Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 20 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 (sau đây viết tắt là Quy hoạch) trên địa bàn tỉnh; cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (phê duyệt tại Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ), đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu, nội dung và lộ trình đã đề ra.

Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, gắn với nâng cao chất lượng theo hướng dịch vụ công, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, nhằm đáp ứng yêu cầu của tổ chức và cá nhân, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch, hợp đồng.

2. Yêu cầu

Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo đúng Quy hoạch và các tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020. Bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan; phân công rõ trách nhiệm trong việc thực hiện.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Nội dung

Việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ Quy hoạch đã được phê duyệt. Khuyến khích, ưu tiên phát triển Văn phòng công chứng có nhiều công chứng viên; có cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động và đội ngũ công chứng viên, nhân viên lành nghề. Cụ thể:

1.1. Giai đoạn 1: Từ năm 2013 đến năm 2015.

Thành lập mới 03 tổ chức hành nghề công chứng tại các huyện, thành phố:

- Năm 2013: Thành lập tại huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang.

- Năm 2014 - 2015: Thành lập tại huyện Yên Sơn.

1.2. Giai đoạn 2: Từ năm 2016 đến năm 2020.

Tiếp tục thành lập mới 05 tổ chức hành nghề công chứng tại các huyện còn lại và thành phố Tuyên Quang:

- Năm 2016: Thành lập tại huyện Chiêm Hóa.

- Năm 2017: Thành lập tại huyện Lâm Bình.

- Năm 2018: Thành lập tại huyện Hàm Yên.

- Năm 2019: Thành lập tại huyện Na Hang.

- Năm 2020: Thành lập tại thành phố Tuyên Quang.

Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện thực tế của từng địa bàn và nhu cầu phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng tại các địa bàn có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

2. Giải pháp, phân công trách nhiệm

2.1. Tuyên truyền, quán triệt, triển khai Quy hoạch, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hoạt động công chứng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2013.

2.2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định của địa phương liên quan đến hoạt động công chứng cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, điều kiện cụ thể của địa phương, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho hoạt động công chứng và thuận tiện cho nhân dân.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2.3. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng.

2.3.1. Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng; xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tổ chức, hoạt động công chứng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với những vi phạm trong hoạt động công chứng.

Từng bước chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với địa bàn cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng đảm đương được nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch, theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến năm 2020.

2.3.2. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức hành nghề công chứng với cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế tạo tiền đề cho cơ chế liên thông trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến giao dịch về bất động sản.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến năm 2020.

2.4. Thu hút nguồn nhân lực tham gia hoạt động hành nghề công chứng; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ công chứng viên.

Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút người tốt nghiệp Đại học luật từ khá, giỏi trở lên về địa phương công tác; tạo điều kiện cử các trường hợp đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo nghề công chứng làm nguồn bổ nhiệm công chứng viên.

Thường xuyên bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, kiến thức pháp luật mới, kỹ năng hành nghề công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cho công chứng viên; xây dựng đội ngũ công chứng viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng, uy tín của hoạt động công chứng để yêu cầu công chứng trở thành nhu cầu tự nguyện của nhân dân.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2013 đến năm 2020

2.5. Thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên

Thành lập tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm phát huy tính tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của pháp luật trên cơ sở kết hợp với quản lý nhà nước.

- Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp, Sở Nội vụ.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2016 đến năm 2020

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức có liên quan; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch và Kế hoạch này, theo đúng quan điểm, mục tiêu, số lượng tổ chức hành nghề công chứng, lộ trình phát triển đã được phê duyệt.

Rà soát, thống kê, đánh giá việc thực hiện Quy hoạch tại địa phương; thực hiện các biện pháp phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo đúng Quy hoạch đã được phê duyệt và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức sơ kết thực hiện Quy hoạch tại địa phương sau khi kết thúc lộ trình thực hiện tại giai đoạn 2011 - 2015, tổng kết thực hiện Quy hoạch sau khi kết thúc lộ trình thực hiện tại giai đoạn 2016 - 2020 trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.

2. Sở Tài chính

Bảo đảm ngân sách cấp hàng năm cho việc thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và điều kiện thực tế của địa phương.

3. Các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; các đơn vị, tổ chức có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm thực hiện và phối hợp thực hiện các nội dung được phân công tại Kế hoạch này và các nội dung có liên quan thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, Phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NC. (Hà-65)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Minh Huấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 31/KH-UBND thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

  • Số hiệu: 31/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Phạm Minh Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản