Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 397/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 29 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN SỞI - RUBELLA CHO ĐỐI TƯỢNG 16 - 17 TUỔI TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG NĂM 2016

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Thông tin chung và tiêm chủng mở rộng ở Hải Phòng:

Hải Phòng là thành phố thuộc khu vực duyên hải Bắc bộ, đô thị loại 1 cấp quốc gia, có cảng biển lớn và nằm trong tam giác phát triển kinh tế của khu vực miền Bắc, với diện tích 1.520 km2, dân số khoảng 2 triệu người, bao gồm 15 quận, huyện (trong đó có 7 quận nội thành, 6 huyện ngoại thành và 2 huyện đảo), 224 xã phường, thị trấn; có ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

- Số trẻ dưới 1 tuổi năm 2016: 37.441 trẻ.

- Dự kiến số đối tượng từ 16 -17 tuổi: 38.000.

- Thông tin về mạng lưới cơ sở thực hiện tiêm chủng:

+ Số điểm tiêm chủng tại xã, phường thị trấn: 225 điểm;

+ Ngày tổ chức tiêm chủng thường xuyên: Ngày 24 - 27 hàng tháng.

2. Sự cần thiết xây dựng kế hoạch:

Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây ra. Bệnh Rubella ở trẻ em thường nhẹ, ít biến chứng. Tuy nhiên, nếu người mẹ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) và nhiễm Rubella bẩm sinh ở trẻ khi sinh ra. Hội chứng Rubella bẩm sinh bao gồm các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ nhỏ, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... và nhiều trường hợp mắc đa dị tật.

Tại Việt Nam, từ cuối năm 2013 đến tháng 5 năm 2014, cả nước ghi nhận 5.005 trường hợp mắc Sởi xác định trong số 19.739 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo đối với các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi mũi 1 đạt trên 80% nên sử dụng vắc xin phối hợp Sởi - Rubella (MR) để đồng thời khống chế Rubella và Sởi nhằm tăng cường hiệu quả của công tác tiêm chủng.

Trong các vụ dịch Sởi năm 2009 - 2010 và vụ dịch Rubella năm 2010 - 2011 bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên và trẻ em. Năm 2014 - 2015, chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR) đã được triển khai tại Hải Phòng cho đối tượng từ 1 - 14 tuổi với khoảng 405.000 trẻ, đạt tỷ lệ 98,06%.

Để chủ động khống chế bền vững bệnh Sởi và Rubella thông qua cắt đứt nguồn lây truyền, giảm số mắc, tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, cần triển khai tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho nhóm đối tượng 16-17 tuổi (sinh năm 1998 - 1999) nối tiếp 2 lứa tuổi sau chiến dịch nêu trên. Việc triển khai tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16-17 tuổi và triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong tiêm chủng thường xuyên sẽ góp phần làm giảm gánh nặng bệnh Sởi và hội chứng Rubella bẩm sinh, chủ động phòng bệnh dịch Sởi, Rubella trong thời gian sắp tới.

3. Căn cứ để xây dựng kế hoạch:

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

- Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc quản lý, sử dụng vắc xin trong tiêm chủng;

- Quyết định số 16/QĐ-BYT ngày 06/01/2016 của Bộ Y tế về việc phê duyệt “Kế hoạch triển khai tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho đối tượng 18 tháng và đối tượng 16-17 tuổi”.

II. MỤC TIÊU CỦA CHIẾN DỊCH

1. Mục tiêu chung:

Giảm tỷ lệ mắc bệnh Sởi và Rubella, giảm gánh nặng bệnh tật của hội chứng Rubella bẩm sinh trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

2. Mục tiêu cụ.thể:

- Tiêm vắc xin Sởi - Rubella (MR) cho đối tượng 16-17 tuổi đạt tỷ lệ tiêm trên 90% trên quy mô toàn thành phố.

- Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo Thông tư số 12/2014/TT-BYT ban hành ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý, sử dụng vắc xin trong tiêm chủng.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN, HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG THỨC TRIỂN KHAI

1. Đối tượng tiêm:

- Đối tượng sinh từ ngày 01/01/1998 đến ngày 31/12/1999, không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin Sởi, vắc xin Sởi - Rubella (MR) hoặc vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) trước đó, bao gồm:

+ Đối tượng đang theo học lớp 11 - 12 tại các trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề,... trên địa bàn toàn thành phố: Ước tính khoảng 34.000 trẻ;

+ Đối tượng ngoài trường học tại các vùng nguy cơ cao (xã miền núi, hải đảo có tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi thấp dưới 90%, nơi xảy ra dịch): Ước tính khoảng 4.000 trẻ.

Chú ý: Những đối tượng đang học lớp 11 - 12 nhưng không sinh vào khoảng thời gian nêu trên cũng được đưa vào danh sách tiêm chủng trong đợt chiến dịch này.

- Đối tượng không thuộc diện tiêm trong đợt này gồm: Người có tiền sử tiêm vắc xin Sởi, Sởi - Rubella (MR), Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch, phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, người có chống chỉ định, hoãn tiêm với vắc xin Sởi - Rubella theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2. Phạm vi và hình thức tổ chức: Triển khai chiến dịch đồng loạt trên quy mô toàn thành phố.

3. Thời gian triển khai: Tháng 3 - 4/2016.

IV. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn chuyên môn:

- Hội thảo phổ biến và hướng dẫn lập kế hoạch cho tuyến huyện:

+ Số lượng: 01 lớp;

+ Thời gian tổ chức: Tháng 3/2016;

+ Kinh phí: GAVI hỗ trợ;

+ Thành phần tham gia: Lãnh đạo Trung tâm Y tế quận, huyện, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh, chuyên trách tiêm chủng mở rộng; lãnh đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và các Sở, ban, ngành liên quan (10 người);

+ Nội dung tập huấn: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phương thức và thời gian triển khai chiến dịch;

+ Đơn vị thực hiện: Sở Y tế.

- Tập huấn cho tuyến xã:

+ Thời gian: Tháng 3/2016;

+ Kinh phí: Địa phương;

+ Thành phần tham gia: Toàn bộ cán bộ Trạm Y tế tham gia chiến dịch.

+ Nội dung tập huấn: Hướng dẫn tổ chức tiêm chủng, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc, giám sát phản ứng sau tiêm chủng, thống kê báo cáo;

+ Đơn vị thực hiện: Trung tâm Y tế quận, huyện.

2. Điều tra, lập danh sách đối tượng:

Điều tra đối tượng là một bước bắt buộc trong chuẩn bị tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella để hạn chế tối đa đối tượng bị bỏ sót. Thời gian điều tra: Trong tháng 3/2016.

- Tại trường học: Phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cung cấp danh sách đối tượng tiêm đầy đủ theo lớp học (lớp 11, 12 trường Trung học phổ thông, trường dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên,...). Các học sinh đang học các lớp trên nhưng không sinh trong thời gian từ ngày 01/01/1998 đến ngày 31/12/1999 cũng được đưa vào danh sách. Sử dụng mẫu “Danh sách đối tượng 16 -17 tuổi cần tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại trường học”.

- Điều tra, lập danh sách đối tượng không đi học trong độ tuổi 16-17 tuổi (sinh từ ngày 01/01/1998 đến ngày 31/12/1999) theo thôn, tổ dân phố. Sử dụng mẫu Danh sách đối tượng 16-17 tuổi cần tiêm vắc xin Sởi - Rubella tại cộng đồng”. Đưa vào danh sách các đối tượng vãng lai không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian triển khai tiêm.

Lưu ý: Người có tiền sử tiêm vắc xin Sởi, Sởi - Rubella (MR), Sởi - Quai bị - Rubella (MMR) trong vòng 1 tháng, tính đến ngày tổ chức chiến dịch đợt này không đưa vào danh sách điều tra đối tượng.

- Gửi giấy mời: Trên cơ sở danh sách đối tượng được điều tra, gửi giấy mời do Dự án Tiêm chủng mở rộng cấp cho từng đối tượng hoặc phụ huynh trước ngày tổ chức tiêm từ 3 - 5 ngày. Trên giấy mời ghi rõ ngày, giờ, địa điểm tiêm vắc xin. Hướng dẫn phụ huynh đọc kỹ và điền đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của đối tượng tiêm ở mặt sau giấy mời. Đối với đối tượng học sinh nữ cần được hướng dẫn điền thông tin về tình trạng hiện tại có mang thai hay không.

3. Truyền thông và huy động cộng đồng:

- Trước đợt tiêm vắc xin:

+ Nội dung: Mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và đối tượng mục tiêu của đợt tiêm vắc xin Sởi - Rubella bổ sung, tác dụng, lợi ích của vắc xin, phản ứng sau tiêm có thể gặp.

+ Thực hiện tuyên truyền liên tục ít nhất 2 tuần trước đợt tiêm.

- Trong đợt tiêm vắc xin:

+ Nội dung: Lợi ích của tiêm vắc xin Sởi - Rubella, các phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm chủng cụ thể.

+ Hình thức: Đăng tải trên báo, đài địa phương, loa phát thanh, băng zôn, qua truyền thông trực tiếp từ cộng tác viên y tế, giáo viên tại các trường triển khai tiêm.

- Huy động xã hội: Là yếu tố rất quan trọng góp phần cho sự thành công của chiến dịch. Huy động xã hội bao gồm việc: Hỗ trợ nguồn lực, nhân lực của các ban, ngành, đoàn thể xã hội, sự tham gia tích cực của bố mẹ hoặc người giám hộ trẻ trong suốt quá trình thực hiện chiến dịch.

Phần lớn đối tượng trong đợt tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella lần này đang theo học tại các trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề; do đó khi tổ chức chiến dịch cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục trong việc điều tra, tổ chức tiêm và rà soát đối tượng hoãn tiêm hoặc vắng mặt để tiêm bổ sung sau đó. Tại vùng miền núi, hải đảo nơi nguy cơ cao của Sởi, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân y, Bộ đội Biên phòng trong tổ chức tiêm.

4. Dự trù, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng:

- Trên cơ sở kết quả điều tra đối tượng, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố lập kế hoạch dự trù vắc xin và vật tư tiêm chủng; tổ chức tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin và vật tư tiêm chủng đến các tuyến theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 16/QĐ-BYT ngày 06/01/2016 và Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014.

- Thời hạn hoàn thành phân phối, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng đến các tuyến:

+ Vật tư tiêm chủng: Chuyển tới tuyến huyện, tuyến xã 2 tuần trước ngày triển khai tiêm;

+ Vắc xin: Chuyển tới tuyến huyện 3-5 ngày trước ngày triển khai tiêm; chuyển tới tuyến xã trước buổi tiêm chủng.

5. Tổ chức tiêm chủng:

- Các điểm tiêm chủng thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế.

- Sở Y tế bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng; phân công cán bộ y tế giám sát và hỗ trợ trong buổi tiêm chủng.

5.1. Bố trí các điểm tiêm chủng:

- Tổ chức điểm tiêm chủng lưu động tại trường cho đối tượng đang đi học. Dự kiến có 77 điểm tiêm chủng tại các trường Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề,...

* Tổ chức chiến dịch tiêm tại các trường học:

+ Kế hoạch và lịch tiêm cần được cơ sở y tế xã, huyện xây dựng và thống nhất cụ thể với Ban Giám hiệu các trường sau khi phối hợp với các trường đó hoàn thành việc điều tra đăng ký và xác định danh sách học sinh đối tượng theo mẫu.

+ Số buổi tiêm tại trường sẽ được xác định theo ước tính một nhóm, đội tiêm có thể tiêm tối đa không quá 100 học sinh trong một buổi. Thông thường 1 lớp học sẽ có khoảng 40 - 60 học sinh và tốt nhất nên tiêm theo từng lớp cụ thể, tại một địa điểm đạt yêu cầu quy định an toàn tiêm chủng mà Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp bố trí với cán bộ y tế trong khuôn viên của trường. Điểm tiêm có thể thực hiện tại lớp học.

- Việc bố trí tổ chức tiêm với các yêu cầu về nhân lực, hậu cần vắc xin phải được thực hiện theo đúng quy định an toàn tiêm chủng.

+ Trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, cán bộ y tế cần phối hợp với ngành Giáo dục địa phương để phổ biến hướng dẫn, cung cấp tài liệu nội dung và yêu cầu của chiến dịch tới Ban Giám hiệu các trường trong địa bàn phụ trách.

+ Ban Giám hiệu nhà trường và các giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với đội tiêm chủng chọn và bố trí điểm tiêm thích hợp tại trường.

+ Việc hướng dẫn, phổ biến các thông điệp cơ bản về chiến dịch tiêm vắc xin Sởi - Rubella cần được các giáo viên chủ nhiệm lớp tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch.

+ Các giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và phối hợp với Ban Giám hiệu, ngành Y tế xử trí kịp thời khi có những tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý học sinh và hoạt động tiêm chủng chiến dịch.

+ 3-5 ngày trước chiến dịch tiêm chủng, các giáo viên chủ nhiệm cần bố trí thời gian thông báo lại lần nữa về chiến dịch tiêm vắcxin Sởi - Rubella và phát giấy mời cho học sinh mang về thông báo với gia đình về thời gian và địa điểm tiêm.

+ Chú ý đảm bảo việc ghi chép đầy đủ và chính xác học sinh tiêm theo từng lớp sau buổi tiêm, đặc biệt đánh dấu và thống kê các học sinh vắng mặt hoặc hoãn tiêm theo chỉ định của cán bộ Y tế ở từng lớp để phục vụ kế hoạch tiêm vét.

- Tổ chức điểm tiêm chủng tại Trạm Y tế cho đối tượng cộng đồng và các đối tượng hoãn tiêm ở các trường học.

5.2. Tổ chức tiêm vét: Cho đối tượng hoãn tiêm hoặc vắng mặt trong buổi tiêm chủng ngay sau khi kết thúc đợt tiêm hoặc vào ngày tiêm chủng thường xuyên.

5.3. Giám sát buổi tiêm chủng: Sở Y tế chịu trách nhiệm phân công cán bộ kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong thời gian tổ chức tiêm vắc xin Sởi - Rubella bổ sung.

6. Báo cáo tiến độ và kết quả chiến dịch:

- Sử dụng các biểu mẫu báo cáo theo quy định.

- Sau mỗi buổi tiêm chủng, các điểm tiêm chủng báo cáo kết quả thực hiện về Trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

- Hàng tuần, Trung tâm Y tế quận, huyện cập nhật kết quả tiêm vào phần mềm online “Báo cáo kết quả tiêm bổ sung vắc xin Sởi - Rubella”.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí do GAVI tài trợ: Từ nguồn kinh phí triển khai Dự án tiêm vắc xin Sởi - Rubella trong tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2013 - 2015, bao gồm:

- Vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn, giấy mời, giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Sởi - Rubella;

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội nghị, tập huấn tại tuyến thành phố: 01 lớp;

- Kinh phí hỗ trợ công tiêm: 2.000 đồng/mũi tiêm.

2. Kinh phí địa phương: Dự kiến 482.000.000 đồng (Bốn trăm tám mươi hai triệu đồng), bao gồm các mục sau:

- Tuyên truyền;

- Tập huấn tuyến quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

- Điều tra, lập danh sách đối tượng tiêm;

- Tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin, vật tư tiêm chủng từ thành phố đến tuyến huyện; từ tuyến huyện đến tuyến xã; từ tuyến xã đến các điểm tiêm chủng;

- Giám sát trước, trong và sau chiến dịch;

- Bổ sung vật tư, trang thiết bị phục vụ tiêm chủng và phòng chống sốc;

- Xử lý rác thải;

- Khen thưởng, tổng kết, chi khác.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế chủ trì:

- Chịu trách nhiệm chính tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến và các đơn vị y tế có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện chiến dịch.

- Tổ chức hội nghị triển khai chiến dịch cấp thành phố. Chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến quận, huyện tham mưu cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức hội nghị triển khai tại các địa phương.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho tuyến quận, huyện. Chỉ đạo tuyến quận, huyện tổ chức tập huấn chuyên môn cho tuyến xã, phường, thị trấn.

- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan đài, báo thành phố và các địa phương tổ chức tuyên truyền trước và trong chiến dịch.

- Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên các trường học tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, điều tra đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng trong trường học.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế lập kế hoạch triển khai, dự trù, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng theo đúng quy định tại Quyết định số 16/QĐ-BYT ngày 06/01/2016 của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế tổ chức điểm tiêm chủng và thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng quy định tại Thông tư số 12/2014/TT-BYT ngày 20/3/2014 của Bộ Y tế. Bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng; phân công cán bộ giám sát và hỗ trợ trong buổi tiêm chủng.

- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch theo quy định.

- Lập dự trù kinh phí địa phương đối ứng thực hiện chiến dịch, gửi Sở Tài chính thẩm định và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chỉ đạo, đôn đốc việc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện của các địa phương, đơn vị. Tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và các trường học thực hiện công tác tuyên truyền, điều tra đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng trong trường học theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Tham gia cùng ngành Y tế kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch tại các điểm tiêm chủng trong trường học.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

Hướng dẫn các cơ quan báo, đài thành phố và hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền về chiến dịch.

4. Sở Tài chính:

- Xem xét nhu cầu kinh phí đối ứng của địa phương phục vụ các hoạt động chiến dịch, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

- Hướng dẫn, giám sát công tác quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ chiến dịch theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, thị trấn:

- Lồng ghép nhiệm vụ chỉ đạo chiến dịch vào Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu của địa phương.

- Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chiến dịch của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền, điều tra đối tượng trong trường học và tại cộng đồng.

- Thành lập các đội giám sát của địa phương và tham gia cùng ngành Y tế kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch.

- Chủ động bố trí kinh phí địa phương hỗ trợ cho các hoạt động của chiến dịch trên địa bàn.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng:

Phối hợp với ngành Y tế tổ chức phát sóng, đăng tải các thông điệp, nội dung tuyên truyền trước và trong chiến dịch; đưa tin, phản ánh các hoạt động triển khai chiến dịch trên địa bàn thành phố.

7. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể:

Chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể và hội viên tham gia cùng ngành Y tế tổ chức tốt công tác tuyên truyền, điều tra đối tượng và hỗ trợ các hoạt động trong chiến dịch./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ TW;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở: YT, GD&ĐT, TC, TT&TT;
- UBMTTQVN TP, Hội LHPN TP, Thành đoàn HP;
- Báo HP, Đài PT&TH HP, Báo ANHP;
- UBND các quận, huyện;
- CPVP;
- CV: YT, GD, TC, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Bình