Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 02 năm 2018.

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ VÌ SỰ TIẾN BỘ CỦA PHỤ NỮ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2018

Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 2018 như sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, sự tham gia của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới;

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi nhằm thực hiện bình đẳng giới; giảm khoảng cách giới, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới; góp phần thực hiện thành công Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 18/5/2016 thực hiện chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020.

II. NỘI DUNG

1. Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới

- Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bình Đẳng giới, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân về bình đẳng giới.

- Thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự phản ánh các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; phổ biến thông tin về chính sách, pháp luật bình đẳng giới trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh truyền hình các huyện, thị xã, thành phố, trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, đoàn thể.

- Cung cấp tài liệu, tờ gấp, sách mỏng, lắp đặt pano, băng rôn tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ năng lồng ghép giới, lên án các hành vi vi phạm bình đẳng giới; tăng cường trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm các mô hình hoạt động về bình đẳng giới hiệu quả trong và ngoài tỉnh.

- Tổ chức truyền thông cho cán bộ và nhân dân tại cộng đồng về các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh do việc lựa chọn giới tính thai nhi.

2. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương, trong các chương trình đề án, kế hoạch hoạt động của các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác bình đẳng giới ở các cấp, ngành hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp.

- Đưa nội dung về giới vào các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo cán bộ chủ chốt.

- Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong hoạch định và thực thi chính sách cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới, cán bộ tư pháp, thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, cán bộ làm công tác lao động - xã hội cấp xã. Tập huấn phổ biến chính sách về bình đẳng giới cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

- Tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động các mô hình ngăn ngừa phòng chống bạo lực giới, hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới (các mô hình được duy trì thực hiện thuộc dự án 4 theo Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ); bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới.

- Khảo sát, đánh giá công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ nữ ở một số cơ quan, địa phương.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trong diện quy hoạch chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, nữ đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh,

- Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm các hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ở các tỉnh cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

- Thu thập, quản lý thông tin, báo cáo đánh giá các chỉ tiêu, mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới được quy định tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

3. Chỉ đạo thúc đẩy bình đẳng giới ở những địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ cao bất bình đẳng giới.

- Tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9537/UBND-NV ngày 27/12/2017 về việc tăng cường công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Thường xuyên rà soát các quy định của tỉnh đối với cán bộ nữ, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện cụ thể; bố trí, sắp xếp, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ nữ sau đào tạo.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới, trong đó chú trọng thanh tra, kiểm tra nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Trung ương, của tỉnh về quy hoạch, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ quản lý, lãnh đạo là nữ.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, đào tạo nghề có tách biệt theo giới tính. Tăng cường hoạt động của sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức ở cấp huyện, cấp xã, tạo điều kiện cho lao động nông thôn, đặc biệt lao động nữ được tiếp cận dễ dàng với các thông tin về thị trường lao động, góp phần tư vấn, giới thiệu việc làm hiệu quả.

- Tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình: “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới”; “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo các nguyên tắc bình đẳng giới”. Nghiên cứu nhân rộng các mô hình, cách làm hay đã được triển khai; đề xuất các biện pháp khắc phục, thay đổi hoạt động không hiệu quả nhằm góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới và hỗ trợ phụ nữ vươn lên trong cuộc sống.

4. Cung cấp dịch vụ trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình.

- Các đơn vị có trách nhiệm cung cấp dịch vụ bảo vệ khẩn cấp các đối tượng trẻ em bị bỏ rơi, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bị cưỡng bức lao động liên quan đến vấn đề giới.

- Bảo đảm sự an toàn và đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp của đối tượng là nạn nhân của bạo lực gia đình; tham vấn, tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng.

- Triển khai thí điểm mô hình Địa chỉ tin cậy-nhà tạm lánh cộng đồng tại xã Lộc Điền - huyện Phú Lộc (theo Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020).

5. Tổ chức Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 (Tháng hành động).

- Xây dựng nội dung, thông điệp, chủ đề cho Tháng hành động theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với văn hóa và nhóm đối tượng nhằm đạt hiệu quả cao.

- Huy động sự tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia để tạo hiệu ứng lan tỏa trong tuyên truyền.

6. Tăng cường hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ.

- Thường xuyên giám sát tình hình thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn thông qua các sở, ban, ngành thành viên.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành là cơ quan chủ trì thực hiện các mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực giới và hỗ trợ bình đẳng giới xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đánh giá, khắc phục kịp thời những khó khăn đồng thời có kế hoạch nhân rộng nếu hoạt động có hiệu quả.

- Duy trì hoạt động Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ theo quy định. Chỉ đạo Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ các địa phương, đơn vị rà soát, bổ sung quy chế hoạt động phù hợp tình hình thực tế.

7. Hoạt động kiểm tra, đánh giá.

- Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới, trong đó có Nghị định 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương phân bổ hàng năm của các đơn vị, địa phương về hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

2. Các đơn vị, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp trong dự toán hàng năm để thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai Kế hoạch; hướng dẫn các sở, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động; tham mưu tổ chức thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018; kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Theo dõi, đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

2. Sở Nội vụ: Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 01/6/2016 về thực hiện Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trong diện quy hoạch chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, nữ đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và đầu tư: Tham mưu kế hoạch bố trí kinh phí cho các dự án, chương trình quốc gia về bình đẳng giới năm 2018 và giai đoạn 2016-2020, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp; Hướng dẫn thực hiện lồng ghép giới vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

4. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Triển khai kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018 đến các cấp Hội địa phương; Tổ chức tập huấn bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực hoạt động cho cán bộ Hội;

5. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo kinh phí thực hiện hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí có hiệu quả, theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước,

6. Sở Tư pháp: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phối hợp các sở, ban ngành liên quan kiểm tra, đánh giá việc thực thi Luật Bình đẳng giới trên địa bàn.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giới, bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài phát thanh huyện, Phòng Văn hóa-Thông tin...Phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền nhân Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên

8. Các sở, ngành: Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa và Thể thao; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Dân tộc; Công an tỉnh và các, sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trong năm 2018 cho phù hợp với thực tế tại đơn vị và báo cáo kết quả triển khai thực hiện với UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp trước ngày 10/12/2018.

9. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế: Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; các mô hình, gương điển hình về bình đẳng giới, đồng thời cảnh báo xã hội về tình trạng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử về giới.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế: Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để xây dựng kế hoạch hoạt động về bình đẳng giới năm 2018 phù hợp, bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch và lồng ghép thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thực hiện hoạt động bình đẳng giới; kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan lồng ghép các nội dung về hoạt động về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn, nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, các sở, ngành có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2018 tại đơn vị, địa phương trước ngày 10/3/2018; chậm nhất trước ngày 10/12/2018 báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện, các vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TB&XH (b/c);
- CT.PCT Đinh Khắc Đính:
- Các đơn vị nêu tại mục IV;
- CVP, PCVP Đoàn Thanh Vinh:
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Khắc Đính