Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3234/KH-SGDĐT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN CHO CÁN BỘ QUẢN LÝ VÀ GIÁO VIÊN MẦM NON NĂM 2022

Căn cứ Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo về ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên;

Căn cứ Thông tư số 12/2019/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên Mầm non;

Căn cứ Công văn số 126/NGCBQLGD-PTNGCB ngày 08 tháng 02 năm 2021 của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục về phúc đáp Công văn số 125/ĐHSG-GDTX ngày 01/02/2021 của Trường Đại học Sài Gòn về việc xem xét cho ý kiến về chương trình và học liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non;

Căn cứ Công văn số 1375/ĐHSG-GDTX ngày 17 tháng 8 năm 2022 của Trường Đại học Sài Gòn về tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non năm 2022 (Công văn số 1375/ĐHSG-GDTX),

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên mầm non năm 2022 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC CỦA BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

1. Mục đích của bồi dưỡng thường xuyên:

Cán bộ quản lý, giáo viên bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm đối với giáo viên, cán bộ quản lý; là căn cứ để quản lý, chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, cán bộ quản lý; nâng cao mức độ đáp ứng của giáo viên, cán bộ quản lý theo yêu cầu vị trí việc làm; đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non và đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp.

Phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đánh giá công tác BDTX của giáo viên, cán bộ quản lý; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động BDTX giáo viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục mầm non, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo.

2. Yêu cầu của bồi dưỡng thường xuyên:

Việc triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên phải gắn kết chặt chẽ với việc triển khai đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý theo Chuẩn và theo chỉ đạo đổi mới giáo dục của Ngành để từng bước cải thiện và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục qua từng năm.

Đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu về nội dung bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhiệm vụ năm học. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cần cụ thể, xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên và yêu cầu thực tiễn của giáo dục địa phương theo nhiệm vụ năm học (có đối chiếu với đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên để xác định rõ nội dung và hình thức bồi dưỡng phù hợp); tạo mọi điều kiện thuận lợi và huy động toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý tham gia học tập các chương trình, loại hình bồi dưỡng theo kế hoạch của Sở Giáo dục Đào tạo. Việc bồi dưỡng phải tập trung vào nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ của hạng chức danh nghề nghiệp.

Tăng cường hình thức bồi dưỡng thường xuyên qua mạng, bồi dưỡng thông qua sinh hoạt tổ chuyên môn và tự bồi dưỡng theo phương châm học tập suốt đời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non. Phát huy vai trò của đội ngũ chuyên gia, giáo viên cốt cán trong việc kiểm tra, hướng dẫn và bồi dưỡng giáo viên tại chỗ.

3. Nguyên tắc của bồi dưỡng thường xuyên:

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm và nhu cầu phát triển của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, của địa phương và của ngành.

Bảo đảm đề cao ý thức tự học, bồi dưỡng liên tục tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp, vị trí việc làm của giáo viên, cán bộ quản lý.

Thực hiện phân công, phân cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức BDTX.

Bảo đảm tính thiết thực, chất lượng, công khai, minh bạch, hiệu quả trong công tác BDTX của cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

II. ĐỐI TƯỢNG BỒI DƯỠNG

Đối tượng được bồi dưỡng năm 2022 gồm:

Cán bộ quản lý (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng); giáo viên đang chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ; nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.

III. NỘI DUNG BỒI DƯỠNG

1. Thời gian bồi dưỡng: Từ ngày ban hành Kế hoạch đến hết tháng 12 năm 2022.

2. Nội dung bồi dưỡng

2.1. Nội dung bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên

STT

Mã mô đun

Tên mô đun

Số tiết

Ghi chú

1

GVMN 13

Tổ chức các hoạt động phát triển nhận thức cho trẻ em theo quan điểm giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm

20

 

2

GVMN 14

Tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ/tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm

40

 

3

GVMN 16

Tổ chức các hoạt động phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm

20

 

 

 

Tổng

80

 

2.2. Nội dung bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ quản lý

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non năm 2022.

3. Hình thức bồi dưỡng

Bồi dưỡng theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến https://taphuan.csdl.edu.vn.

4. Kết quả khóa học

Học viên tham dự và hoàn thành chương trình học theo quy định sẽ được cấp Chứng nhận hoàn thành khóa học (do Trường Đại học Sài Gòn cấp).

IV. KINH PHÍ BỒI DƯỠNG

1. Học phí: 1.600.000 đồng/học viên.

2. Nguồn kinh phí

Thực hiện theo Điều 2 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể đối với viên chức: “Được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phòng Tổ chức cán bộ: phối hợp với các phòng thuộc Sở xây dựng và triển khai Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022.

- Các phòng thuộc Sở: thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công của Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố/quận, huyện về dự toán và phân bổ ngân sách địa phương năm 2022 cho các cơ sở giáo dục mầm non để triển khai tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tại địa phương.

- Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố/quận, huyện Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022 tại địa phương.

- Lập danh sách giáo viên mầm non tham gia bồi dưỡng thường xuyên năm 2022 theo biểu mẫu đính kèm và gửi văn bản về Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15 tháng 9 năm 2022 (người nhận: Lê Thị Lệ Nga), gửi kèm tập tin theo địa chỉ email: ltlnga.sgddt@tphcm.gov.vn; đồng thời gửi tập tin về địa chỉ email của Trường Đại học Sài Gòn: p_taichuc@sgu.edu.vn để kịp thời tổng hợp danh sách và phối hợp với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức lớp đúng kế hoạch đề ra.

- Thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022 gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu. Xây dựng và chiết xuất báo cáo quản lý thông tin về bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non theo hệ thống TEMIS.

3. Các trường mầm non trực thuộc Sở

- Cử và tạo điều kiện để cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tích cực, hiệu quả các lớp bồi dưỡng thường xuyên năm 2022 theo Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Lập danh sách giáo viên mầm non của đơn vị tham gia bồi dưỡng thường xuyên năm 2022 theo biểu mẫu đính kèm và gửi văn bản về Phòng Tổ chức cán bộ - Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 19 tháng 9 năm 2022 (người nhận: Lê Thị Lệ Nga), gửi kèm tập tin theo địa chỉ email: ltlnga.sgddt@tphcm.gov.vn; đồng thời gửi tập tin về địa chỉ email của Trường Đại học Sài Gòn: p_taichuc@sgu.edu.vn để kịp thời tổng hợp danh sách và tổ chức lớp đúng kế hoạch đề ra.

- Thực hiện các báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022, đề nghị các đơn vị triển khai, thực hiện (kèm theo Công văn số 1375/ĐHSG-GDTX)./.

 


Nơi nhận:
- Trường ĐH Sài Gòn;
- UBND tp.Thủ Đức và các quận, huyện;
- Ban Giám đốc;
- Phòng GDMN;
- Các trường Mầm non trực thuộc Sở;
- Phòng GD&ĐT tp.Thủ Đức và các quận, huyện;
- Lưu: VT, TCCB (LN)

GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Hiếu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3234/KH-SGDĐT về bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non năm 2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3234/KH-SGDĐT
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 12/09/2022
  • Nơi ban hành: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản