- Chính phủ đã thống nhất cho chủ trương đầu tư dự án Tuyến tránh Long Xuyên dài 15,3km với kinh phí dự kiến 2.200 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng vào năm 2017, triển khai thi công vào quý I/2018 và hoàn thành tuyến vào quý II/2020. Hiện nay đang cắm mốc giải phóng mặt bằng.

- Thực hiện các công trình kiên cố hóa sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua địa bàn tỉnh An Giang (Bao gồm xây dựng 04 đoạn kè với tổng chiều dài 1.835m và xây dựng tuyến tránh từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương, chiều dài là 5.008m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng).

- Bộ GTVT cũng đã thống nhất đưa vào quy hoạch tuyến Quốc lộ 80B đi từ Đồng Tháp đến cửa khẩu Vĩnh Xương trong giai đoạn 2017 - 2020 với chiều dài đoạn trên địa bàn tỉnh An Giang khoảng 86km (được nâng lên từ các tuyến ĐT.848 (Đồng Tháp) - ĐT.942 - ĐT.954 - ĐT.952).

- Đang thực hiện các bước thủ tục để triển khai dự án xây dựng 34 cây cầu dân sinh (dự án LRAMP) trên các huyện, thị: An Phú, Tịnh Biên, Châu Thành, Thoại Sơn, Tân Châu, Tri Tôn và Châu Phú với tổng mức đầu tư là 97 tỷ đồng.

b) Các công trình do tỉnh đầu tư

- Tranh thủ nguồn vốn trung ương, triển khai thi công dự án Nâng cấp tuyến đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên đoạn từ Châu Đốc - Cửa khẩu Tịnh Biên (ĐT.955A).

- Hoàn thành xây dựng cầu Cái Tắc tuyến đường tỉnh 954 huyện Phú Tân.

- Hoàn thành xây dựng cầu Xã Diễu huyện Thoại Sơn kết nối với tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình hợp tác đầu tư giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

- Nâng cấp đường tỉnh 943, đoạn từ Đường Số 01 đến Mương Điểm, dài 1,6km.

- Triển khai thi công dự án Nâng cấp Đường tỉnh 941 đoạn Lộ tẻ Tri Tôn đến cầu Cần Đăng dài 7km và đoạn từ cầu Số 10 đến cầu Số 13 dài 6km.

- Triển khai thi công dự án Nâng cấp Đường tỉnh 944.

3.2. Những tồn tại và nguyên nhân

Do nguồn kinh phí đầu tư vào hạng tầng giao thông hàng năm là rất hạn chế, chỉ đáp ứng 30% nhu cầu thực tế nên công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp cải tạo còn chậm so với quy hoạch được duyệt. Hiện nay, còn nhiều tuyến đường tỉnh xuống cấp, cầu nhỏ, tải trọng thấp, chưa đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch.

III. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Xây dựng hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa, kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, cả nước và với nước bạn Campuchia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa như đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) trong đầu tư hạ tầng du lịch.

IV. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG TRONG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2017-2020

1. Kết cấu hạ tầng giao thông

Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch, ưu tiên xây dựng các dự án kết nối các điểm, khu du lịch.

Thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh, quốc lộ ủy thác, đảm bảo an toàn giao thông cho du khách và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Vận tải

Khuyến khích đầu tư các trạm dừng chân để phục vụ du khách.

V. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Kế hoạch thực hiện trong năm 2017

1.1. Về kết cấu hạ tầng giao thông

Từ nguồn vốn được phân bổ của Trung ương và của tỉnh, triển khai thực hiện các công trình:

- Tiếp tục thi công hoàn thành dự án Cải tạo nâng cấp mặt đường và xây kè tuyến ĐT.941, đoạn từ ngã ba Lộ tẻ Tri Tôn đến cầu Cần Đăng; Triển khai tiếp đoạn từ cầu số 13 đến thị trấn Tri Tôn.

- Tiếp tục thi công hoàn thành các đoạn trên tuyến Đường tỉnh 943: Tân Tuyến - Sóc Triết; Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và khởi công đoạn từ cầu Mương Điểm đến Phú Hòa.

- Tiếp tục thi công hoàn thành đoạn tuyến Đường tỉnh 955A giai đoạn 1, khởi công tiếp giai đoạn 2.

- Triển khai thi công cầu Am Lôi Thôi tuyến ĐT.952, thị xã Tân Châu.

- Triển khai đấu thầu thi công nâng cấp ĐT.942 đoạn Ông Chưởng - Phà Thuận Giang, huyện Chợ Mới

- Triển khai thi công cầu Cái Đầm tuyến đường tỉnh 954, huyện Phú Tân.

- Tổ chức đấu thầu lập dự án nâng cấp tuyến Đường tỉnh 945.

- Triển khai Nâng cấp đường tỉnh 949, huyện Tịnh Biên - huyện Tri Tôn.

- Thực hiện mở rộng nền đường đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Mướp Văn.

- Triển khai Nâng cấp đường tỉnh 944, huyện Chợ Mới.

- Triển khai Nâng cấp đường tỉnh 960 (Tuyến Thoại Giang - Xã Diễu), huyện Thoại Sơn.

1.2. Về vận tải

- Xây dựng Khung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Nâng cấp các bến xe khách phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân địa phương.

2. Kế hoạch thực hiện trong năm 2018 - 2020

2.1. Về kết cấu hạ tầng giao thông

a) Cụm du lịch của thành phố Châu Đốc

Kết nối giao thông đối ngoại đến thành phố Châu Đốc gồm có:

- Trục Quốc lộ 91 đi qua địa bàn thành phố Châu Đốc đã hoàn thiện.

- Quốc lộ 91C kết nối từ thành phố Châu Đốc đến cầu Long Bình: Phần đường hiện hữu đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải nâng cấp mở rộng nhưng chưa bố trí được vốn để đầu tư. Tiếp tục thực hiện duy tu sửa chữa, mở rộng mặt đường, trong đó có thẩm bê tông nhựa mặt đường từng đoạn qua các khu trung tâm, khu đông dân cư để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông; Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét xây dựng mới đoạn tuyến từ cầu Cồn Tiên ra đường tránh thành phố Châu Đốc dài khoảng 06km.

- Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc: Tuyến N1 từ Tân Châu qua Châu Đốc dài khoảng 17km đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 đăng ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, tiếp tục liên hệ với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện dự án này; Hỗ trợ nhà đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Châu Đốc để thi công xong Cầu Châu Đốc theo hình thức BOT.

- Tuyến đường tỉnh 955A: Tranh thủ nguồn vốn trung ương, xây dựng hoàn thành dự án trong năm 2020.

- Các tuyến đường trong nội ô thành phố Châu Đốc: Trục Châu Đốc - Núi Sam đã thi công hoàn thành.

- Kênh Vĩnh Tế: Thực hiện cải tạo luồng tuyến theo quy mô kênh cấp III đoạn từ Châu Đốc đến cửa khẩu Tịnh Biên.

b) Cụm du lịch Tri Tôn - Tịnh Biên

Kết nối giao thông đối ngoại đến cụm du lịch Bảy Núi gồm có:

- Trục Quốc lộ 91 từ Cần Thơ - Long Xuyên - Châu Đốc - cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên đã hoàn thiện.

- Trục N1 từ Châu Đốc đến Hà Tiên đi qua địa bàn của Tịnh Biên: Đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên trùng với QL.91; Đoạn Tịnh Biên - Hà Tiên đã đầu tư hoàn thiện.

- Tuyến đường tỉnh 948 từ Tịnh Biên đi Tri Tôn: Hỗ trợ, phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên và Tri Tôn thực hiện xong dự án này.

- Tuyến đường tỉnh 949 từ Tịnh Biên đi Tri Tôn: khởi công vào đầu năm 2018, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020.

- Tuyến đường tỉnh 945 từ QL.91 huyện Châu Phú qua Tịnh Biên - Tri Tôn kết nối vào đường hành lang ven biển của tỉnh Kiên Giang: Triển khai thi công và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng.

- Tuyến đường tỉnh 955B từ thị trấn Tri Tôn đến tuyến N1 hiện đang khai thác tốt, chỉ bảo trì hàng năm.

- Tuyến đường tỉnh 958 (Tri Tôn - Vàm Rầy) từ thị trấn Tri Tôn đến QL.80 của tỉnh Kiên Giang, đoạn thuộc địa phận tỉnh An Giang dài 18km, phải duy tu sửa chữa hàng năm để đảm bảo giao thông.

c) Cụm du lịch Óc Eo - Núi Sập huyện Thoại Sơn

Kết nối giao thông đối ngoại gồm có:

- Tuyến đường tỉnh 943 từ Long Xuyên - Thoại Sơn - Tri Tôn, đây là trục kết nối từ trung tâm hành chính của tỉnh đến các huyện, kết nối các điểm du lịch từ Long Xuyên - Núi Sập - Óc Eo - vùng Bảy Núi. Hoàn thành nâng cấp đoạn từ Thành Phố Long Xuyên đến Thoại Sơn và Đoạn từ Tân Tuyến đến Sóc Triết, duy tu mở rộng mặt đường đoạn từ Thoại Sơn đến Sóc Triết.

- Thi công xong Tuyến Thoại Giang - Xã Diễu từ thị trấn Núi Sập đến ranh Kiên Giang. Đây là đoạn tuyến nằm trên trục đường kết nối từ thành phố Long Xuyên đi thành phố Rạch Giá gần nhất (khoảng 50Km), dự án do UBND huyện Thoại Sơn làm chủ đầu tư.

Ngoài các công trình nêu trên, kiến nghị Trung ương đầu tư tuyến đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc trong giai đoạn 2020-2025, bằng hình thức BOT, nếu không triển khai đầu tư tuyến đường này thì tuyến QL.91 sẽ quá tải, không đảm bảo phục vụ giao thông trên tuyến.

2.2. Về vận tải

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị, Ban Quản lý có nhu cầu đầu tư các loại nhiên liệu sạch, xe điện để phục vụ khách đến các khu - điểm du lịch theo đúng quy định của ngành vận tải

- Khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư các trạm dừng chân trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh kết hợp làm du lịch sinh thái.

- Xã hội hóa đầu tư xây dựng các bãi, điểm đổ xe có quy mô lớn phục vụ cho du khách khi đến tỉnh An Giang.

- Khuyến khích các hãng taxi thay đổi, nâng cấp phương tiện phục vụ du khách.

- Hỗ trợ các đơn vị vận tải hành khách du lịch về các cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc thay đổi phương tiện xe chở khách đổi mới, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

VI. NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ

Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, vốn vay, nguồn xây dựng cơ bản, nguồn sự nghiệp giao thông cấp tỉnh, nguồn vốn 35% quỹ bảo trì đường bộ và nguồn ủy thác quốc lộ.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hàng năm, trên cơ sở kế hoạch phát triển du lịch, nhu cầu vận tải du khách, chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng các chương trình, kế hoạch liên quan đến ngành giao thông vận tải để phát triển du lịch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải tổng hợp, cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện đầu tư các dự án hạ tầng giao thông theo chủ trương của tỉnh và quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở kế hoạch được phê duyệt và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Sở Tài chính phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải trình cấp thẩm quyền bố trí kinh phí triển khai kế hoạch”.

4. Sở Giao thông Vận tải

Triển khai nâng cấp các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Hàng năm, tiến hành duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh và quốc lộ ủy thác, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Thực hiện quản lý các hoạt động nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch theo quy định.

Phối hợp, hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc phát triển các dịch vụ vận tải, trạm dừng chân phục vụ du lịch khi có nhu cầu.

5. Các Sở, Ban, Ngành tỉnh và UBND huyện, thị, thành phố

- Hỗ trợ, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo vệ hành lang lộ giới đường bộ, đường thủy.

- Kết hợp với Thanh tra Giao thông di dời, giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, đảm bảo trật tự công cộng.

6. Chế độ báo cáo

Định kỳ vào ngày 20 tháng 11 hàng năm các đơn vị được phân công nhiệm vụ báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, đề nghị các sở, ngành, UBND huyện, Thị xã, Thành phố có văn bản gửi về Sở Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- CT và PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Phòng: KTN, KGVX;
- TT. Công báo - Tin học;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 397/KH-UBND năm 2017 phát triển hạ tầng giao thông và vận tải trong phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 397/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/07/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Vương Bình Thạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản