Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH NINH BÌNH
BAN CHỈ ĐẠO PCTP, TNXH VÀ XDPT TOÀN DÂN BẢO VỆ ANTQ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 35/KH-BCĐ

Ninh Bình, ngày 17 tháng 03 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Kế hoạch số 15/KH-BCĐ ngày 19/01/2016 của Ban Chỉ đạo 138/CP Chính phủ về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020. Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 đến các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động về phòng, chống mua bán người; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giảm nguy cơ mua bán người và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

2. Chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất, toàn diện trong phòng, chống mua bán người.

3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố căn cứ vào nội dung Chương trình, xác định rõ trách nhiệm và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với đối tượng, đường dây mua bán người.

II. Nội dung, biện pháp và phân công thực hiện

1. Công tác chỉ đạo triển khai

- Hằng năm, Ban Chỉ đạo PCTP, TNXH và XDPT toàn dân bảo vệ ANTQ tỉnh ban hành kế hoạch chỉ đạo cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; định kỳ 06 tháng, 01 năm, tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện và xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm trong thời gian tiếp theo.

- Ban Chỉ đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung Chương trình tại các sở, ban, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố nhằm kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót và đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội. Thường xuyên ra thông báo về phương thức thủ đoạn mới của bọn tội phạm, chính sách pháp luật, những nơi làm tốt, nơi chưa làm tốt để kịp thời chấn chỉnh việc thực hiện; phát huy và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống mua bán người.

2. Công tác truyền thông phòng, chống mua bán người

2.1. Sở thông tin và Truyền thông chỉ đạo xây dựng, duy trì và thực hiện các chuyên trang, chuyên mục; tăng thời lượng phát sóng, đưa tin các tiểu phẩm, phóng sự, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

2.2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên cung cấp thông tin, giám sát phát hiện và thông báo các trường hợp có nghi vấn mua bán người. Tập trung vào các đơn vị làm dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài hoặc dịch vụ đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài theo hợp đồng.

2.3. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh. Trọng tâm là:

- Đẩy mạnh và đổi mới nội dung, hình thức truyền thông tại cộng đồng, tập trung ở các địa bàn phức tạp, giáp ranh, địa bàn có nguy cơ cao như khu vực nông thôn, miền núi, địa bàn có nhiều trẻ em và phụ nữ không có việc làm ổn định. Nội dung truyền thông đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, vùng miền; lấy các điển hình về vụ việc thật, thủ đoạn của đối tượng phạm tội, về mất cảnh giác của nạn nhân để tuyên truyền; kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, các mô hình, các điển hình tiên tiến gắn vào các đợt sinh hoạt chính trị hoặc các phong trào thi đua do các tổ chức, đoàn thể, quần chúng phát động.

- Thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông chung, trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các tỉnh giáp ranh.

- Hướng dẫn cấp cơ sở tổ chức thực hiện Bộ tài liệu truyền thông chung về phòng, chống mua bán người; thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên.

- Khảo sát, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa hiệu quả; tăng cường hỗ trợ và tư vấn phụ nữ, trẻ em có nguy cơ cao, nạn nhân và gia đình, cộng đồng về phòng, chống mua bán người.

2.4. Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người và người dân, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh với loại tội phạm này.

2.5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và vận động các hội viên, thanh thiếu niên và toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình, cộng đồng dân cư; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội pháp luật về phòng, chống mua bán người.

3. Công tác đấu tranh trấn áp tội phạm

3.1. Công an tỉnh

- Tổ chức điều tra cơ bản, xác định tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp, đối tượng nổi lên, nhất là số chủ mưu, cầm đầu đường dây phạm tội, số có tiền án, tiền sự về tội danh mua bán người để phòng ngừa và đấu tranh, ngăn chặn. Phát hiện, xử lý triệt để các trung tâm môi giới trá hình, kết hôn trái pháp luật, các đối tượng cò mồi dẫn dắt đưa người ra nước ngoài bán; lập danh sách số nạn nhân bị mua bán, người bỏ nhà đi khỏi địa phương nghi bị mua bán; số phụ nữ lấy chồng người nước ngoài; số trẻ em cho người nước ngoài nhận làm con nuôi; xuất khẩu lao động...; phân tích làm rõ tính chất, phương thức thủ đoạn; các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những vấn đề nổi cộm trong phòng, chống mua bán người. Trên cơ sở đó phân loại, đề xuất đối sách và phương án đấu tranh cụ thể với những đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người nhằm chủ động đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, không để các đối tượng có điều kiện hoạt động.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các băng, ổ, nhóm tội phạm, các đối tượng hoạt động phạm tội mua bán người trên địa bàn tỉnh hoặc móc nối với các đối tượng từ tỉnh khác để hoạt động. Khi phát hiện cần tập trung đấu tranh, tổ chức truy bắt những đối tượng chủ mưu cầm đầu, những đối tượng còn lẩn trốn ngoài xã hội, làm rõ các tổ chức đường dây mua bán người và các đối tượng liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật. Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp thống nhất, lựa chọn các vụ án điểm đưa xét xử công khai, lưu động phục vụ công tác tuyên truyền. Hằng năm, mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người.

- Làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm; thường xuyên trao đổi thông tin với các tỉnh lân cận và các tỉnh có đường biên giới để nắm chắc tình hình, diễn biến của tội phạm mua bán người cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động để có biện pháp ngăn chặn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu khắc phục những sơ hở trong công tác quản lý đối tượng, quản lý người nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, dịch vụ Internet, đường biên giới trên biển... không để bọn tội phạm lợi dụng vào hoạt động mua bán người.

3.2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Tăng cường thực hiện các hoạt động nghiệp vụ; quản lý, giám sát chặt chẽ tuyến đường thủy nội địa và khu vực ven biển Kim Sơn, không để các đối tượng lợi dụng đưa người ra nước ngoài bán.

3.3. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp và thống kê số liệu tội phạm mua bán người. Phối hợp với Tòa án nhân dân và Cơ quan điều tra các cấp thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em.

3.4. Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác xét xử và thi hành án hình sự; lựa chọn án điểm và tổ chức phiên tòa xét xử lưu động đối với các vụ án mua bán người để phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe tội phạm, góp phần giáo dục, phòng ngừa chung.

4. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

4.1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân và thực hiện quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng theo hướng bình đẳng giới, chú ý nhu cầu và đặc điểm của nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ nạn nhân thành công tại cộng đồng.

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc xây dựng mới và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân; quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội.

- Nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân; đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

4.2. Công an tỉnh

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tổng điều tra, rà soát nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2011 - 2015, bao gồm: tự trở về, giải cứu, trao trả và số chưa được giải cứu, tiếp nhận; số nghi là nạn nhân (xuất khẩu lao động, lao động thời vụ, đi du lịch, kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, số bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do).

- Tổ chức tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân của họ và bí mật thông tin, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định.

- Tổ chức thực hiện quy chế phối hợp liên ngành; sơ, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

4.3. Sở Tư pháp tiến hành theo dõi, đôn đốc công tác thi hành án hình sự và án dân sự sau khi bản án mua bán người có hiệu lực pháp luật.

5. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, đánh giá, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật phòng, chống mua bán người; rà soát, hệ thống hóa và đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người.

6. Công tác hợp tác quốc tế

Tỉnh Ninh Bình là địa phương không có chung đường biên giới đất liền với các nước láng giềng. Tuy nhiên, trong trường hợp có mua bán người ra nước ngoài, lực lượng Công an cần chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát, Biên phòng các nước liên quan để xác định cơ quan đầu mối, cơ chế phối hợp trong trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc mua bán người, xác minh, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và hồi hương nạn nhân.

7. Công tác đào tạo, nghiên cứu

- Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, các trường phổ thông nghiên cứu lồng ghép kiến thức về phòng, chống mua bán người vào các chương trình học tập nội khóa, ngoại khóa phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, ngành học; khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia đăng ký và nghiên cứu các đề tài, các công trình về phòng, chống mua bán người.

- Các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, tài liệu và tổ chức các khóa tập huấn chuyên đề nhằm trang bị những kiến thức chuyên sâu về phòng, chống mua bán người cho cán bộ làm công tác này.

8. Công tác tổ chức và hậu cần

- Tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCTP, TNXH và XDPT toàn dân bảo vệ ANTT các cấp đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.

- Căn cứ vào tình hình thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh tổng hợp dự trù kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định và tham mưu kinh phí thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt cấp kinh phí để phân bổ cho các đơn vị thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 và đối với từng năm cụ thể.

- Các ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tranh thủ các nguồn hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

III. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ các nội dung Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và có biện pháp chỉ đạo thực hiện cụ thể. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ: hằng quý, 6 tháng, năm và đột xuất về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình về Ban Chỉ đạo PCTP, TNXH và XDPT toàn dân BVANTQ tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo.

2. Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người, đảm bảo ổn định tình hình, loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện, sơ hở thiếu sót ngay từ cơ sở, không để tội phạm này có điều kiện hoạt động.

3. Giao Công an tỉnh (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của tỉnh) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này và thường xuyên tổng hợp tình hình, kết quả báo cáo UBND tỉnh và Ban chỉ đạo 138/CP của Chính phủ theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo 138/CP (để báo cáo);
- Cục Tham mưu Cảnh sát - BCA;
- UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của tỉnh;
- BCĐ các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP2, VP5, VP7, VP6.

TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH




Tống Quang Thìn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 35/KH-BCĐ năm 2016 thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 do Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm; tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 35/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Tống Quang Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản