Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 350/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-HĐV ngày 09/9/2021 của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về việc ban hành Kế hoạch liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2025 (viết tắt là Quyết định số 02); UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tập trung cụ thể hóa mục tiêu, các nội dung liên kết vùng và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 02 của Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung về Kế hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2025.

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp góp phần phát triển kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng tiến độ đã ban hành.

- Tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng.

- Tham mưu UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai triển địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

- Nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư cho các dự án có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế định hướng, ưu tiên thu hút một số dự án ODA quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao.

- Tham mưu UBND tỉnh huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.

- Tham mưu xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án FDI dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: Có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn.

- Tiếp tục tham mưu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Trong đó, tập trung nghiên cứu, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, là thế mạnh của địa phương; triển khai đồng bộ các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực và kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

- Phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các bộ và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm theo các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015, số 2360/QĐ- TTg ngày 22/12/2015; phát huy vai trò động lực, kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kịp thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Sở Tài chính:

- Nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm tăng thu ngân sách địa phương theo hướng bền vững và có thể tự cân đối được nguồn thu chi ngân sách địa phương vào năm 2025. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội (khoá XV) về thí điểm các các cơ chế, chính sách đặc thù liên quan tài chính, ngân sách.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết vùng nhằm phát huy vai trò động lực, kết nối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh những cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

3. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và các địa phương triển khai lập và trình phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; hướng dẫn các địa phương tổ chức lập và hoàn thiện Hồ sơ các khu vực phát triển đô thị theo địa bàn quản lý.

- Thực hiện đề án phân loại đô thị đối với thành phố Huế mở rộng và đề án phân loại đô thị đối với Thừa Thiên Huế. Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

- Tham mưu UBND tỉnh phối hợp Bộ Xây dựng hoàn thành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Quốc gia, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Sở Công Thương:

- Tổ chức đánh giá và xây dựng định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp tỉnh để tích hợp vào trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.

- Xây dựng và triển khai đề án “Khảo sát, đánh giá thực trạng cụm công nghiệp và định hướng phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030”.

- Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp: Công nghiệp thời trang, công nghiệp hỗ trợ dệt may nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế thành Trung tâm dệt may khu vực Miền Trung - Tây Nguyên; phát triển ngành năng lượng sạch; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp chế biến sâu và sử dụng sản phẩm chế biến sâu silicat (thạch anh) để sản xuất sản phẩm mới; công nghiệp công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm; công nghiệp dược liệu và thiết bị y tế để từng bước đáp ứng với xu thế thế giới về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

- Phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các đơn vị có liên quan trong quá trình rà soát, bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp cao, sử dụng đất có hiệu quả, có khả năng thu hút đầu tư.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm nông sản. Tập trung công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến.

- Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025.

6. Sở Giao thông vận tải:

Tham mưu UBND tỉnh phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung trong vùng, trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn mang tính kết nối vùng và liên Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như: Tuyến đường ven biển; đường cao tốc Cam Lộ - Tuý Loan,...; phát triển hệ thống logistics tại khu vực vùng duyên hải miền Trung; nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Phú Bài,..

7. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan.

- Xây dựng “Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh” để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8. Sở Du lịch:

- Tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa, thể hiện tính đặc thù, độc đáo của từng địa phương.

- Tham mưu UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp nhàm khai thác hiệu quả việc liên kết phát triển du lịch các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; trong đó, phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch vùng duyên hải miền Trung; tổ chức Festival Du lịch biển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung định kỳ 02 năm/lần vào năm 2022 và năm 2024; tổ chức Ngày hội Du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung định kỳ 02 năm/lần vào năm 2023 và năm 2025.

- Tiếp tục kiến nghị Trung ương ưu tiên hỗ trợ bố trí vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

9. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Đề xuất xây dựng tổ chức chương trình đào tạo, đào tạo lại cho người lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có nhu cầu và là thế mạnh của từng địa phương.

- Đề xuất giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu nhân lực các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với cả nước, khu vực và quốc tế; có các chính sách liên kết, hợp tác đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề, nhất là cơ sở công lập với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

10. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tham mưu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước.

- Chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan triển khai thực hiện đề án quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc gắn kết các trường đại học với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, với thị trường và nhu cầu xã hội, định hướng các nhóm ngành nghề đào tạo cốt lõi đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trên địa bàn tỉnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

11. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Tập trung tham mưu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đến năm 2025 đạt trình độ tương đương khu vực ASEAN.

- Tham mưu xây dựng hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực KH&CN nhằm nâng cao chất lượng, trình độ lao động trong việc hấp thụ công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức.

- Nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trung tâm dịch vụ không gian làm việc chung khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao.

12. Sở Thông tin và Truyền Thông:

- Xây dựng hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương, triển khai mạng 5G tại Khu CNTT tập trung, Khu Đại học Huế, Khu Bệnh viện Trung ương Huế,...

- Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực quan trọng như: dịch vụ hành chính công, giáo dục và đào tạo, y tế, du lịch, tài nguyên và môi trường, giao thông,...hướng đến xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- Triển khai và mở rộng các dịch vụ đô thị thông minh nhằm cung cấp công cụ, phương tiện, dịch vụ phục vụ cho các tổ chức, cá nhân tương tác với chính quyền, doanh nghiệp.

13. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thừa Thiên Huế:

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt để đầu tư các dự án có tính chất lan tỏa, phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và căn cứ Kế hoạch này chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả; tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh và của từng cơ quan, đơn vị; định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi và tổng hợp báo cáo; đồng thời tổ chức đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, kịp thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ Điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021 - 2025; chủ trì tham mưu, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện theo thời gian quy định và kiến nghị, tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần phải sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch, các cơ quan, đơn vị chủ động đề xuất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- UBND các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ miền Trung (để phối hợp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, TP Vùng KTTĐ miền Trung;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã và TP Huế;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, TH, XDCB

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 350/KH-UBND năm 2021 thực hiện Kế hoạch liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

  • Số hiệu: 350/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/11/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Văn Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản