Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 307/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 31 tháng 08 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Kết luận số 250-KL/TU ngày 09/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khoá XI về tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025; Quyết định số 888/QĐ-UBND-HC ngày 09/8/2022 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: (1) làm nòng cốt cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; (2) nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; (3) nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; (4) thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; (5) nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng.

2. Một số chỉ tiêu cụ thể

- Phấn đấu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho hộ sản xuất nhưng vẫn đảm bảo đến năm 2025 diện tích gieo trồng lúa toàn Tỉnh tối thiểu là 470.940 ha, năng suất đạt trên 3 triệu tấn1.

- Phấn đấu diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600 ha.

- Phấn đấu đến năm 2025, có trên 42.000 ha lúa được cấp mã số vùng trồng2.

- Phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa.

- Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số3 đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của Tỉnh và bộ, ngành trung ương.

- Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống. Nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa từ 35 - 40%, giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.

- Tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất: chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng máy cấy lúa đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo, cấy bằng máy đạt 15% diện tích; tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn Tỉnh áp dụng sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật.

- Phấn đấu diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt trên 5.000 ha/năm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO

1. Tổ chức sản xuất

a) Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

- Đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng trong Tỉnh.

- Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống tưới tiêu nội đồng, trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất.

b) Về giống lúa

- Định hướng cơ cấu giống, xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng và tiểu vùng sinh thái đảm bảo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

- Tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản.

- Thúc đẩy hoạt động phối hợp Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, nâng cao công tác cải tạo giống; lai tạo, chọn giống mới, công nhận giống lúa mới đặc trưng cho Đồng Tháp giai đoạn 2025 - 2030, hướng tới nguồn giống chất lượng cao, đồng thời bảo tồn các giống truyền thống, giống đặc hữu của địa phương.

- Hỗ trợ, hướng dẫn cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) có đủ năng lực sản xuất giống lúa hoặc liên kết sản xuất giống lúa với các doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh.

c) Cơ cấu thời vụ sản xuất lúa

- Xây dựng lịch thời vụ gieo sạ lúa phù hợp theo từng vùng, tiểu vùng sinh thái trong Tỉnh theo hướng cơ cấu vùng sản xuất 2 vụ lúa, 3 vụ lúa; vùng sản xuất 2 lúa - 1 màu…

- Xây dựng kế hoạch sản xuất theo hướng luân phiên cho đất có thời gian xả lũ (ngập nước), thời gian nghỉ giữa 2 vụ kéo dài nhằm giúp cải tạo, duy trì độ phì nhiêu của đất.

d) Kỹ thuật canh tác

- Khuyến cáo người nông dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa tiên tiến, bền vững (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP, ...), quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tương đương, canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất lúa hữu cơ,...) kết hợp truy xuất nguồn gốc, thu hoạch đúng thời điểm… nhằm giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiết kiệm nước tưới, giảm hao hụt trong quá trình thu hoạch, giúp tăng năng suất, chất lượng lúa gạo và lợi nhuận cho nông dân.

- Hướng dẫn sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, phân bón sinh học, cho sản xuất lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân bón hóa học, khuyến khích sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo.

- Tổ chức sản xuất theo cánh đồng liên kết để hướng tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp, tạo khối lượng hàng hóa có chất lượng cao và đồng nhất. Doanh nghiệp đảm bảo việc vận chuyển, sấy và bảo quản lúa cho nông dân.

e) Chuyển đổi diện tích đất lúa và diện tích gieo trồng lúa

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, ưu tiên những diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, ngập úng sang các mục đích nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi linh hoạt theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa luân canh (với rau màu, thuỷ sản) đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Nhân rộng các Mô hình sinh kế mùa lũ từ Dự án WB9 trong thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng lúa 02 vụ.

f) Cơ giới hóa sản xuất lúa

- Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, đến chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch. Cụ thể, sử dụng san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, máy cấy, máy gieo sạ theo cụm kết hợp bón vùi phân, sử dụng cảm biến và điều khiển tự động tưới nước, sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) để gieo sạ, bón phân, phun thuốc BVTV, hệ thống vận chuyển, lò sấy, xay sát, chế biến do doanh nghiệp đầu tư.

- Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

- Lắp đặt thêm các bẫy đèn thông minh tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm của Tỉnh.

- Nhân rộng Mô hình sản xuất lúa lý tưởng từ kết quả đạt được của mô hình do HTX Mỹ Đông 2 huyện Tháp Mười sang các huyện có vùng sản xuất lúa lớn, tập trung ở các huyện như: Tân Hồng, Tam Nông, Cao Lãnh...

2. Đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất lúa giống cho các HTX, THT có đủ năng lực sản xuất.

- Xây dựng 01 mô hình Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn truy xuất nguồn gốc, quy mô 10 - 20 ha/mô hình.

- Nhân rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ trên những vùng đã hoặc sẽ chuyển sang canh tác lúa 2 vụ lúa/năm.

- Nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, đầu tư cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo.

3. Phát triển kinh tế tập thể

- Phát triển HTX hoạt động có hiệu quả, xây dựng HTX dựa trên nền tảng của hội quán, là thế mạnh của Tỉnh. Nâng tầm phát triển các hội quán thành những HTX tiêu biểu đại diện cho các hộ nông dân, phát triển năng lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp gia đình kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ cho HTX, dần dần phát triển các hoạt động về phân loại, sơ chế, bảo quản và bán hàng trực tiếp.

- Xây dựng mô hình về kinh tế hợp tác dựa vào tổ chức hội quán với các chính sách thử nghiệm mang tính đột phá (trao một số quyền của quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công như khuyến nông, bảo vệ sản xuất và tăng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ công nghệ, lựa chọn cán bộ, đào tạo và trợ cấp lương cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật); tạo điều kiện để các HTX thay thế được các trung gian của thương lái, doanh nghiệp trong việc cung cấp vật tư đầu vào và nông sản đầu ra cho nông dân, hình thành được niềm tin với khách hàng.

- Xây dựng mô hình gắn kết cộng đồng, HTX với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo.

4. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số

4.1. Phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số

a) Phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số

- Ứng dụng công nghệ số hoá dữ liệu, chế độ báo cáo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác, xem dự báo, cảnh báo và sử dụng cho việc truy xuất nguồn gốc.

- Viễn thám kết hợp với IoT mặt đất giúp theo dõi, giám sát và cảnh báo tình hình nước lũ lên, xuống giúp có kế hoạch canh tác phù hợp; quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu bản đồ chuyên ngành nông nghiệp quản lý vùng canh tác, từ đó trích xuất dữ liệu báo cáo; giám sát tình hình dịch hại và thiên địch; giám sát tình hình phát thải khí nhà kính; quản trị cơ sở dữ liệu lớn chuyên về chỉ dẫn địa lý của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.

- Viễn thám kết hợp với IoT mặt đất và hệ thống cơ sở dữ liệu nền giúp xây dựng hệ thống báo cáo, thống kê chuyên ngành nông nghiệp ở tất cả các cấp quản lý từ bán tự động đi lên tự động hóa hoàn toàn.

b) Phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp phát triển kinh tế số

- Quản trị cơ sở dữ liệu lớn về sản xuất, chuyên về quản lý và phát triển nông nghiệp số, kinh tế nông nghiệp số.

- Quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào ngành nông nghiệp.

- Quản lý việc đăng ký, thông tin của các HTX, doanh nghiệp thu mua, chế biến và phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

- Thu thập, quản lý và khai thác thông tin, nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản.

- Quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản, thuỷ sản và vật nuôi.

4.2. Xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số, viễn thám và thiết bị giám sát mặt đất tại các địa phương

Nhân rộng mô hình tại HTX Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười. Mô hình sẽ được lắp đặt các thiết bị giám sát mặt đất gồm: thiết bị theo dõi mực nước, diễn biến của nước lũ; thiết bị cung cấp dữ liệu phân tích chất lượng nước mặt (độ mặn, pH, mực nước,...) của vùng canh tác; thiết bị xây dựng mạng lưới giám sát tình hình sâu hại và thiên địch thông minh; thiết bị theo dõi dinh dưỡng đất, thông số nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng nước; thiết bị theo dõi tình hình sinh trưởng của cây trồng theo thời gian thực để tự động hóa quá trình theo dõi sự phát triển giúp giám sát sản xuất trên diện rộng.

5. Công tác thực hiện truy xuất nguồn gốc

- Tiếp tục hướng dẫn, thực hành sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm.

- Đào tạo đội ngũ tư vấn viên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho các tổ chức/cá nhân có nhu cầu thực hiện chứng nhận nhằm giảm chi phí thuê đơn vị tư vấn.

- Lồng ghép triển khai, hướng dẫn nông dân ghi chép đầy đủ sổ nhật ký sản xuất phục vụ hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó đáp ứng tuyệt đối quy định mức dư lượng tối đa cho phép của thuốc BVTV (MRL), truy xuất được nguồn gốc.

6. Chế biến, bảo quản sau thu hoạch

- Khai thác tiềm năng chế biến sâu lúa gạo để tăng thêm hiệu quả của chuỗi giá trị. Cụ thể:

Từ cám gạo và gạo có thể chế biến sâu thành nhiều loại sản phẩm có giá trị cao cho ngành thực phẩm, dược và mỹ phẩm như dầu ăn cao cấp, sáp cám gạo, sữa gạo lứt, sản phẩm từ bột gạo, tinh chất oryzanol,...

Từ rơm rạ có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ, trồng nấm, sản xuất giấy hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Trấu được tái chế thành củi trấu, sản xuất gas sinh học (khí hóa trấu), làm nguyên liệu xây dựng sạch, than hoạt tính...

- Đề xuất, áp dụng các chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ, đồng thời hình thành các cụm chế biến công nghệ cao liên kết với vùng nguyên liệu để tăng hiệu quả kết nối chặt chẽ từ sản xuất đến chế biến và thị trường.

- Tiếp tục phát triển thêm 15 sản phẩm OCOP tiềm năng gạo, chế biến từ gạo đạt 3 sao trở lên.

- Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến tiên tiến để giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng, hương vị gạo.

7. Xúc tiến thương mại

- Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, dự tính, dự báo, kịp thời cập nhật thông tin đến người sản xuất; phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo.

- Thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước trong thực hiện hợp đồng liên kết; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

- Cụ thể hóa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice).

- Hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm, lồng ghép với quảng bá du lịch và các mục tiêu khác.

8. Phát triển nguồn nhân lực

- Chú trọng đào tạo nông dân thông qua các hoạt động khuyến nông về công nghệ mới trong sản xuất lúa và các kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và thị trường. Hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề cho nông dân trẻ đặc biệt về ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa, hướng đến hình thành một thế hệ nông dân trẻ chuyên nghiệp, có kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành lúa gạo.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chuyên gia khuyến nông, đặc biệt khuyến nông cấp cơ sở và khuyến nông trong doanh nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành lúa gạo cho thanh niên; tăng đầu tư cho công tác đào tạo cán bộ khoa học chuyên sâu về lúa gạo trong và ngoài nước và sử dụng hiệu quả nguồn cán bộ đã đào tạo ở các đơn vị công lập.

- Thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp tại chỗ cho nông dân để tạo cơ hội việc làm giúp nông dân trồng lúa tăng thêm thu nhập.

9. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, THT, hội quán, vận động hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ cho hoạt động các hội quán và phát triển thêm các hội quán nếu đủ điều kiện.

- Lồng ghép việc tuyên truyền về Luật HTX, các chính sách liên quan đến HTX trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội quán; tập huấn và hướng dẫn sản xuất theo quy trình, ứng dụng khoa học và công nghệ, khắc phục được các hạn chế như sản xuất lạc hậu, dựa vào kinh nghiệm; phát huy sức mạnh của nông hộ trong chuỗi liên kết hình thành vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn; phổ biến kiến thức về kỹ năng số cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất và duy trì thường xuyên sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP hay cao hơn là sản xuất hữu cơ.

- Đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua báo, đài, hệ thống truyền thanh cơ sở, hệ thống màn hình, bảng điện tử, website, mạng xã hội.

10. Công tác quản lý nhà nước

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, trong đó ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về tích tụ đất đai, liên kết sản xuất - thụ, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế.

- Định hướng và huy động nguồn lực cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về lúa gạo; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phát minh sáng kiến, chọn tạo giống lúa mới, phục vụ cho phát triển ngành lúa gạo.

- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất lúa, ngăn chặn sản xuất, kinh doanh, sử dụng các vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc BVTV và lúa giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo.

- Minh bạch hóa thông tin về thị trường lúa gạo, xuất khẩu gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh theo cơ chế thị trường.

- Đảm bảo dự trữ quốc gia về gạo và lúa giống để trợ cấp kịp thời cho người dân trong trường hợp thiên tai, rủi ro.

11. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo (chính sách hỗ trợ chung ngành nông nghiệp)

Rà soát các chính sách hiện hành có liên quan ngành nông nghiệp từ Trung ương đến Tỉnh, từ đó đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, thay thế, bổ sung các chính sách mới của Tỉnh để hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN (Phụ lục 1)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí dự kiến: 3.532 triệu đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được lồng ghép từ các nguồn vốn:

- Vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Vốn ngân sách thông qua việc hỗ trợ xây dựng các đề án, dự án, tư vấn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng của các bộ ngành và lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kinh phí khoa học công nghệ, khuyến nông, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các dự án ODA và chương trình khoa học và công nghệ khác có liên quan.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN (Phụ lục 2)

1. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh, Hội Nông dân Tỉnh, Hội Cựu Chính binh Tỉnh và Hội Phụ nữ Tỉnh

Thông tin, tuyên truyền phổ biến Kế hoạch Phát triển ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 đến người dân.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp sở, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này; là đầu mối theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ ngày 15/12 hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh; ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

3. Các sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND huyện, thành phố

- Căn cứ nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch, các sở, ngành, đơn vị liên quan; Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể hoặc lồng ghép vào chương trình công tác của đơn vị, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực thực hiện.

- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 20/5) và hàng năm (trước ngày 20/11) báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Định kỳ hàng năm, 03 năm tổ chức sơ kết, cuối giai đoạn tổng kết kết quả triển khai thực hiện.

Yêu cầu sở, ngành, đơn vị liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân Tỉnh giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- TT/TU; TT/HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- UBMTTQVN Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành Tỉnh;
- LMHTX Tỉnh; Hội Cựu CB Tỉnh;
- Hội ND Tỉnh; Hội LHPN Tỉnh;
- Đoàn TNCSHCM Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lưu VT, NC/KT(VA).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Huỳnh Minh Tuấn

 

PHỤ LỤC 1

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG LÚA GẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 31/08/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

TT

Chỉ tiêu

ĐVT

Kết quả đạt được đến năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện đến năm 2025 (đồng)

Ghi chú

1

Diện tích gieo trồng lúa cả năm (ha)

ha

504.295

490.000

487.000

481.700

470.939

 

Các địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm

Năng suất (tạ/ha)

tạ/ha

66

63

63

64

66

 

Sản lượng (tấn)

tấn

3.324.858

3.088.020

3.088.020

3.098.319

3.098.319

 

1.1

Diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân (ha)

ha

196.063

190.000

190.000

186.000

186.000

 

Năng suất (tạ/ha)

tạ/ha

73

72

72

72

72

 

Sản lượng (tấn)

tấn

1.435.041

1.366.670

1.366.670

1.339.883

1.339.883

 

1.2

Diện tích gieo trồng vụ Hè Thu (ha)

ha

187.505

185.000

182.000

180.700

174.700

 

Năng suất (tạ/ha)

tạ/ha

64

61

62

62

64

 

Sản lượng (tấn)

tấn

1.201.675

1.130.350

1.130.350

1.118.539

1.118.539

 

1.3

Diện tích gieo trồng vụ Thu Đông (ha)

ha

120.727

115.000

115.000

115.000

110.239

 

Năng suất (tạ/ha)

tạ/ha

57

51

51

56

58

 

Sản lượng (tấn)

tấn

688.142

591.000

591.000

639.897

639.897

 

2

Sản xuất lúa hữu cơ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Đào tạo giảng viên (ToT) về nông nghiệp hữu cơ cho các cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện lĩnh vực trồng trọt

lớp

0

1

1

1

1

720.000.000

180.000.000 đồng/lớp, theo báo giá của đơn vị đào tạo

 

- Xây dựng 01 mô hình; quy mô 10ha x 2 vụ (thời gian chuyển đổi 12 tháng theo quy định TCVN 110411:2017)

Mô hình

0

1

1 (duy trì từ năm 2022)

 

 

1.828.808.636

- Năm 2022: 924.881.636 đồng.

- Năm 2023: 903.927.000 đồng

 

- Diện tích sản xuất lúa hữu cơ (lũy kế)

ha

0

20

120

270

605

 

 

3

Phát triển vùng trồng được gắn mã số đến năm 2025

ha

0

13.392

23.046

32.824

42.105

 

 

4

Phát triển vùng sản xuất tập trung theo hướng ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa

vùng

Chỉ mới có 01 mô hình tiêu biểu về sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại các HTX Mỹ Đông 2 (170 ha)

Hình thành vùng tập trung ở các huyện có diện tích trồng lúa lớn như huyện: Cao Lãnh, Tam Nông…

 

 

5

Xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số đảm bảo điều kiện tích hợp được vào hệ thống dữ liệu của Tỉnh và bộ, ngành trung ương.

vùng

Chỉ mới có 01 mô hình tiêu biểu về sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị tại các HTX Mỹ Đông 2 (170 ha)

Tiếp tục phát triển một số phân hệ phần mềm và ứng dụng di động thông minh giúp phát triển kinh tế số; Triển khai thí điểm các thiết bị giám sát mặt đất giúp thu thập dữ liệu tự động và số hóa quy trình canh tác trên lúa.

Nhân rộng mô hình.

 

 

6

Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa

%

4,4

≥5%

≥10%

≥20%

≥30%

892.830.000

Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, hướng dẫn ủ phân hữu cơ (in ấn tờ rơi, áp phích, phát sóng video tuyên truyền…)

7

Diện tích liên kết sản xuất lúa giống

ha

 

≥5.000

≥5.000

≥5.000

≥5.000

 

 

8

Hội nghị triển khai, sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

cuộc

 

01 hội nghị triển khai

01 hội nghị sơ kết

 

01 hội nghị tổng kết

90.000.000

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

3.531.638.636

 

 

PHỤ LỤC 2

GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
(Kèm theo Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 31/08/2022 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

TT

Nội dung

Đơn vị thực hiện

Đơn vị phối hợp

1

Tổ chức sản xuất

 

 

- Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Tài chính, UBND huyện, thành phố

- Định hướng cơ cấu giống lúa thích nghi điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu.

UBND huyện, thành phố

- Cơ cấu thời vụ sản xuất lúa: Xây dựng và bố trí lịch thời vụ theo hướng xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy trên từng khu vực, từng cánh đồng; không xuống giống sớm và xuống giống kéo dài, không để trên cùng cánh đồng có nhiều trà lúa; bảo đảm phải có thời gian cách ly giữa hai vụ ít nhất 3 tuần; xây dựng kế hoạch xả lũ hằng năm để phục vụ cho việc chỉ đạo xuống giống và triển khai thực hiện có hiệu quả biện pháp bảo vệ sản xuất.

UBND huyện, thành phố

- Kỹ thuật canh tác: khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình sản xuất lúa tiên tiến, đạt các tiêu chuẩn, sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, ứng dụng công nghệ 4.0, tổ chức sản xuất theo cánh đồng liên kết…

UBND huyện, thành phố

- Áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa.

 

- Thực hiện xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ.

UBND huyện, thành phố

- Lắp đặt thêm các bẫy đèn thông minh tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm của Tỉnh.

UBND huyện, thành phố

Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chuyển đổi diện tích đất lúa và diện tích gieo trồng lúa phù hợp với quy hoạch của Tỉnh và địa phương, đảm bảo phát triển cây trồng bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường.

2

Phát triển kinh tế tập thể: Thúc đẩy xây dựng HTX trên nền tảng Hội quán, Xây dựng mô hình về kinh tế hợp tác dựa vào tổ chức hội quán

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND huyện, thành phố, HTX, tổ hợp tác, hội quán

3

Công tác thực hiện truy xuất nguồn gốc

UBND huyện, thành phố

4

Phát triển nguồn nhân lực thông qua đào tạo nông dân, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

UBND huyện, thành phố, HTX, tổ hợp tác, hội quán

5

Công tác quản lý nhà nước

 

Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, HTX, tổ hợp tác, hội quán

 

- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả cao, trong đó ưu tiên tháo gỡ các nút thắt về tích tụ đất đai, liên kết sản xuất - thụ, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế.

 

- Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp dùng trong sản xuất lúa, ngăn chặn sản xuất, kinh doanh, sử dụng các vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc BVTV và lúa giống không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo.

 

- Đảm bảo dự trữ quốc gia về gạo và lúa giống để trợ cấp kịp thời cho người dân trong trường hợp thiên tai, rủi ro.

5

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo (chính sách hỗ trợ chung ngành nông nghiệp)

6

Triển khai thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có góp phần vào việc phát triển ngành hàng lúa gạo, nhằm làm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của ngành hàng lúa gạo (bảo tồn giống đặc hữu, chọn tạo giống lúa mới đặc trưng tỉnh Đồng Tháp, chuyển đổi số, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch) trên cơ sở đề xuất hoặc đề xuất đặt hàng của các ngành, đơn vị có liên quan.

Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND huyện, thành phố

7

Hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với phát minh sáng kiến, chọn tạo giống lúa mới, ... phục vụ cho phát triển ngành lúa gạo

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

8

Xúc tiến thương mại

Sở Công Thương

Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, HTX, tổ hợp tác, hội quán

 

- Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường, dự tính, dự báo, kịp thời cập nhật thông tin đến người sản xuất; phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo

 

- Thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của nhà nước trong thực hiện hợp đồng liên kết; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm.

9

Công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến Kế hoạch Phát triển ngành hàng lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Tỉnh, Hội Nông dân; Hội Phụ nữ Tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông

Các sở, ban, ngành, HTX, tổ hợp tác, hội quán

10

Hợp tác, liên kết với các Viện, Trường, Trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu lai tạo, khảo nghiệm, đánh giá… nhằm bổ sung cơ cấu giống lúa phù hợp và kịp thời.

Sở Nông nghiệp và PTNT

Sở Khoa học và Công nghệ, Viện, trường, Trung tâm nghiên cứu

11

Kinh phí, thủ tục thanh quyết toán

 

 

 

- Cân đối nguồn kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán và bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách Nhà nước theo quy định

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND huyện, thành phố

 

- Hướng dẫn thủ tục quyết toán và trình tự, thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo quy định.

 



1 Quyết định 1651/QĐ-UBND-HC ngày 28/12/2018 của UBND Tỉnh về phê duyệt Dự án “Rà soát, Điều chỉnh Quy hoạch nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ”.

2 Thỏa thuận hợp tác ngày 05/11/2021 giữa Cục Bảo vệ thực vật và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Chương trình hợp tác phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tiết kiệm.

3 Phần mềm gồm các phân hệ giúp theo dõi kết quả thực hiện và quản lý dữ liệu về sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; về địa lý, bản đồ chuyên đề về nông nghiệp, quản lý rừng, thuỷ lợi, theo dõi tình hình nước lũ để chủ động ứng phó trước những diễn biến bất thường của lũ; giám sát môi trường nước trong trồng trọt và thuỷ sản, quản lý tình hình diễn biến sâu hại và dịch bệnh; giúp quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào ngành nông nghiệp, quản lý việc đăng ký, thông tin của các doanh nghiệp thu mua, chế biến và phân phối các sản phẩm nông nghiệp; quản lý và khai thác thông tin nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản, quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông sản...

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025

  • Số hiệu: 307/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/08/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Huỳnh Minh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản