THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1930/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2009 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 về thoát nước đô thị và khu công nghiệp;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
- Thoát nước là ngành dịch vụ công ích; Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực thoát nước theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam về đầu tư, xây dựng và vận hành, sử dụng hệ thống thoát nước.
- Hệ thống thoát nước phải được xây dựng đồng bộ bảo đảm thoát nước mưa và nước thải từ thu gom, chuyển tải đến xử lý cho từng lưu vực; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ tại các đô thị lớn (loại đặc biệt, loại I, loại II), các đô thị là trung tâm du lịch hoặc có ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
- Xây dựng hệ thống thoát nước chung kết hợp với các công trình tách nước thải đối với các đô thị đã cơ bản có hệ thống cống thoát; hệ thống thoát nước riêng đối với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất, khu kinh tế (sau đây gọi là khu công nghiệp) và các đô thị mới, khu đô thị mới, đô thị nhỏ chưa có hệ thống thoát nước; sử dụng hiệu quả các hồ ao hiện có để điều hòa nước mưa và giảm ô nhiễm nguồn nước.
- Các nhà máy công nghiệp riêng lẻ, các cơ sở dịch vụ có nguồn nước thải độc hại phải xử lý cục bộ trước khi xả vào hệ thống cống chung của đô thị hoặc khu công nghiệp.
- Các công trình đầu mối được phân công giai đoạn đầu tư để lựa chọn quy mô, công suất phù hợp, riêng hệ thống cống thoát khi xây dựng mới hoặc cải tạo phải đáp ứng với khả năng chuyển tải nước mưa và nước thải theo dự báo quy hoạch thoát nước dài hạn.
- Công nghệ xử lý nước thải được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, quy mô, đặc điểm đô thị và điều kiện kinh tế. Ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị được nghiên cứu và sản xuất trong nước.
- Xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong nước, quốc tế cho đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
- Thực hiện chính sách người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, tiến tới nguồn thu phí thoát nước đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành và bù đắp một phần chi phí đầu tư.
Các đô thị lớn từ loại IV trở lên được xây dựng hoàn thiện hệ thống thoát nước bao gồm thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải. Các đô thị nhỏ (loại V), các làng nghề, nước thải được thu gom và xử lý tại các trạm xử lý tập trung hoặc phân tán. Các đô thị được giải quyết triệt để tình trạng ngập úng cục bộ và toàn bộ nước thải được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường.
a) Mục tiêu tổng quát:
Định hướng cho phát triển lĩnh vực thoát nước đô thị và khu công nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ môi trường; trên cơ sở đó lập kế hoạch, các chương trình hành động cụ thể để phát triển lĩnh vực thoát nước đô thị và khu công nghiệp một cách ổn định và bền vững trong từng giai đoạn.
b) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2015:
- Ưu tiên giải quyết thoát nước mưa:
+ Xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên.
+ Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước từ 50-60% hiện nay lên 70 – 80%.
+ Toàn bộ hệ thống thoát nước được quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ.
- Xây dựng và nâng cấp hệ thống thoát nước thải:
+ Xây dựng các tuyến cống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị từ loại III trở lên để thu gom và xử lý từ 40 – 50% lượng nước thải sinh hoạt đô thị đạt quy chuẩn quy định.
+ Toàn bộ nước thải bệnh viện và nước thải các cơ sở công nghiệp được xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi xả vào cống chung của đô thị hoặc xả ra môi trường.
+ Toàn bộ các khu công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống thoát nước thải riêng và nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
+ Tại các đô thị loại IV, loại V, các làng nghề 30% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
- Xây dựng, lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng đáp ứng nhu cầu của nhân dân và khách du lịch tại các đô thị loại IV trở lên.
c) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020:
- Thoát nước mưa:
+ Xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị từ loại IV trở lên.
+ Mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước đạt trên 80%.
- Thoát nước thải:
+ Các đô thị loại III trở lên có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; nâng tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn quy định lên 60%. Tại các đô thị loại IV, loại V và các làng nghề 40% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
+ Các công trình thu nước bề mặt, các tuyến cống, mương đi qua khu dân cư tập trung không được gây ô nhiễm môi trường.
d) Mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025:
- Thoát nước mưa:
+ Xóa bỏ hoàn toàn tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị.
+ Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước đô thị lên 90 – 95%; đối với các đô thị từ loại IV trở lên đạt 100%.
- Thoát nước thải:
+ Các đô thị từ loại IV trở lên có hệ thống thu gom và trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 70 – 80%, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định. Tại các đô thị loại V, 50% nước thải được xử lý đạt quy chuẩn quy định.
+ Các làng nghề có trạm xử lý tập trung hoặc phân tán, hoạt động thường xuyên, chất lượng nước thải xả ra môi trường đạt quy chuẩn quy định.
+ Tái sử dụng từ 20 – 30% nước thải cho nhu cầu nước tưới cây, rửa đường và các nhu cầu khác tại các đô thị, khu công nghiệp.
Điều 2. Các giải pháp thực hiện:
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thoát nước:
- Tổng kết, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về cấp, thoát nước.
- Rà soát, bổ sung ban hành mới:
+ Quy chuẩn chất lượng nước thải sinh hoạt, công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước, chất lượng nước thải xả ra nguồn tiếp nhận (sông, biển, hồ…).
+ Quy chuẩn về phạm vi bảo vệ nguồn nước cho từng loại hình sử dụng (cấp nước sinh hoạt, vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản…).
+ Quy chuẩn về bể tự hoại, bán tự hoại, các quy định và hướng dẫn sử dụng bể tự hoại và bán tự hoại.
+ Tiêu chuẩn về các giếng thăm, giếng thu nước mưa trên hệ thống thoát nước.
+ Quy định về xử lý bùn cặn của trạm xử lý nước thải (bao gồm cả bể tự hoại), hướng dẫn sử dụng bùn cặn sau xử lý.
2. Quy hoạch và kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước:
- Các thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, xác định sơ đồ hệ thống, lưu vực thoát nước, nguồn tiếp nhận nước mưa, nước thải, xác định các dự án đầu tư và giai đoạn đầu tư.
- Các đô thị lập kế hoạch đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước theo quy hoạch được phê duyệt; trong đó có kế hoạch huy động nguồn vốn, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị quản lý thoát nước hàng năm và dài hạn.
3. Đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước:
- Tập trung nguồn vốn đầu tư cho hệ thống thoát nước từ ngân sách Trung ương, địa phương và các nguồn tài trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ các nước.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào hệ thống thoát nước đô thị theo các hình thức khác nhau.
- Các đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải bố trí đủ nguồn vốn cho xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch, dự án được phê duyệt. Đối với các khu công nghiệp đang hình thành chỉ được phép hoạt động khi có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt yêu cầu.
- Hỗ trợ các làng nghề để xây dựng các trạm xử lý tập trung quy mô nhỏ hoặc phân tán nhằm xử lý nước thải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường.
4. Cơ chế, chính sách cho lĩnh vực thoát nước:
- Ưu tiên nguồn vốn ODA cho đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước đô thị, đặc biệt các đô thị lớn, các đô thị chịu ảnh hưởng bởi thiên tai (lũ lụt, triều dâng…) gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.
- Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí tỷ lệ hợp lý để đầu tư hệ thống thoát nước đô thị. Ưu tiên sử dụng ngân sách của Trung ương làm nguồn vốn đối ứng của các dự án ODA cho các đô thị có khó khăn về nguồn vốn.
- Huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, đặc biệt là các nhà máy xử lý nước thải theo các hình thức khác nhau.
- Các địa phương tạo nguồn vốn quay vòng nhằm hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng các bể tự hoại đúng quy chuẩn, đặc biệt tại các khu vực ven đô, đô thị nhỏ, làng nghề.
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng lợi nhuận từ đầu tư các cơ sở hạ tầng khác để đầu tư vào hệ thống thoát nước.
- Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng lộ trình tăng phí thoát nước đảm bảo đến năm 2015, phí thoát nước đáp ứng đủ cho nhu cầu quản lý, vận hành các hệ thống thoát nước.
5. Phát triển công nghệ, vật tư thiết bị lĩnh vực thoát nước:
- Lựa chọn công nghệ xử lý nước thải phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển, năng lực đầu tư và tính đến khả năng nâng cấp trong tương lai. Nghiên cứu và tiến tới làm chủ công nghệ xử lý nước thải tiên tiến.
- Nghiên cứu, tổ chức sản xuất vật tư, thiết bị trong nước có chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu sử dụng; khuyến khích sử dụng các vật tư, thiết bị có chất lượng cao được sản xuất trong nước.
- Nghiên cứu, hoàn thiện các công nghệ xử lý nước thải đơn giản, chi phí vận hành thấp cho khu vực đô thị nhỏ, làng nghề, dân cư ven đô thu nhập thấp.
- Ưu tiên nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý vận hành phù hợp với điều kiện kinh tế và khả năng sử dụng của từng địa phương.
6. Phát triển nguồn nhân lực:
- Nâng cao chất lượng và số lượng kỹ sư chuyên ngành cấp thoát nước, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nước.
- Củng cố, mở rộng các trường dạy nghề và nâng cao chất lượng đào tạo công nhân ngành nước phục vụ yêu cầu quản lý, vận hành và bảo dưỡng hệ thống thoát nước.
- Xây dựng cơ chế và môi trường hoạt động trong ngành nước để thu hút các cán bộ khoa học đủ khả năng nghiên cứu phát triển công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao của thế giới.
- Bồi dưỡng nâng cao năng lực lập kế hoạch và quản lý ngành nước cho các cán bộ chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương.
7. Tổ chức quản lý lĩnh vực thoát nước:
- Thống nhất tổ chức quản lý thoát nước từ trung ương đến địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định các đơn vị thoát nước chịu trách nhiệm chính quản lý các hệ thống thoát nước trên địa bàn.
- Củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo ngành nước tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
- Tại các địa phương, tăng cường công tác pháp chế về thoát nước, xả nước thải, đảm bảo tất cả các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các yêu cầu quy định.
8. Giáo dục và truyền thông:
- Đưa vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông các kiến thức cơ bản về thoát nước mưa, nước thải và bảo vệ môi trường; tổ chức tham quan, tìm hiểu và đánh giá về thực trạng hệ thống thoát nước, môi trường đô thị cho học sinh.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông: Vai trò của hệ thống thoát nước mưa, nước thải đối với môi trường; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thoát nước.
- Thông tin các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực thoát nước, các chế tài trong việc quản lý hệ thống thoát nước và xả nước thải ra môi trường.
9. Hợp tác quốc tế:
Tăng cường trao đổi và hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm:
- Trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước.
- Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước.
- Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo.
1. Bộ Xây dựng:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; lập kế hoạch, chương trình cho giai đoạn ngắn hạn (đến năm 2015) và dài hạn (đến năm 2025).
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhu cầu thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị theo từng giai đoạn, đề xuất các dự án ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
- Tổ chức nghiên cứu mô hình công nghệ xử lý nước thải tập trung và phân tán áp dụng phù hợp với quy mô, tính chất, điều kiện tự nhiên của các đô thị, các khu công nghiệp, làng nghề, ban hành quy chuẩn kỹ thuật các công trình vệ sinh.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các thành phố trực thuộc trung ương, đến năm 2015 hoàn thành công tác lập quy hoạch thoát nước đô thị.
- Củng cố và phát triển các trung tâm đào tạo ngành nước.
- Tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan lĩnh vực cấp thoát nước.
- Rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành thoát nước đáp ứng yêu cầu đồng bộ; ban hành, hướng dẫn xác định kinh phí lập quy hoạch, tư vấn, thẩm định các dự án thoát nước, chi phí quản lý vận hành các hệ thống thoát nước.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cấp thoát nước đô thị.
2. Các Bộ, ngành liên quan:
Các Bộ, ngành căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, lập kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai thực hiện các Chương trình này.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Tổ chức thực hiện Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.
- Tổ chức kiện toàn các đơn vị thoát nước, công tác quản lý thoát nước trên địa bàn.
- Phối hợp với các địa phương khác lập kế hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước theo lưu vực sông.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước cho các đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn.
- Xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về thoát nước phù hợp với sự phát triển của địa phương, triển khai và giám sát quá trình thực hiện.
- Xác định nhu cầu, mô hình nhà vệ sinh công cộng cho các đô thị trên địa bàn, huy động, bố trí nguồn vốn nhằm hoàn thành công tác xây dựng và lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng cho các đô thị trước năm 2015.
- Xác định nhu cầu, các giải pháp đầu tư, huy động nguồn vốn nhằm xây dựng các công trình xử lý nước thải cho các làng nghề.
- Tổ chức, thực hiện hoạt động truyền thông về thoát nước và bảo vệ môi trường.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Quyết định 1930/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1930/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/11/2009
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Hoàng Trung Hải
- Ngày công báo: 01/12/2009
- Số công báo: Từ số 549 đến số 550
- Ngày hiệu lực: 20/11/2009
- Ngày hết hiệu lực: 06/04/2016
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực