Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3694/KH-BGTVT

Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 126/NQ-CP NGÀY 29/11/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh và góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2016 - 2020.

- Việc thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP gắn liền với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí"; Kết luận số 10-KL/TW ngày 29/11/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X). Khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị. Củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

2. Yêu cầu

Kế hoạch phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT đến năm 2020 bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng và Nhà nước trong PCTN và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác PCTN, trên quan điểm phòng ngừa là chính, cơ bản lâu dài; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng, bất kể người đó là ai.

II. NỘI DUNG

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận số 21 - KL/TW ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Kết luận số 10 - KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị; Quy định số 65 - QĐ/TW ngày 03 tháng 02 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN. Gắn công tác PCTN với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05 - CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

- Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng; chủ động lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

- Hàng năm, việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phải được đánh giá cả tiêu chí hiệu quả công tác PCTN trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN với phương châm: Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

2. Tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ:

- Thường xuyên rà soát các cơ chế chính sách để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; chú trọng tới chức trách của từng vị trí công tác theo quy định của pháp luật và các chỉ đạo của Trung ương, của Bộ GTVT.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình việc thực thi công vụ.

- Xử lý trách nhiệm, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ có biểu hiện tham nhũng gây dư luận theo quy định của pháp luật; khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

3. Kiểm soát tài sản, thu nhập; tăng cường công khai, minh bạch trong thực thi công vụ:

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33 - CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản"; các quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập; kiểm soát tài sản thu nhập. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai kê khai tài sản thu nhập và xác minh tài sản thu nhập theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là trong một số lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, đầu tư nước ngoài, công tác cán bộ, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, kiểm soát tải trọng phương tiện, nạo vét luồng hàng hải….

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; quyền tiếp cận thông tin; bảo vệ bí mật nhà nước; kiểm soát việc thực thi quyền lực trong các hoạt động quản lý nhà nước; trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước...

4. Hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng;

- Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ thường xuyên rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng: Đầu tư Dự án theo hình thức BOT, BT,..., cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác cán bộ, nạo vét luồng tuyến đường thủy, hàng hải theo hình thức xã hội hóa, cấp phép điều khiển phương tiện giao thông, đăng kiểm...

- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật thanh tra, theo hướng kết luận thanh tra cần rõ nguyên nhân của sai phạm, thất thoát, chỉ ra được sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến thất thoát, thua lỗ lớn; chú trọng thực hiện công tác xử lý sau thanh tra; phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong quy định về quản lý cán bộ, đảng viên có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng:

- Thực hiện nghiêm các quy định về giải quyết tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng cơ chế hữu hiệu về bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người làm chứng trong tố giác và phát hiện tham nhũng.

- Thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch công tác PCTN, chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm và chỉ đạo tổ chức thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nhiều dư luận, nguy cơ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đầu tư xây dựng, các: dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; tài chính, đầu tư nước ngoài, công tác tổ chức cán bộ, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm, kiểm soát tải trọng phương tiện, nạo vét luồng hàng hải….. Thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư gây bức xúc trong xã hội.

- Thường xuyên rà soát sửa đổi về định mức kinh tế - kỹ thuật,... Thực hiện nghiêm quy định giám định tư pháp để bảo đảm điều kiện, thời hạn và yêu cầu cao về chất lượng giám định, phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng. Xử lý kiên quyết, kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng.

- Thường xuyên quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về PCTN, phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra.

6. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội:

- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, Ban thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp và nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng.

- Phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải, đồng thời đảm bảo cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền phòng, chống tham nhũng.

- Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ.

7. Kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng:

- Thanh tra Bộ thực hiện tốt vai trò thường trực, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, vì vậy, phải thường xuyên kiện toàn bộ máy thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện kiện toàn bộ máy thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng theo Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 23/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Bộ Giao thông vận tải.

- Tăng cường biên chế cho bộ phận phòng, chống tham nhũng trên cơ sở cơ cấu lại đội ngũ công chức của cơ quan, đơn vị theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và Kế hoạch số 188-KH/BCSĐ ngày 15/7/2015 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 347/QĐ-BGTVT ngày 05/02/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Bộ GTVT".

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế của đơn vị mình, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm việc tổ chức thực hiện được triển khai đến cơ sở. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 126/NQ-CP đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tổng hợp kết quả thực hiện theo các kỳ thống kê quý, 6 tháng, 9 tháng và năm trong báo cáo định kỳ về công tác PCTN; công khai báo cáo theo quy định của pháp luật đồng thời gửi báo cáo về Bộ Giao thông vận tải (qua Thanh tra Bộ) để tổng hợp báo cáo Thanh tra Chính phủ theo quy định.

2. Giao Thanh tra Bộ: Chủ trì, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này, tham mưu Bộ GTVT báo cáo kết quả thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về PCTN.

3. Giao Vụ Pháp chế: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định.

4. Giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ GTVT chỉ đạo: Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề thuộc Bộ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

5. Giao Trung tâm công nghệ thông tin, Báo Giao thông: Triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 126/NQ-CP và các quy định của pháp luật về PCTN.

6. Kinh phí thực hiện Kế hoạch:

a) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ bố trí kinh phí để triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao. Khuyến khích việc huy động theo quy định của pháp luật các nguồn kinh phí ngoài ngân sách để triển khai Kế hoạch;

b) Các cơ quan nhà nước thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP của Chính phủ; các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ bố trí từ nguồn kinh phí tự chủ để triển khai, thực hiện Kế hoạch;

c) Các doanh nghiệp Nhà nước bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch, được hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.

Kế hoạch của Bộ GTVT thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ (để báo cáo);
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Lưu: VT, TTr (NT.05b)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Ngọc Đông

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3694/KH-BGTVT năm 2018 thực hiện Nghị quyết 126/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 3694/KH-BGTVT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/04/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản