Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 29 tháng 01 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, TRẺ EM TỰ KỶ VÀ NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình), UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN TRỢ GIÚP NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

I. THỰC TRẠNG NGƯỜI TÂM THẦN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Tính đến hết tháng 12 năm 2020, toàn tỉnh có 12.098 người khuyết tật, chiếm 1,53% tổng dân số toàn tỉnh; có 2.230 người khuyết tật về thần kinh, tâm thần, trong đó gần 1.900 người tâm thần, thần kinh đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng tại cộng đồng, chiếm 0,24% dân số toàn tỉnh. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần chủ yếu do bệnh tật và bẩm sinh, chiếm 75%; số còn lại do tai nạn, thiên tai, kinh doanh gặp rủi ro thua lỗ... Dạng tâm thần phân liệt chiếm 25%, còn lại là các dạng tâm thần khác. Số người mắc bệnh tâm thần, rỗi nhiễu tâm trí trên địa bàn đều được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do UBND các xã, phường, thị trấn thành lập, tổ chức xét và đề nghị hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định và có sổ theo dõi, cấp phát thuốc tại trạm y tế xã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đối với gần 1.900 đối tượng thần kinh, tâm thần, đại đa số đối tượng đều trong độ tuổi lao động nhưng họ không có khả năng lao động, bên cạnh đó họ còn phải có người chăm sóc quản lý, vì vậy họ còn là gánh nặng cho gia đình. Nhiều người tâm thần sống độc thân hoặc gia đình khó khăn bị bỏ rơi không có người trông nom, quản lý nên bỏ nhà đi lang thang dẫn tới suy giảm sức khoẻ, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, mất trật tự nơi công cộng và gây nguy hiểm đối với cộng đồng vì bản thân họ không tự làm chủ được hành vi.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP NGƯƠI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Công tác chỉ đạo, triển khai

Thực hiện Quyết định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011- 2020 (sau đây gọi tắt là Đề án 1215), UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1950/QĐ- UBND ngày 06/12/2011 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Căn cứ Đề án và Kế hoạch trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Kết quả thực hiện công tác trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng

Giai đoạn 2016 - 2020 công tác chăm sóc cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh luôn nhân được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tinh, UBND tỉnh, do đó nhiều hoạt động chăm lo và thực hiện chế độ, chính sách cho người khuyết tật về thần kinh đã được quan tâm tổ chức thực hiện và cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án, cụ thể như sau:

- Công tác truyền thông luôn được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở chú trọng triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, Nhân dân và cộng đồng xã hội;

- Việc chăm lo thực hiện các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, hướng dẫn các huyện, thành phố quan tâm chăm lo và triển khai thực hiện chế độ, chính sách đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng;

- 100% đối tượng người thần kinh, tâm thần đủ điều kiện đều được cấp giấy xác nhận khuyết tật và giải quyết chế độ chính sách, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội;

- Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tỉnh nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực tiếp tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng cho cán bộ văn hoá - xã hội các xã, cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn và kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí cho nhân thân của đối tượng bị bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án 1215 giai đoạn 2011 - 2020 còn gặp một số khó khăn và hạn chế như: nhận thức về vai trò và trách nhiệm đối với công tác ngươi khuyết tật nói chung, người tâm thần nói riêng của một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở vẫn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác trợ giúp người tâm thần chưa nhiều và chưa hiệu quả, đặc biệt là công tác xã hội hóa nguồn lực trợ giúp ngươi khuyết tật còn rất hạn chế; cơ sở hạ tầng của tỉnh, đặc biệt là cơ sở chuyên biệt chăm sóc đối tượng chưa có. Hiện tại tỉnh có một Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp được giao thêm chức năng phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; đội ngũ cán bộ tại Cơ sở chưa được đào tạo chuyên sâu, không có bác sỹ chuyên khoa tâm thần, cơ sở vật chất không đáp ứng cho việc quản lý người tâm thần (không có khu riêng biệt) do vậy người tâm thần còn ở chung với các đối tượng khác như người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người già... nên việc quản lý, chăm sóc cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí còn hết sức khó khăn.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, TRẺ EM TỰ KỶ VÀ NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động sự tham gia của xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, kịp thời phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí đặc biệt là trẻ em tự kỷ bị tâm thần nặng ngay từ đầu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội đối với người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021 - 2025

- Hàng năm, 80% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp kịp thời.

- 80% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông có khả năng, có nhu cầu được tiếp cận giáo dục.

- Khoảng 100 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có khả năng, có nhu cầu, được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội (khi được thành lập) hộ gia đình có người rối nhiễu tâm trí đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- 80% người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

- Hàng năm, khoảng 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 90% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại Cơ sở trợ giúp xã hội người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí chuyên biệt (khi được thành lập) trên địa bàn tỉnh.

- Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí chuyên biệt trên địa bàn tỉnh (khi được thành lập) có Câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ thu hút người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí còn khả năng, có nhu cầu tham gia tập luyện thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật tại cơ sở.

- 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và cơ sở y tế.

- 30% gia đình có người tâm thần, 30% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Khoảng 60% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

2.2. Giai đoạn 2026 - 2030

- Hàng năm khoảng 90% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm.

- Khoảng 90% trẻ khuyết tật phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.

- Người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trong Cơ sở trợ giúp xã hội chuyên biệt (khi được thành lập) còn khả năng, có nhu cầu được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu; hộ gia đình có người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.

- Phấn đấu 90% người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính có nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

- Hàng năm, khoảng 90% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên khi có cơ sở trợ giúp xã hội người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí chuyên biệt trên địa bàn tỉnh.

- Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí chuyên biệt trên địa bàn tỉnh (khi được thành lập) có Câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ; thu hút người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí còn khả năng, có nhu cầu tham gia tập luyện thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ và biểu diễn nghệ thuật.

- 70% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý phục hồi chức năng xã hội và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và cơ sở y tế.

- Khoảng 50% gia đình có người tâm thần, 50% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

- Trên 70% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Trợ giúp y tế

a) Nội dung

- Triển khai đầy đủ chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; chính sách bảo hiểm y tế cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tuyên truyền, tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật.

- Triển khai chương trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Y tế.

- Cơ quan phối hợp: các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố liên quan.

2. Trợ giúp giáo dục

a) Nội dung

- Cập nhật các văn bản chính sách về giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, bảo đảm phổ cập giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; tham mưu thực hiện chính sách ưu đãi đối với giáo viên, nhân viên tham gia giáo dục đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai chương trình giáo dục ở các cấp học thông qua chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục cho trẻ em tự kỷ và thanh niên rối nhiễu tâm trí; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí.

- Tham mưu cung cấp tài liệu, sổ tay hỗ trợ gồm: các gia đình có trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí; nâng cao kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn các phương pháp nhận biết và kỹ thuật can thiệp cơ bản đối với trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí trong trường học; phương pháp cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong hoạt động chăm sóc, giáo dục cho người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, đặc biệt trong đó là trẻ em tự kỷ.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên hỗ trợ, trợ giúp giáo dục trẻ em tự kỷ, người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí, gia đình về nghiệp vụ giáo dục trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí.

- Phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục trẻ em tự kỷ, người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu đa dạng của trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí: phát hiện sớm, can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập, giáo dục chuyên biệt, giáo dục trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí tại cơ sở trợ giúp xã hội, gia đình và cộng đồng, giáo dục từ xa.

- Rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu về giáo dục đặc biệt của trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí vào phần mềm quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục cho trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố liên quan.

3. Trợ giúp hướng nghiệp, lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao

a) Nội dung

Triển khai hướng nghiệp, tổ chức lao động trị liệu, tổ chức các mô hình câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở trợ giúp xã hội, gồm:

- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hướng dẫn tổ chức lao động trị liệu cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Nghiên cứu xây dựng và thí điểm mô hình hướng nghiệp, tổ chức lao động trị liệu cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Hướng nghiệp, tổ chức lao động trị liệu, văn hóa và thể thao phù hợp cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phục hồi chức năng; kinh phí hướng nghiệp, tổ chức lao động trị liệu cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí và làm thí điểm được bố trí trong Đề án này và tổ chức thực hiện trong các Chương trình, Đề án có liên quan.

- Xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với gia đình có người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; xây dựng mô hình hỗ trợ gia đình có người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí khởi nghiệp.

- Ưu tiên gia đình có người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Bảo trợ ngươi khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh va các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố liên quan.

4. Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí

a) Nội dung

- Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và rối nhiễu tâm trí nặng (công lập và ngoài công lập). Tham mưu đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ xây dựng mới 01 Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng chuyên biệt trên địa bàn tỉnh.

- Đề xuất trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng đạt tiêu chuẩn Nhà nước quy định, bảo đảm có các phân khu chức năng, các hạng mục công trình đáp ứng hoạt động chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng, trị liệu và cung cấp dịch vụ công tác xã hội, gồm:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ cho tỉnh:

Giai đoạn 2021- 2025: hỗ trợ xây dựng 01 Cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí; hỗ trợ xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng số lượng 50 đến 100 đối tượng.

Giai đoạn 2026 - 2030: hỗ trợ nhân rộng mô hình. Hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng đạt từ 150 đến 200 đối tượng.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: các sở, ngành liên quan.

5. Nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức và cộng tác viên

a) Nội dung

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trợ giúp xã hội, giáo dục và phục hồi chức năng.

- Tập huấn kỹ năng chuyên sâu về công tác xã hội lâm sàng trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và rối nhiễu tâm trí cho trên 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội (bình quân 200 người/năm).

- Bồi dưỡng các kỹ năng, sàng lọc phát hiện sớm đối với trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; khảo sát, đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ, chuyên đề về sức khỏe tâm thần.

- Tập huấn cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên và gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Thiết kế các video dạy các kỹ năng cho gia đình, đối tượng để chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ; tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm; tập huấn giảng viên nguồn cho địa phương; kỹ năng phòng ngừa nguy cơ đối với trẻ em tự kỷ và ngươi bị rối nhiễu tâm trí.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và các sở, ngành liên quan.

6. Truyền thông, nâng cao nhận thức

a) Nội dung

- Truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần; chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ và đối tượng khác.

- Xây dựng sổ tay hướng dẫn kỹ năng chăm sóc và phục hồi chức năng sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên trợ giúp xã hội.

- Truyền thông, phổ biến pháp luật về lĩnh vực trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng về sức khỏe tâm thần, trẻ em tự kỷ và ngươi rối nhiễu tâm trí cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện/thành phố.

7. Thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá

a) Nội dung

- Xây dựng hệ thống quản lý, theo dõi, giám sát, đánh giá công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí và đánh giá kết quả.

- Theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí, bảo đảm thông tin được tổng hợp từ cấp quản lý và cơ quan thực hiện Đề án.

- Giám sát kết quả thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch, hướng dẫn việc đánh giá kết quả, tác động cho các cơ quan quản lý và các cơ quan thực hiện trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh.

- Khảo sát và xây dựng hệ thống thông tin quản lý người bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Nhiệm vụ, trách nhiệm

- Chủ trì:

Đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với trẻ em tự kỷ: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan phối hợp: các sở, ngành liên quan.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ngành liên quan; hội đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Ngân sách địa phương được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm.

4. Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hàng năm trên cơ sở nội dung kế hoạch giai đoạn và tình hình thực tế của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện; tổng hợp kết quả thực hiện Chương trình để báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh; tham mưu tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình vào năm 2025 và tổng kết vào cuối năm 2030.

2. Sở Tài chính

Hằng năm căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu UBND tinh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Sở Y tế

Theo nhiệm vụ được giao, hằng năm xây dựng Kế hoạch triển khai các chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn và Báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung do ngành phụ trách.

5. Các sở, ban, ngành có liên quan

Theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả và báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu.

6. UBND các huyện, thành phố

Trên cơ sở Kế hoạch này có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hàng năm về trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, lồng ghép kinh phí các chương trình, các đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021 - 2030, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TNCSHCM tinh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

Vận động các cá nhân, tổ chức và quần chúng Nhân dân, hội viên, đoàn viên tham gia tổ chức thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021 - 2030.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch. Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch có vấn đề vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để xem xét, chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh, các Phòng: KG-VX, TH-NC, TH-CB;
- Lưu: VT, KG-VX(NCD).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Dương Xuân Huyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 33/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

  • Số hiệu: 33/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 29/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Dương Xuân Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản