Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/KH-UBND | Đà Nẵng, ngày 22 tháng 02 năm 2022 |
Thực hiện những cam kết của thành phố Đà Nẵng tại Tuyên bố Preah Sihanouk về sự lãnh đạo của Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Mạng lưới PNLG) đối với Thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững vùng bờ và đại dương thông qua quản lý tổng hợp vùng bờ (gọi tắt là Tuyên bố Preah Sihanouk) được thông qua vào ngày 01/12/2021 trong khuôn khổ Diễn đàn Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Diễn đàn PNLG), với vai trò là Chủ tịch Mạng lưới PNLG nhiệm kỳ 2022-2025, UBND thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030, cụ thể như sau:
Chương trình Quản lý Tổng hợp Vùng bờ (QLTHVB) do Tổ chức các đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA) hỗ trợ được triển khai tại Đà Nẵng từ những năm 2000 và đã có những đóng góp đáng kể vào việc quản lý hiệu quả tài nguyên và môi trường vùng bờ tại thành phố Đà Nẵng.
Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Mạng lưới PNLG) được thành lập nhằm trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện QLTHVB giữa các chính quyền địa phương trong khu vực Biển Đông Á. Thành phố Đà Nẵng là thành viên chính thức của Mạng lưới PNLG từ năm 2006 với tư cách là một trong những thành viên sáng lập nên Mạng lưới. Việc tham gia Mạng lưới đã mang đến cho Đà Nẵng cơ hội được trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm thực tế có giá trị trong việc quản lý tài nguyên và môi trường vùng bờ biển, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.
Ghi nhận những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai thực hiện QLTHVB trong hai thập kỷ qua, Giám đốc điều hành PEMSEA đã có thư gửi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh về việc đề xuất Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam ứng cử cho vị trí Chủ tịch Mạng lưới PNLG nhiệm kỳ 2022-20251. Trong khuôn khổ Diễn đàn Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ (Diễn đàn PNLG2) diễn ra vào ngày 01/12/2021 tại tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Mạng lưới PNLG nhiệm kỳ 2022-2025.
Cũng trong chương trình Diễn đàn PNLG 2021, 52 thành viên chính quyền địa phương (bao gồm Đà Nẵng) đến từ 10 quốc gia3 đã cùng nhau ký Bản Tuyên bố Preah Sihanouk về sự lãnh đạo của Mạng lưới PNLG đối với Thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững vùng bờ và đại dương thông qua QLTHVB, trong đó thông qua Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG giai đoạn 2022-2030.
Với vai trò lãnh đạo Mạng lưới PNLG, nhằm thể hiện mong muốn của thành phố về cam kết tăng cường thực hiện QLTHVB tại địa phương cũng như chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và cả khu vực, UBND thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030.
- Tích cực tham gia cùng các thành viên trong Mạng lưới PNLG và cộng đồng toàn cầu đóng góp vào Thập kỷ hành động bằng cách triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG đến năm 2030, tập trung vào việc tăng cường thực hiện địa phương hóa các mục tiêu phát triển bền vững đã chọn (Mục tiêu PTBV 6: Sử dụng và bảo tồn nước, Mục tiêu PTBV 11: Sáng kiến về quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương, Mục tiêu PTBV 13: Thích ứng với biến đổi khí hậu, Mục tiêu PTBV 14: Khung đa dạng sinh học sau năm 2020/Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ). Điều chỉnh Chương trình QLTHVB của địa phương làm cơ chế điều phối phù hợp với Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á (SDS-SEA) giai đoạn 2023-2027 và Lộ trình PEMSEA đến năm 2030, trong đó có tính đến Kế hoạch thực hiện Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc 2021-2030; Khung đa dạng sinh học sau năm 2020; Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc 2021-2030 và các hiệp định quốc tế và khu vực có liên quan khác.
- Ba thành phần chính của Kế hoạch hành động bao gồm: (01) Tăng cường quản trị và quan hệ đối tác về quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; (02) Triển khai các chương trình quản lý liên quan đến 04 mục tiêu phát triển bền vững (Mục tiêu PTBV 6: Sử dụng và bảo tồn nước, Mục tiêu PTBV 11: Sáng kiến về quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương, Mục tiêu PTBV 13: Thích ứng vơi biến đổi khí hậu, Mục tiêu PTBV 14: Khung đa dạng sinh học sau năm 2020/Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ); và (03) nâng cao năng lực giám sát, đánh giá và báo cáo.
Kế hoạch hành động gồm 03 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường quản trị và quan hệ đối tác về quản lý tài nguyên và môi trường biển và hải đảo
- Tăng cường cơ chế điều phối (Ban Chỉ đạo về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, trước đây là Ban Chỉ đạo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo). Tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
- Tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho các cơ quan quản lý, lực lượng làm nhiệm vụ thực thi pháp luật, làm công tác điều tra cơ bản; tăng cường hợp tác đào tạo, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động các chuyên gia trong nước và quốc tế phục vụ cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
- Tăng cường công tác lập quy hoạch, kế hoạch làm định hướng lâu dài cho việc khai thác tài nguyên biển theo hướng bền vững.
- Tổ chức cập nhật Chiến lược QLTHVB của địa phương phù hợp với Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển bền vững khu vực biển Đông Á (SDS-SEA) giai đoạn 2023-2027 và Lộ trình PEMSEA đến năm 2030, trong đó có tính đến Kế hoạch thực hiện Thập kỷ Khoa học Đại dương của Liên hợp quốc 2021-2030; Khung đa dạng sinh học sau năm 2020; Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc 2021-2030 và các hiệp định quốc tế và khu vực có liên quan khác.
- Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giữa Nhà nước và cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên biển.
- Xây dựng, nhân rộng và duy trì các mô hình đồng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
- Tham gia các chương trình nâng cao năng lực về QLTHVB của Mạng lưới PNLG. Phối hợp với PEMSEA và Ban Thư ký Mạng lưới PNLG xây dựng các chương trình tập huấn, đào tạo về QLTHVB cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển tại địa phương.
- Tham gia Diễn đàn PNLG thường niên, các hoạt động của Mạng lưới PNLG và các sự kiện khu vực hoặc quốc tế khác có liên quan (Tuần lễ Đại dương Thế giới Hạ Môn, Đại hội Biển Đông Á, Diễn đàn Đại dương Toàn cầu, v.v.).
- Xây dựng hệ thống quản lý tri thức và chia sẻ thông tin về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
- Tích cực liên kết với các mạng lưới khác để góp phần mở rộng thành viên PNLG.
2. Triển khai các chương trình quản lý liên quan đến 04 mục tiêu phát triển bền vững đã lựa chọn
Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 3442/QĐ-UBND ngày 15/9/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của thành phố Đà Nẵng, trong đó tập trung vào 04 mục tiêu PTBV đã được lựa chọn như sau:
2.1. Mục tiêu PTBV 6: Sử dụng và bảo tồn nước
- Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 08/10/2018 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 25/01/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Rà soát, điều chỉnh và xây dựng các kế hoạch, chương trình về quản lý tổng hợp vùng bờ và quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
- Mở rộng các khu vực thực hiện kế hoạch và chương trình về quản lý tổng hợp vùng bờ và quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
- Xây dựng và rà soát các chương trình giám sát chất lượng nước.
2.2. Mục tiêu PTBV 11: Sáng kiến về quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương
- Tăng cường triển khai thực hiện Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Rà soát, điều chỉnh và xây dựng các kế hoạch, chương trình về quản lý chất thải rắn và rác thải nhựa đại dương.
- Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quản lý chất thải, bao gồm giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải.
- Tiên phong trong lĩnh vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương; phấn đấu 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
- Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế về môi trường biển đối với các nguồn thải ra biển. Xác định, phân loại, đánh giá các nguồn thải ảnh hưởng đến môi trường biển.
- Tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng môi trường ven biển, chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; xử lý dứt điểm các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường biển.
2.3. Mục tiêu PTBV 13: Thích ứng với biến đổi khí hậu
- Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 2609/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Rà soát, điều chỉnh và xây dựng các kế hoạch, chương trình về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
- Xây dựng báo cáo giám sát số hộ gia đình dễ bị tổn thương do các rủi ro của biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên và nhân tạo khác; xây dựng phương án giảm thiểu số hộ gia đình dễ bị tổn thương do các rủi ro của biến đổi khí hậu và các thảm họa tự nhiên và nhân tạo khác.
- Phối hợp với PEMSEA và Ban Thư ký PNLG xây dựng các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức cũng như năng lực về con người và thể chế trong việc giảm thiểu, thích ứng, giảm thiểu tác động và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu.
2.4. Mục tiêu PTBV 14: Khung đa dạng sinh học sau năm 2020/Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ
- Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 14/9/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Tổ chức thực hiện quy hoạch phân vùng sử dụng vùng bờ hoặc quy hoạch không gian biển.
- Rà soát, điều chỉnh và xây dựng các kế hoạch, chương trình về bảo vệ và phục hồi môi trường sống, bao gồm các dự án các-bon xanh.
- Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên sinh vật biển, các hệ sinh thái liên quan đến biển và có giải pháp khai thác hiệu quả, bền vững; nghiên cứu khoanh nuôi, tái tạo, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái liên quan khác trong vùng biển ven bờ.
3. Nâng cao năng lực giám sát, đánh giá và báo cáo
- Tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành để tiếp cận các công cụ và phương pháp luận về giám sát và đánh giá với sự phối hợp và hỗ trợ của các Trung tâm thực hành khu vực, các thành viên liên kết Mạng lưới PNLG và các đối tác phi quốc gia của PEMSEA.
- Tham gia cùng với PEMSEA xây dựng phương pháp luận đánh giá hiệu quả của QLTHVB, thử nghiệm và áp dụng tại Đà Nẵng.
- Tổ chức cập nhật Báo cáo tình trạng vùng bờ (Báo cáo SOC) để đánh giá tiến độ và tác động của việc áp dụng QLTHVB tại Đà Nẵng.
- Tăng cường trao đổi kiến thức, chia sẻ thông tin với các thành viên trong Mạng lưới PNLG để hỗ trợ quá trình xây dựng và thực hiện QLTHVB.
Kinh phí thực hiện được sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được phân bổ; các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ và nguồn xã hội hóa.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, quận/huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả; định kỳ hằng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND thành phố theo quy định.
2. Sở Tài chính tham mưu UBND thành phố bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới PNLG tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030 theo quy định.
3. Sở Ngoại vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan vận động sự hỗ trợ của quốc tế; tham mưu thành phố tham gia và thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp địa phương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.
4. Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh truyền hình thành phố chủ động phối hợp với UBND thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan đăng tin, bài, phóng sự; đa dạng các hình thức truyền thông để thu hút sự tham gia; nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch này.
5. Chế độ báo cáo:
Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 15/12 hàng năm hoặc đến kỳ rà soát, điều chỉnh mới, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện căn cứ triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần thiết bổ sung, điều chỉnh, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất UBND thành phố xem xét, quyết định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 7822/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 2Kế hoạch 7091/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3Kế hoạch 627/KH-UBND năm 2022 về rà soát huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 1Quyết định 3442/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của thành phố Đà Nẵng
- 2Quyết định 3410/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án bảo tồn đa dạng sinh học thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- 3Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2021 về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030
- 4Quyết định 2609/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050
- 5Chỉ thị 29/CT-TTg năm 2021 về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 7822/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre
- 7Kế hoạch 7091/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 8Kế hoạch 627/KH-UBND năm 2022 về rà soát huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2022 thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược của Mạng lưới các chính quyền địa phương của PEMSEA về phát triển bền vững vùng bờ tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030
- Số hiệu: 35/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 22/02/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
- Người ký: Lê Quang Nam
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/02/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra