Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 368/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01/4/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; căn cứ Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đạt mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đối xử nhân đạo với vật nuôi; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi; đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi tỉnh ta thuộc nhóm các tỉnh có ngành chăn nuôi phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025 tăng bình quân 4 - 5%/năm;

- Tỷ trọng chăn nuôi đạt ≥ 54% trong giá trị sản xuất nông nghiệp;

- Tổng đàn gia súc, gia cầm:

Đàn trâu: 33.000 con;

Đàn bò 120.000 con, trong đó bò lai chiếm 65% tổng đàn;

Đàn lợn: 330.000 con;

Đàn gia cầm: 5,2 triệu con.

- Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 83.300 tấn (trong đó, thịt trâu hơi: 1.500 tấn, thịt bò hơi: 10.000 tấn, thịt lợn hơi 46.500 tấn, thịt gia cầm hơi 23.500 tấn, thịt các vật nuôi khác xuất chuồng: 1.800 tấn).

- Xây mới 08 cơ sở giết mổ tập trung; xây dựng được ít nhất 05 cơ sở cấp xã và 70 trang trại chăn nuôi đạt cơ sở an toàn dịch bệnh.

(Cụ thể có phụ lục kèm theo).

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi

- Phát triển giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời phát triển các giống vật nuôi bản địa có chất lượng cao, sức chống chịu tốt của địa phương. Tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học trong nước và thế giới; chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa nhằm tạo ra các sản phẩm giống mang thương hiệu địa phương.

- Đẩy mạnh phát triển đàn bò về số lượng, chất lượng theo hướng Zebu hóa và bò lai hướng thịt chất lượng cao; phát triển chăn nuôi bò thịt thâm canh ở những vùng, địa phương có lợi thế. Tiếp tục thực hiện cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt đã qua chọn lọc cho nhân giống ở những nơi chưa có điều kiện triển khai biện pháp thụ tinh nhân tạo. Chọn lọc bò cái đủ tiêu chuẩn, nhập tinh các giống bò thịt cao sản có khả năng thích nghi với điều kiện của tỉnh để tạo đàn bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt. Đào tạo mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho các dẫn tinh viên đáp ứng nhu cầu phát triển đàn bò của tỉnh. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vùng gò đồi sang trồng cỏ, ngô sinh khối; kết hợp sử dụng thức ăn tinh và các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi bò.

- Nâng cao chất lượng đàn trâu, đàn dê trong sản xuất, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống, thực hiện tốt giải pháp đảo đực giống giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.

- Sử dụng các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao của thế giới ở những cơ sở, vùng có điều kiện; khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, lợn lai giữa giống lợn ngoại với giống bản địa phù hợp với điều kiện của địa phương. Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiêu chuẩn hóa các cơ sở, chất lượng lợn đực giống; kiểm tra năng suất trước khi khai thác tinh thương phẩm đối với đàn lợn đực giống sử dụng trong các cơ sở sản xuất tinh nhân tạo. Hằng năm, tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đối với đàn lợn đực giống phối giống trực tiếp trên địa bàn nhằm loại thải những đực giống kém chất lượng, không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng.

- Sử dụng các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống gà theo hướng giảm giống gà công nghiệp, tăng các giống gà địa phương chất lượng cao, dễ tiêu thụ. Xây dựng các cơ sở sản xuất giống gia cầm để chủ động nguồn giống.

- Phát triển các giống vật nuôi có lợi thế, duy trì và phát triển các đối tượng nuôi đặc sản, có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: ong, chim yến, lợn rừng, hươu lấy nhung, nhím, dê, thỏ...

2. Đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi

- Chủ động nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô xanh đáp ứng nhu cầu chăn nuôi; nhất là chủ động nguồn thức ăn thô, xanh cho trâu bò trong mùa khan hiếm thức ăn (nắng hạn, rét đậm, rét hại...). Chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ thâm canh và các cây thức ăn có năng suất cao, giàu đạm; tăng năng suất các loại cây trồng (ngô, khoai, sắn,...), tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi.

- Khuyến khích nghiên cứu nâng cao giá trị dinh dưỡng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và động cơ phù hợp với loại hình chăn nuôi trang trại, hợp tác xã để phục vụ phát triển chăn nuôi hữu cơ; mô hình thâm canh trồng cỏ, ngô, lúa chín sáp... kết hợp công nghệ chế biến thức ăn thô xanh hỗn hợp (TMR) để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ; đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để chế biến, dự trữ thức ăn chăn nuôi.

- Khuyến khích các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp với công suất thiết kế từ 100 - 150 nghìn tấn sản phẩm/năm.

- Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi.

3. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh

- Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; quản lý tốt công tác hành nghề thú y, kinh doanh thuốc thú y. Thực hiện công tác kiểm dịch vừa bảo đảm hiệu quả cho công tác kiểm soát dịch bệnh vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi và cung ứng con giống, thực phẩm cho thị trường; từng bước xây dựng hệ thống nhận dạng và truy xuất nguồn gốc động vật.

- Kết hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và người chăn nuôi triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường nhất là ở các vùng chăn nuôi hàng hóa trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; kiểm soát và phòng, chống kháng thuốc.

- Xây dựng bản đồ dịch tễ để kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới xuất hiện, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

4. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi; bảo vệ môi trường chăn nuôi, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai

- Đầu tư và xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong chăn nuôi, thú y theo hướng nghiên cứu ứng dụng, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ - tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học vào lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, nhận dạng truy xuất động vật, giết mổ, chế biến, phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi; chú trọng công tác nghiên cứu nhằm khôi phục và bảo tồn những nguồn gen bản địa quý hiếm.

- Nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất tuần hoàn, áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi; đẩy nhanh việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ hiện đại khác trong quản lý nhà nước và quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi.

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi.

- Áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm chăn nuôi trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

- Áp dụng các quy trình công nghệ hiện đại, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu vào chăn nuôi.

- Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển chăn nuôi bền vững.

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao quy trình, công nghệ chăn nuôi phù hợp với từng đối tượng vật nuôi và vùng sinh thái.

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gắn với sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến chế phẩm nuôi trồng thủy sản... góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.

- Ứng dụng và phát triển công nghệ chuồng trại hiện đại phù hợp với từng loại vật nuôi, loại hình chăn nuôi đáp ứng yêu cầu sinh trưởng, phát triển vật nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu sản xuất chăn nuôi hàng hóa, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phòng chống thiên tai.

5. Xây dựng hoàn thiện hệ thống giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi

- Tiếp tục xây dựng hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Tăng cường các biện pháp quản lý đối với công tác giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đưa vào cơ sở giết mổ tập trung đạt tỷ lệ 90 - 95% đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

6. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi

- Rà soát, dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ưu tiên giao đất, thuê đất với chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai cho các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trong vùng phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, chế biến công nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chợ đầu mối, trung tâm đấu giá vật nuôi.

- Xây dựng kế hoạch chuyển diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp sang thâm canh trồng cỏ và cây thức ăn chăn nuôi, đảm bảo chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc ăn cỏ.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cơ sở sản xuất giống, cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp sản phẩm chăn nuôi thuộc khu vực đã được xác định trong các quy hoạch phát triển theo quy định; hỗ trợ con giống năng suất, chất lượng cao; hỗ trợ con giống đối với vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; giám định, bình tuyển, loại thải và thay thế đàn giống vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất, chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách, ưu đãi thuế đối với hoạt động trong các lĩnh vực của ngành chăn nuôi nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi hiện đại, toàn diện, đồng bộ.

- Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết số 58/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 về quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 59/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Thúc đẩy nhanh việc phát triển và nhân rộng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi và nâng cao hiệu quả hỗ trợ, nhất là đối với khu vực chăn nuôi nông hộ thông qua khuyến khích hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chăn nuôi liên kết với các trang trại, hộ chăn nuôi.

- Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gắn với các chuỗi liên kết; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi, nhất là những sản phẩm chăn nuôi chủ lực, có lợi thế; quảng bá sản phẩm thông qua việc tổ chức hội chợ, triển lãm, tham gia các hội thi nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi.

7. Tổ chức quản lý sản xuất, phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi

- Tổ chức, xây dựng, quản lý sản xuất chăn nuôi theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và tuân thủ Luật Chăn nuôi.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các hợp tác xã chăn nuôi trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi từ cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi và tiếp cận thị trường. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò là “trụ cột”, nòng cốt, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị.

- Xây dựng, quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm chăn nuôi là thế mạnh, chủ lực và đặc trưng gắn với các địa danh du lịch.

8. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y

- Kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và quy định của pháp luật.

- Triển khai thực hiện Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình theo Kế hoạch số 1211/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh.

- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là cấp cơ sở.

- Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y.

9. Xây dựng các Dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045

Xây dựng các Dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh sau khi các Đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành, gồm:

- Phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.

- Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi.

- Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

- Phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp theo quy định.

- Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, chương trình, kế hoạch, dự án khác.

- Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có).

- Tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tổ chức xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt. Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện hằng năm và năm năm. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện và kiến nghị, đề xuất, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tham mưu các chính sách về đầu tư, tài chính, tín dụng để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Kế hoạch.

3. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương lập phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất cho chăn nuôi và chính sách về đất đai cho tổ chức, cá nhân thuê đất phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng, thực hiện chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người chăn nuôi không còn khả năng chăn nuôi hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thuận lợi hơn.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách tín dụng liên quan đến hoạt động phát triển chăn nuôi theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Trên cơ sở Quyết định số 3852/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

- Ban hành chính sách hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để thực hiện phát triển chăn nuôi.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (B/c);
- Các sở, ngành địa phương có tên ở mục IV;
- VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đoàn Ngọc Lâm

 

PHỤ LỤC:

CHỈ TIÊU TỔNG ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 368/KH-UBND ngày 15/3/2022 của UBND tỉnh Quảng Bình)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Toàn tỉnh

Lệ Thủy

Quảng Ninh

Đồng Hới

Bố Trạch

Ba Đồn

Quảng Trạch

Tuyên Hóa

Minh Hóa

1

Đàn trâu

con

33.000

5.000

3.000

400

6.200

900

4.200

7.300

6.000

2

Đàn bò

con

120.000

14.000

7.500

2.500

40.000

7.000

18.000

16.000

15.000

 

Trong đó, Bò lai

con

78.000

9.100

5.200

1.800

28.000

5.900

8.500

12.800

6.700

 

Tỷ lệ bò lai/tổng đàn

%

65

65

69

72

70

84

47

80

45

3

Đàn lợn

con

330.000

50.000

45.000

25.000

80.000

25.000

50.000

30.000

25.000

 

Trong đó; Lợn nái

con

36.000

5.500

5.800

2.500

8.500

3.000

5.600

3.100

2.000

4

Đàn gia cầm

1.000 con

5.200

2.000

500

200

900

350

650

430

170

 

Trong đó: Gà

1.000 con

4.200

1.660

400

180

650

250

500

400

160

5

Sản lượng thịt hơi xuất chuồng

tấn

83.300

17.990

9.440

4.370

21.050

5.490

11.800

7.840

5.320

 

Trong đó: Thịt trâu hơi

tấn

1.500

240

140

20

300

40

200

290

270

 

Thịt bò hơi

tấn

10.000

900

600

150

3.400

800

1.750

1.300

1.100

 

Thịt lợn hơi

tấn

46.500

7.000

6.200

3.200

13.000

3.100

7.000

4.000

3.000

 

Thịt gia cầm hơi

tấn

23.500

9.500

2.300

900

4.100

1.400

2.600

2.000

700

 

Thịt các vật nuôi khác

tấn

1.800

350

200

100

250

150

250

250

250

6

Xây dựng mới cơ sở giết mổ tập trung

cơ sở

8

1

1

1

1

1

1

1

1

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 368/KH-UBND năm 2022 về phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 368/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/03/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Đoàn Ngọc Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản