Hệ thống pháp luật

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 383/KH-TTCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHỐI HỢP TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN, ĐẢM BẢO AN NINH, TRẬT TỰ PHỤC VỤ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

Để hạn chế việc công dân các địa phương kéo lên Trung ương khiếu kiện trong thời gian thực hiện công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương như sau:

I. Mục đích yêu cầu.

1. Nâng cao hiệu quả tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tối đa các trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bức xúc đến thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Đảm bảo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; có biện pháp vận động, thuyết phục công dân chấp hành, không để các phần tử cơ hội chính trị lợi dụng, gây phức tạp tình hình.

3. Kịp thời xử lý các tình huống đối với các đoàn công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, bức xúc, kéo dài tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phục vụ tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

4. Xử lý kịp thời, đúng quy định những đơn thư công dân khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị liên quan đến nhân sự Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

II. Nội dung kế hoạch.

1. Đối với Thanh tra Chính phủ.

- Chủ động tham mưu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3581/VPCP-V.I ngày 28/12/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý tình trạng khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Thông báo số 07-TB/TBTCPV ngày 28/11/2020; chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ tại Báo cáo số 455-BC/BNCTW ngày 03/12/2020 của Ban Nội chính Trung ương về giải pháp xử lý tình trạng khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự tại Trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng và Nhà nước và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện Kế hoạch số 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; phối hợp với địa phương xử lý kịp thời vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch. Đồng thời, đôn đốc thực hiện kết luận, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với các địa phương đã được kiểm tra theo chương trình làm việc của Tổ công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ;

- Căn cứ kết quả tổng hợp, báo cáo của các địa phương, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương lập danh sách những địa phương có nhiều đoàn đông người đến Trụ sở, có nhiều vụ việc công dân đến khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài. Qua đó phân loại và có biện pháp xử lý theo từng nhóm nội dung khiếu nại, tố cáo;

- Thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo phục vụ tốt công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đối với một số địa phương. Đồng thời, nắm chắc các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp mới phát sinh, kịp thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm tại cơ sở;

- Ban Tiếp công dân Trung ương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương:

Bố trí lãnh đạo và công chức có kinh nghiệm tiếp công dân thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phân công lãnh đạo, công chức trực ngoài giờ hành chính, các ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm. Khi có tình huống công dân khiếu kiện đông người, phức tạp phải tăng cường cán bộ làm nhiệm vụ để tiếp, hướng dẫn, vận động, giải tỏa kịp thời, hạn chế để công dân lưu lại dài ngày tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Thông qua hoạt động tiếp công dân, khi có khiếu kiện liên quan đến công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để công dân hiểu và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân.

Tăng cường nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý tình huống công dân kéo lên Trung ương.

Khi có thông tin công dân khiếu nại, tố cáo tập trung đông người tại các địa điểm mục tiêu bảo vệ trên địa bàn Thủ đô và được yêu cầu, chủ động cử công chức đến phối hợp với các lực lượng chức năng vận động, thuyết phục đưa công dân về Trụ sở; trong trường hợp cần thiết cử tổ công tác đến địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo phức tạp để trực tiếp tiếp công dân tại cơ sở.

Chỉ đạo lực lượng bảo vệ của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương phối hợp với các lực lượng an ninh, dân phòng đảm bảo an toàn cho công chức, người lao động tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; phối hợp với công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân để phân loại, tách các đối tượng khiếu kiện chây ỳ, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo kích động, gây mất trật tự, ảnh hưởng đến hoạt động của Trụ sở; sẵn sàng sử dụng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy được trang bị để xử lý tình huống phát sinh.

Phối hợp với Văn phòng Thanh tra Chính phủ xây dựng dự toán kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ cần thiết, chi phí hỗ trợ cho công chức, người lao động, lực lượng phối hợp trực tiếp tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trước, trong và sau thời gian diễn ra Bầu cử; chi phí hỗ trợ đưa công dân trở về địa phương trình Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ phê duyệt;

Phối hợp với Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh và Công an 02 thành phố, có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố;

Tăng cường phối hợp hoạt động tiếp công dân giữa công chức của Ban Tiếp công dân trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ với đại diện của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở;

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tạo điều kiện để Luật sư tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương;

Thực hiện việc báo cáo hàng ngày tình hình tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương với Tổng Thanh tra Chính phủ và các cơ quan Trung ương từ ngày 01/5/2021 đến 31/5/2021. Đặc biệt, đối với các vụ việc đông người, phức tạp, bức xúc cần chủ động đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả;

Định kỳ hàng tháng hoặc khi phát sinh tình huống phức tạp chủ trì tổ chức họp với các đại diện các cơ quan trung ương tham gia tiếp công dân và các lực lượng tham gia phối hợp tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để sơ kết, đánh giá, dự báo tình hình, tổ chức tiếp công dân khiếu kiện;

Phối hợp với các cơ quan chức năng để người dân khiếu kiện không có điều kiện trở về địa phương được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

- Các Cục I, II, III chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo; dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân theo địa bàn quản lý, kịp thời đề xuất với Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, xử lý các vụ việc, trường hợp cụ thể.

- Văn phòng Thanh tra Chính phủ bố trí 01 xe ô tô 7 chỗ phục vụ tại Trụ sở từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/5/2021 và kinh phí, phối hợp với Ban Tiếp công dân trung ương thực hiện mua sắm thiết bị phòng cháy, chữa cháy, dụng cụ cần thiết...và chi phí hỗ trợ đưa công dân trở về địa phương kịp thời; chi hỗ trợ cho công chức, người lao động, lực lượng phối hợp trực tiếp tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội.

2. Đề nghị các Bộ, Ban, ngành của Trung ương:

- Đối với các cơ quan Trung ương tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân trực thường xuyên trong thời gian trước, trong và sau bầu cử tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; kịp thời phối hợp với Trưởng Ban Tiếp công dân trung ương để xin ý kiến chỉ đạo khi cần thiết.

- Các Bộ, Ban, ngành Trung ương bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường trực tiếp công dân và xử lý các tình huống phức tạp phát sinh tại Trụ sở cơ quan; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để đảm bảo tuyệt đối an toàn Trụ sở cơ quan; kịp thời báo cáo tình hình các vụ việc đông người, phức tạp đến Trụ sở cơ quan cho Ban Tiếp công dân trung ương.

- Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường cán bộ trực tại Trụ sở; làm đầu mối phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo đối với những nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử.

- Văn phòng Chính phủ cử 01 cán bộ lãnh đạo cấp vụ, phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương để kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với những vụ việc đông người, phức tạp phát sinh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Danh sách cán bộ, công chức trực tiếp công dân phục vụ bầu cử của các cơ quan đề nghị đăng ký với Thanh tra Chính phủ qua Ban Tiếp công dân Trung ương trước ngày 01/4/2021.

3. Đề nghị Bộ Công an:

- Chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng thực hiện tốt phương án của Bộ đảm bảo an toàn tuyệt đối tại khu vực có địa điểm, mục tiêu bảo vệ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và Trụ sở các cơ quan Bộ, Ban ngành Trung ương tại Hà Nội.

- Chỉ đạo lực lượng an ninh của Bộ và các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình diễn biến khiếu kiện ở địa phương, các vụ việc đông người có khả năng đi khiếu kiện tại Hà Nội, đến các khu vực trung tâm, địa điểm mục tiêu bảo vệ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Trụ sở các cơ quan Bộ, Ban, ngành Trung ương, nhà riêng các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; kịp thời thông báo đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan Bộ, Ban, ngành Trung ương để chủ động có kế hoạch tổ chức tiếp công dân và xử lý tình huống phức tạp phát sinh.

- Chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý nghiêm, dứt điểm một số vụ việc phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự nhằm mục đích răn đe, giáo dục.

4. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tiếp tục quán triệt, học tập, tuyên truyền gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 30/6/2017 về tăng cường an ninh, trật tự trong tình hình mới; Thông báo số 202/TB-VPCP ngày 31/5/2018 thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài;

- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3581/VPCP-V.I ngày 28/12/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý tình trạng khiếu kiện đông người tại các cơ quan Trung ương.

- Thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Tổ chức tốt công tác tiếp công dân và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kịp thời chỉ đạo để giải tỏa những vụ việc bức xúc, đông người, không để phát sinh “điểm nóng” khiếu kiện;

- Tích cực kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ, tăng cường tổ chức đối thoại tìm phương án khả thi nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đồng thời, tập trung kiểm tra, xem xét đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp do các cơ quan Trung ương chuyển về để trả lời công dân, trong quá trình kiểm tra, xem xét cần chú trọng đến việc đối thoại, vận động, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành. Tổ chức giải quyết kịp thời, có hiệu quả khiếu nại, tố cáo của công dân ngay tại cơ sở.

- Chủ động theo dõi, nắm tình hình khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh; kịp thời giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế công dân khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương;

- Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các cơ quan Trung ương và Tổ công tác theo Quyết định 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018;

- Thành lập Tổ công tác tiếp công dân phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Thường xuyên, kịp thời liên hệ với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương về tình hình các công dân khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, bức xúc để Trụ sở có phương án tiếp công dân. Khi có yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương khẩn trương cử lãnh đạo có thẩm quyền phối hợp với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương thuyết phục, vận động và tổ chức đưa công dân trở về địa phương;

- Xử lý kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật những nội dung tố cáo của công dân liên quan đến nhân sự bầu cử.

- Riêng đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm cấp cứu 115 thường trực tiếp nhận, tổ chức cấp cứu kịp thời các trường hợp công dân đến khiếu nại tố cáo mà bị ốm, đau; đảm bảo thuốc và các trang thiết bị cần thiết phục vụ sơ cứu khi có tình huống cấp cứu xảy ra tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

5. Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Tăng cường Luật sư tiếp công dân hỗ trợ pháp lý tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương trong thời gian trước, trong và sau bầu cử.

III. Tổ chức thực hiện.

- Căn cứ vào Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thanh tra Chính phủ đề nghị các Bộ, Ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện.

- Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để kịp thời xử lý các tình huống khiếu kiện đông người, phức tạp, bức xúc đảm bảo sự hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước.

- Thanh tra Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương có liên quan phối hợp chặt chẽ; thường xuyên, định kỳ có báo cáo kịp thời với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước để tổng họp báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

- Tổ chức triển khai, sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Kế hoạch giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương.

Trên đây là Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đề nghị các Bộ, Ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTgCP Trương Hòa Bình (để b/c);
- Hội đồng Bầu cử Quốc gia (để b/c);
- Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (để chỉ đạo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để phối hợp);
- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Ủy ban Trung ương MTTQVN (để phối hợp);
- Ủy ban Kiểm tra TW; Ban Dân vận TW; Ban Tuyên giáo TW; Ban Nội chính TW (để phối hợp);
- Ban Dân nguyện - UBTVQH (để phối hợp);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Cục A02 - Bộ Công an (để phối hợp);
- CATP Hà Nội, CATP Hồ Chí Minh (để phối hợp);
- Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nan; Liên đoàn Luật sư Việt Nam (để phối hợp);
- Trụ sở Tiếp công dân TW tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (để thực hiện);
- Các Cục, Vụ, đơn vị thuộc TTCP (để thực hiện);
- Lưu: VT, BTCDTW, Vụ KH-TH.

KT. TỔNG THANH TRA
PHÓ TỔNG THANH TRA





Nguyễn Văn Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 383/KH-TTCP năm 2021 về phối hợp tổ chức tiếp công dân, đảm bảo an ninh, trật tự phục vụ Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Thanh tra Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 383/KH-TTCP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/03/2021
  • Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản