Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 07 tháng 4 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trên cơ sở ý kiến đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 184/TTr-STTTT ngày 20/3/2014, UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015” với những nội dung sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

- Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

- Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

- Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

- Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ, về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Thông tư số 05/2010/TT-BNV ngày 17/2010 của Bộ Nội vụ, về hướng dẫn cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị;

- Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 3/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư tín điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 170/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số và Nghị định số 106/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007;

- Công văn số 217/BCY ngày 23/4/2013 của Ban Cơ yếu Chính phủ, về việc hướng dẫn ứng dụng chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ công chức trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong hoạt động tác nghiệp giữa cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp trên môi trường mạng.

- Từng bước tích hợp hệ thống chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh, góp phần đẩy mạnh việc trao đổi văn bản điện tử, phục vụ cải cách hành chính, hướng tới Chính phủ điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2015

- 100% các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ứng dụng chữ ký số vào hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm theo dõi nhiệm vụ của tỉnh và phần mềm “một cửa điện tử hiện đại” tại các đơn vị đã được triển khai.

- Trên 60% văn bản hành chính được luân chuyển giữa các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện dưới dạng văn bản điện tử có ứng dụng chữ ký số.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Triển khai ứng dụng chữ ký số

- Đăng ký và cấp, chuyển giao chứng thư số chuyên dùng cho các đối tượng sử dụng, gồm: Chứng thư số cá nhân (dành cho lãnh đạo cơ quan) và chứng thư số dành cho tổ chức (giao văn thư cơ quan giữ).

- Triển khai sử dụng chứng thư số trong hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh và phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc (gọi tắt là TDOffice).

- Triển khai tích hợp chữ ký số vào phần mềm một cửa điện tử, phần mềm theo dõi nhiệm vụ của tỉnh.

2. Tăng cường nhận thức, đào tạo nhân lực cho ứng dụng chữ ký số

- Tổ chức hội nghị để giới thiệu, tăng cường nhận thức cho các cơ quan, cán bộ, công chức về chữ ký số và áp dụng chữ ký số với văn bản điện tử.

- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức được cấp chứng thư số nhằm mục tiêu khai thác, sử dụng có hiệu quả ứng dụng chữ ký số.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách CNTT tại các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ người dùng khi ứng dụng chứng thư số tại các cơ quan, đơn vị.

3. Lộ trình thực hiện:

a) Năm 2014

- Tổ chức Hội nghị làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ về việc triển khai ứng dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai việc đăng ký, cấp chứng thư số chuyên dùng cho 9 đơn vị làm thí điểm (Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ, UBND thành phố Thanh Hóa, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND thị xã Sầm Sơn), gồm các đối tượng:

+ Văn thư các cơ quan;

+ Lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh (Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương);

+ Lãnh đạo UBND thị xã, thành phố (Chủ tịch, Phó Chủ tịch);

+ Lãnh đạo Văn phòng cấp Sở và cấp huyện (Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương);

- Tổ chức tập huấn về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng, chữ ký số trên hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm TDOffice và các phần mềm ứng dụng có liên quan khác cho các cán bộ, công chức của 9 đơn vị làm thí điểm.

- Xây dựng và triển khai phần mềm tích hợp ứng dụng chữ ký số trên hệ thống TDOffice tại 9 đơn vị làm thí điểm.

b) Năm 2015

- Triển khai phần mềm tích hợp ứng dụng chữ ký số trên phần mềm TDOffice tại 39 đơn vị là các Sở, ban, ngành và UBND các huyện còn lại của tỉnh.

- Triển khai việc đăng ký, cấp chứng thư số chuyên dùng cho 39 đơn vị, gồm các đối tượng:

+ Văn thư các cơ quan;

+ Lãnh đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh (Giám đốc, Phó Giám đốc và tương đương);

+ Lãnh đạo UBND các huyện (Chủ tịch, Phó Chủ tịch);

+ Lãnh đạo Văn phòng cấp Sở và cấp huyện (Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng và tương đương);

- Tổ chức tập huấn về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng, chữ ký số trên hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm TDOffice, các phần mềm ứng dụng có liên quan khác cho các cán bộ, công chức được cấp chứng thư số năm 2015;

- Tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về ứng dụng chữ ký số và các ứng dụng có liên quan cho đội ngũ cán bộ quản trị mạng tại các cơ quan nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ người dùng khi ứng dụng chứng thư số, chữ ký số tại các cơ quan và đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng;

- Xây dựng và triển khai tích hợp ứng dụng chữ ký số vào Phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

- Xây dựng và triển khai tích hợp ứng dụng chữ ký số vào hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” hiện đại tại 20 UBND cấp huyện (là các cơ quan cấp huyện đã triển khai hệ thống “một cửa điện tử” hiện đại).

- Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả triển khai ứng dụng chữ ký số và phương hướng xây dựng Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng giai đoạn tiếp theo trên quy mô lớn (triển khai đến các xã, phường, thị trấn), đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số vào dịch vụ công trực tuyến.

IV. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp tài chính

- Hằng năm bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh cho việc triển khai ứng dụng chữ ký số theo lộ trình Kế hoạch này.

- Khuyến khích các cơ quan nhà nước chủ động bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực khác nhằm đa dạng hóa nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ về hoàn thiện hạ tầng CNTT tại các đơn vị để sẵn sàng cho việc ứng dụng chữ ký số.

2. Giải pháp triển khai

- Tuyên truyền về sự cần thiết và tính hiệu quả của việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, thường xuyên cập nhập kịp thời về ứng dụng chữ ký số trong nước và trên thế giới, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số đối với văn bản điện tử.

- Tập trung hoàn thành sớm các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT nhằm đảm bảo hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, hệ thống thư điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm theo dõi nhiệm vụ, hệ thống “một cửa điện tử” hiện đại.

- Xây dựng quy chế sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước; lồng ghép nội dung quy định về chữ ký số trong những quy chế vận hành, duy trì hoạt động của các hệ thống thông tin tích hợp.

3. Giải pháp về tổ chức chỉ đạo thực hiện

- Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc triển khai ứng dụng chữ ký số.

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm đảm bảo việc triển khai cung cấp chữ ký số theo nội dung Kế hoạch.

- Nâng cao năng lực, nghiệp vụ quản lý công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị; đảm bảo công tác tham mưu, hỗ trợ triển khai Kế hoạch.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước tỉnh đến năm 2015 dự kiến là: 1.834.640.000 đồng (Bằng chữ: một tỷ, tám trăm ba tư triệu, sáu trăm bốn mươi nghìn đồng chẵn).

Trong đó:

Năm 2014: 317.940.000 đồng

Năm 2015: 1.516.700.000 đồng.

(Nội dung triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước Thanh Hóa đến năm 2015 theo phụ lục đính kèm).

2. Nguồn kinh phí: Nguồn sự nghiệp kinh tế dành cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh được giao hàng năm.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tổ chức triển khai và hướng dẫn các đơn vị thực hiện Kế hoạch này. Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung về mục tiêu và nội dung của Kế hoạch.

- Chủ động đấu mối, làm việc với Ban Cơ yếu Chính phủ để triển khai và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước của tỉnh có hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng các quy định, quy chế để đảm bảo môi trường pháp lý trong hoạt động ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước của tỉnh.

- Tổ chức triển khai, hướng dẫn lập dự toán kinh phí thực hiện nội dung Kế hoạch theo quy định hiện hành, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

2. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm thực hiện Kế hoạch này theo lộ trình.

- Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định.

3. Văn phòng UBND tỉnh

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong quá trình triển khai ứng dụng chữ ký số.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai tích hợp chữ ký số lên hệ thống thư điện tử công vụ và phần mềm TDOffice.

- Triển khai ứng dụng chữ ký số trên phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh triển khai các Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh. Lồng ghép các tiêu chí sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử vào bộ tiêu chí đánh giá về cải cách thủ tục hành chính.

5. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ động cân đối, huy động các nguồn kinh phí để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT (Đầu tư, bổ sung, thay thế, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật máy chủ, máy trạm, mạng máy tính, hệ thống bảo mật, an ninh mạng, phần mềm bản quyền, phần mềm ứng dụng và nhân lực CNTT...) phục vụ công tác triển khai ứng dụng chữ ký số tại cơ quan, đơn vị mình. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác đăng ký, chuyển giao, quản lý và sử dụng chứng thư số.

- Chủ động tổ chức triển khai tích hợp chứng thư số vào các ứng dụng chuyên ngành do cơ quan, đơn vị mình chủ trì triển khai.

- Định kỳ báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông về việc triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số tại cơ quan, đơn vị.

Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hồi

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2015
(Kèm theo Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 07/4/2014 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Nội dung thực hiện

Đơn vị chủ trì thực hiện

Dự kiến kinh phí (đồng)

I

Năm 2014:

317.940.000

1

Tổ chức Hội nghị làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ về việc triển khai ứng dụng chữ ký số trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông

20.900.000

2

Xây dựng và triển khai phần mềm tích hợp ứng dụng chữ ký số trên hệ thống TDOffice tại 9 cơ quan đã được cấp chứng thư số

Sở Thông tin và Truyền thông

187.840.000

3

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng trên hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm TDOffice, phần mềm theo dõi nhiệm vụ và các ứng dụng có liên quan cho 9 cơ quan nhà nước. Các đối tượng đào tạo gồm: Văn thư, lãnh đạo cấp Sở, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo văn phòng, quản trị mạng (Dự kiến 02 lớp: 40 học viên/lớp)

Sở Thông tin và Truyền thông

109.200.000

II

Năm 2015:

 

1.516.700.000

1

Triển khai phần mềm tích hợp ứng dụng chữ ký số vào phần mềm TDOffice tại 39 cơ quan nhà nước

Sở Thông tin và Truyền thông

407.100.000

2

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng trên hệ thống thư điện tử công vụ, phần mềm TDOffice, phần mềm theo dõi nhiệm vụ và các ứng dụng có liên quan cho 39 cơ quan nhà nước. Các đối tượng đào tạo gồm: Văn thư, lãnh đạo cấp Sở, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo văn phòng (8 lớp: 40 học viên/lớp)

Sở Thông tin và Truyền thông

436.800.000

3

Tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về ứng dụng chữ ký số và các ứng dụng có liên quan cho cán bộ làm công tác quản trị mạng tại các cơ quan nhằm đảm bảo khả năng hỗ trợ người dùng khi ứng dụng chứng thư số tại các cơ quan và đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng (Dự kiến 1 lớp 50 học viên của 48 cơ quan).

Sở Thông tin và Truyền thông

200.000.000

4

Xây dựng và triển khai tích hợp ứng dụng chữ ký số vào Phần mềm theo dõi thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Văn phòng UBND tỉnh

109.400.000

5

Xây dựng và Triển khai phần mềm tích hợp ứng dụng chữ ký số vào hệ thống “một cửa điện tử” hiện đại tại 20 UBND huyện

Sở Thông tin và Truyền thông

320.400.000

6

Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá hiệu quả triển khai ứng dụng chữ ký số và phương hướng xây dựng Kế hoạch triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng giai đoạn tiếp theo.

Sở Thông tin và Truyền thông

43.000.000

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 30/KH-UBND năm 2014 ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015

  • Số hiệu: 30/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/04/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hồi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản