Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 295/KH-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI QUY HOẠCH TỔNG THỂ ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 8220/TTr-STNMT-TNN ngày 02/11/2021.

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành kế hoạch triển khai quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố (sau đây viết tắt là Kế hoạch) như sau:

I. QUAN ĐIỂM, PHẠM VI

1. Quan điểm:

1.1. Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng thủ đô, quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và đảm bảo tính khả thi, kế thừa kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đã thực hiện.

1.2. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra đánh giá, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, phục vụ khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông, các vùng kinh tế, phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Hà Nội trong điều kiện biến đổi khí hậu.

1.3. Ưu tiên công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội phát triển và nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học.

1.4. Huy động tối đa các nguồn lực, các thành phần kinh tế kết hợp với hợp tác quốc tế tham gia công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong điều tra cơ bản tài nguyên nước.

1.5. Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương; lồng ghép tối đa với các lĩnh vực khác có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, môi trường nước; kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có.

1.6. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững đối với tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.

2. Phạm vi:

2.1. Thực hiện đối với nguồn nước nội tỉnh trên địa bàn Thành phố và bao gồm các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại Điều 12 Luật Tài nguyên nước.

2.2. Phối hợp thực hiện đối với các nguồn nước quốc gia, liên tỉnh trên phạm vi toàn quốc.

II. MỤC TIÊU

1. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:

1.1. Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước trên địa bàn Thành phố; kết nối cơ sở dữ liệu với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.2. Công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước thành phố Hà Nội, báo cáo tài nguyên nước thành phố Hà Nội (theo giai đoạn 5 năm một lần) vào các năm 2025, 2030 và báo cáo sử dụng nước hằng năm của các sở, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

2. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:

2.1. Hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi Thành phố.

2.2. Hoàn thành việc xác định và công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và đề xuất giải pháp thực hiện.

2.3. Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất, đề xuất việc khoanh định vùng khai thác nước dưới đất phù hợp với trữ lượng nước dưới đất.

2.4. Hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước nội tỉnh.

2.5. Điều tra, đánh giá giếng khoan khai thác phải trám lấp trên địa bàn Thành phố và đề xuất giải pháp thực hiện.

3. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản có tính chất đặc thù:

Kịp thời cung cấp các thông tin, số liệu hiện trạng về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, chất thải khác vào nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra; khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất và các hoạt động khác để có giải pháp quản lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

4. Phấn đấu đến năm 2050 thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên:

1.1. Xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn Thành phố:

- Duy trì vận hành hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước hiện có. Rà soát, tổ chức triển khai đầu tư mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã được phê duyệt tại Quyết định số 6187/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 của UBND Thành phố. Hệ thống mạng lưới quan trắc đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp với mạng quan trắc của trung ương; quan trắc được quy luật biến đổi số lượng và chất lượng nguồn nước nội tỉnh, giám sát và kiểm soát được việc khai thác, xả nước thải vào nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước.

- Xây dựng, duy trì hệ thống quan trắc, giám sát nước sạch trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện giám sát, đánh giá chất lượng định kỳ đối với các nguồn nước mặt nội tỉnh.

1.2. Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước:

- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước Thành phố đảm bảo đầy đủ các nội dung: quan trắc tài nguyên nước; giám sát khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; cảnh báo và dự báo tài nguyên nước; đồng thời tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.

- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của Thành phố; khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các sở, ngành tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.

1.3. Kiểm kê tài nguyên nước, xây dựng báo cáo tài nguyên nước:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước Thành phố giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

- Thực hiện việc thống kê, tổng hợp, lập báo cáo tài nguyên nước Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; lập báo cáo sử dụng nước của các sở, ngành, địa phương hằng năm theo quy định.

2. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ:

2.1 Điều tra, đánh giá tổng hợp nước dưới đất và tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất:

- Thực hiện việc điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất gắn với phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã không đấu nối được hệ thống cấp nước sạch tập trung của Thành phố.

2.2 Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:

- Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước: thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ nội tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

- Xây dựng, công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và đề xuất giải pháp thực hiện.

- Rà soát, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

- Rà soát, ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố.

3. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù

Căn cứ vào yêu cầu về thông tin, số liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định về nội dung, nhiệm vụ thực hiện cụ thể đối với từng hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù sau đây:

3.1. Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước.

3.2. Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước mặt, nước dưới đất; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.

3.3. Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.

3.4. Xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất (sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

3.5. Các nhiệm vụ khác theo yêu cầu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý.

4. Thời gian thực hiện

Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sau:

4.1. Giai đoạn đến năm 2025:

- Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025; lập báo cáo tài nguyên nước giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố.

- Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo lộ trình đến năm 2025.

- Rà soát, ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tổ chức điều tra, đánh giá chất lượng nguồn nước mặt nội tỉnh.

- Rà soát, ban hành danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn thành phố.

- Nâng cấp và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

- Hoàn thành việc đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện việc điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định.

- Xây dựng, công bố danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và đề xuất giải pháp thực hiện.

- Điều tra, đánh giá giếng khoan khai thác phải trám lấp trên địa bàn thành phố và đề xuất giải pháp thực hiện.

- Tổ chức điều tra, đánh giá các công trình khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn Thành phố và đề xuất giải pháp quản lý.

- Thực hiện điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất gắn với phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã không đấu nối được hệ thống cấp nước sạch tập trung của Thành phố.

4.2. Giai đoạn 2026 - 2030:

- Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2025 chưa hoàn thành.

- Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo lộ trình đến năm 2030.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước giai đoạn đến năm 2030; lập báo cáo tài nguyên nước giai đoạn 2026 - 2030.

- Thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu; khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên các sông nội tỉnh.

- Nâng cấp và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước.

4.3. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo các giai đoạn, nếu phát sinh các yêu cầu cấp bách về thông tin, số liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định ưu tiên thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện:

Kinh phí thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước được thẩm định, phê duyệt cụ thể thông qua các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.

2. Nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước: nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế, nguồn vốn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.

- Nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia góp vốn điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hình thức công tư hoặc xã hội hóa khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

1.1. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan để tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh.

1.2. Chủ trì thực hiện và tổ chức thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch; các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền của Thành phố.

1.3. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống, khắc phục hậu quả tác dại do nước gây ra được quy định tại khoản 4 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, đối với nội dung quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước tại địa phương phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại mục IV.1.a Điều 1 Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và được lồng ghép trong quy hoạch tỉnh.

1.4. Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch trên địa bàn, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

2.1. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Kế hoạch được phê duyệt.

2.2. Chủ động đề xuất các biện pháp, giải pháp bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng thẩm quyền.

2.3. Kiểm soát hoạt động xả thải vào công trình thủy lợi; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc kiểm soát nguồn nước công trình thủy lợi có sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

3. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp tham mưu, báo cáo UBND Thành phố để cân đối, bố trí kinh phí từ các nguồn vốn: đầu tư công, chi sự nghiệp kinh tế, chi sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

4. Các sở: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

5. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường; các sở ngành có liên quan trong quá trình thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức triển khai và hoàn thành việc đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước.

- Chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi vi phạm hành chính về xả nước thải vào nguồn nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép. Đôn đốc, kiểm tra hoạt động trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị có liên quan thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo UBND Thành phố và Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các đơn vị được phân công thực hiện;
- Cổng TTĐT Thành phố;
- VPUB: PCVP V.T.Anh, P.ĐTN;
- Lưu: VT, HS, ĐT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông