Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Nghệ An, ngày 20 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 27/2021/NQ-HĐND NGÀY 09/12/2021 CỦA HĐND TỈNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG GIẢI TỎA VI PHẠM, CHỐNG TÁI LẤN CHIẾM HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa nội dung, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND đến tận cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành chức năng, địa phương, các cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức của mọi người trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn giao thông (viết tắt là HLATGT).

- Tiếp tục giải quyết, xử lý tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; kết hợp chỉnh trang đô thị, thiết lập các tuyến phố, đoạn đường văn minh; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt; giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025.

2. Yêu cầu

- Huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng, phương tiện tập trung giải tỏa các vi phạm và chống tái lấn chiếm HLATGT, vỉa hè đô thị. Xác định rõ công tác giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm, quản lý HLATGT là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên; là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, lãnh đạo, cán bộ, chiến sỹ, công chức, viên chức; làm căn cứ bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm của các tập thể, cá nhân.

- Mọi hành vi can thiệp, cản trở quá trình thực hiện giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm HLATGT phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, chú trọng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng, phương tiện tham gia giải tỏa; không để xảy ra sai sót và phát sinh các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

II. CÁC GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quyết liệt của chính quyền địa phương cơ sở với nòng cốt là cấp ủy và chính quyền cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, các tầng lớp nhân dân, đảm bảo duy trì kết quả đã đạt được và chống tái lấn chiếm, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm mới.

3. Tổ chức giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, cụ thể:

a) Thực hiện việc trích đo, trích lục bản đồ địa chính các thửa đất tiếp giáp với đường bộ (ưu tiên tuyến đường đô thị, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện), đường sắt đi qua khu dân cư để xác định ranh giới giữa đất được giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng với đất của đường bộ, đường sắt và hành lang an toàn giao thông (trừ các thửa đất đã xác định được chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng); đánh dấu bằng các mốc giới để xác định phạm vi giải tỏa vi phạm;

b) Thực hiện việc rà soát, thống kê các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị,... tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông để xác định vi phạm; gửi thông báo giải tỏa vi phạm đến các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông;

c) Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành;

d) Tổ chức các biện pháp cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

đ) Thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thu hồi đất đối với các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông,...);

e) Những vị trí đã được cưỡng chế giải tỏa vi phạm:

Đối với đường quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt thì đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt chịu trách nhiệm tổ chức cắm mốc, kẻ vạch sơn, đặt biển hiệu và lập biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa cho Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, quản lý;

Đối với đường huyện, đường xã thì Ban chỉ đạo giải tỏa cấp huyện, cấp xã tổ chức cắm mốc, đặt biển hiệu, kẻ vạch sơn và lập biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.

4. Tăng cường quản lý hành lang an toàn giao thông

a) Tăng cường công tác phối hợp về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

b) Thực hiện chỉnh lý các biến động về đất; hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai; xử lý dứt điểm các trường hợp giao đất trái thẩm quyền do lịch sử để lại, cấp đất nằm trong chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn giao thông sau khi đã công bố quy hoạch cấp đường và phạm vi đất dành cho thoát nước đường bộ.

c) Các lực lượng: Công an, Thanh tra giao thông, Quản lý trật tự đô thị và lực lượng được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã giao nhiệm vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp tái phạm theo quy định.

d) Không cho phép sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trái quy định để hoạt động dịch vụ, tập kết vật liệu và rác thải; bố trí các khu buôn bán tập trung một cách hợp lý để tạo dần thói quen kinh doanh buôn bán văn minh, lịch sự cho người dân; triển khai lắp đặt camera tại các điểm nóng thường xảy ra vi phạm và tái lấn chiếm để theo dõi, giám sát.

đ) Đối với các dự án có vị trí quy hoạch dọc hai bên đường quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt, trong quá trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt về phương án đấu nối, đất thoát nước của đường bộ, đường sắt và quy định liên quan hành lang an toàn giao thông trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

e) Đẩy mạnh mô hình đoạn đường tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, tổ dân cư, tổ dân phố đối với đoạn tuyến là quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã đi qua khu đông dân cư.

5. Khen thưởng và xử lý trách nhiệm

a) Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và khen thưởng, kỷ luật đối với cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

b) Gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

c) Kết quả giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông là một trong những tiêu chí bắt buộc để xếp loại thi đua hàng năm đối với các địa phương, đơn vị liên quan.

d) Những tập thể, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông, thực hiện tốt việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông được xem xét khen thưởng theo quy định.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Giao thông vận tải

a) Là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND và Kế hoạch này, cụ thể:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế phối hợp về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông giữa cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

- Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống, tái lấn chiếm HLATGT.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND.

b) Tổ chức thực hiện Kế hoạch này đối với ngành giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn;

c) Quý I hàng năm, xây dựng dự toán kinh phí phục vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT trên cơ sở đề xuất dự toán của các sở, ngành, đơn vị chức năng và UBND huyện, thành phố, thị xã; gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Cục Quản lý đường bộ II, Thường trực Ban ATGT tỉnh, Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT đến người dân sinh sống ven các tuyến đường bộ, đường sắt; hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của cấp huyện, cấp xã, cấp xóm có các tuyến đường cần giải tỏa đi qua các nội dung cơ bản về giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT;

đ) Cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các đoàn, tổ công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT do UBND cấp huyện thành lập; cử cán bộ, công chức tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập.

e) Chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ: Phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm; phối hợp UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện giải tỏa vi phạm trên tuyến được giao quản lý;

g) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ:

- Tham gia Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT cấp huyện, cấp xã;

- Bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã lập kế hoạch giải tỏa;

- Phối hợp chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã bố trí nhân lực, thiết bị, phương tiện của đơn vị tham gia giải tỏa trên tuyến được giao quản lý;

- Chỉ đạo lực lượng tuần đường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phối hợp UBND cấp xã, công an cấp xã ngăn chặn, xử lý kịp thời khi tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;

- Cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan về quản lý HLATGT (đặc biệt là hồ sơ các vụ việc vi phạm đất của đường bộ và HLATGT chưa được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm) cho Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cấp huyện;

- Tổ chức cắm mốc, kẻ vạch sơn, đặt biển hiệu và lập biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa cho địa phương cấp xã tiếp nhận, quản lý trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được giao quản lý;

- Bổ sung đầy đủ các mốc “đất của đường bộ”, “hành lang an toàn đường bộ” trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ ủy thác quản lý.

h) Tiếp nhận những kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm HLATGT báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định;

i) Chủ trì các đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nội vụ và Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, tổng hợp việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân.

k) Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu căn cứ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè cho mục đích đỗ xe trên địa bàn thành phố Vinh, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

l) Chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp tổ chức hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, quy định về biện pháp giải tỏa, trình tự thủ tục pháp luật về cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

2. Công an tỉnh

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh;

b) Chỉ đạo Công an cấp huyện phối hợp với các phòng chức năng của UBND cấp huyện tham mưu UBND cấp huyện ban hành kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn quản lý; bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình giải tỏa, cưỡng chế;

c) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương bố trí phương tiện, công cụ hỗ trợ, cử cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm HLATGT với vai trò nòng cốt là Công an cấp xã. Chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ trong quá trình giải tỏa, cưỡng chế tháo dỡ tang vật, vật cản, công trình vi phạm ra khỏi phạm vi hành an toàn giao thông;

d) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nắm tình hình, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt theo thẩm quyền quy định của pháp luật;

đ) Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành; phối hợp với Sở GTVT, Sở Nội vụ và Ban An toàn giao thông tỉnh theo dõi, tổng hợp việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân.

3. Sở Tài chính

Trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, dự toán kinh phí phục vụ công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT của Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, đơn vị, địa phương để thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh rà soát, cập nhật chỉnh lý các biến động về đất; hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai (bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất...) đầy đủ, kịp thời khi có biến động. Cung cấp số liệu trích đo, trích lục các thửa đất cho Ban chỉ đạo giải tỏa vi phạm HLATGT cấp huyện;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện xử lý dứt điểm các trường hợp giao đất trái thẩm quyền do lịch sử để lại, cấp đất nằm trong chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn giao thông sau khi đã công bố quy hoạch cấp đường và phạm vi đất dành cho thoát nước đường bộ.

c) Cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập.

5. Sở Xây dựng

a) Chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương trong việc cấp phép xây dựng, lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị, khu chung cư, nhà ở... có ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông;

b) Các dự án, công trình xây dựng có vị trí quy hoạch dọc hai bên quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt, trong quá trình thẩm định quy hoạch, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt về phương án đấu nối, đất thoát nước của đường bộ, đường sắt và quy định liên quan hành lang an toàn giao thông trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng;

c) Cử lực lượng Thanh tra xây dựng tham gia công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT khi được điều động, yêu cầu; cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập.

6. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát các quy định về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT, nếu phát hiện bất cập thì kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của tỉnh;

b) Tham mưu Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh xây dựng kế hoạch, chuyên đề tuyên truyền, phổ biến các quy định về giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp Sở Giao thông vận tải tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và trình tự, thủ tục pháp luật về cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

7. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp và Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về khen thưởng, kỷ luật và xử lý trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

b) Chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ khen thưởng, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Cử cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND và Kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT của UBND tỉnh; biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT, phản ánh những cách làm hay, hiệu quả của các địa phương, đơn vị; phê bình các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm, các địa phương để tình trạng tái lấn chiếm HLATGT diễn ra phổ biến nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm.

9. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Chủ trì, phối hợp với Thường trực Ban ATGT tỉnh biên soạn nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT để in lên các tờ rơi, thu âm các băng, đĩa phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

b) Chủ trì đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của UBND cấp huyện trong việc bố trí, sắp xếp lại hệ thống bảng, biển quảng cáo, biển hiệu ngoài trời trong phạm vi HLATGT đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 47/2018/QĐ-UBND ngày 27/11/2018 của UBND tỉnh.

10. Sở Y tế

Chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong quá trình triển khai thực hiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng năm.

11. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt về phương án đấu nối, đất thoát nước của đường bộ, đường sắt và quy định liên quan hành lang an toàn giao thông trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

12. Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh

a) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tư pháp và Cục Quản lý đường bộ II xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, ưu tiên tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT.

b) Tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Đoàn liên ngành và phân công các thành viên Ban ATGT tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác giải tỏa vi phạm chống tái lấn chiến HLATGT và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện;

c) Hàng năm, tham mưu UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng; đề xuất xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

13. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An

a) Tăng thời lượng phát sóng, đăng tin, bài và thực hiện thường xuyên, liên tục nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT trên địa bàn tỉnh;

b) Thường xuyên phát sóng các phóng sự, tin, bài nhằm biểu dương các trường hợp gương mẫu chấp hành; công khai phê bình những trường hợp cố tình vi phạm.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trân Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể chính trị - xã hội

Phát động phong trào toàn dân thực hiện bảo vệ HLATGT; phổ biến, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, xã có chương trình hành động cụ thể, đưa phong trào đi vào cuộc sống, phối hợp trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

15. Đề nghị Cục Quản lý đường bộ II

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT của ngành giao thông vận tải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn;

b) Phối hợp với Sở GTVT, Sở Tư pháp, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT đến người dân sinh sống ven các tuyến đường bộ, đường sắt; hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của huyện, xã, xóm (thôn, bản) có các tuyến đường cần giải tỏa đi qua các nội dung cơ bản về giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT;

c) Cử cán bộ, công chức, viên chức của Chi cục quản lý đường bộ tham gia các đoàn, tổ công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT do UBND cấp huyện thành lập; cử cán bộ, công chức tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành do UBND tỉnh thành lập;

d) Chỉ đạo Chi cục quản lý đường bộ: Phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm; tham gia cùng chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã thực hiện giải tỏa vi phạm trên tuyến được giao quản lý;

đ) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý đường bộ:

- Tham gia Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT cấp huyện, cấp xã;

- Bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã lập kế hoạch giải tỏa;

- Phối hợp chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã bố trí nhân lực, thiết bị, phương tiện của đơn vị tham gia giải tỏa trên tuyến được giao quản lý;

- Chỉ đạo lực lượng tuần đường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và phối hợp UBND cấp xã, công an cấp xã ngăn chặn, xử lý kịp thời khi tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;

- Cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan về quản lý HLATGT (đặc biệt là hồ sơ các vụ việc vi phạm đất của đường bộ và HLATGT chưa được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm) cho Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cấp huyện;

- Tổ chức cắm mốc, kẻ vạch sơn, đặt biển hiệu và lập biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa cho địa phương cấp xã tiếp nhận, quản lý trên các tuyến quốc lộ được giao quản lý;

- Bổ sung đầy đủ các mốc “đất của đường bộ”, “hành lang an toàn đường bộ” trên các tuyến quốc lộ quản lý.

16. Đề nghị Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT của ngành giao thông vận tải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và phù hợp với tình hình thực tế của từng giai đoạn;

b) Phối hợp với Sở GTVT, Sở Tư pháp, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng HLATGT đến người dân sinh sống ven các tuyến đường sắt; hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của huyện, xã, xóm (thôn, bản) có các tuyến đường cần giải tỏa đi qua các nội dung cơ bản về giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT;

c) Kiến nghị Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo lực lượng Thanh tra An toàn đường sắt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt và trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường sắt thực hiện giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường được giao quản lý;

d) Kiến nghị Tổng Công ty đường sắt Việt Nam sớm cấp nguồn kinh phí và tổ chức cắm bổ sung mốc “phạm vi bảo vệ công trình đường sắt”, nhận bàn giao phạm vi đã được giải tỏa để quản lý;

đ) Cử cán bộ của Chi nhánh khai thác đường sắt tham gia các đoàn, tổ công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT do UBND cấp huyện thành lập; Phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm; tham gia cùng chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã thực hiện giải tỏa vi phạm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam;

e) Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý:

- Tham gia Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT cấp huyện, cấp xã;

- Bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách phối hợp các tổ công tác cấp huyện, cấp xã để xác định chỉ giới hành lang; rà soát, thống kê phân loại đối tượng vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã lập kế hoạch giải tỏa;

- Phối hợp chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã bố trí nhân lực, thiết bị, phương tiện của đơn vị tham gia giải tỏa trên tuyến được giao quản lý;

- Phát hiện, phối hợp với UBND cấp xã, Công an cấp xã ngăn chặn, xử lý kịp thời khi tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông;

- Cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan về quản lý HLATGT (đặc biệt là hồ sơ các vụ việc vi phạm đất của đường sắt và HLATGT chưa được xử lý hoặc xử lý chưa dứt điểm) cho Ban chỉ đạo giải tỏa lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông cấp huyện;

- Tổ chức cắm mốc, kẻ vạch sơn, đặt biển hiệu và lập biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa cho địa phương cấp xã tiếp nhận, quản lý trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh được giao quản lý;

- Bổ sung đầy đủ các mốc “đất của đường sắt”, “hành lang an toàn đường sắt” trên các tuyến đường sắt do đơn vị mình quản lý. Bàn giao cho UBND cấp xã để quản lý.

17. Ủy ban nhân dân cấp huyện

Chủ trì, phối hợp với các lực lượng, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện quản lý, giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn quản lý. Cụ thể:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT cấp huyện trước ngày 25/01/2022, trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách lĩnh vực và Trưởng Công an cấp huyện là Phó Trưởng ban; thành viên là gồm các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan và đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt;

b) Ban hành và chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn, trong đó ưu tiên khu vực nội thị, thị trấn, thị tứ, đoạn qua khu đông dân cư; chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả;

c) Phân công cụ thể và gắn trách nhiệm cho từng phòng, ban, đơn vị, cá nhân trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý (không để tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái phép, đặt để biển hiệu phục vụ kinh doanh trái quy định...);

d) Hàng năm, bố trí nguồn kinh phí và lập dự toán kinh phí (phần ngân sách tỉnh hỗ trợ, gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định) phục vụ giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm đối với các tuyến thuộc phạm vi quản lý;

đ) Sử dụng truyền thanh lưu động của Trung tâm văn hóa - thông tin và các trang mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin: Các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hành lang an toàn giao thông; kế hoạch giải tỏa vi phạm của các ngành, các cấp; các quy định, quy ước, hương ước về văn hóa giao thông - văn minh đô thị;

e) Đối với các dự án có vị trí quy hoạch dọc hai bên đường quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt, trong quá trình thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ, đường sắt về phương án đấu nối, đất thoát nước của đường bộ, đường sắt và quy định liên quan hành lang an toàn giao thông trước khi trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng;

g) Huy động tối đa nhân lực, phương tiện, thiết bị của cấp huyện, cấp xã để giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; Triển khai lắp đặt camera tại các điểm nóng thường xảy ra vi phạm và tái lấn chiếm để theo dõi, giám sát;

h) Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành; Tổ chức các biện pháp cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định;

i) Kiểm tra, rà soát lập hồ sơ đề nghị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thu hồi đất đối với các các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông...);

k) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp xã phối hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Nghệ An thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chỉnh lý các biến động về đất; hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai; xử lý dứt điểm các trường hợp giao đất trái thẩm quyền do lịch sử để lại, cấp đất nằm trong chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn giao thông sau khi đã công bố quy hoạch cấp đường và phạm vi đất dành cho thoát nước đường bộ;

l) Thành lập các Đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất kết quả giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, được sắt của UBND cấp xã. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức thực hiện công tác cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật, trong trường hợp quá thẩm quyền xử lý, báo cáo, chuyển hồ sơ vụ việc lên cấp có thẩm quyền để xử lý.

m) Căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật về khen thưởng, kỷ luật và mức độ vi phạm của các tập thể, cá nhân

- Kịp thời biểu dương, có hình thức khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

- Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, UBND cấp huyện về kết quả tổ chức thực hiện để xảy ra tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm HLATGT diễn ra phổ biến mà không có biện pháp xử lý theo quy định.

18. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Ban hành và trực tiếp chỉ đạo thực hiện kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn; bố trí, điều động nhân lực, thiết bị, phương tiện để trực tiếp thực hiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông. Cụ thể:

- Đối với công tác tuyên truyền:

+ Tổ chức họp dân thông báo kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông của các cấp (tỉnh, huyện, xã); công bố trình tự, thủ tục, các bước tiến hành giải tỏa vi phạm; biểu dương những hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông; nhắc nhở, phê bình đối với những hộ gia đình, cá nhân không tự giác chấp hành, cố tình vi phạm hành lang an toàn giao thông;

+ Chỉ đạo khối, xóm, thôn, bản xây dựng hoặc bổ sung quy ước, hương ước về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hành lang an toàn giao thông trong cộng đồng dân cư để thống nhất thực hiện;

+ Thành lập các Tổ công tác đến từng hộ gia đình, cơ quan nằm dọc các tuyến đường để tuyên truyền, xác định chỉ giới hành lang; Tổ công tác có trách nhiệm triển khai cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý ký Bản cam kết không vi phạm, tái vi phạm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông; vận động để người dân tự giác tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, di dời vật kiến trúc, biển quảng cáo và thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, vật dụng khác ra ngoài phạm vi hành lang an toàn giao thông;

+ Sử dụng hệ thống truyền thanh cơ sở của xã, phường, thị trấn, loa truyền thanh của khối, xóm, thôn, bản và các trang mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin: Các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hành lang an toàn giao thông; kế hoạch giải tỏa vi phạm của các ngành, các cấp; các quy định, quy ước, hương ước về văn hóa giao thông - văn minh đô thị; tên tổ chức, cá nhân chấp hành tốt và tên tổ chức, cá nhân vi phạm, thường xuyên vi phạm hành lang an toàn giao thông..

- Đối với công tác giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm

+ Tổ công tác thực hiện việc rà soát, thống kê các công trình xây dựng, vật kiến trúc, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị... tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông để xác định vi phạm; gửi thông báo giải tỏa vi phạm đến các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông. Cụ thể:

Đối với công trình xây dựng kiên cố cho phép thời gian khắc phục tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, tùy vào tình hình cụ thể của công trình vi phạm, Tổ công tác xác định số ngày trong Thông báo gửi cho tổ chức, cá nhân.

Đối với vật vi phạm hành lang an toàn giao thông (bảng, biển hiệu quảng cáo...) Tổ công tác lập biên bản sự việc giao trách nhiệm di dời ngay tại thời điểm lập biên bản, nếu phát hiện tái phạm thì lập Biên bản vi phạm hành chính để xử phạt theo đúng quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

+ Giao Công an cấp xã, Quản lý trật tự đô thị (nếu có) và cán bộ công chức Địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính, xây dựng và môi trường (đối với xã), Tư pháp - Hộ tịch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; áp dụng tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp tái phạm theo quy định;

+ Huy động các lực lượng như: Công an cấp xã, dân quân tự vệ, an ninh khối, xóm, các đoàn thể (đoàn thanh niên, hội phụ nữ)... trực tiếp thực hiện giải tỏa vi phạm và chống tái lấn chiếm HLATGT;

+ Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành; Tổ chức các biện pháp cưỡng chế nếu tổ chức, cá nhân không chấp hành đầy đủ nội dung trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ, trong trường hợp quá thẩm quyền xử lý, báo cáo, chuyển hồ sơ vụ việc lên cấp có thẩm quyền để xử lý.

+ Những vị trí đã được cưỡng chế giải tỏa vi phạm: Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, quản lý mốc, vạch sơn, biển hiệu và biên bản bàn giao mặt bằng đã giải tỏa do đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt bàn giao đối với quốc lộ, đường tỉnh, đường sắt và Ban chỉ đạo giải tỏa cấp huyện bàn giao đối với đường huyện, đường xã;

+ Kiểm tra, rà soát các trường hợp giao đất trái thẩm quyền do lịch sử để lại, cấp đất nằm trong chỉ giới quy hoạch hành lang an toàn giao thông sau khi đã công bố quy hoạch cấp đường và phạm vi đất dành cho thoát nước đường bộ, báo cáo Ban chỉ đạo cấp huyện xem xét, xử lý;

- Sau khi giải tỏa xong tiến hành chỉnh trang đô thị:

+ Bố trí, sắp xếp vị trí các điểm dừng, đỗ xe tại các địa điểm phù hợp và có sự quản lý chặt chẽ; Riêng các phương tiện xe tải, xe khách trong thời gian nghỉ lễ, tết tuyệt đối không được đỗ xe trong phạm vi vỉa hè, lòng, lề đường;

+ Bố trí riêng các khu vực kinh doanh, buôn bán hàng hóa, họp chợ .... Tuyệt đối không được bố trí trong phạm vi vỉa hè, lòng, lề đường các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến đường trong đô thị, đoạn qua khu đông dân cư;

+ Bố trí, sắp xếp các điểm bán hàng rong, quà vặt, các điểm ăn đêm, ăn sáng... đảm bảo phù hợp với các quy định về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, mỹ quan và không gây cản trở, ách tắc giao thông, không được ảnh hưởng đến vỉa hè;

- Đẩy mạnh mô hình đoạn đường tự quản của các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, tổ dân cư, tổ dân phố đối với đoạn tuyến là quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã đi qua khu đông dân cư.

b) Phân công nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cho từng cá nhân, bộ phận trực thuộc đối với từng tuyến đường hoặc địa bàn được giao quản lý (không để tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng hành lang an toàn giao thông trái phép, đặt để biển hiệu phục vụ kinh doanh trái quy định...);

c) Thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các điểm vi phạm phát sinh mới và duy trì kết quả đã giải tỏa; nếu để xảy ra tái lấn chiếm thì Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước cấp trên;

d) Kiểm tra, giám sát các thành viên được UBND cấp xã giao nhiệm vụ; xử lý nghiêm, đúng quy định những cán bộ, công chức do cấp xã quản lý không hoàn thành nhiệm vụ được giao;

đ) Xem xét khen thưởng tập thể, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông, thực hiện tốt việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông theo quy định.

IV. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Năm 2022: Với chủ đề: “Tiếp tục giải quyết, xử lý tình trạng vi phạm, tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; kết hợp chỉnh trang đô thị”

Đồng loạt ra quân giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt vào ngày 25/01/2022 theo nội dung Kế hoạch.

2. Năm 2023: Với chủ đề: “Duy trì kết quả đạt được trong năm 2022, đẩy mạnh giải tỏa vi phạm HLATGT, chỉnh trang đô thị”, trong đó tập trung:

- Thường xuyên rà soát các vị trí bị tái lấn chiếm; xác định lý do, nguyên nhân để đưa ra các giải pháp chống tái lấn chiếm HLATGT hiệu quả, duy trì kết quả đã đạt được trong năm 2022.

- Tiếp tục thực hiện giải tỏa các công trình, vật kiến trúc trên đất HLATGT trên các tuyến đường đô thị, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường sắt; hoàn thành chỉnh lý biến động đất đối với các thửa đất tiếp giáp với quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt Bắc - Nam; hoàn thành việc xác định ranh giới tại hiện trường, đánh dấu để bàn giao đất của đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ, hành lang an toàn đường sắt cho đơn vị quản lý tiếp nhận.

- Giải tỏa các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất HLATGT do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông...) trên các tuyến đường đô thị, quốc lộ và đường tỉnh.

- Sắp xếp, bố trí các bãi, vị trí đỗ xe trên đường đô thị; chấn chỉnh hoạt động quảng cáo ngoài trời; chấn chỉnh hoạt động bán hàng rong, quà vặt, điểm tâm, ăn sáng, giải khát... trên địa bàn thành phố Vinh và các thị xã, thị trấn.

3. Năm 2024: Với chủ đề: “Tập trung chống tái lấn chiếm, tăng cường quản lý HLATGT” với các nhiệm vụ trọng tâm:

- Rà soát việc giao, nhận các vị trí vi phạm đã được giải tỏa thành công trong các năm 2022, 2023 của UBND cấp xã và các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt; ưu tiên bố trí nhân lực, kinh phí cho các lực lượng chống tái lấn chiếm; xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng để tình trạng chống tái lấn chiếm HLATGT diễn ra phổ biến trên tuyến, địa bàn được giao phụ trách.

- Tiếp tục giải tỏa các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất HLATGT do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông...) trên các tuyến đường đô thị, quốc lộ và đường tỉnh.

- Căn cứ Quy chế phối hợp về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã ký Quy chế phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt (đối với các xã, phường, thị trấn có quốc lộ, đường tỉnh và đường sắt Bắc - Nam đi qua).

4. Năm 2025: Tập trung cho chủ đề: “Kiên quyết không để HLATGT bị tái lấn chiếm, duy trì bền vững trật tự HLATGT đã được thiết lập” với các nội dung:

- Tập trung nhân lực, kinh phí cho các hoạt động chống tái lấn chiếm HLATGT với mục tiêu 90% các vi phạm đã được giải tỏa trong các năm 2022, 2023, 2024 không bị tái lấn chiếm.

- Xử lý dứt điểm các tồn tại về cấp đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất trái quy định trong phạm vi HLATGT; xử lý dứt điểm các vi phạm về quy hoạch xây dựng ven các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.

- Thu hồi và bàn giao dứt điểm cho đơn vị quản lý phần diện tích đất của đường bộ và HLATGT bị lấn chiếm, tái lấn chiếm trái phép.

- Xử lý dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong quá trình giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT.

V. NGUỒN KINH PHÍ

Cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cân đối ngân sách để triển khai thực hiện việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý hành lang an toàn giao thông theo phân cấp quản lý. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong việc giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm và quản lý hành lang an toàn giao thông, bao gồm:

1. Hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang an toàn giao thông cho các Sở, ban, ngành, đơn vị; đối với cấp huyện, cấp xã cân đối ngân sách để thực hiện

2. Phục vụ trích đo, trích lục bản đồ địa chính các thửa đất tiếp giáp với đường đô thị, đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường sắt đi qua khu đông dân cư; rà soát, xác định ranh giới giữa phần đất thuộc quyền sử dụng của người dân với đất hành lang an toàn giao thông, chỉnh lý các biến động về đất, hiệu chỉnh hồ sơ quản lý đất đai khi có biến động về đất.

3. Cắm các loại mốc để quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

4. Phục vụ cưỡng chế tháo dỡ, di dời các công trình vi phạm và bảo quản tài sản bị thu giữ tại các kho, bãi; trong đó ưu tiên hỗ trợ giải tỏa những công trình vi phạm mang tính chất kiên cố đã tồn tại trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình, an toàn giao thông nhưng chưa giải tỏa được.

5. Hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng để xử lý các công trình, vật kiến trúc tồn tại trên đất hành lang an toàn giao thông do lịch sử để lại nhưng ảnh hưởng trực tiếp về an toàn giao thông (điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập về hạ tầng giao thông...).

6. Duy trì các hoạt động chống tái lấn chiếm; chi hỗ trợ ngày công cho các lực lượng được huy động, chi hỗ trợ thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ.

7. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết này và biểu dương, khen thưởng những hộ gia đình tự giác, gương mẫu trong quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông.

8. Phục vụ các Đoàn kiểm tra; tổ chức các hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc và gửi Kế hoạch về Sở Giao thông vận tải trước ngày 25/01/2022.

2. Chế độ thông tin báo cáo

Các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị; Cục Quản lý Đường bộ II; Chi nhánh khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 06 tháng (trước ngày 05 tháng 7), 01 năm (trước ngày 25 tháng 12) kết quả thực hiện giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT về Sở giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh theo quy định.

3. Sơ kết, tổng kết

Hàng năm, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị; Cục Quản lý Đường bộ II; Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghệ Tĩnh tổ chức sơ kết thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT. Qua đó, đánh giá những ưu điểm, tồn tại và những khó khăn, vướng mắc để kịp thời kiến nghị các biện pháp giải tỏa lấn chiếm, chống tái lấn chiếm HLATGT phục vụ công tác giải tỏa cho năm tiếp theo.

Trong Quý IV năm 2025, Sở Giao thông vận tải phối hợp thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 04 năm thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND ngày ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm HLATGT đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở GTVT) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia;
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Thường trực Ban ATGT tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Thường trực huyện, thành, thị ủy;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu VT, NC (Vinh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Vinh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2022 triển khai thực hiện Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND quy định về biện pháp tăng cường giải tỏa vi phạm, chống tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025

  • Số hiệu: 36/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Hồng Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản