Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 247/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 29 tháng 12 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
TÁI CƠ CẤU NGÀNH LÚA GẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025, TẦM NHÌN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 555/QĐ-BNN-TT ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2030, với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; đáp ứng nhu cầu về gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu và nâng cao thu nhập của người dân và lợi ích của người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đảm bảo giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2025 là 76.225 ha và đến năm 2030 là 74.319 ha.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 90%; sử dụng giống chất lượng cao trên 80%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (IPM, SRP, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương (25%), canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ (1,5%),...) trên 60%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.
- Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm 30%.
- Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên.
- Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 90%.
- Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%.
- Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.
- Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH
Kế hoạch tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
1. Đánh giá hiện trạng sản xuất và kết quả thực hiện kế hoạch: Nhằm đánh giá kết quả thực hiện các nội dung hoạt động theo mục tiêu đề ra và kết quả thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
- Phương pháp thực hiện
Chọn ngẫu nhiên nông dân trực tiếp sản xuất lúa tại mỗi huyện 150 nông dân/kỳ điều tra. Phỏng vấn trực tiếp bằng phiếu khảo sát thông tin.
Quy mô: 900 phiếu/3 huyện/2 kỳ điều tra.
Số lượng: 450 phiếu đầu kỳ 450 phiếu cuối kỳ = 900 phiếu.
Địa điểm thực hiện: Tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.
Đối tượng thực hiện: Nông dân trực tiếp sản xuất lúa.
- Nội dung thực hiện
Phỏng vấn nông dân sản xuất lúa của các Tổ hợp tác (THT)/Hợp tác xã (HTX), cánh đồng lớn về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa trong vụ trước đó.
2. Xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn bằng việc tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, cơ giới hóa,..)
Nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025 tập trung các nội dung, giải pháp như sau:
- Đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo sạ với lượng giống từ 50 - 80 kg/ha.
- Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học và phân hóa học trên đồng ruộng thông qua sản xuất lúa theo GAP và lúa hữu cơ. Tận dụng nguồn dinh dưỡng trong tự nhiên và có sẵn trong vùng để trả lại một phần cho đất.
- Phối hợp các chương trình dự án trong giải pháp cơ giới hóa trong các khâu gieo sạ, phun thuốc BVTV, phun phân, tiếp cận công nghệ 4.0, dự báo sâu bệnh; đồng thời, phối hợp triển khai công nghệ số để thực hiện các giải pháp trong canh tác.
- Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất trong THT/HTX, doanh nghiệp; tạo điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện.
a) Xây dựng mô hình Ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ
Góp phần đẩy mạnh việc giảm lượng giống trên các vùng sản xuất lúa trọng điểm của thành phố và giúp nông dân tin tưởng, an tâm thực hiện giảm giống trong sản xuất xuống còn trong khoảng 60 - 100 kg/ha bằng việc ứng dụng máy sạ cụm, máy sạ hàng,... Thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa quy mô 10 ha/mô hình, 20 mô hình/ 4 năm (tương đương 200 ha/4 năm). Kết hợp tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng trên quy mô 13.000 ha/năm x 4 năm = 52.000 ha (tương ứng 70% diện tích trồng lúa của thành phố).
b) Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến
- Tập huấn cán bộ kỹ thuật, nhóm nông dân
Tập huấn về kỹ năng sản xuất, quy trình kỹ thuật sản xuất theo VietGAP, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, các tiêu chí cần đạt khi sản xuất theo VietGAP,...
Hướng dẫn nông dân THT/HTX tham gia thực hiện sản xuất lúa nhằm đạt chứng nhận VietGAP.
Số lớp tập huấn: 30 lớp.
Quy mô: 30 người/lớp.
Thời gian tập huấn: 07 ngày/lớp.
Đối tượng tham gia: Cán bộ kỹ thuật, khuyến nông cơ sở, Ban quản lý THT/HTX và nông dân nòng cốt.
- Xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP
Xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP quy mô 50 ha/mô hình, 30 mô hình/4 năm (tương đương 1.500 ha/ 4 năm). Kết hợp tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng trên quy mô 6.400 ha/năm x 3 năm = 19.200 ha (tương ứng 25% diện tích trồng lúa của thành phố).
Phương pháp thực hiện: Khảo sát các vùng sản xuất theo quy trình tiên tiến của các THT/HTX đã được tập huấn áp dụng; lấy mẫu đất trồng; nước tưới và mẫu sản phẩm để phân tích các chỉ tiêu theo quy định như vùng định hướng sản xuất theo VietGAP.
Dự kiến số lượng mẫu phân tích: 300 mẫu đất, 300 mẫu nước và 600 mẫu sản phẩm. Phương pháp lấy mẫu theo quy định.
Chỉ tiêu phân tích theo: Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) quy định về hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật trong đất trồng và nước tưới; phân tích dư lượng thuốc thuốc bảo vệ thực vật hóa học theo quy định của Việt Nam và yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Nội dung thực hiện: Kiểm soát mối nguy hóa học, vi sinh vật trong mẫu đất trồng, nước tưới và dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.
c) Xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa hữu cơ
- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật cấp thành phố, huyện, xã về sản xuất hữu cơ
Tổ chức đào tạo, phổ biến, cập nhật các quy định, tiêu chuẩn hiện hành về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao năng lực, trình độ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Nội dung thực hiện: Tổ chức đào tạo hàng năm với quy mô: 12 lớp/4 năm; 20 người/lớp; 02 ngày/lớp.
- Xây dựng và phát triển vùng canh tác hữu cơ
Chọn trong vùng đã thực hiện thành công chứng nhận VietGAP hoặc trong vùng đã xác định phát triển canh tác hữu cơ.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 1,5% diện tích được chứng nhận canh tác hữu cơ đảm bảo đầu ra. Đồng thời, đảm bảo mô hình sản xuất hữu cơ được bảo vệ, mở rộng và phát triển. Thực hiện các dự án liên kết sản xuất giúp nông dân đảm bảo đầu ra, tăng trưởng, lợi nhuận thông qua xây dựng mô hình tạo hiệu ứng lan tỏa.
Nội dung thực hiện: Tổ chức tập huấn nông dân và thực hiện mô hình trình diễn trong vùng sản xuất định hướng phát triển theo hình thức hữu cơ. Dự kiến mỗi năm chứng nhận cho 285 ha (tương ứng 1.140 ha/03 năm, tương đương 1,5% diện tích sản xuất lúa của thành phố). Tổ chức đào tạo hàng năm với quy mô: 30 lớp/4 năm; 30 người/lớp; 03 ngày/lớp.
d) Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào các mô hình sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ
- Thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ số IoT
Vùng sản xuất lúa tập trung tại 03 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai. Lắp đặt 03 thiết bị quang trắc khí tượng thủy văn tự động (thiết bị IoT) trong năm 2022 và lắp thêm 03 thiết bị vào năm 2023 để thu thập thông tin phục vụ cho công tác quản lý sản xuất cũng như công tác dự tính dự báo tình hình dịch hại trên lúa trong vùng (06 thiết bị/3 huyện/2 năm).
Quy mô 05 ha/mô hình, 36 mô hình/4 năm (180 ha/4 năm).
- Thực hiện mô hình ứng dụng Drone
Thực hiện từ khâu gieo sạ đến quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh hại trong suốt vụ lúa. Quy mô thực hiện 5 ha/mô hình x 6 mô hình/năm x 4 năm = 24 mô hình (120 ha/4 năm).
Nhân rộng vùng sản xuất trọng điểm từ các mô hình ứng dụng với tổng diện tích thực hiện mô hình IoT và Drone trong 4 năm là 300 ha. Kết hợp với tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng các mô hình này trên quy mô 3.840 ha/năm x 4 năm = 15.360 ha (tương đương 20% diện tích sản xuất lúa của thành phố).
- Xây dựng APP quản lý thông tin HTX
Dữ liệu thông tin về một tổ chức trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ cần được quản lý chặt chẽ và khi cần thiết truy xuất được đầy đủ thông tin thì cần phải có phần mềm quản lý. Đối với một HTX sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng cần nên có để quản lý thông tin HTX về thành viên, các dữ liệu của từng thành viên, các khóa huấn luyện được tổ chức, các thành viên tham gia,... đồng thời tập huấn về phương pháp sử dụng App cho lãnh đạo các HTX và cán bộ kỹ thuật.
Mục tiêu: Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý thông tin của cán bộ kỹ thuật và các HTX.
Phương pháp thực hiện: Phối hợp đơn vị chuyên ngành công nghệ thông tin xây dựng App quản lý dữ liệu về HTX và tập huấn, hướng dẫn sử dụng App cho các HTX, các cán bộ kỹ thuật quản lý.
Số lớp tập huấn: 3 lớp/năm x 2 năm = 06 lớp.
Quy mô: 30 người/lớp.
Thời gian tập huấn: 01 ngày/lớp.
Đối tượng tham gia: Cán bộ kỹ thuật, ban quản lý THT/HTX.
Nội dung thực hiện: Xây dựng App và tập huấn về kỹ năng sử dụng App quản lý thông tin HTX.
đ) Mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn bằng việc tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (IPM, 3G3T, 1P5G, SRP, cơ giới hóa,..)
- Đào tạo nông dân, HTX
Mở rộng vùng ứng dụng hệ thống các quy trình sản xuất lúa tiên tiến để giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất lúa. Đẩy mạnh công tác tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật quy trình sản xuất lúa 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho nông dân, tập huấn về sử dụng phụ phẩm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả nhằm giúp nông dân ứng dụng tốt các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa góp phần tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm chi phí sản xuất và gia tăng thu nhập cho người sản xuất.
Nội dung thực hiện: Tổ chức tập huấn nông dân hàng năm trong vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô: 120 lớp/4 năm; 30 người/lớp; 03 ngày/lớp.
- Mở rộng diện tích ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến
Thực hiện các mô hình trình diễn diện rộng nhằm giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm thực tế vừa áp dụng vào đồng ruộng của mình với các mô hình ứng dụng kỹ thuật như “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất nông nghiệp bền vững SRP, sử dụng phụ phẩm rơm sau thu hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả,...
Ứng dụng các quy trình canh tác tiên tiến: IPM, SRP, “1 phải, 5 giảm”,... với nội dung thực hiện như mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật sản xuất theo “1 phải, 5 giảm”, IPM, đáp ứng tiêu chuẩn SRP kết hợp áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đồng thời, quay video clip nội dung về quản lý sản xuất, quản lý dịch hại theo mô hình thực hiện.
Quay video clip: 3 video clip/năm x 4 năm = 12 video clip.
Quy mô: 05 ha/mô hình.
Số lượng mô hình: 3 mô hình/năm x 4 năm = 12 mô hình.
Mở rộng diện tích sản xuất lúa tiên tiến từ việc thực hiện thành công các mô hình ứng dụng kết hợp với tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng trên quy mô 11.520 ha/năm x 4 năm = 46.080 ha (tương đương 60% diện tích sản xuất lúa của thành phố).
3. Đẩy mạnh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo
Phấn đấu đến năm 2025 có 30% diện tích sản xuất lúa thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
a) Xây dựng các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo
Đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện theo chuỗi ngành hàng, đảm bảo qui mô về diện tích và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, dự kiến hỗ trợ từ 01 đến 02 đơn vị xây dựng đề án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2020 về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo định mức hỗ trợ của Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
b) Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề
Thực hiện giải pháp liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Quy mô 01 cuộc/năm; 50 người/cuộc, 01 ngày/cuộc.
c) Hỗ trợ kết nối trên trang Website
Giới thiệu sản phẩm cho các THT/HTX đạt chứng nhận sản xuất an toàn với sàn thương mại điện tử.
4. Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc gắn với an toàn thực phẩm trên sản phẩm lúa gạo
Nhằm mục tiêu quản lý cây trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, kết hợp chứng nhận diện tích sản xuất (phấn đấu đến năm 2025 đạt 30% diện tích). Xây dựng một số vùng trồng được quản lý chặt chẽ từ người sản xuất đến doanh nghiệp thu mua theo mô hình sản xuất khép kín. Sản xuất kết hợp nhiều giải pháp; trong đó, tập trung các giải pháp kỹ thuật số, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
a) Đào tạo, tập huấn về kiểm dịch thực vật
- Theo Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 774:2020/BVTV, để cấp mã số vùng trồng thì vùng sản xuất đó phải đáp ứng đủ 5 yêu cầu, trong đó yêu cầu về sinh vật gây hại và biện pháp quản lý theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật, phải có biện pháp quản lý để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Đồng thời, có biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm sinh vật gây hại theo hàng hóa và phải thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng như ghi chép nhật ký sản xuất để phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cần phải đạt.
- Nội dung thực hiện: Tổ chức tập huấn nông dân về kiểm dịch thực vật, quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất trong vùng sản xuất lúa đã được chọn và định vị với quy mô: 70 lớp/4 năm; 30 người/lớp; 01 ngày/lớp.
- Tập huấn cách sử dụng APP về ghi nhật ký sản xuất nhằm giúp nông dân cập nhật thông tin về sản xuất nhanh, gọn, đầy đủ, kịp thời; cho cán bộ quản lý và BQL THT/HTX (30 người/lớp, 3 ngày/lớp, 02 lớp).
b) Thẩm định cấp mã số vùng trồng
- Vùng trồng cần được kiểm tra, đánh giá định kỳ để cấp mã số nếu đạt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Kiểm tra việc ứng dụng hệ thống các quy trình sản xuất lúa tiên tiến để giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong sản xuất lúa, ghi chép nhật ký sản xuất của nông dân,...
- Nội dung thực hiện: Tổ chức hoạt động thẩm định và kiểm tra định kỳ vùng trồng, đảm bảo duy trì việc cấp mã số vùng trồng được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc trên quy mô: 5.760 ha/năm x 4 năm = 23.040 ha (tương đương 30% diện tích sản xuất lúa của thành phố).
5. Tăng cường sử dụng phụ phẩm trong sản xuất lúa thông qua các mô hình trồng nấm rơm và sử dụng chế phẩm Trichoderma phân hủy rơm rạ
a) Mô hình trồng nấm rơm
Sau khi thu hoạch lúa, nguồn rơm rạ còn lại trên đồng lớn. Theo kỹ thuật sản xuất lúa bền vững SRP, nguồn rơm rạ này tuyệt đối không được đốt do việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc sử dụng các phụ phẩm trong sản xuất lúa để tái tạo năng lượng cho đồng ruộng, tăng cường giải pháp thu gom rơm rạ tạo điều kiện thúc đẩy ngành hàng tiếp theo tạo ra nguồn thực phẩm cho con người, thức ăn chăn nuôi và sản xuất phân hữu cơ.
- Thực hiện 12 mô hình trồng nấm rơm góp phần tăng thu nhập cho nông dân từ các phụ phẩm như rơm, rạ.
Mục tiêu: Tận dụng nguồn phụ phẩm rơm tại chỗ và lao động nông nhàn sau khi thu hoạch lúa giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Quy mô: 500 m2/mô hình.
Số lượng mô hình: 3 mô hình/năm x 4 năm = 12 mô hình.
Nội dung thực hiện: Thực hiện mô hình kỹ thuật sản xuất nấm rơm bằng việc tận dụng nguồn rơm rạ tại chỗ và lao động nông nhàn rỗi sau vụ lúa.
b) Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma để phân hủy rơm rạ
- Ngoài việc thu gom làm nguyên liệu sản xuất nấm, rơm còn dùng làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò và dùng để sản xuất phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, đặc biệt là hoa kiểng. Phân rơm thường được sử dụng làm giá thể trồng hoa Cúc và hoa Vạn Thọ phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc hay các ngày rằm và 30 hàng tháng. Vì thế, việc sử dụng nấm Trichoderma tưới trực tiếp lên rơm sau khi thu hoạch rồi xới vùi sẽ giúp trả lại nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đất cần thời gian cho phân hủy rơm, rạ ít nhất 03 tuần lễ.
Mục tiêu: Trực tiếp trả lại nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đất vào cuối mỗi vụ thu hoạch lúa.
Quy mô: 50 ha/mô hình.
Số lượng mô hình: 3 mô hình/năm x 4 năm = 12 mô hình.
Nội dung thực hiện: Phun nấm Trichoderma trực tiếp lên rơm rạ sau khi thu hoạch lúa của ruộng lúa sản xuất theo tiêu chuẩn SRP.
- Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả được thực hiện hàng năm với quy mô 01 ha/mô hình x 2 mô hình/năm x 4 năm = 08 mô hình (08 ha/4 năm).
6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền
- Thực hiện hội nghị triển khai kế hoạch, sơ kết, tổng kết và liên kết tiêu thụ; đăng báo và tổ chức thực hiện phóng sự, tọa đàm nhằm thông tin tuyên truyền về kế hoạch và kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành lúa gạo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Phương pháp thực hiện:
Hội nghị triển khai kế hoạch, sơ kết, tổng kết và liên kết tiêu thụ. Quy mô 03 cuộc/4 năm; 50 người/cuộc, 01 ngày/cuộc.
Báo: Thực hiện 16 kỳ đăng báo (01 kỳ/quý, 04 kỳ/năm).
Phóng sự, tọa đàm: Thực hiện 01 cuộc phóng sự, tọa đàm/năm, trong 04 năm thực hiện 04 cuộc.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Thời gian thực hiện: Từ năm 2022 đến năm 2025.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch Tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030 là 75.327.430.000 đồng (Bảy mươi lăm tỷ, ba trăm hai mươi bảy triệu, bốn trăm ba mươi ngàn đồng), trong đó:
- Vốn đề xuất ngân sách thành phố: 49.543.180.000 đồng.
- Vốn đối ứng của doanh nghiệp: 7.200.000.000 đồng
- Vốn đối ứng của nông dân: 18.584.250.000 đồng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp thực hiện các nội dung như sau:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hàng năm, xây dựng dự toán chi tiết thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định.
- Làm đầu mối phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh sản xuất ngành hàng lúa gạo. Phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao sản xuất cho người dân. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện xây dựng vùng bảo vệ đất trồng lúa.
- Theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm, kịp thời tổng hợp những khó khăn vướng mắc trong triển khai Kế hoạch và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn.
- Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết kế hoạch theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.
2. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự toán kinh phí; cân đối, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này.
3. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan, doanh nghiệp xúc tiến kết nối, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân xây dựng ngành hàng lúa gạo.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ, khai thác quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm lúa, gạo thành phố Cần Thơ.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp triển khai đánh giá thành phần đất, quy hoạch bảo vệ phát triển đất trồng lúa.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, cung cấp thông tin cho cơ quan báo, đài địa phương, Văn phòng đại diện báo chí trung ương và địa phương khác đóng trên địa bàn, hệ thống đài truyền thanh cơ sở... đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, khuyến khích người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn.
7. Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn cơ sở tham gia mô hình tại địa bàn quản lý.
- Chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm dựa trên Kế hoạch này để cụ thể hóa các hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra.
- Chủ trì bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa; nâng cao tập huấn triển khai tiến bộ kỹ thuật trồng lúa cho người dân.
Trên đây là Kế hoạch Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn năm 2030, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch tổ chức thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 3878/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020
- 2Quyết định 34/2019/QĐ-UBND quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý đất đai, giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025
- 3Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 4Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 3878/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững tỉnh An Giang từ nay đến năm 2020
- 2Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 3Quyết định 34/2019/QĐ-UBND quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý đất đai, giải quyết các thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025
- 4Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do thành phố Cần Thơ ban hành
- 5Quyết định 555/QĐ-BNN-TT năm 2021 về Phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Kế hoạch 307/KH-UBND năm 2022 về Phát triển ngành hàng lúa gạo tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025
- 7Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2022 về Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn năm 2030
- Số hiệu: 247/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 29/12/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Nguyễn Ngọc Hè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 29/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra