Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3001/KH-UBND

Bình Dương, ngày 01 tháng 09 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020”

Thực hiện Quyết định số 231/QĐ-TTg , ngày 13/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp; tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Huy động các nguồn lực tham gia tổ chức học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho công nhân lao động trên cơ sở thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp; phát huy vai trò chủ thể của công nhân lao động; sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; hướng dẫn, tạo điều kiện của các Bộ, ngành, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Công đoàn Việt Nam với việc phát huy vai trò của hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học, trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm Công đoàn.

3. Tổ chức các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động phù hợp với tính chất, đặc điểm của các loại hình doanh nghiệp và điều kiện sống, làm việc của công nhân lao động ở từng nơi, ưu tiên công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; gắn tổ chức các hoạt động học tập suốt đời với giải quyết những nhu cầu chính đáng của công nhân lao động.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động trong các doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất tích cực tham gia học tập nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần tri thức hóa giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng vững mạnh, đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

a) Về trình độ học vấn

70% công nhân lao động trong các doanh nghiệp nói chung, 80% công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có trình độ học vấn trung học phổ thông.

b) Về kỹ năng nghề nghiệp

- Vận động tạo điều kiện để 80% công nhân lao động trong các doanh nghiệp nói chung, 90% công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được qua đào tạo nghề. 50% công nhân lao động được đào tạo lại, 40% công nhân lao động có tay nghề cao.

- Hàng năm tạo điều kiện để công nhân lao động trong các doanh nghiệp nói chung, công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia học tập Ngoại ngữ, Tin học.

c) Về nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật

- Phấn đấu 70% công nhân lao động nói chung và 100% công nhân lao động là Đảng viên được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những bài chính trị cơ bản, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động. Nơi nào có điều kiện thì tổ chức cho công nhân lao động học các chương trình sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị hoặc cao hơn.

d) Về kỹ năng sống

- Phấn đấu 70% công nhân lao động được học tập, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về nắm bắt thông tin, kỹ năng tiếp cận cộng đồng, kỹ năng chăm sóc sức khỏe bản thân, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội.

- Phấn đấu 70% nữ công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được học tập, tìm hiểu kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm để các cấp, các ngành, người sử dụng lao động; vận động công nhân lao động tham gia học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập

a) Tổ chức nghiên cứu thực tế, khảo sát tại các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, về tình hình, nhu cầu học tập của công nhân lao động để đề xuất các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp.

b) Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, công nhân lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời cho cán bộ công đoàn làm công tác tuyên truyền, nhất là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở.

c) Tổ chức các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, vận động công nhân lao động học tập, nâng cao trình độ chính trị, học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp qua phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

d) Tổ chức biên soạn và in ấn tài liệu về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tầm quan trọng của việc tham gia học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập cho các đối tượng là người sử dụng lao động và người lao động.

đ) Tổ chức tuyên truyền xây dựng xã hội học tập thông qua phong trào tổ hiếu học, phân xưởng hiếu học, doanh nghiệp hiếu học, phát động phong trào doanh nghiệp học tập.

e) Tuyên truyền, vận động để khôi phục lại phong trào học bổ túc văn hóa và phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi hàng năm cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

g) Xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp phục vụ công nhân lao động, ưu tiên doanh nghiệp ở các khu cụm công nghiệp.

h) Tổ chức các hoạt động truyền thông tư vấn, các diễn đàn về công tác gia đình, chăm sóc nuôi dạy con, bảo vệ sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội cho nữ công nhân lao động, nhất là nữ công nhân lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

2. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chc, doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập

a) Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức các lớp học xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề nghiệp; các lớp kèm cặp tay nghề, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hàng năm cho công nhân lao động, nhất là công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

b) Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, với các doanh nghiệp; xây dựng chính sách khuyến khích công nhân lao động tự học, tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

c) Phối hợp nghiên cứu, biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công nhân lao động học tập nâng cao nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học; xây dựng chương trình, nội dung và tổ chức các lớp học phù hợp với điều kiện sống, làm việc của công nhân lao động.

d) Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại với người sử dụng lao động để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động vào thỏa ước lao động tập thể với sự tạo điều kiện cụ thể của doanh nghiệp về thời gian, kinh phí, vật chất, động viên, khuyến khích công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Đẩy mạnh phong trào ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp hàng năm.

đ) Vận động người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống phục vụ công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đông công nhân lao động; tạo điều kiện để công nhân lao động tham gia học tập tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục, đào tạo khác.

e) Mỗi năm lựa chọn, trao tặng 500 suất học bổng toàn phần, 500 suất học bổng bán phần cho các công nhân lao động tiêu biểu, theo học các lớp đào tạo dài hạn đạt được thành tích cao về học vấn, trình độ chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học.

3. Nghiên cứu xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp

a) Thống kê, rà soát, khảo sát thực tế hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.

b) Đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách, báo cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để xây dựng “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động tại các khu, cụm công nghiệp;

Mỗi “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” được trang bị 02 tủ sách học tập, một số loại báo chí cần thiết, 01 bộ máy vi tính nối mạng internet, 01 bộ tivi và đầu DVD.

c) Các khu, cụm công nghiệp ưu tiên bố trí diện tích nhà cho “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phù hợp với quy mô công nhân và giao cho Công đoàn các khu công nghiệp quản lý để phục vụ công nhân lao động học tập, sinh hoạt văn hóa.

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án và đánh giá mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án và công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Đề án bao gồm:

- Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương).

- Tài chính công đoàn.

- Kinh phí xã hội hóa với sự đóng góp của doanh nghiệp và các nguồn tài chính hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Liên đoàn Lao động tỉnh

- Chủ trì triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”;

- Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án;

- Chỉ đạo các cấp Công đoàn triển khai thực hiện Đề án, gắn với triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của ngành, địa phương, đơn vị và doanh nghiệp;

- Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, đôn đốc; tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh;

2. Sở Giáo dc và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh hướng dẫn mở các lớp bổ túc văn hóa tại doanh nghiệp; tổ chức các lớp học xóa mù chữ và phổ cập tiểu học cho công nhân lao động là người dân tộc thiểu số, công nhân lao động nghèo tại doanh nghiệp;

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và các Sở, Ban, Ngành nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập bằng các hình thức;

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng bộ chỉ số đánh giá việc thực hiện xây dựng xã hội học tập trong doanh nghiệp;

- Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Liên đoàn Lao động huyện, thị xã, thành phố triển khai Đề án theo đúng hướng dẫn của tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Phối hợp với các ngành liên quan mở rộng các hình thức dạy nghề trong các doanh nghiệp, dạy nghề gắn với sản xuất và dạy nghề ở khu, cụm công nghiệp;

- Chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành liên quan và kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc xây dựng kế hoạch; tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động

- Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng cơ chế, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức các lớp ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hàng năm tại doanh nghiệp.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp với tổ chức công đoàn các cấp tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và tình hình, kết quả triển khai thực hiện Đề án;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc thực hiện Đề án với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để mọi người nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của Đề án.

5. S Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh cùng các đơn vị có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Đề án này theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc lập, chấp hành dự toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm và từng giai đoạn phù hợp với chiến lược kinh tế xã hội của địa phương đến năm 2020; bố trí ngân sách cho các hoạt động xây dựng xã hội học tập của địa phương;

- Tuyên truyền, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành các chương trình, chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; nhất là các chủ trương, chính sách đảm bảo phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên, tổ chức dạy nghề ở các cơ quan cấp huyện, thị xã, thành phố;

- Tạo điều kiện cho hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn; có biện pháp tích cực, nội dung cụ thể giúp các địa phương có khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án; xây dựng mô hình xã hội học tập; quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chế độ chính sách, tổ chức bộ máy, kinh phí hoạt động của Đề án theo đúng quy định của nhà nước.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của địa phương tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, tình hình và kết quả triển khai thực hiện Đề án;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương;

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị có ý kiến gửi về Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, TT HĐND tỉnh.
- CT, PCT UBND tỉnh
- Ban DVTU, Ban TGTU;
- Sở: GDĐT, LĐTBXH, TTTT;
- Sở: KH&ĐT, TC;
- UBND huyện, thị xã, TP;
- Ban QLCKCN, BQL VSIP;
- Hội Khuyến học tỉnh; Web;
- LĐVP, Tg, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Trần Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3001/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại doanh nghiệp đến năm 2020” do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 3001/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Trần Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản