Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2887/KH-UBND | Kon Tum, ngày 06 tháng 11 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1196/QĐ-TTG NGÀY 23/7/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẤP, THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai như sau:
I. Mục đích, mục tiêu, yêu cầu:
1. Mục đích:
Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế và các nhu cầu sử dụng khác; đảm bảo cải thiện chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng.
2. Mục tiêu:
Đến năm 2020 đạt các mục tiêu đặt ra trong Định hướng phát triển hệ thống cấp, thoát nước và Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định: số 1929/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 về việc phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; số 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 về việc phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 về việc phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể:
2.1. Về cấp nước:
- Tỷ lệ bao phủ cấp nước đối với các đô thị loại IV trở lên đạt 90%, tiêu chuẩn cấp nước là 120 lít/người/ngày.đêm; các đô thị loại V đạt 70% được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung với tiêu chuẩn cấp nước 100 lít/người/ngày.đêm; chất lượng nước đạt quy chuẩn quy định;
- Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18% đối với các đô thị loại IV trở lên, dưới 25% đối với đô thị loại V; cấp nước liên tục 24 giờ đối với các đô thị loại IV trở lên.
2.2. Về thoát nước:
- Thoát nước mưa: Xóa bỏ tình trạng ngập nước cục bộ tại các đô thị từ loại IV trở lên; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đạt trên 80%;
- Thoát nước thải: Đô thị loại III có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỉ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định lên 60%. Tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định; các công trình thu nước bề mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung không gây ô nhiễm môi trường.
2.3. Về quản lý tổng hợp chất thải rắn:
- 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 85% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ;
- 80% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 50% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế;
- 50% bùn bể phốt của đô thị loại II và 30% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường;
- Giảm 65% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010;
- 80% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình;
- 90% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế;
- 70% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường;
- 100% lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường;
- 70% lượng chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn và 80% tại các làng nghề được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.
3. Yêu cầu:
- Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước với nhà đầu tư và người dân.
- Đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải tính đến các yếu tố biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; hạn chế tối đa rác thải, nước thải không đạt tiêu chuẩn thải ra môi trường.
- Phát triển hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững phải đáp ứng theo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ, gây ô nhiễm phải trả tiền, theo đó các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ cấp, thoát nước, phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí để xử lý.
- Về việc sử dụng các nguồn vốn: Thực hiện theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 23/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
II. Nội dung thực hiện:
- Tổ chức, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch chuyên ngành hoặc quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo từng giai đoạn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở tổ chức thực hiện đầu tư.
- Tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án phát triển mạng lưới cấp, thoát nước, phân loại rác tại nguồn, hệ thống thu gom chất thải rắn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy.
- Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch phù hợp với khung giá tiêu thụ nước sạch của Bộ Tài chính.
- Nghiên cứu, sửa đổi phí vệ sinh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
III. Phân công nhiệm vụ:
1. Sở Xây dựng:
- Tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung Đồ án Quy hoạch chuyên ngành về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030.
- Tổ chức lập Đồ án quy hoạch thoát nước thành phố Kon Tum đến năm 2030 (đô thị loại II).
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố Kon Tum, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Xây dựng nghiên cứu cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và các hình thức đầu tư khác; cơ chế, chính sách phân bổ, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; cơ chế cho phép doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Định hướng vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi đến năm 2015, có tính đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 đạt hiệu quả cao.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp kinh phí đầu tư và hoạt động quản lý chất thải rắn báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (đối với trường hợp nguồn vốn đầu tư từ ngân sách).
- Huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
- Xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn; trong đó xác định các công trình ưu tiên đầu tư.
3. Sở Tài chính:
- Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước hàng năm cho hoạt động quản lý tổng hợp chất thải rắn. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp kinh phí cho hoạt động quản lý chất thải rắn báo cáo UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định (đối với trường hợp nguồn vốn sự nghiệp).
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về điều kiện trợ giá, mức trợ giá và thời gian trợ giá đối với sản phẩm của quá trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi phí vệ sinh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, nghiên cứu, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch đến năm 2020, không phải trợ giá tiêu thụ nước sạch từ ngân sách nhà nước, phù hợp với khung giá tiêu thụ nước sạch của Bộ Tài chính.
- Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính theo nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định 1196/QĐ-TTg , phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng đầu tư đối với các hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành công trình cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc kiến nghị sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế liên quan đến công tác phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, phân loại rác tại nguồn.
- Tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt động ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các dự án liên quan đến phát triển mạng lưới cấp, thoát nước, phân loại rác tại nguồn, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Theo dõi, giám sát tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Công thương: Hỗ trợ các doanh nghiệp, các chủ nguồn thải thực hiện các kế hoạch ngăn ngừa và giảm thiểu chất thải, thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn, hệ thống quản lý môi trường ISO 14000.
7. Sở Y tế: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý chất thải y tế trên địa bàn.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống cấp, thoát nước và quản lý chất thải rắn cho các điểm dân cư nông thôn và làng nghề.
9. Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn.
10. UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức rà soát, điều chỉnh và bổ sung các nội dung quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
- Trên cơ sở Quy hoạch cấp nước, thoát nước theo Quy hoạch xây dựng được duyệt, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư để tập trung nguồn vốn đầu tư.
- Chỉ đạo các đơn vị cấp nước lập kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước và triển khai thực hiện Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước theo nội dung quy định tại Điều 4 Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21/11/2012 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn;
- Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư lưu ý tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án phát triển mạng lưới cấp nước, thoát nước, phân loại rác tại nguồn, hệ thống thu gom chất thải rắn với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy.
VI. Tổ chức thực hiện:
1. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, cơ quan có liên quan; chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch (hoàn thành trước ngày 31/10/2014) triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này đảm bảo đúng tiến độ.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng tổng hợp) xem xét giải quyết.
2. Giao Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này (định kỳ báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm).
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện kế hoạch, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động, kịp thời tham mưu cụ thể hóa nội dung trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Nhận được Kế hoạch này, yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC 1
KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1196/QĐ-TTG NGÀY 23/7/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HỆ THỐNG CẤP, THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
STT | Nội dung | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Sản phẩm | Thời hạn |
01 | Tổ chức rà soát, điều chỉnh và bổ sung các quy hoạch chuyên ngành hoặc nội dung quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trong các quy hoạch đô thị trên địa bàn. | UBND các huyện, thành phố | Sở Xây dựng và các Sở, ban, ngành liên quan | Đồ án quy hoạch | 2014-2015 |
02 | Lập Quy hoạch thoát nước thành phố Kon Tum đến năm 2030. | Sở Xây dựng | UBND thành phố Kon Tum và các Sở, ngành liên quan | Đồ án quy hoạch | 2014-2015 |
03 | Xây dựng lộ trình điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch đến năm 2020 không phải trợ giá tiêu thụ nước sạch từ ngân sách nhà nước phù hợp với khung giá tiêu thụ nước sạch của Bộ Tài chính. | Sở Tài chính | Sở Xây dựng | Quyết định | 2014-2015 |
04 | Nghiên cứu, sửa đổi phí vệ sinh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. | Sở Tài chính | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng | Nghị quyết | 2014-2015 |
05 | Tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch đầu tư, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo từng giai đoạn. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành liên quan | Quyết định | 2014-2015 |
06 | Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phục vụ xác định giá tiêu thụ nước sạch, giá dịch vụ thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. | Sở Xây dựng | Sở Tài chính, các Sở, ngành liên quan | Văn bản, Quyết định | 2014-2015 |
07 | Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. | Sở Thông tin và Truyền thông | Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng | Các chương trình tuyên truyền | 2014-2020 |
PHỤ LỤC 2
DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ VỀ LĨNH VỰC CẤP, THOÁT NƯỚC VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH (*)
STT | Lĩnh vực - Dự án | Địa điểm | Mục tiêu, nội dung Dự án | Tổng mức đầu tư- dự kiến | Trong đó | Phân kì đầu tư | |
ODA | Đối ứng | ||||||
I | Cấp nước | ||||||
01 | Mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum | Thành phố Kon Tum | Đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân | 800.000 | 680.000 | 120.000 | Theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 06/03/2013 của UBND tỉnh |
02 | Cấp nước trung tâm huyện lỵ huyện mới Nam Sa Thầy | Nam Sa Thầy | 1.000 m3/ngày.đêm | 30.000 | 25.500 | 4.500 | Theo quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh |
II | Thoát nước | ||||||
01 | Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải | Thành phố Kon Tum | 4.000 m3/ngày.đêm | 1.100.000 | 1.000.000 | 100.000 | Theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 06/03/2013 của UBND tỉnh |
III | Xử lý chất thải rắn sinh hoạt | ||||||
01 | Xử lý chất thải rắn thị trấn Sa Thầy | Xã Sa Sơn và thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy | Xử lý các yếu tố nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường của chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng | 50.000 | 42.500 | 7.500 | Theo quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh |
02 | Khu xử lý Mo Ray | Huyện Mo Ray | Chôn lấp chất thải rắn vô cơ thị trấn huyện lỵ mới Mo Ray và khu vực xung quanh | 30.000 | 25.500 | 4.500 | Theo quyết định số 891/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh |
* Căn cứ tại Phụ lục số 2, danh mục dự án vận động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), ban hành kèm theo Đề án "Định hướng vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi đến năm 2015, có tính đến năm 2020” tại Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của BND tỉnh Kon Tum.
- 1Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2014 quy định chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) bên ngoài hàng rào dự án nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- 2Quyết định 27/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 02/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 38/2008/QĐ-UBND về đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
- 3Quyết định 246/QĐ-UBND về phê duyệt dự toán kinh phí duy tu, duy trì và vận hành hệ thống thoát nước trên các đô thị thuộc tỉnh năm 2015 do Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 4Quyết định 231/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh, cập nhật dự án xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
- 5Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2021
- 6Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Quy hoạch thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050
- 1Quyết định 1929/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1930/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 2149/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 08/2012/TT-BXD hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 5Quyết định 891/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Sa Thầy đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 6Quyết định 54/QĐ-UBND năm 2014 quy định chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất xây dựng công trình hệ thống hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước) bên ngoài hàng rào dự án nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- 7Quyết định 1196/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 979/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Định hướng vận động, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi đến năm 2015, có tính đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 9Quyết định 27/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 02/2014/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 38/2008/QĐ-UBND về đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
- 10Quyết định 246/QĐ-UBND về phê duyệt dự toán kinh phí duy tu, duy trì và vận hành hệ thống thoát nước trên các đô thị thuộc tỉnh năm 2015 do Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành
- 11Quyết định 231/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh, cập nhật dự án xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
- 12Nghị quyết 28/2016/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2021
- 13Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Quy hoạch thoát nước thải thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050
Kế hoạch 2887/KH-UBND năm 2014 thực hiện Quyết định 1196/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và xử lý chất thải rắn sinh hoạt” tỉnh Kon Tum
- Số hiệu: 2887/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/11/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Đức Tuy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/11/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra