Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 02 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 82/2019/QH14 NGÀY 14 THÁNG 6 NĂM 2019 CỦA QUỐC HỘI VỀ TIẾP TỤC HOÀN THIỆN, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUY HOẠCH, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TẠI ĐÔ THỊ

Căn cứ Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;

Căn cứ Nghị Quyết số 116/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp để các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và Nghị Quyết số 116/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai

a) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện:

- Tiếp tục nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải khắc phục được các vướng mắc, bất cập, đảm bảo sự thống nhất giữa các luật có liên quan; trường hợp các luật khác có quy định về đất đai thì phải thống nhất với Luật Đất đai; đổi mới chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất cụ thể theo hướng hiệu quả, bền vững.

- Triển khai áp dụng bảng giá các loại đất 05 năm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (2020-2024), trong quá trình triển khai áp dụng, ghi nhận những điểm chưa phù hợp để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, đồng thời đề xuất để hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường. Khắc phục bất cập về cơ chế và phương pháp xác định giá đất cụ thể, đảo đảm phù hợp với giá thị trường, tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định và thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng; hoàn thành trong Quý I năm 2021.

b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:

- Rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đô thị để kiến nghị Trung ương xem xét.

- Rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy chuẩn về xây dựng, quy hoạch đô thị; các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các đô thị, bảo đảm phù hợp với pháp luật về quy hoạch, kiến trúc, làm cơ sở quản lý quy hoạch đô thị và triển khai các dự án đầu tư xây dựng; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định và thông tư liên quan đến quy hoạch, xây dựng đô thị để giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện nay. Thời gian hoàn thành trong Quý I năm 2021.

c) Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan và địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mặt nước để đảm bảo thống nhất với pháp luật về đất đai và pháp luật về ngân sách nhà nước.

d) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất nội dung chính sách về chế độ quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng bảo đảm hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; sớm giải quyết vấn đề đất quốc phòng ở các doanh nghiệp quân đội cổ phần hóa, thoái vốn, quản lý, sử dụng nguồn thu từ đất đai do Bộ Quốc phòng quản lý. Thời gian hoàn thành trong Quý I năm 2021.

đ) Các sở, ngành liên quan phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư có liên quan để đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

2. Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tổ chức triển khai lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch; rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã quá thời hạn thực hiện, có biện pháp xử lý dứt điểm, để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất và hiệu quả sử dụng đất.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của tổ chức và công dân. Khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia phản biện xã hội đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Thực hiện công bố, công khai về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị theo đúng quy định.

b) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, đánh giá cụ thể các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh để đề xuất nhu cầu sử dụng đất trong quá trình triển khai lập quy hoạch tỉnh và lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện theo nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, tránh lãng phí tài nguyên đất, bảo đảm hài hòa hiệu quả kinh tế - xã hội với yếu tố tín ngưỡng, tâm linh của người dân, phù hợp quy định.

c) Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, rà soát tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) để có sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra các giải pháp khắc phục đối với các quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh không đúng quy định; lập kế hoạch đầu tư và đầu tư đồng bộ giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với phát triển nhà ở, công trình thương mại dịch vụ và công trình khác theo quy hoạch được duyệt.

- Hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, đô thị bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch, phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan đến quy hoạch đô thị để kịp thời xử lý và chấn chỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch đô thị của tổ chức, công dân. Tăng cường thông tin, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin về quy hoạch đô thị; đăng tải hồ sơ điều chỉnh quy hoạch đô thị trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thẩm định, để xin ý kiến cộng đồng dân cư trước khi thẩm định hoặc phê duyệt; công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Tổ chức triển khai lập đồng bộ các loại quy hoạch đô thị, khẩn trương lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy định; thường xuyên kiểm tra, rà soát cập nhật quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

3. Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất công khai, minh bạch cho các đối tượng đáp ứng các điều kiện theo quy định trong pháp luật về đất đai; thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

- Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi.

4. Về định giá đất, khai thác nguồn lực đất đai phát triển kinh tế - xã hội

a) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Trung ương đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững; chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định về định giá đất, bảo đảm thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về thẩm định giá.

- Kiện toàn và phát huy hơn nữa vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý, khai thác và tạo quỹ đất.

b) Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Tiếp tục chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan rà soát, đẩy mạnh thực hiện di dời trụ sở các sở, ngành, các đơn vị sự nghiệp,... ra ngoài trung tâm các đô thị theo phương án được phê duyệt; thực hiện sắp xếp lại, xử lý đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị theo phương án được duyệt; bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Tổ chức triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, thành công ty cổ phần. Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định.

5. Về xác định địa giới hành chính, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

a) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính giữa các địa phương. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện trách nhiệm phối hợp trong giải quyết những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính.

b) Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán ngân sách để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và phát triển đô thị, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về quy hoạch, giá đất và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại. Trường hợp ngân sách tỉnh có khó khăn thì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ.

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ trong việc giải quyết những vấn đề chưa thống nhất liên quan đến địa giới hành chính thuộc địa bàn quản lý.

6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chỉ đạo Thanh tra Sở định kỳ lập kế hoạch và tiến thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị.

- Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng tổ chức rà soát các dự án vi phạm về đầu tư, về đất đai; kiên quyết thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với những dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án đã bị chấm dứt chủ trương đầu tư, dự án sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị, xây dựng và bảo vệ môi trường.

b) Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và đơn vị liên quan thực hiện thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại khu vực đô thị theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Công an tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và Tư pháp rà soát, đánh giá thực trạng người Việt Nam đứng tên thay cho người nước ngoài để mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, từ đó đề xuất, sửa đổi các quy định, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trong Quý I năm 2021. Đồng thời quản lý, sử dụng đất an ninh bảo đảm hiệu quả, không để lấn, chiếm, tranh chấp; chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

d) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức rà soát việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng bảo đảm hiệu quả, không để lấn, chiếm, tranh chấp; chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

e) Các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và quy hoạch đô thị; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; khắc phục vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và có biện pháp xử lý cụ thể; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển đô thị bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đô thị, bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị để hạn chế các vụ việc khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào nội dung của Kế hoạch này và chức năng nhiệm vụ được phân công, các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể; định kỳ vào tháng 7 hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện gửi về các sở chủ trì theo phân công tại Kế hoạch này để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) và kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp cần thiết để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ sơ kết, tổng hợp báo cáo của các đơn vị chủ trì, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan thực hiện cân đối ngân sách của địa phương và sự hỗ trợ của Trung ương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh để bố trí kinh phí hàng năm cho các sở, ngành, địa phương đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phê duyệt.

4. Sở Tư pháp phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giáo dục pháp luật về đất đai tại các địa phương.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện tốt chính sách, pháp luật về đất đai để giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc có liên quan đến quản lý sử dụng đất đai tại địa phương; kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn quản lý.

6. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị để bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi phạm tội; việc giải quyết các vụ án, vụ việc đúng pháp luật; kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về những sai sót, vi phạm trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, để có biện pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý hiệu quả.

7. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo Tòa án nhân dân hai cấp xét xử kịp thời các vụ án, vụ việc liên quan đến hành vi vi phạm quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị, đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

8. Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác vận động người dân tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương.

9. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể của Kế hoạch này, các sở, ngành và địa phương chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TN&MT;
- Tổng cục QLĐĐ;
- TT/TU, TT/HĐND tỉnh;
- CT, các PCT/UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu VT + NC/KT.bnt.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Tấn Bửu

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 38/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị quyết 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị do tỉnh Đồng Tháp ban hành

  • Số hiệu: 38/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 02/02/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Đoàn Tấn Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản