Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2870/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 27 tháng 07 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả; huy động sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đoàn kết thống nhất, tham gia của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp nhân dân, sự đồng hành của các tổ chức kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp… qua đó đạt được kết quả khá toàn diện, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trước gần 3 năm và là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc trong xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 95 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 48,5% tổng số xã, đạt 166,7% kế hoạch); có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 03 đơn vị cấp huyện trong giai đoạn 2016-2020 (đạt 300% kế hoạch); bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,7 tiêu chí/xã (vượt 0,7 tiêu chí/xã so với kế hoạch), không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Huy động nguồn lực đầu tư trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực[1], hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được quan tâm đầu tư đồng bộ; diện mạo nông thôn có sự chuyển biến rõ nét, theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, chất lượng cuộc sống của người dân ngày một tốt hơn, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước được củng cố vững chắc... Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai sâu rộng, tạo không khí thi đua mạnh mẽ ở mỗi địa phương; nhiều mô hình điển hình, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo được tổng kết, triển khai nhân rộng[2]; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình được triển khai thường xuyên, liên tục đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đảm bảo hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong giai đoạn tới như: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; thu hút các nguồn lực đầu tư gặp nhiều khó khăn, còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Kết quả xây dựng nông thôn mới còn có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; hạ tầng giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, giáo dục ở một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm; đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn còn nhiều khó khăn, chưa theo kịp yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn; cảnh quan, môi trường nông thôn chưa đảm bảo,...

Nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong giai đoạn vừa qua và triển khai cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; tạo sự thống nhất về quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:

I. CĂN CỨ BAN HÀNH KẾ HOẠCH

- Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

- Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

- Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

- Nghị quyết số 28-NQ/ĐH ngày 28 tháng 10 năm 2020 Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;

- Nghị quyết số 72-NQ/TU ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách thưởng trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

- Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025;

- Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới ở các khu dân cư;

- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể: Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được thực hiện ở 13/13 huyện, thành, thị với 196 xã và 2.040 khu dân cư nông thôn; phấn đấu đến hết năm 2025:

- Toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 53,8% số huyện), gồm có: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông (tăng thêm 03 huyện: Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông).

- Có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,9% tổng số xã), tăng thêm 44 xã[3]; có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 18,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới)[4], trong đó có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu[5];

- Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí/xã; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí;

- Có 1.720/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm cả các khu dân cư nông thôn mới ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới), đạt 84,3% tổng số khu dân cư, trong đó có tối thiểu 172 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (bằng 10% tổng số khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới).

(Chi tiết tại biểu số 3A,3B,4A,5A,5C,6A,6B kèm theo)

III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Về quy hoạch

- Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch cấp xã, cấp huyện đảm bảo xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch hệ thống giao thông, hệ thống xử lý môi trường, các vùng sản xuất tập trung, các thiết chế phục vụ sinh hoạt của cộng đồng dân cư cấp khu dân cư, cấp xã, cấp huyện. Tổng nhu cầu vốn khoảng 85,3 tỷ đồng;

- Phấn đấu hết năm 2022 hoàn thành Quy hoạch xây dựng vùng huyện đối với các huyện Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông; đến năm 2025: Có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về quy hoạch (tiêu chí số 1) theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

2. Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội

2.1. Giao thông: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn xã, hạ tầng giao thông kết nối liên xã, liên huyện; đầu tư, nâng cấp 169,7 km đường xã, đường liên xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 737,4 km đường trục xóm và đường liên xóm; 839,6 km đường giao thông ngõ xóm; 479,6 km đường giao thông nội đồng. Tổng nhu cầu vốn khoảng 3.918,2 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025: Có 186/196 (95%) xã đạt tiêu chí về giao thông (tiêu chí số 2) theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới.

2.1. Thủy lợi: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi (trạm bơm, hồ chứa, đập dâng, hệ thống kênh mương,..) để cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, đảm bảo hệ thống thủy lợi liên xã phù hợp với hệ thống thủy lợi của các xã theo quy hoạch; cải tạo, nâng cấp hệ thống 112 công trình (hồ, đập, kè, trạm bơm); 359,4 km kênh mương cấp xã và một số công trình thủy lợi đầu mối. Tổng nhu cầu kinh phí khoảng 493,5 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 194/196 (99%) xã đạt tiêu chí về thủy lợi và phòng, chống thiên tai (tiêu chí số 3).

2.3. Về điện nông thôn: Cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện theo hướng an toàn, ổn định và đảm bảo mỹ quan; xây mới, nâng cấp, sửa chữa 76 trạm biến áp hạ thế; tổng nhu cầu vốn khoảng 76 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về Điện (tiêu chí số 4).

2.4. Cơ sở vật chất giáo dục: Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các công trình đảm bảo cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cấp xã theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xây dựng hoàn chỉnh các công trình đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; trong đó thực hiện cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 518 trường học các cấp; tổng nhu cầu vốn khoảng 2.009,7 tỷ đồng. Phấn đấu đến hết năm 2025 có 176/196 (đạt 90%) xã đạt tiêu chí về trường học (tiêu chí số 5).

2.5. Cơ sở vật chất văn hóa: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao cấp xã, khu dân cư; chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống các nhà văn hóa ở các khu dân cư, từng bước trang bị đầy đủ các dụng cụ vui chơi, thể dục thể thao cho trẻ em và người cao tuổi: cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 159 nhà văn hóa xã, 518 nhà văn hóa, khu thể thao ở các khu dân cư. Tổng nhu cầu vốn khoảng 410,7 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 176/196 (90%) xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6).

2.6. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: Đầu tư cải tạo, nâng cấp, đổi mới về không gian, môi trường và phương thức kinh doanh các chợ truyền thống; phát triển các cửa hàng tiện ích đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu giao thương, mua, bán, tiêu thụ các loại nông sản của người dân: xây mới, cải tạo, nâng cấp 85 chợ. Tổng nhu cầu vốn 301,6 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tiêu chí số 7).

2.7. Hệ thống thông tin và truyền thông: Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, phục vụ cho quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, trong đó: Nâng cấp hệ thống thiết bị công nghệ thông tin mạng nội bộ (LAN) theo tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống một cửa điện tử hiện đại, nâng chất lượng kỹ thuật và công nghệ dịch vụ công trực tuyến tại các xã, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, trong đó tiếp tục phát triển, nâng cấp các đài truyền thanh xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đảm bảo tối thiểu đáp ứng 80% các khu, thôn có hệ thống loa hoạt động; duy trì các điểm cung cấp dịch vụ truyền thông đa phương tiện tại các điểm phục vụ bưu chính nhằm nâng cao khả năng phục vụ người dân tiếp cận các dịch vụ công, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ báo chí, xuất bản và các dịch vụ thông tin và truyền thông khác: Đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống một cửa hiện đại cho 39 xã; nâng cấp đài truyền thanh cơ sở có ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông 27 xã; nâng cấp 88 điểm phục vụ bưu chính. Tổng nhu cầu vốn khoảng 73,4 tỷ; phấn đấu đến năm 2025 có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông (tiêu chí số 8).

2.8. Nhà ở dân cư: Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo ao, vườn, sân, ngõ để đảm bảo tiêu chí về nhà ở dân cư theo quy định; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà cho các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo theo quy định,… Phấn đấu đến năm 2025 có 176/196 (90%) xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư (tiêu chí số 9).

3. Về Kinh tế và tổ chức sản xuất

- Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung chỉ đạo phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh để tạo ra giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp: Tiếp tục trồng mới đảm bảo tổng diện tích bưởi đạt khoảng 5,5 nghìn ha; ổn định diện tích chè khoảng 15,7 nghìn ha, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chè Phú Thọ; mở rộng 1,0-1,2 nghìn ha diện tích chuối, nâng diện tích vùng tập trung đạt 4,8 - 5,0 nghìn ha; mở rộng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao chiếm khoảng 60% diện tích gieo cấy, duy trì vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tập trung, gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa, chiếm tỷ trọng cao, duy trì quy mô đàn lợn khoảng 760 nghìn con, tổng đàn gà 13,5 triệu con, phát triển nâng quy mô đàn bò đạt 117 - 118 nghìn con. Rà soát xác định cơ cấu cây trồng lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên để đưa vào sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả, phát triển một số cây trồng có lợi thế như: Quế, dược liệu,... phát triển mạnh sản xuất rừng gỗ lớn, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích rừng cây gỗ lớn khoảng 20 nghìn ha, trong đó vùng sản xuất tập trung 10 nghìn ha (trên địa bàn các huyện Tân Sơn 4 nghìn ha, Thanh Sơn 4 nghìn ha, Yên Lập 2 nghìn ha). Tập trung chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất thủy sản theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo diện tích nuôi thủy sản trên 10 nghìn ha; trong đó, diện tích chuyên nuôi thủy sản 5,6 nghìn ha (diện tích nuôi thâm canh đạt 2.735 ha);

- Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng khoảng 50 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đang có ở các địa phương; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản;

- Tăng cường phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của tỉnh theo Chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP Phú Thọ, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình nông thôn mới thời gian tới. Phấn đấu đến hết năm 2025, có từ 228 - 282 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên;

- Phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn, trải nghiệm vùng cây ăn quả, các đồi chè đẹp….); hình thành các trung tâm phát triển văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch nông thôn;

- Tiếp tục thành lập mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất nhất là hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác. Phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới từ 15-20 HTX/năm, thành lập 1-2 Liên hiệp HTX, số HTX hoạt động hiệu quả trên 80%, tỷ lệ HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình tiên tiến trên 10%. Ưu tiên nguồn vốn để hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thuê lại ruộng đất của người dân hoặc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để hình thành vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị với phương châm “Doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, hộ gia đình là hạt nhân”;

- Thực hiện tốt chính sách hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bản tỉnh và chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo các chính sách của Trung ương và của tỉnh;

- Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý số vùng sản xuất nông nghiệp với mục tiêu hoàn thiện phần mềm quản lý dữ liệu sản phẩm nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và kết nối tiêu thụ trên không gian mạng;

- Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu của thị trường, HTX và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ nông thôn;

Tổng nhu cầu vốn sự nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 167/196 (85%) xã đạt tiêu chí về thu nhập (tiêu chí số 10); có 176/196 (90%) xã đạt tiêu chí về hộ nghèo đa chiều (tiêu chí số 11); có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về lao động (tiêu chí số 12); có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13).

4. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân

- Củng cố, phát triển toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa và từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Duy trì kết quả phổ cập mầm non, tiểu học, THCS; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia gắn với quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đến năm 2025 có >95% số trường đạt chuẩn quốc gia. Tổng nhu cầu vốn khoảng 500 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025: Có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 14);

- Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng dự phòng tích cực và chủ động; bảo đảm mọi người dân được khám, chữa bệnh ban đầu và cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản; đến năm 2025, tỷ lệ giường bệnh đạt 50 giường/vạn dân; 100% số trạm y tế được kiên cố hóa; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số - kế hoạch hóa gia đình, tăng cường đầu tư thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; phấn đấu tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống 10%. Tổng nhu cầu vốn khoảng 100 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 196/196 (100%) xã đạt tiêu chí về y tế (tiêu chí số 15).

5. Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Phát triển mạnh văn hóa, thể thao, báo chí, phát thanh, truyền hình, tạo nền tảng để Phú Thọ trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng để đến năm 2025 có 41% dân số luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đến năm 2025, toàn tỉnh có 89% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 75% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 80% số phường, thị trấn trở lên đạt chuẩn đô thị văn minh. Tổng nhu cầu vốn khoảng 150 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 186/196 (95%) xã đạt tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 16).

6. Cải thiện môi trường sống ở nông thôn

Tập trung xây dựng hệ thống cấp nước sạch, trong đó ưu tiên xây dựng và nâng cấp hệ thống các công trình cấp nước sạch tập trung và khuyến khích nhân dân xây dựng các công trình, thiết bị xử lý nước theo tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh, nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan: sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; xây dựng, tổ chức, hướng dẫn thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác, đặc biệt là phân loại rác thải tại nguồn; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải và chất thải; thúc đẩy công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, làng nghề, chất thải rắn và nước thải sinh hoạt; cải tạo nghĩa trang phù hợp với cảnh quan môi trường, xây dựng mới và mở rộng các cơ sở mai táng, hỏa táng phải phù hợp với các quy định và quy hoạch; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm môi trường tại các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; cải thiện vệ sinh hộ gia đình. Tổng nhu cầu vốn khoảng 250 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 167/196 (85%) xã đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17).

7. Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Bộ Nội vụ; thực hiện tốt các giải pháp về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội; đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý, giải quyết hòa giải những mâu thuẫn ở khu vực nông thôn,... Tổng nhu cầu vốn khoảng 50 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 167/196 (85%) xã đạt tiêu chí về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật (tiêu chí số 18).

8. Đảm bảo quốc phòng và an ninh trật tự

Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị, an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết dứt điểm những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, nhất là tranh chấp, khiếu kiện liên quan đền bù giải phóng mặt bằng triển khai các dự án ở địa bàn xã. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp, kế hoạch, chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tập trung trấn áp các tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng vũ khí, tội phạm giết cướp, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên; tội phạm ma túy, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, hàng giả, mua bán người. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn. Tổng nhu cầu vốn khoảng 30 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025 có 167/196 (85%) xã đạt tiêu chí về quốc phòng, an ninh (tiêu chí số 19).

IV. GIẢI PHÁP TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

- Kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình và hệ thống bộ máy giúp việc các cấp, nhất là bộ máy Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, quy tụ được những cán bộ tâm huyết để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, đề xuất, hướng dẫn triển khai Chương trình trên địa bàn tỉnh;

- Kịp thời tham mưu, ban hành hệ thống các văn bản để hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; UBND các cấp khẩn trương xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp; thường xuyên ban hành các nghị quyết, chỉ thị, thông tri để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện,...

- Tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về thực hiện Chương trình với phương châm “Xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” do đó phải thực chất, lấy việc nâng cao đời sống của người dân làm mục tiêu; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, cần phải kiên trì, tập trung cao lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động

- Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch Truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (số 2433/KH-UBND ngày 30 tháng 6 năm 2022);

- Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới cách thức, phương thức công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân, như: tổ chức thăm quan học tập trong và ngoài tỉnh về xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức các cuộc thi, hội thi về nông thôn mới, đồng thời duy trì các chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, các tập san của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh, hình thành các trang tuyên truyền trên các mạng xã hội,... để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể của họ, để xây dựng nông thôn mới trở thành ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người dân.

3. Rà soát, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông thôn gắn với thực hiện Chương trình

Rà soát ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh về khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là chính sách về hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để người nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

4. Tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện Chương trình

Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một trong khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, do vậy cần tập trung huy động, lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021-2030), nguồn thu từ thu tiền sử dụng đất do cấp huyện, xã được hưởng, nguồn thu từ xổ số kiến thiết và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn,… để đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng viễn thông, cơ sở vật chất giáo dục, y tế, các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư,…đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

5. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình

- Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình đảm bảo thường xuyên, liên tục. Hằng năm, cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác lãnh đạo xây dựng NTM ở các địa phương, nhất là tại các xã, khu phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có kế hoạch và hướng dẫn cụ thể trong hệ thống để thực hiện tốt vai trò giám sát các nội dung xây dựng NTM theo quy định;

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh với vai trò cơ quan chủ trì, điều phối các hoạt động của Chương trình chủ động thực hiện công tác kiểm tra, giám sát gắn với các hoạt động nghiệp vụ như công tác xây dựng kế hoạch hằng năm, tham mưu phân bổ vốn, sử dụng kinh phí sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo phát triển sản xuất, công nhận xã đạt chuẩn,…

6. Phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới

Chú trọng công tác thi đua khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tổng kết phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”; xây dựng, phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để khơi dậy sự nhiệt huyết trong mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, mọi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với mỗi cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.

V. VỀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

1. Dự kiến nhu cầu nguồn lực: Tổng nhu cầu nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 13.508,5 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển: 10.397,2 tỷ đồng (đã bao gồm 441,4 tỷ đồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2020), tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân (giao thông, trường học, y tế, các công trình nước sạch, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường) để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí về khu, xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, cụ thể:

Đối với 44 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới: 1.874,7 tỷ đồng;

Đối với 03 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới: 325,5 tỷ đồng;

Đối với 26 xã nông thôn mới nâng cao: 1.208,5 tỷ đồng;

Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu: 209,5 tỷ đồng;

Đối với các xã còn lại: 4.633,7 tỷ đồng;

Đối với các huyện đã đạt chuẩn và còn lại: 1.704,3 tỷ đồng.

- Vốn sự nghiệp: 3.111,3 tỷ đồng: Hỗ trợ công tác quy hoạch, quản lý điều hành, thông tin tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường,... cụ thể:

Quy hoạch: 85,3 tỷ đồng;

Quản lý, điều hành: 30 tỷ đồng;

Truyền thông trong xây dựng nông thôn mới: 35 tỷ đồng;

Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực trong xây dựng nông thôn mới: 20 tỷ đồng;

Hỗ trợ phát triển sản xuất: 1.500 tỷ đồng;

Các nội dung khác (phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường,...): 1.441 tỷ đồng.

(Chi tiết tại biểu số 07 kèm theo)

2. Dự kiến cơ cấu huy động nguồn lực: Tổng nguồn lực dự kiến huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 13.508,5 tỷ đồng, tăng 26,3% so với kết quả thực hiện của giai đoạn 2016-2020, cụ thể như sau:

2.1. Vốn ngân sách Trung ương: Khoảng 4.295 tỷ đồng, chiếm 31,8%.

- Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình là 1.266,0 tỷ đồng; trong đó:

Vốn đầu tư phát triển 1.016,0 tỷ đồng; ưu tiên hỗ trợ các xã, huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, như: Giao thông, thủy lợi, trường học, nước sạch, môi trường, thực hiện các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới,...

Vốn sự nghiệp 250,0 tỷ đồng: hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; triển khai Chương trình OCOP; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn; hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế; thực hiện các chương trình chuyên đề; công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra giám sát kết quả thực hiện Chương trình,...

- Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ qua 02 chương trình mục tiêu quốc gia là 2.231 tỷ đồng: Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi là 1.927 tỷ đồng (vốn ĐTPT 958 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 969 tỷ đồng), Chương trình giảm nghèo bền vững là 302 tỷ đồng (vốn ĐTPT là 12,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 291 tỷ đồng). Lồng ghép để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, sự nghiệp văn hóa, y tế và môi trường,...

- Vốn hỗ trợ từ các chương trình có mục tiêu là khoảng 800 tỷ đồng (vốn ĐTPT khoảng 300 tỷ, vốn sự nghiệp khoảng 500 tỷ).

2.2. Vốn ngân sách tỉnh lồng ghép thực hiện Chương trình là khoảng 3.181 tỷ đồng, chiếm 23,5%.

- Vốn đầu tư phát triển khoảng 2.231 tỷ đồng, trong đó:

Vốn đầu tư phát triển cân đối ngân sách tỉnh dự kiến khoảng 1.750 tỷ đồng (350 tỷ/năm). Hỗ trợ các xã, huyện tập trung phát triển các tiêu chí về hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất giáo dục, nước sạch, y tế, môi trường;

Vốn xổ số kiến thiết 110 tỷ đồng (bình quân khoảng 22 tỷ đồng/năm), ưu tiên hỗ trợ nâng cao chất lượng cơ sở vật chất giáo dục;

Vốn vay ODA dự kiến khoảng 271 tỷ đồng (Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả là 46 tỷ đồng, Dự án đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn là 234 tỷ đồng, 02 Dự án cấp điện nông thôn 91 tỷ đồng). Thực hiện theo các hiệp định đã ký kết, dự kiến hỗ trợ cho phát triển hệ thống nước sạch, thủy lợi, y tế, phát triển hạ tầng nông nghiệp.

- Vốn sự nghiệp khoảng 950 tỷ đồng (bình quân khoảng 190 tỷ/năm), gồm có: Vốn sự nghiệp giáo dục vào đào tạo 400 tỷ đồng, bình quân khoảng 80 tỷ/năm (hỗ trợ các trường THPT chi bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công, mua sắm tài sản khoảng 30 tỷ/năm; mua sắm thiết bị dạy học thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông mới khoảng 40 tỷ/năm; hỗ trợ các trường đạt chuẩn quốc gia 10 tỷ/năm); hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của tỉnh khoảng 300 tỷ (60 tỷ/năm); kinh phí sự nghiệp xây dựng các mô hình nông nghiệp 50 tỷ (10 tỷ/năm); kinh phí hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn 200 tỷ (40 tỷ/năm),...

2.3. Vốn ngân sách huyện, xã là 1.000 tỷ (200 tỷ/năm), chiếm 7,4%. Bao gồm vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách huyện, xã và nguồn kinh phí đấu giá đất được để lại cho huyện, xã xây dựng nông thôn mới. Tập trung để đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất giáo dục, nước sạch, y tế, môi trường,...

2.4. Vốn tín dụng là 3.832,5 tỷ đồng, chiếm 28,3%. Thực hiện đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

2.5. Vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác là 500 tỷ đồng, chiếm 3,7%. Khuyến khích các doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư chế biến nông lâm, thủy sản và dịch vụ nông thôn.

2.6. Vốn cộng đồng dân cư là 700 tỷ đồng, chiếm 5,2%. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật liệu xây dựng trong quá trình tu sửa, đầu tư xây dựng các công trình: Đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa, kênh mương thủy lợi, trường học,...

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh

- Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện toàn diện về các nội dung của Chương trình, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị;

- Tiếp tục tham mưu, phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, các đồng chí là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình MTQG của tỉnh tham gia cùng với cấp ủy chính quyền địa phương theo dõi, trực tiếp chỉ đạo các xã phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới; xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan chủ trì Chương trình)

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tham mưu giúp Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hằng năm và giai đoạn, báo cáo Ban Chỉ đạo;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, liên quan tham mưu các chính sách mới và các giải pháp thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 có hiệu quả, đảm bảo kế hoạch đề ra;

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ và giám sát tình hình thực hiện vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung hỗ trợ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh

- Đối với các sở, ban, ngành được giao phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch, chương trình, các đề án, dự án cụ thể, lồng ghép các chương trình, dự án của đơn vị để tổ chức thực hiện hoàn thành tiêu chí theo tiến độ của kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của chương trình đối với lĩnh vực đơn vị phụ trách; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc tổ chức thực hiện ở cấp huyện, xã; báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn được phân công chỉ đạo.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan tổng hợp, cân đối, lồng ghép và phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình theo kế hoạch; hướng dẫn thực hiện cơ chế đầu tư, cơ chế lồng ghép nguồn lực đối với các công trình, dự án đầu tư xây dựng thuộc Chương trình; theo dõi, hướng dẫn và chỉ đạo xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

- Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nội dung về cơ chế, chính sách tài chính của Chương trình; tổng hợp, thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện Chương trình theo quy định.

- Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Thọ: Hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định, các chính sách ưu đãi tín dụng của Nhà nước cho Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

- Báo Phú Thọ, Đài PT-TH tỉnh: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền phục vụ cho chương trình; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Chỉ đạo toàn diện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; kiện toàn bộ máy giúp việc Ban chỉ đạo cấp huyện, xã phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và cá nhân gắn với việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; huy động, bố trí chủ động lồng ghép các nguồn lực;

- Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và hàng năm trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch của tỉnh;

- Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã rà soát, lập quy hoạch xây dựng nông thôn theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đạt kết quả; hàng năm chỉ đạo UBND các xã đăng ký kế hoạch và xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới;

- Tăng cường chỉ đạo lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn; phát huy nội lực, đẩy mạnh huy động nguồn lực từ các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư kết hợp với nguồn kinh phí được hỗ trợ để thực hiện đầu tư xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình tại các xã trên địa bàn; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh hàng quý, 6 tháng, 1 năm.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh: Chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện chương trình; duy trì và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tham gia giám sát quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị có liên quan, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên BCĐ các CTMTQG tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành; tổ chức đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- CVNCTH;
- Lưu: VT, TH6, NN1.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

 

 



[1] Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh huy động 11.026 tỷ đồng, đạt 168,8% kế hoạch; trong đó: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 1.863 tỷ đồng, chiếm 16,9%; vốn ngân sách địa phương lồng ghép 2.934,1 tỷ đồng, chi ếm 26,6%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 2.872,8 tỷ đồng, chiếm 26,0%; vốn tín dụng 1.923,2 tỷ đồng, chiếm 17,4%; vốn từ các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức kinh tế 625,1 tỷ đồng, chiếm 5,7%; vốn cộng đồng dân cư 807,9 tỷ đồng, chiếm 7,3%;

[2] Phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp chỉ đạo từng xã xây dựng nông thôn mới; phân công trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện từng tiêu chí nông thôn mới; ban hành quy định thưởng các xã đạt chuẩn nông thôn mới; chủ động giao cho cộng đồng dân cư xây dựng các công trình phù hợp với năng lực, nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo việc làm, nâng cao thu nhập; hỗ trợ xi măng xây dựng các công trình nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng khu dân cư nông thôn mới.

[3] Huyện Đoan Hùng tăng 9 xã (gồm: Yên Kiện, Vụ Quang, Phú Lâm, Ca Đình, Tiêu Sơn, Minh Lương, Hợp Nhất, Minh Phú, Vân Đồn); huyện Cẩm Khê tăng 8 xã (gồm: Hương Lung, Minh Tân, Văn Khúc, Thụy Liễu, Tùng Khê, Chương Xá, Yên Tập, Phú Khê); huyện Hạ Hòa tăng 7 xã (gồm: Minh Hạc, Bằng Giã, Lang Sơn, Vĩnh Chân, Hiền Lương, Xuân Áng, Vô Tranh); huyện Tam Nông tăng 6 xã (gồm: Lam Sơn, Vạn Xuân, Quang Húc, Hiền Quan, Thọ Văn, Dị Nậu); huyện Phù Ninh tăng 5 xã (gồm: Trạm Thản, An Đạo, Liên Hoa, Phù Ninh, Bảo Thanh); huyện Thanh Ba tăng 4 xã (gồm: Hanh Cù, Hoàng Cương, Mạn Lạn, Quảng Yên); huyện Yên Lập tăng 2 xã (gồm: Lương Sơn, Đồng Thịnh); huyện Thanh Sơn tăng 2 xã (gồm: Cự Thắng, Võ Miếu); huyện Tân Sơn tăng 01 xã (Văn Luông).

[4] Huyện Lâm Thao 4 xã (Cao Xá, Vĩnh Lại, Sơn Vi, Thạch Sơn); huyện Thanh Thủy 3 xã (Xuân Lộc, Đoan Hạ, Bảo Yên); huyện Thanh Ba 3 xã (Thanh Hà, Đồng Xuân, Đồng Thành); thành phố Việt Trì 3 xã (Hùng Lô, Sông Lô, Thanh Đình); thị xã Phú Thọ 2 xã (Văn Lung, Thanh Minh); huyện Phù Ninh 2 xã (Bình Phú, Trung Giáp); huyện Cẩm Khê 2 xã (Minh Tân, Hùng Việt); huyện Tam Nông 2 xã (Hương Nộn, Dân Quyền); huyện Đoan Hùng 1 xã (Tây Cốc); huyện Hạ Hòa 1 xã (Ấm Hạ); huyện Thanh Sơn 1 xã (Địch Quả); huyện Tân Sơn 1 xã (Minh Đài); huyện Yên Lập 1 xã (Hưng Long).

[5] Huyện Thanh Ba 02 xã (Đông Thành, Thanh Hà); huyện Cẩm Khê 01 xã (Hùng Việt); huyện Thanh Thủy 01 xã (Đoan Hạ); thành phố Việt Trì 01 xã (Sông Lô).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2870/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Phú Thọ ban hành

  • Số hiệu: 2870/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản