Hệ thống pháp luật

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 363/KH-TTCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP, KÉO DÀI

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Tiến hành kiểm tra, rà soát, có phương án giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phấn đấu giải quyết căn bản tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài nhằm góp phần bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

2. Kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, trước hết từ nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo.

3. Việc giải quyết phải trên cơ sở chính sách, pháp luật, bảo đảm phù hợp với thực tế, khả thi và giải quyết dứt điểm được vụ việc khiếu nại, tố cáo.

4. Tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm tạo được sự đồng thuận trong xác định phương án giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

II- TIÊU CHÍ, LẬP DANH SÁCH, XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP, KÉO DÀI.

1. Tiêu chí xác định vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

1.1. Vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết nhưng trong quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo;

1.2. Vụ việc khiếu nại đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại;

1.3. Vụ việc tố cáo đã được cơ quan hành chính giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục tố cáo;

1.4. Vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người hoặc đơn lẻ nhưng người khiếu nại, tố cáo có những hành vi quá khích, vi phạm pháp luật hoặc bị kẻ xấu xúi giục, kích động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

2. Lập danh sách vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

2.1. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an lập danh sách một số vụ việc có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

2.2. Theo các tiêu chí nêu tại Mục 1 Phần II Kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) lập danh sách vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài còn lại để có kế hoạch kiểm tra, rà soát, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.

III. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN KIỂM TRA, RÀ SOÁT, GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐÔNG NGƯỜI, PHỨC TẠP, KÉO DÀI

1. Ở Trung ương:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác để chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm. Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác.

- Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo Kế hoạch số 02/KH-TCT ngày 18/01/2019 của Tổ công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg thực hiện cụ thể (có Kế hoạch riêng).

2. Ở địa phương:

2.1. Thành lập Tổ công tác

- Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do 01 Lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Chánh thanh tra tỉnh làm Tổ phó thường trực; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Tổ phó; Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh và sở, ngành liên quan làm thành viên. Chủ tịch UBND tỉnh mời đại diện Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia Tổ công tác.

- Chánh thanh tra tỉnh quyết định thành lập Bộ phận giúp việc cho Tổ công tác.

2.2. Ban hành kế hoạch.

Tổ công tác xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp kéo dài, phân công rõ trách nhiệm, thời gian, nội dung kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu nại, tố cáo và đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh phương án giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo.

2.3. Tiến hành kiểm tra, rà soát, đề xuất phương án giải quyết

Tổ công tác nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, làm việc với người khiếu nại, người tố cáo; kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo, nguyên nhân người khiếu nại, người tố cáo chưa đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận xử lý tố cáo; đề xuất phương án giải quyết dứt điểm vụ việc.

Đối với địa phương có nhiều vụ việc thì Tổ công tác tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập các Đoàn thanh tra (Tổ kiểm tra) để tiến hành thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo kết quả cho Tổ công tác.

2.4. Thống nhất phương án giải quyết vụ việc cấp lãnh đạo tỉnh.

Tổ công tác giúp Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tổ chức cuộc họp với các cơ quan có liên quan; mời đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh để nghe báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát, trao đổi thống nhất phương án giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Phương án giải quyết được trao đổi, thống nhất là phương án giải quyết của lãnh đạo tỉnh.

2.5. Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tốo.

Tổ công tác giúp Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với người khiếu nại, tố cáo (hoặc người đại diện). Tại buổi đối thoại, Tổ công tác báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát và phương án giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo, giải thích làm rõ cơ sở pháp luật, cơ sở thực tiễn và các vấn đề có liên quan để người khiếu nại, tố cáo hoặc người đại diện hiểu rõ và ghi nhận ý kiến của người khiếu nại, tố cáo hoặc người đại diện.

2.6. Trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phương án giải quyết.

Căn cứ phương án giải quyết đã được thống nhất ở cấp lãnh đạo tỉnh và kết quả đối thoại với công dân, Tổ công tác phối hợp với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định:

- Giải quyết lại vụ việc khiếu nại, kết luận lại nội dung tố cáo đối với vụ việc trước đây giải quyết, kết luận chưa đúng pháp luật

- Trường hợp vụ việc khiếu nại, tố cáo trước đây đã giải quyết đúng pháp luật thì khẳng định vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật; có biện pháp giải thích, thuyết phục để người dân chấp hành; ban hành thông báo chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc. Nếu người khiếu nại, tố cáo có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì xem xét, vận dụng chính sách hoặc huy động sự hỗ trợ các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại, tố cáo.

- Trường hợp có vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật thì báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ vướng mắc nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu nại, tố cáo.

2.7. Tổ chức thực hiện và công khai kết quả, phương án giải quyết.

- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện phương án giải quyết lại vụ việc khiếu nại, tố cáo của tỉnh.

- Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo công khai kết quả giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại UBND cấp xã nơi người khiếu nại, tố cáo cư trú và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh và công khai trên các phương tiện truyền thông khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thanh tra Chính phủ tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

2. Chủ tịch UBND tỉnh tập trung thực hiện kế hoạch kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả thực hiện vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo; chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương trong tổ chức thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ.

3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan sử dụng các thông tin đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo để phục vụ cho công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm sự thống nhất cao trong việc hướng dẫn, trả lời, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Lãnh đạo TTCP;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh (Thành) ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội, HDDT và các UB của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc TTCP;
- Lưu: VT, KHTH (3b).

TỔNG THANH TRA




Lê Minh Khái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 363/KH-TTCP năm 2019 về kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài do Thanh tra Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 363/KH-TTCP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/03/2019
  • Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản