Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 09 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ), Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2017 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục đề ra Kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NGHỊ QUYẾT SỐ 52/NQ-CP GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Qua 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2030 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn, cụ thể:

1. Kết quả chỉ tiêu Nâng cao thể lực:

a) Tăng cường sức khỏe người dân tộc thiểu số:

- Không có tử vong trẻ dưới 1 tuổi người DTTS (KH đến năm 2020 là 10‰);

- Tuổi thọ bình quân của các DTTS đạt 75,8 tuổi (KH 73 tuổi).

b) Nâng thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số:

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em DTTS dưới 5 tuổi đạt 9% ((KH <10%).

2. Kết quả phát triển trí lực:

- Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non đạt 85,64% (KH 80%);

- Tỷ lệ trẻ em DTTS đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 100% (KH 100%);

- Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc trung học cơ sở đạt 95% (KH 93%);

- Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc trung học phổ thông đạt 69% (KH 50%);

- Tỷ lệ sinh viên DTTS học đại học, cao đẳng đạt 584/10.000 dân (KH từ 130-150 SV/10.000 dân);

- Tỷ lệ sinh viên DTTS được đào tạo sau đại học đạt 0,6% (KH 0,4%);

- Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp (có 1.202 người).

3. Kết quả nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:

Những năm qua, có 896 lượt học sinh người dân tộc thiểu số được nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và có 4.576 người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.

Trên cơ sở kết quả đạt được, định hướng đến năm 2030 của Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2026 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025), Ủy ban nhân dân thành phố đề ra một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như sau:

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu:

Tiếp tục nâng cao, phát triển toàn diện hơn nữa nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Yêu cầu:

Các Sở, Ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch; lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế xã hội khác thuộc trách nhiệm quản lý của các ngành để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 góp phần hoàn thành kế hoạch chung của thành phố.

III. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Nâng cao thể lực:

a) Tăng cường sức khỏe người dân tộc thiểu số:

Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người dân tộc thiểu số đến 2025 còn dưới 5‰[1], năm 2030 là dưới 3‰, trong đó trọng điểm là trong dân tộc Khmer[2]; đến năm 2025 nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số trên 75 tuổi, đến năm 2030 là 76 tuổi.

b) Nâng thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số:

Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đến năm 2025 còn từ 7% trở xuống và năm 2030 xuống bằng hoặc dưới 5%.

2. Phát triển trí lực:

- Đến năm 2025 có 90% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 100%; trung học cơ sở 95% và 72% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của thành phố ở tất cả các cấp học;

- Phấn đấu đến năm 2025, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt trên 150 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số); đến năm 2030 đạt từ 200 sinh viên/vạn dân trở lên;

- Đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ trên 0,6%; năm 2030 là trên 0,7% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo.

3. Nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:

- Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh người dân tộc thiểu số;

- Đến năm 2025, phấn đấu có 70%; năm 2030 đạt 80% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm;

- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 đạt 60%; phấn đấu năm 2030 đạt trên 60%.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Lĩnh vực y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe:

a) Tiếp tục thực hiện triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tăng cường bổ sung nhân lực, đầu tư trang thiết bị y tế cho các xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc; Tổ chức khám, chữa bệnh, đảm bảo các hộ nghèo đều có sổ bảo hiểm y tế, Thực hiện tiêm các loại vắc xin cho trẻ em dân tộc thiểu số; đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế là người DTTS; có chính sách ưu tiên sinh viên ngành y mới ra trường về phục vụ nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Lồng ghép triển khai các mục tiêu vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

b) Mở rộng dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ, bổ sung vi chất cần thiết cho bà mẹ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn mang thai;

c) Duy trì và hoàn thiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số: kiểm soát tốt tình hình suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi; kiểm soát và giữ vững mức tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi, trẻ dưới 5 tuổi và chăm sóc sức khỏe bà mẹ dân tộc thiểu số; quản lý tốt tình hình các dịch bệnh lao, sốt rét, HIV ở nhóm dân tộc thiểu số.

2. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

a) Thực hiện tốt công tác huy động học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi ở các cấp học. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú thành phố, nâng cao chất lượng dạy và học Trường Phổ thông Việt - Hoa;

b) Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; Thực hiện chế độ cử tuyển theo Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 27/4/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về triển khai thực hiện Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ;

c) Lồng ghép triển khai các mục tiêu vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

3. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm:

a) Rà soát danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số và đặc điểm của thành phố;

b) Triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được các Mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); Chính sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng (theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp (theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ);

c) Lồng ghép triển khai các mục tiêu vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025;

d) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm để thông tin, tư vấn và tổng hợp nhu cầu học nghề, cung cấp thông tin về các khóa đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người lao động đến đồng bào dân tộc thiểu số.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, Ban ngành thành phố:

a) Ban Dân tộc:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Tham mưu lồng ghép thực hiện một số mục tiêu của kế hoạch vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

- Chủ trì, phối hợp cùng với các Sở, Ban ngành thành phố liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch; tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Chính phủ theo quy định.

c) Sở Y tế:

- Nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực do Sở quản lý theo hướng tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nhằm đạt được các Mục tiêu của Kế hoạch;

- Chủ trì tổ chức thực hiện nội dung tại Mục 1, Phần II và Mục 1 phần III của Kế hoạch; hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thuộc lĩnh vực của Sở được giao quản lý.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực do Sở quản lý theo hướng tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nhằm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch;

- Chủ trì tổ chức thực hiện nội dung tại Mục 2, Phần II và Mục 2, Phần III của Kế hoạch.

đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án thuộc lĩnh vực do Sở quản lý theo hướng tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nhằm đạt được các Mục tiêu của Kế hoạch;

- Chủ trì tổ chức thực hiện nội dung tại Mục 3, Phần II và Mục 3, Phần III của Kế hoạch.

e) Sở Thông tin và Truyền thông:

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các Sở, Ban ngành thành phố liên quan chỉ đạo và cung cấp thông tin cho báo chí Trung ương và địa phương, Đài Truyền thanh quận, huyện thông tin, tuyên truyền các chủ trương chính sách của Nhà nước về các nội dung liên quan đến giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số.

g) Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các Sở, Ban ngành thành phố liên quan tiếp tục tham mưu thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới và các chính sách liên quan để sử dụng hiệu quả nhân lực các dân tộc thiểu số đã qua đào tạo.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, hoạt động cơ quan nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, góp phần đạt được mục tiêu của Kế hoạch.

3. Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm để thực hiện Kế hoạch của thành phố. Đồng thời phối hợp với các Sở, Ban ngành thành phố liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này.

- Chỉ đạo lồng ghép, huy động các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực và các chính sách hiện hành, trong đó tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết việc làm để phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của địa phương; hàng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá, sơ kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Kế hoạch báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Ban Dân tộc tổng hợp).

4. Kinh phí thực hiện:

a) Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổng hợp nguồn vốn triển khai thực hiện kế hoạch hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan thẩm định, tổng hợp vốn thực hiện kế hoạch hàng năm và tham mưu bố trí kinh phí thực hiện các nội dung Kế hoạch theo phân cấp ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước. Hướng dẫn công tác lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện các chính sách tại Kế hoạch này theo đúng quy định.

c) Các Sở, Ban ngành thành phố liên quan:

Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện gửi Ban Dân tộc trước ngày 20/10 để tổng hợp kinh phí chung thực hiện Kế hoạch cho năm sau.

d) Ủy ban nhân dân quận, huyện:

Theo tình hình thực tế của địa phương bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này cho phù hợp; phối hợp với các sở, ban, ngành và lồng ghép triển khai các nhiệm vụ, hoạt động của địa phương nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, góp phần đạt được mục tiêu của Kế hoạch.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

- Các Sở, Ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 30 tháng 11 (thông qua Ban Dân tộc tổng hợp).

- Ban Dân tộc có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp định kỳ hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Ủy ban Dân tộc, thực hiện chế độ báo cáo tổng kết kết quả thực hiện theo yêu cầu.

- Trong quá trình thực hiện, nếu cần thiết sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, đề nghị các Sở, Ban ngành thành phố liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện gửi nội dung về Ban Dân tộc tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, điều chỉnh.

Trên đây là Kế hoạch đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

 (Đính kèm biểu mẫu các chỉ tiêu)

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc;
- Thành ủy;
- HĐND TP;
- UBND TP;
- UBMTTQVN TP;
- Ban Dân tộc;
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính;
LĐ,TB&XH; Nội vụ; GD&ĐT; Y tế;
Thông tin và Truyền thông;
- Hội LH Phụ nữ thành phố;
- Hội Nông dân thành phố;
- Đoàn TNCSHCM thành phố;
- Hội Cựu chiến binh thành phố;
- UBND quận, huyện;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Việt Trường

 

BIỂU CÁC CHỈ TIÊU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52/NQ-CP VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÁC DTTS GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 29/KH-UBND ngày 09/01/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố)

TT

Các chỉ tiêu

Chỉ tiêu năm 2021

Chỉ tiêu năm 2022

Chỉ tiêu năm 2023

Chỉ tiêu năm 2024

Chỉ tiêu đến 2025

Định hướng đến 2030

1

Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS

< 9‰

< 8‰

< 7‰

< 6‰

< 5‰

< 3%

2

Tuổi thọ bình quân của các DTTS

> 75

> 75

> 75

> 75

> 75

Gần bằng tuổi thọ bình quân của thành phố

3

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em DTTS dưới 5 tuổi

≤ 9%

≤ 8,5%

≤ 8%

≤ 7,5%

≤ 7%

≤ 5%

4

Tỷ lệ trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non

86%

87%

88%

89%

90%

Gần bằng tỷ lệ chung thành phố

5

Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học

100%

100%

100%

100%

100%

100%

6

Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc trung học cơ sở

93%

93,5%

94%

94,5%

95%

Gần bằng tỷ lệ chung thành phố

7

Tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi bậc trung học phổ thông

68%

69%

70%

71%

72%

Gần bằng tỷ lệ chung thành phố

8

Số sinh viên DTTS học đại học, cao đẳng trên vạn dân

130 SV

> 135 SV

> 140 SV

> 145 SV

> 150 SV

≥ 200

9

Tỷ lệ sinh viên DTTS được đào tạo sau ĐH

0,4%

0,45%

0,5%

0,55%

> 0,6%

0,7%

10

Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được cung cấp thông tin thị trường

62%

64%

66%

68%

70%

80%

11

Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo chương trình giáo dục nghề nghiệp

40%

45%

50%

55%

60%

> 60%

 



[1] Theo Quyết định số 2767/QĐ-UBND ngày 04/12/2020 của UBND thành phố Cần Thơ về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

[2] Theo Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ: 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, XTiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng (sau đây gọi tắt là nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2022 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ

  • Số hiệu: 29/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/02/2022
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Trần Việt Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản