Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3885/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 17 tháng 5 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với những nội dung sau:

Phần I

KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. TÌNH HÌNH ĐỐI TƯỢNG AN SINH XÃ HỘI

1. Đối tượng an sinh xã hội

a) Đối tượng trợ giúp xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo

Trên địa bàn tỉnh hiện có 45.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cá nhân, hộ gia đình hưởng hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, trong đó 15.441 người khuyết tật, 22.328 người cao tuổi và hơn 7.000 đối tượng khác. Hàng năm có khoảng 29.000 hộ, với 99.000 khẩu được hỗ trợ gạo cứu đói, từ 200 - 300 lượt cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, nguyên nhân bất khả kháng cần phải trợ giúp đột xuất.

Có hơn 1.500 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 04 cơ sở trợ giúp xã hội (03 cơ sở công lập, 01 cơ sở ngoài công lập) và 05 cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật của các tổ chức tôn giáo, cá nhân.

Năm 2017, số hộ nghèo là 66.957 hộ, hộ cận nghèo là 42.704 hộ; có 14.700 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, hơn 839.000 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện, 2.062 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; 434 lao động nông thôn là hộ nghèo được đào tạo nghề, 1.063.717 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

b) Đối tượng người có công

Toàn tỉnh đang quản lý hơn 49.000 hồ sơ đối tượng người có công, trong đó: 7.000 hồ sơ liệt sĩ; 5.500 hồ sơ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.000 hồ sơ bệnh binh; 700 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; 1.500 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 1.000 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng; 22.000 hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và đối tượng chính sách các loại; 538 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó có hơn 12.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, số còn lại đang hưởng trợ cấp một lần.

c) Đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp

Tính đến cuối năm 2017, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 1.535.025 người, trong đó: tham gia bảo hiểm tự nguyện là 2.109 người; cùng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 102.017 người (trong đó tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 87.099 người); chỉ tham gia bảo hiểm y tế là 1.530.899 người.

2. Dự báo đối tượng đến năm 2020

a) Đối tượng trợ giúp xã hội và hộ nghèo: Có khoảng 47.000 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng và tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 2,5% đến 3%/năm.

b) Đối tượng người có công: Quản lý trên 52.000 hồ sơ người có công và thân nhân người có công với cách mạng (trong đó hưởng hàng tháng khoảng 14.000 người).

c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Toàn tỉnh có 1.776.033 người, trong đó: tham gia bảo hiểm tự nguyện là 5.000 người; cùng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 110.000 người (trong đó tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 96.200 người); chỉ tham gia bảo hiểm y tế là 1.661.033 người.

II. THỰC TRẠNG XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI

1. Tình hình xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước như: Bộ luật Lao động; Luật dạy nghề; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Luật bảo hiểm xã hội; Luật trẻ em; Luật người cao tuổi; Luật người khuyết tật; Luật nuôi con nuôi; Luật chăm sóc sức khỏe nhân dân; Luật khám chữa bệnh; Luật bảo hiểm y tế.

Hiện nay, đối với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang quản lý, sử dụng phần mềm hệ thống thông tin quản lý trợ giúp xã hội (hệ thống MIS Posasoft); phần mềm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đối tượng tại các trung tâm trợ giúp xã hội; phần mềm quản lý đối tượng người có công và phần mềm số hóa tài liệu bảo quản lưu trữ hồ sơ và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ người có công; phần mềm quản lý người nghiện ma túy; phần mềm quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; phần mềm quản lý lao động xuất khẩu; phần mềm quản lý về dạy nghề; phần mềm về việc làm; phần mềm quản lý bảo hiểm thất nghiệp. Ngành Bảo hiểm xã hội đang sử dụng các phần mềm như: Phần mềm tiếp nhận và quản lý hồ sơ; phần mềm thu và số thẻ; phần mềm giám định bảo hiểm y tế; phần mềm quản lý đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; phần mềm quản lý tài chính, kế toán; hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế; hệ thống cấp mã số bảo hiểm xã hội và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình... ngành Y tế, Công an có các hệ thống cơ sở dữ liệu riêng nhằm phục vụ nhu cầu quản lý và nhu cầu khác liên quan của ngành.

Nhìn chung các phần mềm quản lý ứng dụng của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội hiện nay chưa phát huy hết tính ưu việt, có nhiều phần mềm quản lý nhưng còn hạn chế chia sẻ thông tin với nhau, dẫn đến tình trạng chồng chéo, không tích hợp được dữ liệu để khai thác, quản lý, gây tốn kém kinh phí của Nhà nước.

2. Khó khăn, vướng mắc

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê, báo cáo về an sinh xã hội chưa đồng bộ, thống nhất: Đến nay chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê và các thông tin đồng bộ, thống nhất về an sinh xã hội trên toàn quốc, chỉ có các hệ thống chỉ tiêu thống kê trên từng lĩnh vực cụ thể của từng ngành, một số chỉ tiêu thống kê chuyên ngành của lĩnh vực an sinh xã hội chưa được chuẩn hóa, thống nhất giữa các cấp quản lý, chồng chéo về nội dung dẫn đến trùng lặp về đối tượng. Công tác thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu chưa chi tiết, chưa đáp ứng yêu cầu công tác quản lý ở các cấp.

- Hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội chưa đồng bộ: hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chưa được chuẩn hóa, việc thu thập, cập nhật, quản lý thông tin còn mang tính đơn lẻ, độ tin cậy và hiệu quả sử dụng chưa cao, thiếu sự phát triển đồng bộ nên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không có sự kết nối dẫn đến không hiệu quả, từ khâu thu thập thông tin, quản lý, khai thác, chia sẻ đến khâu cập nhật báo cáo, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước.

- Nguồn lực làm công tác an sinh xã hội: cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm công tác an sinh xã hội đa phần kiêm nhiệm và hầu như chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý, vận hành các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thành phần. Do đó khi vận hành, khai thác còn lúng túng, mất nhiều thời gian...

- Cơ chế quản lý và khai thác thông tin: hàng năm, các đơn vị cung cấp số liệu về lĩnh vực quản lý của ngành, song chất lượng báo cáo chưa cao và số liệu chưa đầy đủ; chưa có quy định cụ thể về việc chia sẻ thông tin, khai thác thông tin; hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin chưa được đầy đủ.

- Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế; chủ yếu do các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các trang thiết bị để khai thác và hỗ trợ về mặt kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, đào tạo.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ CÁC NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

2. Mục tiêu đến năm 2020

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch.

- Áp dụng quy định pháp luật liên quan, triển khai cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội bao gồm thông tin cơ bản về đối tượng thụ hưởng các chính sách: trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

3. Định hướng đến năm 2030

Cập nhật thông tin các lĩnh vực khác góp phần mở rộng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực an sinh xã hội khác theo quy định của pháp luật.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò, tác dụng của số và thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đối với các đối tượng của chính sách: trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu an sinh xã hội

a) Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện quy định pháp luật về cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; ban hành quy chế về cập nhật, quản lý, vận hành và truy cập cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo kết nối liên thông, tích hợp và chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của các sở, ngành, địa phương liên quan.

b) Cập nhật cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội gồm các thông tin sau:

- Các thông tin về đối tượng và chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách giảm nghèo theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn Luật.

c) Tích hợp các thông tin sau đây vào cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội:

- Các thông tin định danh công dân theo quy định tại Điều 9 Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn Luật.

- Các thông tin về đối tượng và chính sách bảo hiểm y tế theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn Luật.

d) Xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số đầu vào, đầu ra, bảo đảm các cơ sở dữ liệu thành phần cập nhật, quản lý, tích hợp và trao đổi cơ sở dữ liệu an sinh xã hội.

3. Giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh là đối tượng thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội.

4. Xây dựng Cổng Thông tin điện tử An sinh xã hội trên mạng điện tử để thực hiện: giải quyết các chính sách an sinh xã hội cho người dân; cung cấp thông tin về chính sách, đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội; tích hợp cung cấp dịch vụ trực tuyến và kết nối hệ thống thông tin thống kê về an sinh xã hội của các sở, ngành, địa phương.

5. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong việc ứng dụng, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

6. Tổ chức chi trả chính sách an sinh xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả: Phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả trợ cấp cho đối tượng đảm bảo đúng người, đúng số tiền, đúng quy định của các cấp quản lý; tổ chức dịch vụ chi trả có mạng lưới cơ sở vật chất và nhân lực, có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội, các chính sách an sinh và xã hội và đảm bảo xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh và xã hội để cung cấp dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; bảo đảm chi trả theo yêu cầu, thực hiện theo cơ chế thu hồi vốn đầu tư thông qua thu phí cung cấp dịch vụ chi trả chính sách.

7. Trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các tỉnh khác đã áp dụng, thực hiện thành công việc sử dụng thẻ an sinh xã hội điện tử.

8. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách an sinh xã hội của các cấp, các ngành và địa phương liên quan.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch được bảo đảm từ các nguồn: vốn doanh nghiệp, chi phí dịch vụ chi trả các chính sách an sinh xã hội, nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch; kiểm tra, giám sát; tham mưu tổng kết thực hiện kế hoạch giai đoạn 1 vào năm 2020, tiếp tục triển khai giai đoạn tiếp theo đến năm 2030; báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc sử dụng kinh phí theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quan điểm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, tác dụng của số và thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Tuyên truyền sâu rộng về các chính sách: Trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

4. Công an tỉnh, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực sở, ngành quản lý; tích hợp các thông tin tại điểm c khoản 2 Mục II Phần II của Kế hoạch này.

5. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Căn cứ nội dung kế hoạch này và điều kiện thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện.

- Triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với các đối tượng tại địa phương đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

- Cập nhật thông tin các đối tượng hưởng chính sách liên quan vào phần mềm để phục vụ cho công tác quản lý và thực hiện chính sách đạt hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện hàng năm hoặc đột xuất về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Trên đây là kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh yêu cầu các sở, ngành đơn vị, địa phương phối hợp triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc, phát sinh các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành có tên tại mục IV;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VI, KGVX (Th.30b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H'Yim Kđoh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3885/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

  • Số hiệu: 3885/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
  • Người ký:
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản