Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3000/KH-UBND

Khánh Hòa, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2017-2020

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 885-CV/TU ngày 08 tháng 02 năm 2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về việc triển khai nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân; xét đề nghị của Sở Ngoại vụ tại Văn bản số 377/SNgV-TTĐN&HTQT ngày 31 tháng 3 năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức nhân dân trong các hoạt động đối ngoại nhân dân; nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác đối ngoại nhân dân, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

- Làm cho nhân dân các nước hiểu rõ hơn về đất nước, truyền thống, con người Việt Nam, chính sách đối ngoại, đối nội của Đảng và Nhà nước ta, những thành tựu của công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh với những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững môi trường ổn định để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

- Mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế, tích cực vận động tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, sự quản lý tập trung của Đảng và Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước một cách “Chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại của đất nước.

- Xác định đầy đủ các nhiệm vụ về công tác đối ngoại nhân dân theo đúng tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư và Hướng dẫn số 02-HD/BĐNTW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Ban Đối ngoại Trung ương quán triệt và triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về sơ kết 5 năm và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW. Trên cơ sở đó, phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhân dân, đảm bảo việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị đạt hiệu quả.

II. Nội dung triển khai

1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các quan điểm, đường lối chính sách và phương châm trong công tác đối ngoại của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới theo Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Hướng dẫn số 02-HD/BĐNTW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Ban Đối ngoại Trung ương quán triệt và triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về sơ kết 5 năm và tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW; cụ thể hóa các văn bản của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc và phát huy mạnh mẽ tính chủ động, tích cực, linh hoạt của đối ngoại nhân dân.

2. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại nhân dân với đối ngoại của Đảng và ngoại giao Nhà nước, giữa các tổ chức đối ngoại nhân dân nhằm phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp, đảm bảo sự thống nhất của các tổ chức trên mặt trận đối ngoại nhân dân. Kịp thời đấu tranh chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chống lại những kẻ lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; bảo vệ hình ảnh, lợi ích quốc gia, dân tộc và quê hương Khánh Hòa.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh Khánh Hòa với bạn bè và nhân dân thế giới, đồng thời, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta cho người Việt Nam ở nước ngoài và cho các tổ chức, cá nhân ngoài nước làm việc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, gắn kết các hoạt động đối ngoại nhân dân với công tác vận động kiều bào tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương Khánh Hòa trở thành tỉnh giàu đẹp của cả nước.

4. Chú trọng mở rộng quan hệ hữu nghị, giao lưu hợp tác, củng cố bền chặt hơn tình hữu nghị với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống một cách toàn diện và đi vào chiều sâu. Trong đó, tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các đối tác trong khu vực Đông Nam Á và các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Canada, Nga, Pháp, Lào, Campuchia…; giữa tỉnh và nhiều địa phương của các nước, nhằm hình thành mạng lưới ngoại giao, hữu nghị giữa tỉnh với các khu vực trên thế giới.

5. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại nhân dân. Tập trung đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Tiếp tục quan tâm xúc tiến quảng bá đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư ở nước ngoài đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác vận động viện trợ, tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ, trí thức, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam, thông lệ quốc tế và quy định của tỉnh.

6. Tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với công tác đối ngoại nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia vào các hoạt động đối ngoại nhân dân.

7. Kiện toàn, củng cố bộ máy, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững nghiệp vụ đối ngoại, có chuyên môn về ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hoạt động của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc để tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác đối ngoại nhân dân.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Ngoại vụ

- Tăng cường công tác thông tin về tình hình quốc tế và khu vực cho quần chúng nhân dân địa phương để góp phần nâng cao bản lĩnh hội nhập, tạo được nhận thức chung và sự đồng thuận xã hội về các vấn đề quốc tế và đối ngoại; đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền của ta trên biển Đông; đường biên giới trên biển, hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng; tôn trọng luật pháp, công ước quốc tế và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; chủ động đấu tranh chống những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch, nhất là các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, biên giới, lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí...

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua các kênh đoàn ra, đoàn vào, hội nghị, hội thảo quốc tế, báo chí nước ngoài, các trang thông tin điện tử, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

- Tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn báo chí nước ngoài đến tác nghiệp tại tỉnh, khám phá, tìm hiểu các danh lam thắng cảnh của địa phương. Đồng thời, tranh thủ thiện chí của một số tờ báo nước ngoài, một số đoàn báo chí nước ngoài tổ chức họp báo, đưa tin để phản bác lại những thông tin sai lệch của các phần tử cơ hội chống phá Đảng và Nhà nước ta.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đón tiếp chu đáo các đoàn đầu tư lớn, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, chủ động phối hợp các cơ quan Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài triển khai kế hoạch quảng bá, xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại trong và ngoài nước thông qua các sự kiện lớn, hội nghị, hội thảo, hội chợ du lịch, triển lãm thương mại quốc tế tại các thị trường tiềm năng của các nước như: Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc... nhằm tăng cường xuất khẩu các sản phẩm địa phương đến với thị trường thế giới; đồng thời kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào tỉnh.

- Củng cố, phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa địa phương, đơn vị của tỉnh với địa phương, đơn vị nước ngoài: tham mưu việc tổ chức Đoàn cán bộ của tỉnh đi thăm và làm việc với một số địa phương nước ngoài có quan hệ hợp tác với tỉnh nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kiều bào Khánh Hòa ở nước ngoài giới thiệu những thành tựu trong công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh Khánh Hòa với bạn bè và nhân dân thế giới, đồng thời, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước ta cho người Việt Nam ở nước ngoài và cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, gắn kết các hoạt động đối ngoại nhân dân với công tác vận động kiều bào tích cực tham gia đóng góp xây dựng quê hương Khánh Hòa trở thành tỉnh giàu đẹp của cả nước.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tiếp xúc, gặp mặt nhân các dịp lễ, Tết nhằm thắt chặt tình hữu nghị với cộng đồng người nước ngoài, kiều bào và thân nhân kiều bào tại địa phương.

- Tham mưu ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của tỉnh phù hợp với Quy chế của Trung ương (kèm theo Quyết định số 295-QĐ/TW ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Bộ Chính trị (khóa X)).

- Chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, cùng các cơ quan đơn vị tham mưu và triển khai công tác đối ngoại nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi phụ trách; theo dõi, tổng hợp tình hình kết quả triển khai công tác đối ngoại nhân dân đột xuất hay định kỳ theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

Cụ thể hóa công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ hơn về đất nước, con người các quốc gia ASEAN, về văn hóa, lễ nghi, tôn giáo... nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cơ bản, cần thiết trong quá trình hội nhập khu vực, từ đó xây dựng mối quan hệ đối ngoại nhân dân phù hợp và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chú trọng tăng cường hơn nữa việc xây dựng mối quan hệ thông qua vận động, mời gọi các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hợp tác, đầu tư, hỗ trợ cho địa phương, làm cho nhân dân địa phương các nước hiểu rõ hơn về đất nước, con người Khánh Hòa nhằm tranh thủ nguồn vốn nước ngoài như ODA, FDI và viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho đầu tư phát triển tỉnh nhà; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của họ trong thực hiện đường lối bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, tiến đến hợp tác liên kết và phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nên sức mạnh hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân của cả hệ thống chính trị.

4. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện công tác đối ngoại nhân dân cho các đơn vị thực hiện.

5. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh

Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương,... triển khai công tác đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh, trong đó:

- Phát huy tốt vai trò đầu mối, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của tỉnh.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và các tổ chức thành viên. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh với các cơ quan, đơn vị liên quan và các tổ chức thành viên nhằm thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm.

- Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác hữu nghị, trọng tâm là tạo mối gắn kết với các nước láng giềng (Campuchia, Lào,...) và các nước trong cộng đồng ASEAN; chủ động tham gia tìm hiểu, mở rộng hợp tác với các tổ chức nhân dân trong khối ASEAN, trao đổi kinh nghiệm công tác về việc các đoàn thể nhân dân tham gia quản lý xã hội, góp phần vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong khu vực, tranh thủ sự ủng hộ đối với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo của nước ta.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Điều Phối Viện Trợ Nhân Dân (PACCOM) đề nghị hỗ trợ vận động các dự án lớn có tính bền vững về cho tỉnh, cũng như việc tăng cường thông tin, giới thiệu năng lực, lĩnh vực viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, tạo điều kiện cho địa phương được tìm hiểu, tiếp cận và vận động sự hỗ trợ của các tổ chức này.

- Phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về công tác đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

- Chủ động kết nối, tăng cường quan hệ với kiều bào, các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài. Qua đó, giữ vững mối quan hệ với các đối tác hiện có và tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác mới nhằm vận động đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật...

- Nâng cao chất lượng trang thông tin điện tử và bản tin hữu nghị để thực hiện hiệu quả công tác dân vận, tuyên truyền, làm cho nhân dân trong tỉnh, kiều bào và nhân dân các nước trên thế giới hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

- Chủ động xây dựng dự toán kinh phí thực hiện công tác đối ngoại nhân dân vào thời điểm xây dựng dự toán hàng năm, gửi về Sở Tài chính tổng hợp.

6. Các sở, ban, ngành; các tổ chức đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp thuộc tỉnh

- Thường xuyên kiểm tra, rà soát để thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư, Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 26 tháng 10 năm 2011 triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06 tháng 7 năm 2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới đến các tầng lớp nhân dân nhằm giúp hiểu rõ hơn về chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước ta về công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

- Lãnh đạo, quản lý và phân cấp quản lý các hoạt động đối ngoại nhân dân ở ngành và địa phương phù hợp với quy định. Phân công 01 cán bộ trong Văn phòng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố kiêm nhiệm công tác đối ngoại của địa phương (nếu có); đánh giá hiệu quả quan hệ hợp tác của địa phương với các địa phương kết nghĩa của các nước, qua đó, tiếp tục có kế hoạch để xây dựng, phát triển các mối quan hệ này ngày càng hiệu quả hơn.

- Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện công tác đối ngoại nhân dân vào thời điểm xây dựng dự toán hàng năm, gửi về Sở Tài chính tổng hợp.

- Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm gửi báo báo tổng hợp tình hình, kết quả triển khai công tác đối ngoại nhân dân của cơ quan, đơn vị, địa phương mình cho Sở Ngoại vụ để tổng hợp, báo cáo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện đảm bảo Kế hoạch đề ra. Nếu có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thông qua Sở Ngoại vụ./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc